Một phản biện với bài viết “7 điểm kỳ dị của Việt Nam thời lập quốc” của tác giả Quang Phan
Trước hết, bản thân người viết phải khẳng định một số tư liệu mới mẻ và thú vị đến từ bài viết của tác giả Quang Phan. Tuy nhiên, có thể do văn phong, do cách tranh luận và một số kết luận của bài viết đã dẫn đến những tranh cãi và ngộ nhận. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết mong muốn sẽ làm rõ 3 vấn đề trong bài viết của tác giả Quang Phan bởi vì 3 điểm này có thể dẫn đến những ngộ nhận lớn trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Thứ nhất: Chế độ bầu cử đại thủ lĩnh.
Theo như bài viết của tác giả Quang Phan, không có chuyện dẹp loạn 12 sứ quân mà chỉ đơn giản là vua Đinh Tiên Hoàng đã được họ bầu làm đại thủ lĩnh.
Trích nguyên văn: “Trái với nhận thức đang chi phối rằng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (một nhận thức kiểu Tàu), thì ông đã được họ bầu làm … Đại thủ lĩnh. Nhiệm kỳ của ông là trọn đời.”
Theo người viết, đây là một phân tích mang tính nhị nguyên. Trên thực tế, đa số sử gia hiện đại đều đồng ý vua Đinh Tiên Hoàng đã kết hợp giữa hợp tác và vũ lực để thống nhất đất nước. Nếu chỉ phân tích theo cách nhị nguyên là: “đánh dẹp” hoặc “được bầu” thì e rằng sẽ dẫn đến những thiếu sót lớn trong việc nhìn nhận vô số các sự kiện phức tạp. Ví dụ các trận chiến giữa quân của vua Đinh Tiên Hoàng và sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, dẫn đến cái chết của sứ quân nổi tiếng này. Hoặc các trận chiến khốc liệt giữa quân của vua Đinh Tiên Hoàng và sứ quân Nguyễn Siêu, dẫn đến cái chết của vị tướng nổi tiếng Nguyễn Bồ (nơi thờ tự của tướng Nguyễn Bồ nay là đình Ba Dân thuộc Thanh Trì, Hà Nội). Và nhiều trận chiến khác giữa quân của vua Đinh Tiên Hoàng và các sứ quân. Như vậy, nếu chỉ nhìn nhận một cách đơn giản là vua Đinh Tiên Hoàng được bầu làm Đại Thủ Lĩnh thì sẽ không thể dẫn đến những trận chiến tranh giành quyền lực khốc liệt kể trên. Tựu chung, nên nhìn nhận rằng vua Đinh Tiên Hoàng đã thống nhất đất nước bằng vũ lực và hợp tác hơn là phân tích một cách nhị nguyên: “đánh dẹp” hoặc “được bầu”.
Thứ hai: Đại Việt hung hăng khủng khiếp. (chính xác thì đến thời vua Lý Thánh Tông mới đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt )
Trích nguyên văn “Rất nhanh, nhóm Mân Hán này chứng tỏ sự yêng hùng, vũ dũng của mình. Lý bành trướng thế lực, chuốc bi ai cho láng giềng, chiến tranh là lẽ sống của họ.
Lý hà hiếp cướp ngựa, đất của Đại Lý (qua hai trận chiến 1012, 1014), Kimi rồi áp chế Tày – Nùng, xâm lăng Champa. Thậm chí, họ còn chẳng ngần ngại thử sức đầy lớn lao với Tống (1075 – 1077), theo Tống sử thì, Lý đã giết và bắt đi mười vạn người Tống. “
”
Nếu đọc đoạn văn này, hẳn độc giả sẽ hình dung một nhà Lý hiếu chiến như quân Mông Cổ đi chinh phạt các quốc gia khác. Tuy nhiên, đây lại là một sự thiếu xót lớn vì đã bỏ qua hoàn toàn bối cảnh lịch sử của các trận chiến. Ví dụ: Nước Đại Lý dưới sự trị vì của vua Đoàn Tố Liêm đang trong thời kỳ hưng thịnh. Nếu cho rằng một nước Đại Cồ Việt non trẻ của một triều đại mới ra đời là nhà Lý lại có thể “ hà hiếp, cướp ngựa, đất đai của Đại Lý”, theo người viết, đó là một nhận định một chiều và tiêu cực. Trên thực tế, hai cuộc chiến lớn của Đại Lý và Đại Cồ Việt đều mang ý nghĩa tranh giành ảnh hưởng với khu vực của các dân tộc Tày, Nùng và Thái. Đặt trong chiều kích lịch sử đó, đây không đơn thuần là một cuộc chiến mà người Việt đi xâm chiếm, chinh phạt lãnh thổ của Đại Lý. Biên giới quốc gia của thời kỳ này chưa được định hình rõ nét và tồn tại nhiều vùng đệm của các dân tộc ít người giữa những quốc gia. Và sự tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia đối với những vùng đệm này là một điều phổ biến trong thời gian đó. Chưa kể đến mối lo ngại của nhà Lý khi các tù trưởng như Hà Trắc Tuấn liên kết với nước Đại Lý để mở rộng tầm ảnh hưởng.
Đối với trận chiến chống quân Tống, tác giả Quang Phan đã lược bỏ hoàn toàn bối cảnh dẫn đến cuộc chiến đó. Nếu chỉ xét riêng mục đích chiến tranh, phải chăng nhà Lý chỉ đơn giản là đem quân qua đất Tống đánh giết rồi rút về mà không có mục đích gì? Nguyên nhân nào khiến một nước nhỏ phải gây chiến với một nước lớn mà không được lợi ích tương xứng? Để trả lời cho hai câu hỏi đó, nếu chỉ dựa vào lý luận nhà Lý là một triều đại “hung hăng khủng khiếp” thì rất không ổn vì đi ngược lại tính logic. Nhà Lý không phải là một triều đại du mục như các bộ tộc phía Bắc Trung Quốc, họ không có lý do gì để đem quân đánh Tống, cướp phá rồi rút về. Nhà Lý cũng không có tham vọng lãnh thổ lớn với đất Tống đến nỗi phải khai mào một trận chiến lớn như vậy mà không thêm được phần lãnh thổ nào. Xét trên góc độ chính trị, không vị vua nào điên rồ đến nỗi đem quân đánh một nước lớn hơn chẳng vì lý do gì. Như vậy, cách giải thích dễ chấp nhận nhất vẫn là chiến lược “tiên phát chế nhân”. Biết được ý định xâm lược của nhà Tống, nhà Lý đã tấn công trước để làm suy yếu quân Tống và rút về để phòng thủ. Tựu chung, sự phân tích các cuộc chiến tranh giữa nhà Lý với các nước láng giềng khi ấy nên xét rõ bối cảnh lịch sử, nguyên nhân chiến tranh chứ không thể vội vàng kết luận nhà Lý “chuốc bi ai cho láng giềng”.
Thứ ba: Tháp Bình Sơn là một dấu tích Chăm.
Tấm hình tháp Bình Sơn được tác giả Quang Phan trích dẫn là một dấu tích Chăm. Theo người viết, đây là một lập luận có phần vội vàng. Người viết sử dụng hình ảnh của một số kiến trúc tháp nổi tiếng để độc giả dễ so sánh với tháp Bình Sơn: bao gồm Sùng Thánh Tự của Đại Lý, tháp Xiaoyan của nhà Đường tại thành phố cổ Tây An và một số tòa tháp Phật giáo theo kiến trúc nhà Đường. Độc giả rất dễ quan sát và so sánh điểm tương đồng về kiến trúc giữa các tòa tháp này. Đây là một dạng kiến trúc Phật giáo rất phổ biến của thời Đường và có ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Á. Và độc giả cũng có thể so sánh hình ảnh của các ngôi tháp trên với di tích Tháp Chăm để nhận thấy điểm khác biệt. Do đó, phải chăng là vội vàng khi kết luận tháp Bình Sơn hoàn toàn là của người Chăm? Cần phải khẳng định rằng, cá nhân người viết rất trân trọng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, sự giao thoa văn hóa này nên được nhìn nhận một cách tích cực và đa chiều. Tránh những suy nghĩ đòi hỏi một bên phải triệt tiêu hoàn toàn bên còn lại.
Một vài suy nghĩ riêng.
Sử liệu vô cùng đa dạng, phong phú và nên được nhìn nhận một cách tích cực, khách quan. Cùng một sử liệu nhưng dưới văn phong của các tác giả khác nhau sẽ dẫn đến sự nghi ngờ, đôi khi là mâu thuẫn, chia rẽ giữa các nhóm độc giả khác nhau. Trên hết, một bài viết nên hướng đến tính thống nhất dân tộc và tính tham khảo để tạo không khí tranh luận tích cực. Văn phong bài viết nên mang tính tham khảo, cách tranh luận nên dưới dạng gợi mở hơn là triệt hạ theo kiểu “Tôi hay, tôi đúng, anh không đồng ý với tôi là anh ngu”. Tránh dẫn đến sự “phản diện” – antagonist – không cần thiết, phá vỡ không khí tranh luận lành mạnh. Rất mong sẽ được tham khảo thêm nhiều sử liệu thú vị từ tác giả Quang Phan. Trân trọng!
Độc giả có thể tìm bài viết của tác giả Quang Phan theo tag này để tham khảo.
#7điểmkỳdịcủaViệtNamthờilậpquốc