Một bức ảnh từ năm 1933 chụp lại cảnh Hitler ôm bé gái 6 tuổi Rosa Bernile Niena đã được bán với giá $11,000 trong một phiên đấu giá gần đây.
Điểm đặc biệt ở bức ảnh này là một dòng ghi chú bằng mực xanh của chính Hitler: “Rosa Nienau Adolf Hitler thân yêu và (ân cần?), Munich ngày 16 tháng Sáu năm 1933”. Chín bông hoa Tuyết Nhung và một cây cỏ bốn lá được Bernile đính lên cũng tô điểm thêm cho tấm ảnh.
Hai người có cùng ngày sinh, 20 tháng Tư. Cô bé gọi Hitler là “bác Hitler” và Hitler cũng coi cô bé như “cháu gái của Quốc trưởng”. Vào thời điểm mà người lãnh đạo Đảng Quốc xã đang cố tạo dựng một hình tượng hiền hậu với quốc tế, nhiếp ảnh gia của Hitler – Heinrich Hoffmann – thường xuyên chụp lại những khoảnh khắc hai người nắm tay, hôn má hoặc cười với nhau. Hitler đã từ chối cắt đứt liên lạc với cô bé cả khi y biết bà ngoại cô bé là người Do Thái.
(T/N: Thông tin nhanh cho ai chưa biết, Đảng Quốc xã do Hitler lãnh đạo chính là thủ phạm đằng sau cuộc diệt chủng quy mô lớn ở châu u với hệ quả là cái chết của hơn 6 triệu người Do Thái trong Thế Chiến thứ Hai)
Giống như những bức hình khác của Hoffmann, tấm ảnh này cũng bị coi là một phương thức tuyên truyền chính trị. Mục đích của tấm ảnh chụp Bernile và Hitler là để là để khắc họa nhà lãnh đạo Đức Quốc xã như một người yêu trẻ em, “một người đàn ông có ảnh hưởng tới giới trẻ”, theo James Wilson trong cuốn “Hitler’s Alpine Headquarters”.
Theo thông tin từ nhà đấu giá, Bernile và người mẹ góa của mình đã đi từ nhà của họ ở Munich vào mùa xuân năm 1933 đến nơi nghỉ dưỡng của Hitler. Họ đến để chúc mừng sinh nhật Hitler, và Bernile bằng cách nào đó đã được chọn để gặp y, rất có thể là vì họ có trùng ngày sinh nhật. Cô bé và “Bác Hitler” đã dần trở nên gắn bó thân thiết, gặp nhau thêm vài lần nữa và viết thư cho nhau, cho đến tận năm 1938.
“Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí trước đó, Hitler đã biết về dòng máu Do Thái của cô bé nhưng đã lựa chọn ngó lơ, có thể vì mục đích cá nhân hoặc tuyên truyền chính trị”, theo thông tin được viết trên website của nhà đấu giá.
Ở Đức Quốc xã, có một phần tư dòng máu Do Thái đồng nghĩa với việc Bernile vẫn được coi là người Do Thái theo luật, nhà đấu giá giải thích.
Cho đến một ngày, một trong những tay sai của Hitler đã phát hiện ra nguồn gốc của Bernile và nghiêm cấm cô và mẹ không được đến thăm Hitler nữa. Nhưng vị “Đảng viên chim lợn” kia lại không thông báo việc này với Hitler, trích dẫn theo sách của Wilson. Hitler đã luôn băn khoăn không biết điều gì đã xảy ra với “cháu” mình. Cuối cùng, y biết được rằng cô bé bị cho vào danh sách đen không được bén mảng đến khu nhà. Vị Quốc trưởng trở nên phiền muộn.
“Hitler đã rất phẫn nộ với kẻ tố cáo người bạn nhỏ của mình. Y đã nói với Hoffmann ‘Có những con kền kền chỉ luôn chực chờ phá bĩnh mọi thú vui nhỏ bé của ta.’”, trích sách của Wilson.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, việc trao đổi thư từ giữa Hitler và cô bé vẫn bị một nhà lãnh đạo cấp cao khác can thiệp và ngăn chặn vĩnh viễn vào năm 1938. Năm năm sau, vào ngày 5 tháng Mười năm 1943, Bernile qua đời ở tuổi 17 vì bệnh bại liệt tại một bệnh viện ở Munich.
Cùng thời điểm đó, hàng triệu người Do Thái đã bỏ mạng trong các trại tập trung.
—–
Nguồn lược dịch: The Washington Post, ‘The Führer’s child’: How Hitler came to embrace a girl with Jewish roots
