Murakami & The Beatles

Văn bản này được dịch từ bản tiếng Anh , xuất bản trên tạp chí The New Yorker số ngày 17 và 24 tháng Hai, 2020. Với cái tựa “WITH THE BEATLES”, Haruki Murakami mang đến cho độc giả một truyện ngắn với phong cách buồn bã quen thuộc. Tôi đã dịch hai năm trước nhưng không có báo nào nhận in nên tôi dán nó vào note. Giờ thì Facebook đã bỏ mục note nên tôi đành copy lại ở đây, hy vọng một năm sau sẽ gặp lại nó. 

Điều tôi thấy lạ của tuổi tác chẳng phải là việc tôi trở nên già đi. Chẳng phải cái phần son trẻ trong quá khứ đã già đi mà tôi chẳng hề hay biết. Điều khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên chính là làm thế nào những người cùng thế hệ của tôi đã trở nên lão thành, làm thế nào những cô nàng xinh đẹp, sôi nổi mà tôi từng quen biết giờ đây đã tới tuổi có cháu ẳm cháu bồng. Điều này quả có hơi khiến tôi lúng túng – buồn nữa là khác. Dẫu tôi chưa hề thấy buồn trước việc chính tôi cũng già đi y hệt với họ.

Tôi nghĩ rằng điều khiến tôi cảm thấy buồn trước những cô nàng tôi từng quen biết nay đã luống tuổi, đó chính là nó buộc tôi phải thừa nhận, một lần nữa, rằng những giấc mơ tuổi xanh đã mất biệt. Cái chết của một giấc mơ, theo cách nào đó, có thể còn buồn hơn cả cái chết của một người từng đang sống.

Có một cô nàng – một quý bà đã từng là một thiếu nữ, ý tôi là thế – mà tôi nhớ rất rõ. Dù tôi không nhớ tên nàng. Và, tự nhiên thôi, tôi không biết nàng đang ở đâu hay đang làm gì lúc này. Những gì tôi còn nhớ về nàng chính là nàng đã từng học cùng trung học với tôi, và học cùng năm (vì phù hiệu trên áo có cùng màu với của tôi), và nàng hết sức thích tứ quái Beatles.

Khi ấy là năm 1964, đỉnh cao của cơn số Beatles. Đó là dạo chớm thu. Học kỳ mới của trường vừa mới bắt đầu và mọi thứ bắt đầu đi vào guồng. Nàng đang lướt nhanh dọc theo hành lang dài thượt, mờ mịt của dãy nhà cũ, váy áo xúng xính bay. Tôi là người thứ hai và duy nhất còn lại ở đó. Nàng đang ôm chầm trong ngực chiếc đĩa than như thể đấy là một món gì rất đỗi báu quý. LP “With the Beatles”. Chiếc LP có bức ảnh trắng đen tranh tối tranh sáng tuyệt đẹp chụp bốn thành viên nhóm Beatles. Vì lý do nào đó, tôi chẳng rõ, tôi lại nhớ rất rõ đó chính là phiên bản gốc, phát hành tại Anh chứ chẳng phải bản phát hành ở Mỹ hay ở Nhật.

Nàng là một cô gái rất đẹp. Ít nhất là với tôi vào thời điểm ấy, nàng cực kỳ quyến rũ. Nàng không cao, nhưng có mái tóc suôn dài, đôi chân mảnh khảnh, và một mùi hương vô cùng đáng yêu. (Đấy có thể là một ký ức sai lầm, tôi chẳng rõ. Có lẽ nàng chẳng tỏa ra chút mùi hương nào cả cũng nên. Nhưng đó là những gì tôi còn nhớ, như thể, mỗi khi nàng đi ngang qua, một hương thơm quyến rũ ngất ngây sẽ bay về hướng tôi đang đứng.) Nàng đã hoàn toàn chinh phục được tôi – cô gái vô danh xinh xắn tay ôm chiếc LP With the Beatles trước ngực.

Tim tôi bắt đầu đập loạn, tôi thấy khó thở, và như thể toàn bộ âm thanh đã tắt ngóm, như thể tôi đã chìm xuống đáy một bể bơi. Tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng chuông vọng khẽ, nằm sâu trong tai mình. Như thể ai đó đang vô vọng tìm cách gửi tới tôi một thông điệp cốt tử. Tất cả chỗ này chỉ xảy ra trong chừng mươi hay mười lăm giây. Tôi chưa kịp hoàn hồn nó đã chấm dứt, và thông điệp trọng hệ chứa dung ở đó, tựa như cái lõi của mọi giấc mơ, đã tiêu tán.

Một hành lang tù mù trong ngôi trường trung học, một cô gái xinh xắn, gấu váy đong đưa, “With the Beatles.”

Đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy người con gái ấy. Suốt hai năm từ thời điểm ấy tới khi tốt nghiệp, chúng tôi không một lần nào nữa lướt qua nhau. Nghĩ tới không thôi cũng thấy khá là ngộ. Ngôi trường trung học tôi theo học là một trường công khá lớn ở đỉnh một ngọn đồi ở Kobe, mỗi cấp học có chừng sáu trăm năm mươi học sinh. (Chúng tôi thuộc thế hệ bùng nổ dân số hậu chiến, nên mới đông đúc dường này.) Chẳng ai biết ai hết. Sự thực là, tôi chẳng biết tên tuổi hay nhận ra mặt mũi hầu hết những đứa học ở trường. Thế mà, đi học gần như mỗi ngày, và thường hay qua lại hành lang ấy, tôi ngạc nhiên đến quái gở là làm thế nào tôi chẳng hề thấy người con gái xinh đẹp ấy một lần nào nữa. Tôi cứ tìm kiếm nàng mỗi khi đi qua hành lang ấy.

Nàng có biến mất, như khói như mây? Hay, trong cái chiều chớm thu kia, phải chăng tôi chẳng thấy một người bằng xương bằng thịt mà chỉ là một hồn ma bóng quế nào đó? Có lẽ tôi đã lý tưởng hóa về nàng trong tâm tưởng ngay cái thời khắc chúng tôi lướt qua nhau, đến độ nếu có gặp lại nàng lần nữa, tôi cũng chẳng thể nào nhận ra chăng? (Tôi nghĩ khả năng này dễ xảy ra nhất.)

Về sau, tôi có qua lại với một vài phụ nữ, và hẹn hò với họ. Và cứ mỗi lần gặp một người phụ nữ mới tôi cảm tưởng cứ như mình đang vô thức muốn một lần nữa trở lại cái khoảnh khắc diệu tuyệt mà tôi từng trải qua trên hành lang tối của trường trung học từ tận mùa thu năm 1964. Cái khoan khoái dai dẳng, lặng thầm trong con tim, cái cảm giác nghẹn thở trong lồng ngực, tiếng chuông khẽ vang trong tai tôi.

Đôi lúc tôi có thể tóm trở lại cảm xúc ấy, khi khác lại không. Và những lúc khác tôi chạm được lấy cảm xúc này, chỉ để nó trượt qua kẽ ngón tay. Dù gì thì gì, những cảm xúc dâng trào khi chuyện này xảy ra hiện hữu như một căn chỉnh tôi dung để đo đạc độ sâu khắc khoải của mình.

Khi không thể có cảm giác ấy trong thế giới thật, tôi khẽ để cho ký ức về những cảm xúc kia thức tỉnh bên trong. Theo cách này, ký ức trở thành một trong những công cụ cảm xúc báu quý nhất của tôi, thậm chí còn giống như một phương tiện để tồn sinh. Như một con mèo ấm áp, cuộn mình nhẹ ru bên trong chiếc túi áo khoác ngoại cỡ, thiu ngủ.

Về Beatles

Một năm trước khi tôi nhìn thấy nàng là năm mà lần đầu tiên Beatles trở nên cực kỳ phổ biến. Vào tháng Tư 1964, nhóm chiếm hết năm vị trí đầu bảng xếp hạng âm nhạc Mỹ. Nhạc pop chưa từng chứng kiến bất cứ hiện tượng nào giống như thế. Đó là năm bản hit: (1) “Can’t Buy Me Love”; (2) “Twist and Shout”; (3) “She Loves You”; (4) “I Want to Hold Your Hand”; (5) “Please Please Me.” Riêng đĩa đơn “Can’t Buy Me Love” đã có hơn hai triệu đơn đặt hàng trước, biến đĩa trở thành đĩa bạch kim trước cả khi xuất hiện trên thị trường.

Đương nhiên Beatles cũng cực kỳ phổ biến ở Nhật. Cứ mở vô tuyến lên thì nhiều khả năng ta sẽ nghe thấy một bài hát của họ. Tôi cũng thích chúng và thuộc hết các bản hit. Bảo tôi hát tôi cũng hát được. Ở nhà khi học bài (hay giả vờ học bài), phần lớn thời gian tôi đều bật radio inh ỏi. Nhưng phải thú thật là, tôi chưa bao giờ là một fan cứng của Beatles. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu bài hát của họ nói về gì. Với tôi, nhóm chỉ là cách nghe thụ động, thứ nhạc pop tuôn ra từ những cặp loa nhỏ xíu của chiếc vô tuyến bán dẫn Panasonic của tôi, vào tai này ra tai kia, chẳng đọng lại gì. Nhạc nền cho tuổi hoa niên của tôi. Thứ nhạc giấy dán tường.

Vào trung và đại học, tôi chẳng tậu lấy dù chỉ một đĩa nhạc của Beatles. Tôi mê jazz và cổ điển hơn hẳn, và đó là thứ tôi nghe khi muốn để tâm tập trung vào âm nhạc. Tôi dành dụm để mua đĩa jazz, yêu cầu được nghe những bản nhạc của Miles Davis và Thelonious Monk ở các quán bar mở nhạc jazz, và đi đến dự các buổi hòa nhạc cổ điển.

Nghe chừng lạ lùng, nhưng mãi đến tuổi băm tôi mới ngồi xuống và lắng nghe “With the Beatles” từ đầu chí cuối. Mặc dù hình ảnh người con gái mang chiếc LP ở hành lang trung học vẫn chưa bao giờ rời khỏi tôi, trong một thời gian dài hết cỡ tôi chẳng có cảm giác muốn mở đĩa này lên nghe. Tôi chẳng đặc biệt cảm tình với chuyện biết thứ nhạc gì được khắc vào rãnh của đĩa vinyl mà nàng ghì chặt vào ngực mình.

Ở tuổi băm, lâu thật lâu xa khỏi thời thơ ấu và vị thành niên, ấn tượng đầu tiên của tôi là album ấy chẳng thật sự hay lắm, hay chí ít chẳng phải thứ nhạc khiến ta choáng ngợp vì xuất sắc. Trong mười bốn bản nhạc trong album, sáu là cover tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Các bản cover như Please Mr. Postman của Marvelettes và Roll Over Beethoven của Chuck Berry đều chỉn chun, nhưng vẫn cứ là những bản cover. Và trong số tám bản mà nhóm tự sáng tác, ngoại trừ All My Loving của Paul, chẳng còn bản nào tuyệt cả. Không có các single hit, và với đôi tai của mình album đầu tay của Beatles, “Please Please Me”, ghi âm chỉ trong một lần thu, mới sống động và lôi cuốn hơn nhiều. Kể cả như thế, hẳn là nhờ khao khát cháy bỏng của fan Beatles dành cho các bài hát mới, album thứ hai này của nhóm ra mắt tại vị trí số 1 ở Anh, thứ hạng mà nhóm giữ suốt hai mươi mốt tuần. (Ở Mỹ, tên album được đổi thành “Meet the Beatles,” và có thêm một số bản nhạc khác, mặc dù bìa đĩa gần như y hệt.)

Điều đã thu hút tôi chính là cảnh tượng người con gái kia ôm ghì album cứ như thể nó vô giá. Bỏ đi bức hình chụp trên bìa album, cảnh tượng ấy hẳn đã không khiến tôi mụ mị dường ấy. Chắc chắn là có âm nhạc rồi. Nhưng còn một thứ gì đó khác, một thứ gì đó to tát hơn rất nhiều. Và, ngay tức khắc, cảnh tượng ấy ký tạc vào tim tôi – một thứ phong cảnh trong tâm hồn chỉ có thể tìm thấy ở đấy, ở một độ tuổi nhất định, ở một nơi nhất định, và ở một thời điểm nhất định.

Với tôi, sự kiện quan trọng xảy ra vào năm sau đó một năm, 1965, chẳng phải là việc Tổng thống Johnson ra lệnh ném bom Bắc Việt và leo thang chiến tranh, hay sự khám phá ra một chủng mèo hoang trên hòn đảo Iriomote, mà là tôi đã tìm thấy cho mình một người bạn gái. Nàng ở cùng lớp năm nhất của tôi, nhưng sang năm hai hai chúng tôi mới bắt đầu đi cùng với nhau.

Để tránh mọi sự hiểu lầm, tôi muốn nói trước rằng mình chẳng phải đẹp mã gì cũng chưa bao giờ là một vận động viên ngôi sao, và điểm số ở lớp của tôi cũng chẳng chót vót gì cho cam. Tôi cũng chẳng hát hay, và cũng chẳng dẻo mồm bẻm mép. Khi ở trường, và nhiều năm sau đó, tôi chưa bao giờ có các cô gái bâu quanh. Đó là một trong những điều tôi có thể chắc chắn trong cái cuộc sống bất định này. Dù sao thì dường như luôn có một cô nàng nào đó quanh quẩn mà dù là bất cứ lý do gì vẫn thấy tôi thu hút. Tôi chẳng biết tại làm sao, nhưng tôi có thể tận hưởng đôi lúc thân mật, thoải mái với họ. Tôi có thể trở thành bạn tốt với các cô ấy, và thỉnh thoảng còn hơn như thế. Cô gái mà tôi đang nói ở đây là một trong những cô gái bọn họ – cô gái đầu tiên mà tôi có mối quan hệ thật sự thân thiết.

Cô bạn gái đầu tiên này của tôi nhỏ nhắn và quyến rũ. Hè năm ấy, tôi hẹn với cô nàng mỗi tuần một bận. Một chiều nọ, tôi hôn đôi môi nhỏ nhắn nhưng đầy đặn của nàng và chạm vào bầu vú đằng sau áo ngực. Cô nàng mặc váy trắng không tay và tóc cô tỏa một mùi dầu gội citrus.

Cô nàng chẳng có hứng thú gì với Beatles. Cô cũng chẳng thích jazz. Cô thích nghe những thứ nhạc buồn trầm hơn, là thứ nhạc ta có thể gọi là trung lưu – Mantovani Orchestra, Percy Faith, Roger Williams, Andy Williams, Nat King Cole, và những nghệ sĩ tương tự. (Vào lúc bấy giờ, “trung lưu” chẳng phải là một khái niệm chịu chê bai.) Có hàng chồng đĩa nhạc của các nghệ sĩ này ở nhà cô – thứ ngày nay xếp vào dòng nhạc easy listening, dễ nghe.

Chiều hôm ấy, cô đặt một đĩa hát vào bàn xoay trong phòng khách – gia đình cô có một dàn âm thanh stereo lớn thật ấn tượng – và chúng tôi ngồi trên sofa to, thoải mái và hôn nhau. Nhà cô đã đi đâu đó và chỉ có hai đứa chúng tôi ở nhà. Thành thật mà nói, trong một tình huống như thế tôi chẳng buồn quan tâm nhạc gì đang mở đâu.

Điều tôi còn nhớ về mùa hè năm 1965 là chiếc váy trắng của cô nàng, mùi citrus của dầu gội, cái cảm giác cấm cản của chiếc áo ngực (thời ấy áo ngực giống như một chiếc pháo đài hơn một món trang phục lót), và phần trình diễn tao nhã của Theme from “A Summer Place”, sáng tác của Max Steiner, của dàn nhạc Percy Faith. Kể cả bây giờ, mỗi khi nghe thấy Theme from “A Summer Place”, chiếc sofa ấy sẽ trở lại trong tâm trí tôi.

Tình cờ làm sao, nhiều năm sau – năm 1968, theo tôi nhớ, đâu đó thời gian Robert Kennedy bị ám sát – người dạy chúng tôi khi hai đứa học cùng lớp đã treo cổ vào lanh tô nhà. Ông dạy chúng tôi môn xã hội học.  Người ta nói bế tắc trong ý thức hệ chính là nguyên nhân ông tự sát.

Bế tắc ý thức hệ ư?

Nhưng đúng là thế – vào cuối thập niên sáu mươi đôi khi người ta tự đoạt mạng của mình vì bế tắc, về mặt ý thức hệ. Dù không thật quá thường xuyên.

Khi nghĩ về chiều hôm ấy, khi bạn gái tôi và tôi đang vụng về động chạm nhau trên ghế sofa, với âm nhạc đẹp đẽ của Percy Faith trên nền, tôi cảm thấy một cảm giác thật lạ lùng khi từng bước, vị thầy giáo dạy xã hội học của chúng tôi đang tiến đến ngõ cụt tư ý thức hệ, hay nói một cách khác đi, tiến đến chiếc lọng buộc chặt, yên tĩnh của dây thừng. Đôi khi tôi thậm chí còn cảm thấy tệ về điều này. Cho dù ông có thành công kết liễu mạng sống của mình hay không là một chuyện hoàn toàn khác, nhưng ông vẫn luôn cố gắng đối xử công bằng với học trò của mình. Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông ngoài lớp học, nhưng đó là cách mà tôi nhớ về ông.

Giống như năm 1964, 1965 là năm của Beatles. Nhóm phát hành “Eight Days a Week” vào tháng Hai, “Ticket to Ride” vào tháng Tư, “Help!” tháng Bảy, và “Yesterday” tháng Chín – tất cả đều xếp đầu các bảng xếp hạng Mỹ. Dường như chúng tôi đều nghe nhạc của họ vào phần lớn thời gian. Âm nhạc của Beatles ở khắp nơi, phủ bao chúng tôi, như giấy dán tường tỉ mỉ dán lên từng inch tường một.

Khi không có nhạc Beatles, đó là “(I Can’t Get No) Satisfaction” của Rolling Stones, hay “Mr. Tambourine Man” của Byrds, “My Girl” của Temptations, “You’ve Lost that Loving Feelin’” của Righteous Brothers, hay “Help Me, Rhonda” của Beach Boys. Diano Ross và Supremes cũng có hết bản hit này đến hit khác. Một bản nhạc nền thường trực từ thứ âm nhạc tuyệt vời, vui nhộn cứ được lọc ra qua máy vô tuyến bán dẫn Panasonic bé xíu của tôi. Đấy quả thật là một năm đáng kinh ngạc của nhạc pop.

Tôi nghe rằng thời gian hạnh phúc nhất đời chúng ta chính là giai đoạn các bản nhạc pop thật sự mang ý nghĩa nào đó đối với chúng ta, thật sự hiểu thấu chúng ta. Có thể đúng. Có thể không. Suy cho cùng, các bản nhạc pop chẳng là gì khác ngoài chính chúng. Và  có lẽ cuộc sống của chúng ta chỉ đơn thuần là vật tiêu dùng trang trí, một chuỗi màu sắc thoáng qua và chẳng còn gì hơn thế.

Nhà bạn gái tôi ở gần đài phát thanh vô tuyến Kobe mà tôi luôn vặn để nghe. Tôi nghĩ cha của nàng nhập, hay có khi xuất khẩu, trang thiết bị y tế. Tôi không biết các chi tiết. Dù gì thì gì, ông ấy có một công ty riêng, dường như cũng ăn nên làm ra. Nhà họ ở trong một dãy thông gần biển. Tôi nghe kể nơi ấy từng là biệt thự mùa hè của một thương gia nào đó và gia đình nàng đã mua và chỉnh trang lại. Những cây thông xào xạc trong gió biển. Đó là một chốn hoàn hảo để lắng nghe Theme from “A Summer Place.”

Nhiều năm sau đó, tôi tình cờ xem bộ phim 1959 “A Summer Place” phát trên truyền hình đêm muộn. Đó là một bộ phim Hollywood điển hình về tình yêu tuổi trẻ, nhưng dù vậy vẫn rất song suốt. Trong phim, có một hàng thông bên biển, đong đưa trong gió mùa hạ cùng thời điểm tiếng dàn đồng của dàn nhạc Percy Faith cất lên. Cảnh tượng thông reo trong gió làm tôi khiến tôi nghĩ đây là một ẩn dụ cho khao khát tình dục dâng tràn của người trẻ. Nhưng đấy hẳn cũng chỉ là quan điểm của riêng tôi, cái quan điểm chật hẹp của tôi mà thôi.

Trong phim, Troy Donahue và Sandra Dee bị cuốn theo cái cơn gió mãnh liệt ấy và vì nó, trải qua đủ mọi vấn đề của thế giới đời thật. Hiểu lầm rồi cũng được hóa giải, trở ngại cũng giải quyết như nhấc màn sương, và rốt cuộc cả hai đến bên nhau và kết hôn. Ở Hollywood thập niên 50, một kết thúc có hậu luôn có pha kết hôn – sự tạo ra một môi trường mà đôi lứa có thể làm tình một cách hợp pháp. Dĩ nhiên tôi và bạn gái tôi vẫn chưa kết hôn. Hai chúng tôi vẫn còn đang học trung học, và tất cả những gì chúng tôi từng làm là động chạm thân thể vụng về trên ghế sofa với bản Theme from A Summer Place phát bên ngoài.

“Cậu biết gì không?” nàng nói cùng tôi trên sofa, bằng giọng nhỏ nhẹ, như thể đang thổ lộ. “Tớ ghen dữ lắm á.”

“Thật sao?” Tôi hỏi lại.

“Tớ muốn cậu chắc chắn điều đó.”

“O.K.”

“Đôi lúc ghen cũng đau lắm đa.”

Tôi khẽ vuốt tóc nàng. Khi ấy tôi hoàn toàn không tưởng tượng nổi ghen tuông mãnh liệt ra làm sao, điều gì gây ra, và nó dẫn tới những gì. Tôi quá bận bịu với cảm xúc của chính mình.

Cần nói thêm là, Troy Donahue, diễn viên trẻ tuổi điển trai kia, về sau bị nghiện rượu và ma túy, không đóng phim nữa, và thậm chí có lúc còn lâm vào tình trạng vô gia cư. Sandra Dree cũng đánh vật với chứng nghiện rượu. Donahue kết hôn với diễn viên đại chúng Suzanne Pleshette năm 1964, nhưng họ ly dị chỉ tám tháng sau. Dee kết hôn với ca sĩ Bobby Darin năm 1960, nhưng ly hôn năm 1967. Rõ ràng chẳng liên quan gì sất tới cốt truyện của “A Summer Place”. Cũng chẳng ăn nhậu gì với định mệnh của hai đứa chúng tôi.

Bạn gái tôi có anh trai và em gái. Em gái đang học trung học lớp bảy, nhưng đã cao hơn chị gái cả năm centimet. Con bé không xinh xắn gì cho cam. Chưa kể, nó còn đeo cặp kính dày cui. Nhưng bạn gái tôi rất thích cô em gái trẻ con của mình. “Điểm số của nó rất tốt,” nàng kể. Mà kể ra thì, tôi nghĩ điểm số của nàng chỉ ở mức trung bình. Cũng hầu hết như điểm số của tôi.

Có lần, hai đứa tôi cho con em đi theo xem phim. Có lý do chúng tôi rủ nó đi theo. Bộ phim chúng tôi xem là “The Sound of Music.” Rạp phim đông kín, chúng tôi phải ngồi gần hàng đầu, và tôi nhớ rõ xem phim màn ảnh rộng 70 li sát dường ấy khiến cho xem xong mắt tôi đau nhói. Dù vậy, bạn gái tôi phát rồ với tất cả các bài hát trong phim. Nàng mua LP nhạc phim và nghe đi nghe lại suốt. Thằng tôi, tôi thích phiên bản thần thánh “My Favorite Things” của John Coltrane hơn nhiều, nhưng tôi nhận thấy mang vấn đề ấy nói với nàng chẳng giúp ích gì, nên tôi chẳng bao giờ nêu.

Em gái nàng dường như chẳng ưa gì tôi cho cam. Mỗi khi chúng tôi gặp nhau, nó nhìn tôi bằng bằng cặp mắt lạ kỳ, hoàn toàn trống không cảm xúc – cứ như con bé đang đánh giá xem cá khô nhét sâu trong tủ lạnh có còn ăn được hay không. Và, vì lý do nào đó, cái nhìn của con bé lúc nào cũng khiến tôi cảm thấy tội lỗi. Mỗi lần nó nhìn tôi cũng như thể nó đang chối bỏ hết xung quanh (nói gì thì nói, cũng chẳng có gì mấy để mà nhìn) và có thể nhìn xuyên thấu tâm can tôi, xuống tận tầng sâu của con người tôi. Có lẽ tôi cảm thấy như thế vì tôi thật sự chứa chất sự hổ thẹn và tội lỗi trong tim.

Anh trai bạn gái tôi lớn hơn nàng bốn tuổi, do vậy lúc đó ảnh phải ít nhất hai mươi tuổi. Nàng không giới thiệu anh ấy với tôi cũng chẳng mấy khi nhắc tới. Nếu anh ta có xuất hiện trong cuộc trò chuyện,  nàng nhanh chóng đổi chủ đề. Tôi có thể thấy rằng thái độ của nàng có hơi thiếu tự nhiên. Chẳng phải tôi nghĩ ngợi quá nhiều gì. Chẳng phải tôi quá chú tâm vào gia đình nàng. Khẩn trương hơn nhiều chính là thôi thúc tôi muốn bên cạnh nàng kia.

Lần đầu tiên tôi gặp anh trai nàng và nói chuyện với anh ấy là cuối thu năm 1965.

Chủ Nhật hôm ấy, tôi đến nhà để đón nàng. Tôi bấm chuông liên tục mà chẳng ai xuất hiện cả. Tôi ngưng một hồi, rồi bấm trở lại, liên tục, cho tới khi nghe thấy ai đó chậm chạp tiến tới cửa. Đó là anh trai nàng.

Anh ấy cao hơn tôi hẳn, và có hơi đậm người. Không xồ xề nhưng giống với một vận động viên thể thao vì một lý do nào đó không thể tập luyện một thời gian và tăng lên vài cân, chỉ tạm thời ô dề lên thôi. Anh ấy có vai rộng và chiếc cổ hơi dài và mỏng. Tóc anh ấy không ngay ngắn, chĩa ra lỗ chỗ, như thể vừa mới thức giấc. Tóc anh ấy cứng và xơ xác, và dường như trễ hạn cắt tóc tận hai tuần. Anh ấy mặc áo khoác cổ lọ màu hải quân, cổ rộng, và áo khoác xám thùng thình quanh khúc khuỷu tay. Anh ấy hoàn toàn tương phản với bạn gái tôi – nàng lúc nào cũng gọn gàng, thẳng thớm và ăn mặc đâu ra đó.

Anh ấy lườm tôi một lúc, như một con thú lôi thôi nào đó sau kỳ nghỉ đông dài rốt cuộc đã chịu trườn ra đón nắng.

“Anh đoán chú mày là… bạn của Sayoko?” Anh nói trước khi tôi kịp lên tiếng. Anh ấy hắng giọng. Giọng nói ngái ngủ, nhưng tôi có thể cảm thấy một chút hứng thú nào đó trong giọng nói ấy.

“Đúng thế,” tôi nói và tự giới thiệu bản thân. “Em có hẹn tới nhà lúc mười một giờ.”

“Bây giờ Sayoko không có nhà,” anh thông báo.

“Không có nhà ạ,” tôi lặp lại.

“Nó đi đâu đó rồi. Nó không có nhà.”

“Nhưng mà hôm nay em phải đón bạn lúc mười một giờ ạ.”

“Thật không?” anh của nàng hỏi lại. Anh ngẩng nhìn bức tường sau lưng, như muốn kiểm tra đồng hồ.  Nhưng chẳng có đồng hồ nào cả, chỉ là một bức tường phết thạch cao màu trắng. Anh tần ngần ngoái nhìn tôi một lần nữa. “Có thể đúng thật, nhưng thực tế thì nó không có nhà.”

Tôi chẳng biết nên làm gì. Và anh ấy cũng chẳng biết nốt, rõ là thế. Anh ngáp một cái thư giãn và gãi vào sau đầu. Mọi hành động của anh đều chậm rãi và từ tốn.

“Dường như chẳng có ai ở nhà vào lúc này,” anh ấy nói thêm. “Lúc anh thức dậy chẳng có ai ở nhà. Chắc hẳn bọn họ đã ra ngoài, nhưng anh không biết đi đâu.”

Tôi chẳng nói gì.

“Ông già chắc là đi đánh gôn. Chị em gái chắc hẳn đã đi chơi. Còn mẹ ra ngoài nữa thì cũng hơi lạ. Chuyện này không xảy ra thường xuyên.”

Tôi tự ngăn mình không nêu ra quan điểm. Đây có phải nhà tôi đâu.

“Nhưng mà nếu như Sayoko hứa nó sẽ ở nhà, anh chắc nó sẽ sớm về nhà,” anh của nàng nói với tôi. “Sao chú mày không vào nhà đợi đi nào?”

“Em không muốn làm phiền anh. Em đi lân la ngoài này một chút rồi quay lại ạ,” tôi đáp.

“Khồng, có gì đâu,” anh nói chắc nịch. “Đỡ phiền hơn nhiều chuyện phải reng chuông và ra mở cửa lại lần nữa. Vào nhà đi nào.”

Tôi không có chọn lựa khác, thế là vào trong, và anh ấy dẫn tôi vào phòng khách. Phòng khách có chiếc sofa mà hai đứa chúng tôi đã hôn hít hồi hè. Tôi ngồi xuống, và anh trai nàng ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện tôi. Và một lần nữa lại ngáp dài.

“Vậy chú em là bạn của Sayoko phải không?” anh ấy hỏi lần nữa, như muốn bảo đảm chắc cú.

“Đúng ạ,” tôi đáp y hệt khi nãy.

“Không phải bạn của Yuko?”

Tôi lắc đầu. Yuko là đứa em gái cao nghều của nàng.

“Đi hẹn hò với con Sayoko có thú không?” anh nàng hỏi tôi, mắt lộ vẻ ngạc nhiên.

Tôi chẳng biết trả lời làm sao, nên yên lặng. Anh ấy ngồi đó, chờ tôi trả lời.

“Vui đấy, đúng vậy,” tôi đáp, rốt cuộc cũng tìm được những từ ngữ tôi hy vọng là đúng đắn.

“Vui, nhưng chẳng thú vị sao?”

“Ý em không phải thế…” Lời lẽ của tôi khần khừ.

“Chẳng sao,” anh nàng đáp. “Vui hay thú – chẳng khác gì cả, anh nghĩ thế. Này, chú mày ăn sáng chưa?”

“Rồi ạ.”

“Anh sắp sửa làm bánh mì nướng. Chắc là chú mày không muốn ăn chứ?”

“Không ạ, em không ăn,” tôi đáp.

“Cà phê thì sao?”

“Em không sao ạ.”

Tôi có thể dùng một ít cà phê, nhưng tần ngần không muốn dấn sâu thêm với gia đình nàng, nhất là khi nàng không có nhà.

Không nói chẳng rằng anh ấy đứng dậy và rời khỏi phòng khách. Ít lúc sau, tôi nghe tiếng bát đĩa lanh canh. Tôi ngồi đó một mình trên sofa, ngồi thẳng đầy thanh cảnh, tay xếp trên đùi, chờ nàng quay trở về tất bất cứ đâu. Đồng hồ lúc này đã điểm mười một giờ mười lăm.

Tôi dò lại trong ký ức xem hai đứa có thật sự quyết định tôi sẽ tới đón nàng lúc mười một giờ hay không. Nhưng dù có nghĩ ngợi tới đâu đi nữa, tôi bảo đảm ngày giờ đều đúng. Hai đứa đã nói trên điện thoại tối hôm trước và đã cùng đồng ý. Nàng không phải kiểu dễ quên hay ưa thất hứa. Và thật sự rất là lạ lùng khi cả nàng lẫn nhà nàng đều đi ra ngoài vào sáng Chủ Nhật và để ông anh cả ở nhà một mình.

Hết sức ngạc nhiên bởi mọi thứ xảy ra, tôi kiên nhẫn ngồi yên. Thời gian trôi qua chậm chình chịch. Tôi nghe âm thanh thi thoảng cất ra từ nhà bếp – tiếng vòi nước vặn, tiếng lanh canh của thìa đang trộn, tiếng mở và đóng tủ chén đĩa. Ông anh này dường như là kiểu người mó vào đâu là bừa bộn tới đó. Nhưng chỉ có thế, theo những âm thanh tôi nghe thấy. Chẳng có gió nào từ ngoài lùa vào, chẳng tiếng chó nào sủa. Như bùn vô hình, sự yên lặng thường trực luồn vào tai tôi và ngáng lại. Tôi phải nuốt nước bọt vài ba lần để ngăn điều này xảy ra.

Giá mà có chút âm nhạc đã khác. Theme from A Summer Place, Edelweiss, Moon River – bất cứ bản nhạc nào. Tôi nào có kén cá chọn canh. Chỉ cần chút nhạc. Nhưng tôi không thể tùy tiện mở dàn máy của nhà người khác mà chưa xin phép họ. Tôi ngó quanh để tìm gì đó để đọc nhưng chẳng thấy báo hay tạp chí gì cả. Tôi xem bên trong túi đeo của mình có gì không. Lúc nào tôi cũng có một quyển sách đang đọc trong túi, nhưng ngày đó thì lại không.

Khi hai đứa chúng tôi hẹn hò, chúng tôi thường giả vờ đi thư viện để học, và tôi đem những món liên quan tới trường lớp vào túi để phụ họa theo. Như một tên tội phạm nghiệp dư dựng dàn chứng cớ ngoại phạm mỏng tang. Do đó quyển sách duy nhất tôi có trong túi ngày hôm đó là một quyển sách đọc thêm cho sách giáo khoa “Tiếng Nhật và Văn học Nhật Bản.” Tôi chần chừ lôi nó ra khỏi túi và bắt đầu lần giở các trang. Tôi chẳng phải kiểu người ưa đọc sách, kiểu người đọc sách một cách có hệ thống và chăm chú, mà là cái kiểu khó lòng có thể ngồi yên nếu không có gì đó để đưa mắt vào. Tôi không bao giờ có thể ngồi yên, bất động và yên tĩnh. Lúc nào tôi cũng phải giở trang sách hay nghe nhạc, hoặc cái này hoặc cái kia. Khi không có sách xung quanh, tôi sẽ thó lấy bất cứ cái gì được viết ra. Tôi sẽ đọc một quyển danh bạ điện thoại, một bảng hướng dẫn sử dụng bàn ủi hơi nước. So với những tài liệu kia, một quyển sách đọc thêm cho sách giáo khoa tiếng Nhật dễ chịu hơn nhiều.

Tôi giở ngẫu nhiên tới phần truyện và tiểu luận trong sách. Một số trong đó đến từ các tác giả nước ngoài, nhưng hầu hết do các nhà văn Nhật nổi tiếng – Ryunosuke Akutagawa, Junichiro Tanizaki, Kobo Abe, và những nhà văn tầm vóc tương tự. Và đi kèm theo từng tác phẩm – mọi trích đoạn, ngoại trừ một vài truyện rất ngắn – là vài câu hỏi. Hầu hết các câu hỏi này hoàn toàn vô nghĩa. Với những câu hỏi vô nghĩa, rất khó (hoặc bất khả) dùng logic để xác định xem câu trả lời có đúng hay không. Tôi ngờ rằng ai soạn những câu hỏi này chắc hẳn cũng chẳng nghĩ ra câu trả lời. Những thứ như là “Ta có thể nghiệm ra điều gì từ đoạn văn nêu lên góc nhìn của tác giả về chiến tranh?” hay “Khi tác giả mô tả mặt trăng lên và xuống, tác dụng biểu tượng nào được tạo nên? Ta có thể đưa bất cứ câu trả lời nào. Dĩ nhiên có một câu trả lời nào đó tương đối hợp lý, nhưng tôi không nghĩ việc tìm tới một câu trả lời tương đối hợp lý là mục tiêu của việc cảm thụ văn chương.

Dù là gì đi chăng nữa, tôi đã giết thời gian bằng cách nghĩ ra những câu trả lời cho các câu hỏi này. Và, trong hầu hết trường hợp, những gì vọng lên trong đầu – trong bộ não hãy còn đang phát triển sinh sôi, vẫn hàng ngày xoay sở tìm cách có được một sự độc lập về tâm lý nào đó – chính là những kiểu câu trả lời tương đối vô nghĩa nhưng không nhất thiết sai. Có lẽ khuynh hướng ấy là một trong những kiến giải vì sao điểm số ở trường của tôi chẳng mấy cao.

Khi tôi đang trả lời, ông anh của nàng quay lại phòng khách. Tóc của ổng vẫn chĩa ra tứ phía, nhưng, có lẽ vì đã dùng bữa sáng, đôi mắt giờ đã không còn ngái ngủ như trước. Ổng cầm một chiếc cốc lớn màu trắng, có in hình một chiếc máy bay cánh hai tầng của Đức thời Thế chiến thứ nhất, phía buồng lái có hai khẩu súng máy. Hẳn là chiếc cốc đặc biệt của riêng ổng. Tôi không thể hình dung bạn gái mình uống nước từ chiếc cốc nào như thế.

Chú em thật sự không uống cà phê sao?” ổng hỏi.

Tôi lắc đầu. “Không ạ, em không sao hết. Thật đó.”

Chiếc áo khoác của ông dính vãi vụn bánh mì. Khuỷu áo nữa. Chắc hẳn thằng cha đói lắm và đã ngấu nghiến bánh mì chẳng màng vụn bánh vương tóe đâu nữa. Tôi có thể tưởng tượng điều này khiến bạn gái tôi khó chịu, vì nàng lúc nào cũng trông ngăn nắp gọn gàng biết bao. Tôi cũng thích ngăn nắp gọn gàng, một phẩm tính chung là một phần lý do vì sao chúng tôi hòa hợp với nhau, tôi đồ là thế.

Ông anh nàng ngẩng nhìn vào tường. Bức tường này có treo một chiếc đồng hồ. Kim đồng hồ chỉ đã gần mười một rưỡi.

“Nó vẫn chưa về sao? Con bé này đi cái chỗ quái quỷ nào thế này?”

Tôi chẳng nói gì.

“Chú em đang đọc gì đó?”

“Một quyển sách đọc thêm sách giáo khoa tiếng Nhật.”

“Chà,” ổng nghiêng đầu khẽ. “Có thú vị không?”

“Không ạ. Chỉ là em chẳng có gì khác để đọc.”

“Chú đưa cho anh xem được không?”

Tôi chuyền cho ổng quyển sách, đặt nó lên chiếc bàn thấp. Cốc cà phê trên tay trái, ổng cầm quyển sách bằng tay phải. Tôi lo ổng sẽ làm vấy cà phê lên đó. Dường như sắp sửa xảy ra rồi. Nhưng lại không. Ổng đặt cốc cà phê xuống mặt bàn một tiếng, và cầm quyển sách bằng hai tay và bắt đầu giở.

“Chú em đang đọc phần nào?”

“Hiện tại em đang đọc truyện Bộ bánh xe răng cưa của Akutagawa. Chỉ có một phần thôi, chứ không hết truyện.”

Ổng nghĩ ngợi. “Bộ bánh xe răng cưa” là truyện anh chưa từng đọc. Dù anh đã đọc Kappa một lúc lâu rồi. “Bộ bánh xe răng cưa” có u ám lắm không?”

“Có ạ. Ông ấy viết ngay trước khi chết.” Akutagawa tự đầu độc mình ở tuổi ba mươi lăm. Các chú thích trong quyển sách đọc thêm của tôi nói rằng “Bộ bánh xe răng cưa” xuất bản sau khi ông mất, năm 1927. Truyện gần như là di chúc và tuyên ngôn cuối đời của nhà văn.

“Chà,” ông anh của bạn gái tôi nói, “Chú mày nghĩ là chú mày đọc cho anh nghe được không?”

Tôi ngạc nhiên nhìn ổng. “Ý anh là đọc to lên á?”

“Đúng thế. Lúc nào anh cũng thích người khác đọc to cho mình. Anh không giỏi lắm cái khoản đọc.”

“Em không giỏi đọc to đâu ạ.”

“Anh không bận tâm đâu. Chú không cần phải giỏi. Chỉ cần đọc đúng trình tự là được. Ý anh là, coi mòi chúng ta cũng chẳng có việc gì khác để làm mà.”

“Dù sao thì đấy cũng là một câu chuyện khá bi đát, điên rồ ạ,” tôi phân trần.

“Có lúc anh thích nghe kiểu truyện này. Như thể dĩ độc trị độc í.”

Ổng đưa lại quyển sách, cầm cốc cà phê có hình chiếc máy bay và Thập tự thép lên, và hớp một ngụm. Rồi ổng ngồi tựa vào ghế bành và chờ phần đọc của tôi khởi sự.

Đó là chuyện rốt cuộc tôi đọc truyện “Bộ bánh xe răng cưa” của Akutagawa cho ông anh trai lập dị của cô bạn gái tôi. Thoạt tiên tôi còn nhát gừng, nhưng càng đọc tôi càng say sưa. Quyển sách đọc thêm có hai đoạn cuối của câu truyện – “Đèn đỏ” và “Máy bay” – nhưng tôi chỉ đọc “Máy bay.” Đoạn này dài chừng tám trang, và kết thúc bằng câu “Không có ai đó đủ tử tế để siết cổ tôi trong lúc tôi đang ngủ sao?” ” (bản dịch Mai Sơn) Akutagawa tự sát ngay sau khi viết hết dòng này.

Tôi đọc xong, thế mà cũng chẳng có thành viên nào trong gia đình về nhà. Điện thoại chẳng reng, chẳng có con quạ nào cất tiếng rên bên ngoài. Hoàn toàn tĩnh lặng. Ánh mặt trời mùa thu thắp sáng phòng khách xuyên qua những tấm màn cửa đăng ten. Riêng thời gian một mình đã chậm chạp, đều đặn tiến tới. Ông anh của bạn gái tôi ngồi đó, khoanh tay, mắt nhắm, như thể đang say sưa dòng cuối cùng tôi vừa đọc lên. Tôi đọc xong, thế mà cũng chẳng có thành viên nào trong gia đình về nhà. Điện thoại chẳng reng, chẳng có con quạ nào cất tiếng rên bên ngoài. Hoàn toàn tĩnh lặng. Ánh mặt trời mùa thu thắp sáng phòng khách xuyên qua những tấm màn cửa đăng ten. Riêng thời gian một mình đã chậm chạp, đều đặn tiến tới. Ông anh của bạn gái tôi ngồi đó, khoanh tay, mắt nhắm, như thể đang say sưa dòng cuối cùng tôi vừa đọc lên. “Tôi không còn sức để tiếp tục viết về cảm giác đó. Không thể diễn tả nổi sự đau đớn khi phải sống với nó. Không có ai đó đủ tử tế để siết cổ tôi trong lúc tôi đang ngủ sao?” (bản dịch Mai Sơn)

Dù có thích lối viết này hay không, một điều chắc chắn ở đâu ra: đây chẳng phải một câu truyện đúng nhẽ để đọc vào một ngày Chủ Nhật sáng, trong. Tôi khép quyển sách lạ và nhìn về chiếc đồng hồ treo trên tường. Đã quá mười hai giờ rồi.

“Chắc hẳn là đã có chút hiểu lầm nào đó,” tôi nói với ông anh. “Em nghĩ là em sẽ về.” Tôi bắt đầu ngồi dậy. Mẹ tôi đã nhồi vào đầu tôi từ tấm bé là không được làm phiền người khác khi tới giờ họ dùng bữa. Dù thế này hay thế khác, lời khuyên dặn này đã ngấm vào bản thể của tôi và trở nên một thói quen mang tính phản xạ.

“Chú em đã bỏ chừng ấy công sức, sao không chờ thêm ba mươi phút nữa đi?” ổng hỏi tôi. “Hay là đợi thêm ba mươi phút nữa, nếu con bé vẫn chưa về thì hẵng về?”

Lời của ổng rành rọt đến lạ, và tôi ngồi xuống trở lạ, đặt hai tay lên đùi.

“Chú mày đọc to rất giỏi,” ông anh khen tôi, giọng ra chừng thật lòng ấn tượng. “Có ai từng bảo với chú mày thế chưa?”

Tôi lắc đầu.

“Trừ phi chú mày thật sự nắm được nội dung, chú mày không thể nào đọc như vừa đọc được. Đoạn cuối truyện đặc biệt xuất sắc.”

“Ồ,” tôi trả lời mơ hồ. Tôi thấy hai má ửng đỏ đôi chút. Lời khen tặng dường như sai chỗ, và khiến tôi thấy khó chịu. Nhưng cảm giác mà tôi đang nhận được chính là tôi phải ở đó trò chuyện với ông anh này thêm ba mươi phút nữa. Dường như ông anh cần ai đó để hàn huyên.”

Ổng chắp lòng bàn tay chặt vào nhau trước mặt, như thể cầu nguyện, rồi bất chợt bật ra câu này: “Nghe có vẻ như là một câu hỏi kỳ quặc, nhưng chú mày có bao giờ bị ngưng ký ức hay chưa?”

“Ngưng ạ?”

“Cái anh đang nói, đó là, từ một lúc này tới một lúc khác, chú mày chẳng nhớ mình đã ở đâu, hay là làm gì sất.”

Tôi lắc đầu. “Em không nghĩ là mình từng trải qua chuyện này.”

“Vậy chú em có nhớ trình tự thời gian và chi tiết những gì mình đã làm hay không?”

“Nếu vừa xảy ra thì em có nhớ ạ, em nghĩ thế.”

“Hừm,” ổng vừa nói vừa gãi sau gáy một lúc, và nói tiếp. “Anh nghĩ điều ấy bình thường.”

Tôi chờ ổng tiếp tục.

“Thực ra, nhiều lần anh đã gặp phải tình trạng ký ức trượt đi đâu mất. Như lúc 3 giờ chiều, ký ức của anh ngắt, và tiếp theo là tới 7 giờ chiều. Và anh chẳng nhớ anh đã ở đâu, làm gì, trong bốn giờ đồng hồ ở giữa đó. Và nó không giống như có gì đặc biệt xảy ra với anh hết. Như kiểu anh bị cái gì đó đập vào đầu hay bị xỉn quắc cần câu hay đại để thế. Anh chỉ làm những chuyện bình thường hay làm và chẳng hề báo trước ký ức của anh ngắt đi. Anh không thể dự đoán khi nào điều này xảy ra lần nữa. Và anh cũng chẳng biết nó sẽ ngắt trong bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày, hay cả chuyện ký ức của anh sẽ tiêu tan đi mất.”

“Em hiểu ạ,” tôi ậm ừ, để ổng biết tôi vẫn đang lắng nghe.

“Hãy hình dung chú em thu một bản giao hưởng của Mozart trên máy. Và khi bật trở lạ âm thanh nhảy từ đoạn giữa chương hai sang giữa chương ba, và đoạn giữa ấy chỉ biến đâu mất tịu. Cảm giác ấy giống như vậy đó. Mất tiêu. Chú em hiểu anh đang nói gì không?”

“Em nghĩ là có,” tôi nói bằng giọng không chắc chắn.

“Nếu là nhạc, thì có hơi bất tiện, nhưng chẳng hại gì cả, đúng không nào? Nhưng nếu xảy ra với đời thật của chú em, thì sẽ rất đau, hãy tin anh đi… Chú em hiểu anh muốn nói gì không?”

Tôi gật đầu.

“Chú em đi đến vùng tối của chị hằng và quay trở lại hoàn toàn tay trắng.”

Tôi gật đầu tiếp tục. Tôi không rõ mình hiểu hoàn toàn hình ảnh so sánh này hay chăng.

“Nó gây ra bởi một rối loạn di truyền, và những trường hợp rõ mồn một như của anh khá hiếm. Cứ một trên một vạn sẽ gặp chứng rối loạn này. Và kể cả khi ấy giữa họ cũng sẽ có khác biệt, đương nhiên. Trong năm mười hai, một nhà thần kinh tại bệnh viện trường đại học đã khám cho anh. Mẹ dẫn anh tới đó.”

Ổng dừng lại, rồi tiếp tục: “Nói cách khác, đó là loại bệnh mà trình tự ký ức của ta bị đảo lộn. Một phần của ký ức sẽ bị đưa vào nhầm ngăn. Và gần như hoàn toàn không thể tìm lại được ký ức ấy. Đó là cách họ giải thích với anh. Nó chẳng phải kiểu rối loạn trầm trọng chết người, hay là ta từ từ sẽ mất trí. Nhưng nó lại gây ra sự trong cuộc sống hàng ngày. Họ bảo anh về tên của chứng rối loạn này và cho anh dùng thuốc, nhưng viên thuốc không có tác dụng nào cả. Chúng chỉ là giả dược.”

Trong một thoáng, ông anh của bạn gái tôi trầm ngâm, nhìn chằm lấy tôi xem tôi có hiểu những gì vừa nói hay không. Cũng như thể ổng ra ngoài một ngôi nhà và nhìn vào bên trong qua cửa sổ.

“Một năm anh trải qua chừng một hay hai lần như thế,” cuối cùng ổng cũng nói. “Không quá thường xuyên, thế nhưng tầng suất chẳng phải là chuyện ở đây. Khi xảy ra, nó mới gây ra chuyện thực sự. Kể cả khi ít xảy ra đi nữa, có kiểu mất ký ức và không biết khi nào xảy ra lại thật sự là một điều rất tệ hại. Chú em có hiểu không nào?”

“Vâng ạ,” tôi đáp mơ hồ. Tất cả những gì tôi có thể làm là theo dõi câu chuyện kỳ quặc, nhanh như tên lửa của ổng.

“Như là, nếu nó xảy ra, ký ức của anh bất chợt bị cắt đi, và trong thời gian này anh dùng một quả búa tạ rồi giáng vào đầu một ai đó, một người anh không ưa. Không cách nào có thể thoát tội chỉ bằng cách nói, “À, thì, chuyện đó kỳ lạ thật.” Anh nói có đúng không?

“Em cũng sẽ nói như thế.”

“Cảnh sát sẽ điều tra và nếu anh bảo họ, “Chuyện là vầy, ký ức của em bay đi chỗ khác,” bọn họ làm thế nào mà tin được, phải không nào?”

Tôi lắc đầu đồng tình.

“Quả thật có một vài người anh chẳng ưa chút nào. Những người thật sự khiến anh phát cáu. Bố anh là một trong số họ. Nhưng nếu như tỉnh táo anh sẽ chẳng bổ vào đầu ông già bằng cây búa, phải không nào? Anh có thể tự kiểm soát được. Nhưng khi ký ức bị ngắt quãng, anh chẳng biết mình sẽ làm gì.”

Tôi khẽ nghiêng nhẹ đầu, tránh không đưa ra một quan điểm nào.

“Bác sĩ bảo rằng chuyện ấy xảy ra cũng không gây ra nguy hiểm. Nó không giống với ai đó, khi ký ức của anh biến mất, sẽ cuỗm đi tính cách của anh. Như Bác sĩ Jekyll và Ông Hyde. Lúc nào anh cũng vẫn là anh. Chỉ là giống như phần ghi âm bị nhảy từ giữa chương hai sang giữa chương ba. Lúc nào anh cũng có thể kiểm soát được mình là ai, và hầu hết thời gian vẫn hành xử bình thường. Mozart đâu thể bất chợt thành ra Stravinsky. Mozart vẫn là Mozart – chỉ là cái phần kia biến mất vào đâu đó trong ngăn tủ mà thôi.”

Tới đây ổng ngưng nói và hớp một ngụm cà phê từ chiếc cốc in hình máy bay hai tầng. Tôi ước sao mình cũng có một ít cà phê để tợp vào.

“Ít nhất thì đó là những gì bác sĩ bảo anh. Nhưng ta phải luôn thận trong khi nghe những lời khuyên của bác sĩ. Hồi anh học trung học anh sợ chết đi được, nghĩ rằng anh sẽ, khi không biết mình đang làm gì, dùng búa bổ vào đầu một thằng bạn cùng lớp. Ý anh là, khi học trung học ta vẫn chẳng biết mình là ai kia mà, đúng không? Thêm cả cái đau của ký ức bị đánh mất vào đó, ai mà chịu cho thấu.”

Tôi khẽ gật đầu. Chắc hẳn ông anh nói đúng.

“Anh gần như ngừng đến trường cả cái chuyện này,” ông anh bạn gái tôi tiếp tục. “Càng nghĩ về nó, anh càng sợ hãi hơn, và không sao có thể tới trường. Mẹ anh giải thích tình hình này cho giáo viên, và cho dù anh nghỉ quá nhiều lần đi nữa, họ vẫn chấp nhận anh vào dạng cá biệt và cho tốt nghiệp. Anh mường tượng trường anh học muốn loại bỏ cái thứ học sinh như anh càng chóng càng tốt. Nhưng anh không học tiếp lên đại học. Điểm số của anh cũng không quá tệ, và anh đã có thể đậu vào đại học nào đó, nhưng anh không có tự tin để bước ra ngoài. Từ đó tới nay, anh cứ ở không ở nhà. Anh dắt chó đi dạo, nhưng còn lại anh hiếm khi rời khỏi nhà. Dạo gần đây anh không còn thấy hoảng hốt hay gì nũa. Nếu mọi thứ lắng hơn một chút, anh nghĩ có lẽ sẽ anh sẽ bắt đầu đi học lại.”

Lúc đó anh im lặng, và tôi cũng im theo. Tôi không biết phải nói gì nữa. Tôi hiểu vì sao bạn gái tôi không bao giờ muốn nói về ông anh mình.

“Cảm ơn chú đã đọc câu truyện cho anh,” ổng nói với tôi. “Bộ bánh xe răng cưa” khá là hay đấy. Đương nhiên là một câu chuyện u ám, nhưng một vài câu viết thật sự làm anh ấn tượng. Chú mày thật sự không muốn uống cà phê chứ? Pha chỉ mất một phút thôi.”

“Không ạ, em thật sự không sao. Em nên đi sớm.”

Ông anh lại nhìn chiếc đồng hồ trên tường. “Sao chú không đợi tới một giờ, và nếu vẫn ai về thì hẵng đi. Anh sẽ về phòng ở trên lầu, nên chú cứ tự nhiên ở đây. Đừng ngại gì cả.”

Tôi gật đầu.

“Đi chơi với Sayoko, có thú vị không?” anh trai bạn gái tôi lại hỏi một lần nữa.

Tôi gật. “Thú vị ạ.”

“Chỗ nào?”

“Ở chỗ có quá nhiều thứ về bạn ấy em vẫn chưa biết,” tôi đáp. Một câu trả lời hết sức thành thật, tôi cho là thế.

“Ừm,” ổng ngẫm ngợi. “Vì chú vừa nhắc, anh có thể hiểu. Nó là em gái anh, máu mủ ruột rà, cùng gene với anh đồ, và bọn anh sống cùng một mái nhà kể từ khi nó sinh ra, nhưng vẫn còn hàng khối thứ về nó anh chẳng thể hiểu nổi. Anh chẳng hiểu nó – nói thế nào nhỉ? Điều gì khiến nó hứng thú? Nên anh muốn chú em có thể hiểu những điều này giúp anh. Mặc dù có thể có những thứ tốt nhất đừng cố hiểu.”

Cốc cà phê vẫn giữ trên tay, ông anh ngồi dậy.

“Mà này, hãy cố hết sức nhé,” ông anh bạn gái tôi nói. Ông huơ bàn tay còn lại về phía tôi và rời khỏi phòng.

“Cảm ơn anh ạ,” tôi nói.

Đến một giờ, cũng chẳng có dấu hiệu có người đang về, nên tôi đi một mình ra cửa chính, trồng giày vào, và rời đi. Tôi băng qua rừng thông để đến trạm tàu, leo lên tàu, và về nhà. Hôm đó là một chiều thu Chủ Nhật tĩnh lặng và yên tĩnh khác thường.

Tôi nhận cuộc gọi từ cô bạn gái sau 2 giờ. “Cậu có hẹn vào Chủ Nhật tuần sau,” cô nói. Tôi không hoàn toàn thuyết phục, nhưng nàng nói tròn trĩnh về cuộc hẹn đến nỗi tôi nghĩ chắc hẳn nàng nói đúng. Tôi nhẹ nhàng xin lỗi nàng vì đã đến nhà sớm trước cả một tuần.

Tôi không đề cập chuyện trong lúc chờ nàng về, anh trai nàng và tôi đã trò chuyện với nhau – có thể “chuyện trò” không phải là từ đúng, vì về cơ bản tôi chỉ lắng nghe anh ấy nói. Tôi nghĩ tốt hơn cả là đừng nói rằng tôi đã đọc “Bộ bánh xe răng cưa” của Ryunosuke Akutagawa cho ông anh nàng, và ổng đã tiết lộ với tôi về căn bệnh mất trí nhớ của mình. Nếu anh ấy chẳng kể với nàng nghe những chuyện ấy, chẳng có lý do gì tôi phải kể cả.

Mười tám năm sau, tôi gặp lại anh nàng. Khi đó vào giữa tháng Mười. Tôi ba mươi lăm tuổi, đang sống tại Tokyo cùng với vợ. Công việc khiến tôi bận rộn và tôi hầu như chẳng quay trở lại Kobe.

Khi đó là chiều tối, và tôi đang leo lên một ngọn đồi ở quận Shibuya để lấy lại chiếc đồng hồ đeo tay đang sửa. Tôi đang bước đi, đắm chìm trong suy nghĩ, thì có một người tôi băng qua quay đầu lại và gọi với tới tôi.

“Xin lỗi,” ông ta bảo. Ông ấy có một cách nhấn nhá vùng Kansai không lẫn vào đâu được. Tôi ngừng bước, xoay đầu lại, và nhìn thấy một người đàn ông tôi vẫn chưa kịp nhận ra là ai. Ông đang mặc áo khoác vải tuýt xám, cổ lọ, và chiếc sweater màu kem vải cashmere, quần chinos màu nâu. Tóc ông ấy ngắn, và ông có thân hình vạm vỡ của một vận động viên và màu da cháy nắng (cháy nắng vì đánh gôn, nom như thế.) Vóc dáng của ông ta không chỉn chu nhưng vẫn quyến rũ. Điển trai, tôi đồ là thế. Tôi có cảm giác đây là người hài lòng với cuộc sống của mình. Một con người ăn sung mặc sướng, tôi đoán thế.

“Anh không nhớ tên cậu, nhưng có phải cậu từng là bạn trai của em gái anh một thời gian không?” ông ấy hỏi tôi.

Tôi nhìn lại khuôn mặt ông. Nhưng không nhớ được gì.

“Em gái của anh?”

“Sayoko,” ông đáp. “Anh nhớ hai đứa học cùng lớp thời trung học.”

Mắt tôi dừng lại ở một vết sốt cà chua nhỏ phía trước áo sweater màu kem. Ông ấy ăn vận gọn gàng, và cái vết cà chua bé tị kia hoàn toàn sai chỗ. Và rồi tôi nhớ ra – cái ông anh có đôi mắt ngái ngủ và chiếc áo sweater hải quân cổ rộng dính vụn bánh mì.

“Em nhớ ra rồi,” tôi nói với ông ta. “Anh là anh trai của Sayoko. Chúng ta gặp nhau một lần ở nhà anh, đúng không?”

“Đúng vậy. Chú em đã đọc “Bộ bánh xe răng cưa” của Akutagawa cho anh nghe.”

Tôi cười phá lên. “Nhưng em ngạc nhiên là làm sao anh có thể nhận ra em giữa chốn đông người thế này. Chúng ta mới gặp nhau chỉ một lần, và đã lâu lắm rồi.”

“Anh không rõ làm sao như thế, nhưng anh không bao giờ quên khuôn mặt nào. Hơn nữa, chú em có vẻ như chẳng thay đổi chút nào.”

“Còn anh thì rất nhiều,” tôi đáp. “Bây giờ anh trông rất khác.”

“Ái chà – nước chảy qua cầu thôi,” anh mỉm cười. “Em biết đó, có thời gian mọi thứ rất rắc rối với anh.”

“Sayoko khỏe không ạ?” tôi hỏi.

Anh ấy có nhìn đăm chiêu sang một bên, thở chậm, rồi thở dài. Như thể muốn đo độ đậm đặc của không khí xung quanh vậy.

“Thay vì đứng giữa đường, sao chúng ta không tìm chỗ nào đó để ngồi nói chuyện? Nếu chú không bận,” anh đề nghị.

“Em không có gì gấp gáp cả,” tôi đáp.

“Sayoko đã mất,” anh nói khẽ. Chúng tôi ở trong một quán cà phê gần đó, ngồi đối diện nhau giữa một chiếc bàn nhựa.

“Mất?”

“Con bé đã chết. Ba năm trước.”

Tôi chết nghẹn. Cảm tưởng như lưỡi đang sưng phồng lên bên trong miệng. Tôi cố nuốt nước bọt đang dâng lên trong miệng, nhưng không thể.

Lần cuối cùng tôi gặp Sayoko nàng hai mươi tuổi và vừa mới được nhận bằng lái, và nàng đánh xe chở hai chúng tôi lên đỉnh ngọn Rokko, ở Kobe, trên một chiếc Toyota Crown của cha nàng. Nàng lái xe vẫn còn hơi chệch choạc, nhưng nàng trông rất hạnh phúc khi lái xe. Dễ đoán, trên vô tuyến mở một bản nhạc của Beatles. Tôi còn nhớ rất rõ. “Hello, Goodbye.” You say goodbye, and I say hello. Như đã kể, nhạc của Beatles khi ấy ở khắp mọi nơi.

Tôi không thể đón nhận nổi thực tế là nàng đã chết và không còn tồn tại trên cõi đời này. Tôi không biết phải nói ra sao nữa – thật khôn tả.

“Cô ấy chết… thế nào?” tôi hỏi anh, miệng khô khốc.

“Nó tự sát,” anh đáp, như đang cẩn trọng lựa chọn từ ngữ. “Lên hai mươi sáu, nó kết hôn với một đồng nghiệp ở hãng bảo hiểm, và có hai đứa, sau đó nó tự kết liễu. Con bé chỉ mới ba hai tuổi.”

“Cô ấy để lại hai đứa trẻ?”

Anh trai bạn gái cũ của tôi gật đầu. “Đứa lớn là trai, đứa nhỏ là gái. Chồng nó đang chăm sóc cả hai đứa. Anh thảng hoặc cũng đến thăm chúng. Hai đứa trẻ tuyệt vời.”

Tôi vẫn khó có thể lần theo thực tại này. Bạn gái cũ của tôi tự kết liễu mình, để lại hai đứa con thơ sao?

“Sao cô ấy làm như thế?”

Anh lắc đầu. “Chẳng một ai biết. Con bé không hành xử như đang bất ổn hay trầm cảm gì cả. Sức khỏe vẫn tốt, mọi thứ giữa nó và chồng dường như vẫn song suốt, và con bé yêu con lắm. Và dường như nó cũng chẳng để lại dòng ghi chép hay gì khác cả. Bác sĩ của nó đã kê toa thuốc ngủ, và nó để dành và một ngày kia uống hết trong một lần. Do đó dường như nó đã có dự định tự kết liễu bản thân. Nó muốn chết, và suốt sáu tháng trời nó để dành từng chút thuốc một. Chẳng phải một động cơ bất chợt nào.”

Tôi im lặng một hồi lâu. Anh ấy cũng vậy. Hai chúng tôi chìm đắm trong suy nghĩ của riêng mình.

Ngày hôm đó, tại một quán cà phê trên ngọn Rokko, hai chúng tôi chia tay. Tôi đi học đại học ở Tokyo và đã yêu một cô gái khác ở đó. Tôi thông báo ngay với nàng và thú nhận tình cảm tôi dành cho người kia, còn nàng, chẳng nói một lời nào, giằng lấy giỏ xách, đứng dậy và bước ra khỏi quán, chẳng một tí nào muốn ngoái đầu.

Tôi phải đón cáp treo xuống núi một mình. Hẳn nàng đã chạy chiếc Toyota Crown màu trắng ấy về nhà. Hôm ấy là một ngày rực rỡ nắng, và tôi nhớ mình có thể nhìn thấy toàn cảnh Kobe từ cửa sổ khoang cáp. Một cảnh quang đẹp tuyệt.

Sayoko lên đại học, có công việc tại một hãng bảo hiểm lớn, kết hôn với một đồng nghiệp, có hai đứa con, để dành thuốc ngủ, và tự sát.

Dù sớm hay muộn tôi cũng nên chia tay nàng. Thế nhưng, tôi vẫn còn nhiều ký ức tươi đẹp về những năm tháng chúng tôi bên nhau. Nàng là bạn gái đầu tiên của tôi, và tôi rất ưa nàng. Nàng là người đầu tiên dạy tôi biết về cơ thể đàn bà. Chúng tôi trải qua rất nhiều thứ mới mẻ cùng với nhau, có cùng nhau những thời gian tuyệt vời

, những trải nghiệm chỉ có thể xảy ra khi ta còn trong tuổi vị thành niên.

Nói ra thật khó nói, nhưng chẳng bao giờ nàng lại để lại cái cảm giác như có chiếc chuông đặc biệt trong tai tôi đang reo. Tôi chú tâm lắng nghe thật kỹ, nhưng chưa bao giờ điều ấy xả ra. Cô gái mà tôi quen ở Tokyo mới là người như vậy. Hoặc có, hoặc không mà thôi. Và khi xảy ra, nó tự xảy ra, trong ý thức của ta hay ở một chốn thẳm trong linh hồn ta.

“Chú em biết không,” anh trai bạn gái cũ của tôi nói, “chưa bao giờ, dù chỉ một lần, anh nghĩ Sayoko sẽ tự sát. Kể cả khi cả thế gian này con người ta tự sát, anh nghĩ – và hóa ra anh đã sai – con bé vẫn sẽ trụ vững, sống khỏe và sống tốt. Anh không xem con bé là kiểu người bất đắc chí hay có một bóng tối nào đó giấu ẩn bên trong. Thành thật mà nói, anh nghĩ con bé có hơi hời hợt. Anh chẳng bao giờ bận tâm nhiều tới nó, và nó cũng chẳng bận tâm nhiều tới anh, anh nghĩ thế. Có lẽ hai đứa bọn anh không có cùng tần số… Thật ra thì, anh thân với đứa em gái còn lại hơn. Nhưng giờ anh có cảm giác như thể đã làm điều gì đó rất sai với Sayoko, và anh thấy đau. Có lẽ anh chẳng bao giờ hiểu về nó. Chẳng hiểu bất cứ điều gì về nó cả. Có lẽ anh quá bận tâm với cuộc sống của chính mình. Có lẽ một kẻ như anh chẳng có đủ sức để cứu sống con bé, nhưng nhẽ ra anh nên hiểu điều gì đó về nó, kể cả khi chẳng thấm tháp là bao. Hiện tại anh thấy rất khó chịu đựng. Anh quá đỗi kiêu ngạo, tự xem mình là trung tâm.”

Tôi không thể nói gì cả. Có lẽ chính tôi cũng chẳng hiểu nàng chút nào. Cũng giống như anh, tôi cũng quá bận tâm với cuộc sống của chính mình.

Anh trai bạn gái cũ của tôi nói, “Trong truyện mà em đọc cho anh vào lúc đó, “Bộ bánh xe răng cưa” của Akutagawa, có một đoạn đặt ra câu hỏi phi công lái máy bay vút trên trời có thể hít thở ra sao và sau đó không thể hít thở được không khí dưới mặt đất nữa… Bệnh máy bay, họ gọi như thế. Anh thật không biết đó có phải là bệnh thật hay là không, nhưng anh vẫn còn nhớ những dòng ấy.”

“Anh có hết căn bệnh ký ức của anh đôi khi bay đi đâu mất không?” Tôi hỏi anh. Tôi nghĩ tôi muốn lái chủ đề ra khỏi Sayoko.

“Ồ, đúng rồi. Căn bệnh ấy,” anh khép đôi mắt lại chút ít. “Nghe hơi lạ, nhưng nó cũng bất chợt biến mất. Đó là một căn bệnh di truyền và nhẽ ra theo thời gian nó phải trở nên trầm trọng hơn, theo lời bác sĩ, nhưng nó chỉ thuyên giảm rồi biến mất, như thể anh chưa từng mắc phải nó. Như thể một linh hồn dữ đã bị trục ra khỏi cơ thể.”

“Nghe tin này em rất mừng,” tôi đáp. Tôi thật sự mừng cho anh.

“Và nó xảy ra chỉ ít lâu sau lần anh gặp em. Sau đó, anh không còn gặp phải kiểu mất ký ức nào nữa, dù chỉ một lần cũng không. Anh thấy bình tâm hơn, anh có thể theo học một trường đại học tương đối, tốt nghiệp, và tiếp nhận công việc kinh doanh của gia đình. Mọi thứ bắt đầu chuyển hướng ít năm sau đó, nhưng giờ đây anh đang sống một cuộc sống bình thường.”

“Nghe tin này em rất mừng,” tôi lặp lại. “Vậy là anh không có dùng búa bổ vào đầu bố mình sao?”

“Chú mày cũng nhớ những thứ ngu ngốc nữa, đúng không nào,” anh nói, và cười phá lên. “Chú mày biết đấy, anh không thường lên Tokyo để làm ăn, và dường như gặp lại chú mày ở một thành phố khổng lồ thế này thật là lạ lung. Anh không khỏi nghĩ rằng có một cái gì đó đã mang hai chúng ta lại với nhau.”

“Đúng thế,” Tôi đồng tình.

“Vậy còn em? Em sống suốt ở Tokyo thời gian qua sao?”

“Em kết hôn ngay khi tốt nghiệp,” tôi đáp, “và vẫn sống ở Tokyo từ lúc đó tới nay. Em đang sống kiểu kiểu như một nhà văn.”

“Một nhà văn?”

“Phải. Một chừng nghĩa nào đó.”

“Chà, chú mày đọc lớn rất giỏi đó thôi,” anh nói với tôi. “Có thể điều anh nói ra sẽ gây vướng bận cho em, nhưng Sayoko thích em hơn tất cả các đứa.”

Tôi không đáp lời. Và anh bạn gái cũ của tôi không nói thêm gì nữa.

Và thế là chúng tôi nói lời tạm biệt. Tôi đi lấy đồng hồ, khi ấy đã sửa xong, và anh trai bạn gái cũ của tôi chậm chạp leo xuống đồi về ga Shibuya. Hình dáng trong áo tuýt của anh bị ngốn mất vào đám đông buổi chiều.

Tôi không bao giờ gặp lại anh. Cơ duyên đã mang hai chúng tôi lại lần thứ hai. Với gần hai mươi năm giữa hai lần gặp gỡ, ở hai thành phố cách nhau 500 km, chúng tôi vẫn ngồi, chính giữa là một cái bàn, uống cà phê và trò chuyện dăm ba điều với nhau. Nhưng đấy chẳng là những chủ đề ta hay tán gẫu bên bàn cà phê. Có một điều gì đó trọng lượng hơn nhiều trong đối thoại giữa chúng tôi, một cái gì đó dường như có ý nghĩa với cả hai chúng tôi, trong cách chúng tôi sống cuộc sống của mình. Thế mà đấy vẫn chỉ là một manh mối do cơ duyên mang lại. Chẳng có gì kết nối hai chúng tôi một cách hệ thống và tự nhiên cả. (Câu hỏi: Hai cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa hai người đàn ông này gợi ra những điều gì mang tính biểu tượng đối với các yếu trong cuộc đời của họ?)

Tôi không bao giờ gặp lại người con gái xinh xắn kia nữa, người con gái cầm chiếc LP “With the Beatles.” Đôi khi tôi tự hỏi – liệu nàng có còn đang vội chạy qua hành lang trung học mù mịt năm 1964, gấu váy đong đưa hay không? Vẫn tuổi mười sáu, vẫn cầm bìa album tuyệt vời có hình chụp nhập nhoạng của John, Paul, George, và Ringo, ôm chặt như thể cuộc đời nàng lệ thuộc vào nó.

Theo: Binh Bong Bot

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *