nam-dinh:-nang-dong-phat-trien-nghe-truyen-thong

Nam Định: Năng động phát triển nghề truyền thống

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất rượu men lá Thanh Xuân của chị Trương Thị Huế, thôn Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) vào một ngày cuối tháng 5 nắng nóng. Mới đến đầu ngõ, mùi thơm ngọt của rượu ủ men lâu ngày bay khắp nhà, ”hấp dẫn” khách phương xa. Siêng năng, chịu khó, năng động, ham học hỏi đã giúp chị Huế phát triển thành công nghề ”truyền thống” của gia đình, địa phương, vươn lên làm giàu bền vững.

Tuân thủ nghiêm các quy trình nấu, ủ, chị Trương Thị Huế, thôn Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) đã tạo ra loại rượu men lá, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.

Sinh năm 1975, nhà nghèo, không có nhiều điều kiện để theo đuổi con đường học hành, ngoài 20 tuổi, chị Huế lập gia đình rồi sinh con. Hồi mới lập gia đình, 2 vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, mọi sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã. Tranh thủ những lúc nông nhàn, cả hai vợ chồng đều đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, không nề hà. “Lam lũ là vậy nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, tôi nghĩ nguyên nhân chính là do vợ chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định. Sau khi bàn bạc với chồng, tôi quyết định “khởi nghiệp” từ nghề nấu rượu gạo bởi đây là nghề truyền thống của thôn, tôi cũng “giỏi” nhất nghề này”, chị Huế chia sẻ về những ngày đầu mở xưởng nấu rượu. Nghĩ là làm, buổi tối tranh thủ thời gian rỗi, chị Huế bắt tay vào nấu rượu. Khi nấu rượu, chị còn tận dụng phần bã để chăn nuôi lợn. Quá trình nấu rượu, chị Huế còn tìm hiểu các vị thuốc Bắc để làm men thuốc Bắc nấu rượu. Sử dụng men rượu thuốc Bắc khi nấu rượu sẽ không chỉ cho ra hương vị rượu thơm ngon mà còn có công dụng giảm lượng độc tố andehit có trong rượu, người uống sẽ không bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đảm bảo sức khoẻ. Với cách nấu rượu mới, những sản phẩm rượu nấu bằng men thuốc Bắc của gia đình chị nhanh chóng được thị trường đón nhận, đánh giá cao.

Những năm 2015-2016, sau khi rượu nấu bằng men thuốc Bắc đã có dấu hiệu bão hoà, thông qua các bạn hàng trong hội rượu, chị Huế được giới thiệu về một loại men lá của đồng bào các dân tộc để nấu rượu. Càng tìm hiểu, chị Huế càng bị loại men này “thuyết phục”. Theo chị Huế, nếu sử dụng men lá trong quá trình ủ, nấu rượu thì sẽ cho ra loại rượu có hương vị thơm ngon, dễ uống, uống êm hơn và đặc biệt không bị đau đầu. Tuy nhiên, để tìm được loại men lá chuẩn, tốt cho sức khoẻ, chị Huế phải bỏ rất nhiều tâm sức. Chị lên mạng tìm đọc về các loại men lá, hỏi quy trình nấu, kinh nghiệm của những người trong hội bạn rượu. Chị còn tìm đến tận các bản làng xa xôi của đồng bào dân tộc ở một số tỉnh miền núi trung du phía Bắc học cách chế biến men. Tìm hiểu thực tế nhiều nơi, chị quyết định chọn loại men lá của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn để nhập về nấu rượu. Chị còn chọn những loại gạo thơm ngon nhất như nếp cái hoa vàng, gạo bắc thơm để nấu rượu men lá.

Để làm được một mẻ rượu men lá, quy trình nấu của chị rất kỳ công, qua nhiều bước khác nhau. Theo đó, sau khi chuẩn bị gạo, chị nấu thành cơm bằng nồi hơi chuyên dụng, làm nguội cơm, trộn men vào cơm và ủ. Thời gian ủ men từ 25-30 ngày rồi mới đem chưng cất. “Điểm riêng biệt, độc đáo trong quá trình nấu rượu men lá của tôi là được thực hiện theo quy trình kỹ thuật riêng, đặc biệt là kỹ thuật ủ men lên tới 30 ngày, kỹ thuật chưng cất 2 lần, xử lý rượu đầu và rượu cuối cũng như quy trình ngâm lưu tới 6 tháng để khử andehit trong rượu nên đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng”, chị Huế chia sẻ thêm. Tuân thủ đầy đủ các quy trình nấu, ủ rượu, sản phẩm rượu men lá của chị Huế nhanh chóng được thị trường đón nhận bởi giá cả phải chăng, rượu ngon, đảm bảo sức khoẻ. Nhãn hiệu rượu men lá Thanh Xuân của chị hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất là ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá và cả một số tỉnh vùng cao là quê hương của rượu men lá. Trung bình mỗi tháng, chị Huế xuất bán ra thị trường hàng nghìn lít rượu men lá. Năm 2022, rượu men lá Thanh Xuân đã đạt các tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài nấu rượu men lá, rượu thuốc Bắc, chị còn tìm hiểu thêm cách ngâm rượu với các loại hoa quả sạch như táo mèo, chuối hột, mận, mơ… để đa dạng hoá các sản phẩm rượu của gia đình.

Phát triển mạnh xưởng nấu rượu còn giúp chị mở rộng chăn nuôi. Từ năm 2017, chị Huế đã đầu tư thêm chuồng trại để nuôi thịt lợn sạch. Trong chuồng nhà chị lúc nào cũng có khoảng 25 con lợn cung cấp thịt  sạch cho thị trường. Hàng năm, trừ chi phí từ kinh doanh rượu và chăn nuôi, chị thu về khoảng 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Kinh doanh có lãi còn giúp chị tái đầu tư sản xuất một cách hiệu quả. Hiện, chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nhà xưởng rộng lớn với tổng diện tích lên đến 800m2. Ngoài ra, chị còn mua sắm được các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc nấu rượu trị giá lên đến hàng tỷ đồng.

Vượt qua hoàn cảnh không may mắn của bản thân, chồng mất sớm, nhà nghèo, một mình “gồng gánh” nuôi 3 con ăn học thành đạt, chị Trương Thị Huế giờ đã thành triệu phú. Từ nghề truyền thống của địa phương, chị Huế đã phát triển thành một thương hiệu rượu riêng, mở ra những hướng đi mới cho các chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn khởi nghiệp làm giàu./. 

Bài và ảnh: Hoa Xuân

Nguồn Báo Nam Định

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *