Ảnh: Thanh Huyên
1. Đàng Ngoài:
– Về ly hôn:
Người đàn ông có quyền ly hôn nhưng vợ ông ta thì không. Bà ta không thể ly thân, trừ khi thế lực của gia đình bà đủ lớn để can thiệp việc ly dị. Khi người chồng muốn ly hôn, ông ta sẽ viết một tờ giấy thông báo cho vợ mình. Nếu không có, người phụ nữ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hạnh phúc mới. Vì trên pháp luật, họ vẫn còn là vợ chồng. Bỗng nhớ đến Duy Tân và người vợ đầu – Diệu Phi Mai Thị Vàng, sau khi bà trở về từ đảo La Réunion, ông gửi giấy ly hôn về Huế nhưng bà không chấp nhận. Bà thủ tiết với ông, còn ông thì đã cưới hai người vợ. Các con ông đều có họ là “Vĩnh San” – tên của cựu hoàng.
Khi ra đi, người vợ có thể mang đi sính lễ và của hồi môn. Người chồng được phép nuôi con. Các quan ít can thiệp việc này, nếu có thì thường xử ép người vợ. Thiếp thất cũng sẽ như thế. Đối với nhà bình dân, họ có thể thỏa thuận ly hôn dưới sự làm chứng của chức sắc trong làng hoặc quan phụ mẫu của họ. Thông thường, do không biết chữ, người đàn ông bẻ đôi đồng tiền/ chiếc đũa trước mặt vợ, mỗi người giữ một nửa. Người vợ mang bằng chứng đến cho ông Lý Trưởng để chứng tỏ hai bên không liên quan gì nữa. Nếu muốn tái giá, người phụ nữ sẽ vứt một nửa đồng xu hoặc chiếc đũa ấy đi.
Theo Hồng Đức Thiện Chính Thư, năm Thuận Bình thời Lê Trung Tông: “Vợ chồng không hòa hợp mà muốn ly dị, tờ ly hôn phải tự tay viết, tự tay ký, chỗ nối giữa 2 tờ phải viết niên hiệu & chữ giáp khép khít vào nhau, phân làm 2 bản cho mỗi người 1 bản. Bên dưới ngày tháng niên hiệu, chồng ký tên, vợ điểm chỉ, nếu không biết chữ thì cho phép nhờ người trong họ/người khác viết thay. Nếu không sẽ bị coi là không hợp pháp, vô giá trị, bắt vợ chồng đoàn tụ”.
Về ngoại tình:
Nếu người chồng có địa vị phát hiện vợ ngoại tình, ông ta có quyền giết gian phu. Nếu không giết, ông ta sẽ đưa vợ ra xử tội voi giày; kẻ tình lang kia bị xử tử. Đối với dân nghèo, hai kẻ ngoại tình sẽ bị xử tội theo pháp luật.
Tuy nhiên, theo luật Hồng Đức: Người chồng đánh chết gian phu thì xử tội đồ làm chủng điền binh, bồi thường cho vợ con nạn nhân. Nếu đánh trọng thương, xử đồ làm khao đinh. Nếu ngộ sát, vô tội. Trường hợp “người chồng có địa vị phát hiện vợ ngoại tình, ông ta có quyền giết gian phu” ở trên, có lẽ vùng đấy còn theo luật của nhà Lý.
2. Đàng Trong:
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Tội ngoại tình luôn được “ưu tiên” trong những bộ luật. Với Đàng Trong, người ta trừng phạt tội ngoại tình bằng voi giày. Làng xóm hoặc công quyền sẽ đưa tội phạm đến nơi vắng lặng, trói tay chân và ném lại gần một con voi. Họ kể tội người phạm tội và con voi sẽ tiến hành hình phạt của mình. Trước tiên, nó dùng vòi quấn siết lấy nạn nhân và nâng bổng cho mọi người thấy. Sau đó, nó ném phạm nhân từ trên cao xuống, dùng ngà đỡ sao cho phạm nhân bị đâm thủng ruột. Và bất thần, nó vứt phạm nhân xuống đất rồi giày xéo thành từng mảnh. Quá trình đó khiến mọi người run sợ và họ hiểu rằng phải chung thủy với người phối ngẫu. Tất nhiên, người Đàng Trong chẳng galant đến mức nhường phụ nữ khi họ cắm chiếc sừng dài ngoằn lên đầu ông chồng họ.
Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng
Đa thê, với vai trò yếu thế của người phụ nữ có lẽ chỉ là lý thuyết của Tống Nho, Minh Nho và thực tiễn Đàng Ngoài. Người Đàng Trong thường chỉ lấy một vợ, ăn đời ở kiếp muối mặn gừng cay. Đàn ông nhà quyền quý hoặc phú ông thường lấy nhiều vợ nhưng hạn chế. Các bà ấy được gọi là bà hai, bà ba… Họ hầu hạ ông chồng và bà cả – người nội tướng thật sự của gia đình. Người vợ lẽ chỉ được cưới về với sự cho phép của bà cả mà thôi.
Về vấn đề ly hôn của mẫu hệ Champa, người vợ/ chồng không có quyền đơn phương ly hôn. Họ có thể chia tách khi có bằng chứng về sự phản bội của đối phương. Lúc ấy, của hồi môn của người đàn ông sẽ về tay vợ cũ. Vì anh ta là nội tướng trong gia đình vợ trước. Anh ta sẽ ra đi khi mang theo lương thực và quần áo.
Nguồn:
1.Xứ Đàng Trong, Cristoforo Borri, Thanh Thu dịch, NXB TH TPHCM, 2019
2.Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, Samuel Baron, NXB KH XH, 2019