Luật sư: “Nên cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn ở mức độ nhất định dựa trên căn cứ khoa học”
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Thảo luận tại nghị trường, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định này.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, đã có sự thay đổi quan điểm về chính sách xử lý vi phạm đối với nồng độ cồn khi tham gia giao thông từ luật giao thông đường bộ đến Luật phòng chống tác hại rượu bia đang áp dụng hiện nay.
Thực tiễn cho thấy vẫn có hai quan điểm khác nhau, một là cho phép nồng độ cồn của người tham giao thông ở một mức độ nhất định và hai là cấm tuyệt đối, không cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn bất kỳ mức độ nào.
Luật sư Cường cho rằng, từ khi Luật phòng chống tác hại rượu bia được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì quan điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông ở Việt Nam đã thay đổi. Thời gian áp dụng văn bản pháp luật này cũng chưa lâu, bởi vậy để sửa đổi quy định về mức độ tối thiểu nồng độ cồn thì cũng cần phải tổng kết thực tiễn, phân tích trên cơ sở khoa học từ sự tác động chính sách này đến xã hội để có quyết định phù hợp.
“Cần phải căn cứ vào các số liệu về các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn để xác định thường là những người vi phạm giao thông gây tai nạn thì nồng độ cồn ở mức nào? Có những trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn ở mức độ nhẹ, mức độ nồng độ cồn không nhiều nhưng cũng dẫn đến mất kiểm soát gây tai nạn giao thông hay không? Ngoài ra cũng cần đánh giá hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh rượu bia, nước giải khát, các cơ sở kinh doanh về thực phẩm, về nhà hàng, ẩm thực, du lịch đã bị tác động như thế nào đối với quy định nói không với nồng độ cồn?”, luật sư Cường nêu ra những vấn đề cần được giải đáp.
Bên cạnh đó, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra vấn đề cần phải đánh giá tổng thể giữa những ưu điểm và hạn chế, những cái đã làm được và những tác động tiêu cực đối với xã hội để điều chỉnh chính sách, thay đổi pháp luật cho phù hợp. Nếu trong trường hợp Luật trật tự an toàn giao thông mà quy định nồng độ cồn cho phép ở một mức độ nhất định thì nội dung này là mâu thuẫn với luật phòng chống tác hại rượu bia hiện nay và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Vì vậy sẽ phải sửa đổi Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật giao thông đường bộ và một số văn bản khác có liên quan cho phù hợp.
“Việc quy định cấm tuyệt đối hay không phụ thuộc vào tổng kết thực tiễn áp dụng Luật phòng chống tác hại rượu bia, căn cứ vào tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam và học tập kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, về mặt chính sách thì không nên thay đổi liên tục, thay đổi thường xuyên trong thời gian ngắn để tránh những tác động, xáo trộn không cần thiết trong đời sống xã hội”, luật sư Cường phân tích.
Ngoài ra, việc thay đổi chính sách đối với quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tác hại rượu bia, luật sư cho rằng cũng cần có ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia y tế. Đặc biệt là phải có đánh giá về mức độ tác hại rượu bia đến đâu với người tham gia giao thông khi chỉ có một lượng nhỏ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Cùng với đó, cần đánh giá mức độ mất an toàn với người tham gia giao thông ở khía cạnh khoa học với mức độ nồng độ cồn. Nếu các chuyên gia y tế cho rằng ở một mức định độ nồng độ cồn nhất định, mức độ cho phép, người tham gia giao thông vẫn đảm bảo an toàn thì khi đó nên có sự thay đổi cho phù hợp và đảm bảo tính khoa học.
CSGT Hà Nội tiến hành đo nồng độ cồn trên phố Yên Phụ tối ngày 27/11. Clip: Gia Khiêm
“Việc quy định nồng độ cồn ở mức độ nào có thể tác động ảnh hưởng đến ý thức, khả năng điều khiển phương tiện giao thông thì cần phải có tính toán bằng những con số, trên cơ sở khoa học chứ không thể theo cảm tính, suy luận mang tính chủ quan của cá nhân. Thực tế cho thấy, có những người uống rượu bia từ hôm trước, hôm sau vẫn có nồng độ cồn hoặc có những người ăn trái cây lên men, rượu nếp hoặc một số thực phẩm lên men cũng có nồng độ cồn… Tuy nhiên không phải trường hợp nào những người này cũng bị ảnh hưởng về tâm lý sức khỏe thì nên cho tham gia giao thông”, luật sư Cường nêu.
Bởi vậy, luật sư cho rằng khi bị xử phạt vi phạm hành chính vì vi phạm nồng độ cồn thì những người trong trường hợp này thường “ấm ức” bởi họ đã có ý thức chấp hành và việc vi phạm nồng độ cồn là ngoài mong muốn.
“Theo quan điểm cá nhân tôi thì nên quy định cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn ở mức độ nhất định dựa trên căn cứ khoa học, khi vi phạm nồng độ cồn ở một mức vượt quá ngưỡng quy định thì mới xử phạt vi phạm hành chính giống như quy định trong luật giao thông đường bộ trước đây. Ngoài ra, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì cũng cần tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức mất kiểm soát.”, luật sư Cường cho biết thêm.
“Câu chuyện về xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình”
Liên quan đến vấn đề này, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay, việc vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông. Chính vì thế, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CAND, trọng tâm là lực lượng CSGT phải đấu tranh, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm.
“Việc này được quần chúng nhân dân ủng hộ, câu chuyện về ‘xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình’, mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó sẽ dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia”, đại tá Nhật chia sẻ.
Trước các lo ngại của một số ít đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định cấm điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, đại tá Nhật cho rằng, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
“Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định này trên trong thực tế”, đại tá Nhật nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng việc quy định nồng độ cồn 0% trong máu và hơi thở liệu có cứng nhắc không khi người dân, theo thói quen, tuy không uống rượu, bia nhưng cũng có những loại thực phẩm, đồ uống có lên men như hoa quả, rượu nếp?
Đại tá Nhật cho rằng, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đòi hỏi sức khỏe, sự tập trung, tâm lý tốt, vì đây là việc điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ (được quy định trong Bộ luật dân sự), tiềm ẩn các nguy cơ cao về TNGT, đòi hỏi phải có sự an toàn.
“Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã có những nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể mới quy định tại khoản 6 Điều 5 (bãi bỏ khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008). Không chỉ rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác cũng bị cấm; ngay cả đối với một số loại thuốc tân dược, trong khuyến cáo sử dụng thuốc và yêu cầu y lệnh của bác sĩ cũng khuyến cáo việc uống thuốc không được lái xe hoặc điều hành máy móc…”, đại tá Nhật nói thêm.