Tết Giáp Thìn, anh Chu Sơn Chung (quê ở Quảng Ninh) lại đến cảm ơn các bác sĩ, y tá Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vì đã giúp mình chiến thắng bệnh ung thư máu.
Năm 2015, khi phát hiện bị ung thư máu, anh Chung mới tròn 30 tuổi, con gái đầu lòng mới được 3 tháng tuổi. Cuộc đời còn quá trẻ, bao giấc mơ dang dở và bao nhiêu trách nhiệm cần gánh vác trên vai nhưng người chồng, người cha ấy vẫn không hề nao núng.
“Cuộc sống xung quanh vẫn còn rất nhiều người khổ cực, nhiều người bị tai nạn, qua đời mà không hề được báo trước. Còn mình cho dù bị bệnh nặng nhưng vẫn còn có cơ hội được sống tiếp. Mình vẫn còn may mắn, vẫn còn hy vọng nên hãy bằng lòng với hoàn cảnh và suy nghĩ tích cực để giành lấy cơ hội sống”, anh Chung tâm sự.
Sau khi được các bác sĩ đề xuất phương án ghép tế bào gốc, anh Chung không hề e ngại đồng ý ngay. Nhưng khi xét nghiệm HLA để tìm người hiến phù hợp thì cả em trai và mẹ của anh đều chỉ phù hợp 50%.
Phương án ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cũng rất khó khăn và tốn kém vì với cân nặng của bệnh nhân cần tới 2 đơn vị tế bào gốc máu dây rốn.
Các bác sĩ khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tư vấn cho bệnh nhân nên ghép tế bào gốc nửa hoà hợp (ghép haplotype).
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca ghép cho bệnh nhân Chung chia sẻ, ghép haplotype là kiểu ghép chỉ cần nguồn tế bào gốc phù hợp HLA 50% từ anh chị em ruột, bố mẹ, con ruột, anh chị em họ…, giúp người bệnh có thêm cơ hội ghép (lên đến 90% – 100%).
“So với ghép đồng loài phù hợp hoàn toàn HLA, ghép nửa hoà hợp phức tạp hơn, thời gian mọc mảnh ghép kéo dài đồng nghĩa với nhiều nguy cơ biến chứng hơn. Hơn nữa, vào thời điểm năm 2015, phương pháp ghép này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam”, bác sĩ Bình cho biết.
Bệnh nhân Chung trở thành một trong những người bệnh đầu tiên được ghép nửa hoà hợp tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Cuối tháng 12/2015, khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Âm lịch, bệnh nhân Chung đã được ghép tế bào gốc nửa hoà hợp.
Khi mọi người đang quây quần bên người thân đón năm mới thì bệnh nhân Chung và các y bác sĩ sát cánh “chiến đấu” trong phòng cách ly, nỗ lực giành lại sự sống.
Vào thời điểm đó, dù đau đớn, mệt mỏi, kiệt sức, anh Chung vẫn cố gắng ăn uống “bằng sức mạnh tinh thần” để nâng cao thể trạng. Ngay cả khi gặp biến chứng viêm bàng quang, đi tiểu ra máu, với sự động viên, chăm sóc của các y bác sĩ, anh vẫn giữ tinh thần thoải mái và niềm tin mình sẽ vượt qua.
Sau 2 tháng 7 ngày, anh được ra khỏi phòng ghép trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình và các y bác sĩ. Nhớ lại ca ghép 7 năm trước cho anh Chung, bác sĩ Bình chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đã có thêm kinh nghiệm xử lý các biến chứng nguy hiểm trong ghép tế bào gốc nửa hoà hợp cũng như ghép đồng loài. Nhưng khi thực hiện những ca ghép nửa hoà hợp đầu tiên, chúng tôi gặp khá nhiều thách thức.
Vì thế, chúng tôi thực sự rất trân trọng và cảm ơn những người bệnh như anh Chung đã tin tưởng chúng tôi và dũng cảm lựa chọn phương pháp điều trị mới.
Đến nay, việc anh Chung vẫn khoẻ mạnh, thành đạt chính là một món quà của sự dũng cảm và cũng là món quà cho những người cán bộ y tế như chúng tôi”.
Đến giờ, anh Chung đã chiến thắng được căn bệnh ung thư máu, đã cùng gia đình đón thêm 8 cái Tết đầm ấm, hạnh phúc. Cuối năm 2022, gia đình nhỏ của anh đã thêm thành viên mới, một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Căn bệnh ung thư không khiến anh Chung gục ngã mà còn tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để anh sống cuộc đời đầy ý nghĩa.