Nạn Đói Năm 1945 Ở Việt Nam: Những Chứng Tích Lịch Sử

Bức tranh lịch sử của Việt Nam ở thời điểm đen tối nhất này sẽ được phân tích rất rõ trong cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử”.

Thời điểm Thế chiến thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, tại Việt Nam đang xảy ra một trong những sự kiện thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc: Nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã lấy đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt. Đây không chỉ là sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, mà còn là một trong những nạn đói kinh hoàng nhất từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, một vết sẹo trong ký ức dân tộc.

 Tiếp theo cuốn sách “Thế chiến thứ hai” của sử gia Antony Beevor; Omega+ hợp tác NXB Chính trị Quốc gia tái bản cuốn sách về sự kiện này, cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử”. Điều đặc biệt, cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết: GS. Văn Tạo & GS. Furuta Motoo, dựa trên lượng tư liệu đồ sộ và các phân tích khoa học – như một cử chỉ “bắt tay” trong hiện tại để cùng bình tĩnh nhìn lại quá khứ. Một quá khứ không giữ để hận thù nhưng cũng không thể cứ thế mà quên lãng.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp- Đức, Người viết “Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” (Trích Hồ Chủ Tịch hô hào chống nạn đói năm 1945).

Cho đến nay, đã hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhân dân Việt Nam, nạn chết đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên. Ở đâu người ta cũng nhìn thấy xác người chết đói. Trong 70 năm qua, những hố chôn người tập thể vẫn là nỗi đau đớn, ám ảnh khôn nguôi của biết bao thế hệ. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn giữ lại hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người trên những phố Hà Nội buổi sáng sớm, hình ảnh người nằm chết la liệt ở khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…

Bức tranh lịch sử của Việt Nam ở thời điểm đen tối nhất này sẽ được phân tích rất rõ trong cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử”. Đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 – 1994, 1994 – 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Các tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam; đã làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói; nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Tác phẩm nhằm cung cấp cho độc giả một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử. 

Theo con số ghi chép từ cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử” của GS. Văn Tạo và GS. Furuta Moto, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải- Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66 % số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ.

Về thảm trạng chết đói: Dưới đây là bức thư của Vespy tháng 4-1945, viết về cảnh chết đói mà ông được chứng kiến: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy, ngay cả đến những thiếu nữ đã đến tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thực lấy làm xấu hổ thay cho cái kiếp con người”.

Còn về con số người chết đói ở các địa phương thì trong 50 năm qua có khá nhiều đến nỗi tới nay vẫn chưa tìm hết được. Người ta đọc được khá nhiều trên báo chí công khai thời đó. Đơn cử một lượng tin khá cập nhật bấy giờ mà nhiều người biết đến.

Trên báo Thanh Nghị số 110 ra ngày 25-5-1945, tác giả bài báo, ký tên là Phạm Gia Xích viết: “… Riêng một làng Thượng Cẩm, thuộc phủ Thái Ninh, tỉnh Nam Định, năm ngoái có 900 suất đinh thì tính đến hôm 29-5 năm nay, chết chỉ còn 400, và tính cả nam, phụ, lão, ấu thì trong làng ngót 4.000 người, chết đói mất 2.000 người…”

Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Công bố lần đầu vào năm 1995, đến nay đã gần 30 năm, cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử” vẫn còn nguyên giá trị.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và những hậu quả của nó có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lịch sử để tìm hiểu về hiện thực lịch sử đã diễn ra mà còn có tác dụng đối với việc lên án những tội ác của chủ nghĩa phátxít, sự tàn bạo của chiến tranh và tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

VỀ TÁC GIẢ

– GS. VĂN TẠO: Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam từ năm 1980 đến năm 1989. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Văn Tạo đã để lại một sự nghiệp khoa học khá đồ sộ với gần một trăm cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên hay tham gia biên soạn, hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí, trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

– GS. FURUTA MOTOO: Viện trưởng Viện Cao học Văn hóa tổng hợp kiêm Hiệu trưởng Trường ̣Đại cương, Đại học Tokyo; Phó Giám đốc Thường trực Đại học Tokyo; Giám đốc Thư viện, Đại học Tokyo; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật – Việt; Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á. Các giải thưởng mà ông nhận được gồm: Huy chương Hữu nghị (năm 1980); Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (năm 2012); Huân chương Hữu nghị (năm 2013).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *