Không sợ xấu hổ
“Lấy cơm công ty mang về nhà ăn, liệu có mắc cỡ không?”, nam công nhân Nguyễn Đức Hòa (29 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương) mở đầu đoạn clip bằng lời dẫn khiến người xem tò mò.
Trong khi các công nhân khác đang ngồi ăn, anh Hòa múc cơm bỏ vào chiếc bình giữ nhiệt để mang về nhà.
“Chờ mọi người ăn gần xong, phần cơm còn dư ra mình mới xin một ít mang về. Lượng cơm mình chỉ lấy vừa đủ ăn, không gom quá nhiều. Vậy là nay về nhà có cơm, không phải nấu”, Hòa nói.
Đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, tranh cãi về việc nam công nhân mang cơm về nhà liệu có đúng đắn hay không.
Tài khoản T.P. băn khoăn: “Hành động này có bị xem là tự ý mang tài sản công ty về không? Đây là lần đầu tôi thấy có công nhân lấy cơm mang về”.
Bên cạnh ý kiến này, không ít tài khoản lên tiếng bênh vực.
“Cơm còn dư nếu không ai ăn cũng phải bỏ. Việc mang cơm thừa về sau khi đồng nghiệp đã ăn xong không có gì sai, lại tránh được việc lãng phí thức ăn, đặc biệt trong thời điểm công nhân đang gặp khó khăn”, tài khoản P.N. bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, anh Nguyễn Đức Hòa khẳng định, việc lấy cơm thừa mang về là bình thường ở nhà máy mà anh đang làm việc. Là công nhân tại đây từ năm 2014, anh Hòa nói, đây là việc anh thường xuyên làm.
“Thỉnh thoảng cũng có công nhân mang cơm thừa về nhà, nhưng đa số là chị em phụ nữ. Đây là cách để tôi tiết kiệm chi phí, bằng việc chỉ ăn ở nhà, tự chế biến thức ăn bằng thực phẩm giá rẻ”, anh Hòa chia sẻ.
Mặc dù việc mang cơm về nhà chỉ giúp giảm được khoản chi tiêu nhỏ hằng tháng nhưng với anh Hòa, điều đó rất có ý nghĩa trong bối cảnh nhà máy cắt giảm giờ làm, thu nhập không còn như trước.
“Trước đây lương của tôi là 8 triệu đồng/tháng, giờ chỉ còn 6 triệu. Sắp tới, tình hình có lẽ còn khó khăn nữa vì yêu cầu công việc ngày càng khắt khe trong khi lương vẫn không tăng”, nam công nhân bộc bạch.
Thắt chặt chi tiêu, kiếm thêm thu nhập
Để bám trụ TPHCM trong khoảng thời gian bị cắt giảm giờ làm, công nhân không ngại làm thêm nhiều công việc khác nhau và gói ghém chi tiêu trong gia đình.
Chị Cao Thị Diệu (35 tuổi, quê tại Thanh Hóa) là công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, TPHCM. Vào năm học mới, để tiết kiệm, chị đã phải “cắt” sữa của con. Bữa ăn mỗi ngày cũng chỉ còn các món đơn giản.
Bên cạnh đó, không ít công nhân nảy ra ý tưởng sản xuất nội dung trên mạng xã hội với những đoạn clip ghi lại cuộc sống thường nhật của công nhân để kiếm thêm thu nhập.
Kênh Tiktok Hiền Trang TV của hai chị em Trần Thị Thu Trang (23 tuổi, ngụ tại tỉnh Trà Vinh) và Trần Thị Thu Hiền (28 tuổi) có 38.000 tài khoản theo dõi.
Trong đó, có đoạn clip đạt 1,5 triệu lượt xem. Nội dung video của Hiền và Trang ghi lại công việc, sinh hoạt một ngày của công nhân, dạy cách nấu ăn siêu tiết kiệm… với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm.
Nhờ sự mộc mạc, chân thật, hai chị em luôn nhận được sự ủng hộ với những bình luận tích cực từ cộng đồng mạng. Công việc “tay trái” này giúp hai chị em có thêm khoản thu nhập 1-5 triệu đồng mỗi tháng.
“Thu nhập đến từ 3 nguồn, gồm chạy quảng cáo cho các nhãn hàng, tự mở kênh bán hàng hoặc nhận quà chuyển đổi thành tiền mặt trên sóng trực tiếp”, Hiền nói.
Tương tự, nam công nhân Huỳnh Ngọc Bảnh (29 tuổi, quê tại tỉnh Hậu Giang, làm công nhân ở Bình Dương) có kênh Tiktok hơn 365.000 tài khoản theo dõi và 6,5 triệu lượt thích cho tổng các video đã đăng tải.
Một triệu đồng là thu nhập đầu tiên của anh Bảnh nhờ đoạn clip quảng cáo cho nhãn hàng thực phẩm nổi tiếng. Ngoài kênh Tiktok, nam công nhân còn phát triển nhiều nội dung trên nền tảng Facebook. Nguồn thu nhập thứ 2 này giúp anh Bảnh và gia đình có cuộc sống ổn định hơn.