Mỗi lần cãi nhau, bạn trai đều im lặng không nói một lời, tôi phải làm sao đây?

Mâu thuẫn giữa người với người đại khái có thể chia thành 3 loại như sau:
Loại đầu tiên có thể gọi là hiểu lầm. VD: Tôi tưởng bạn đang vui, nhưng thật ra không phải.
Loại thứ hai là mâu thuẫn về giá trị quan. VD: Tôi cho rằng A tốt, nhưng bạn lại nghĩ B tốt.
Loại thứ ba là mâu thuẫn về lợi ích. VD: Tôi nghĩ A tốt nhưng bạn cứ nhất quyết bắt tôi bỏ A, chọn B. Hoặc là bạn muốn nhiều hơn, nhưng tôi lại không muốn cho.
Cho nên, nói chuyện rõ ràng với nhau chỉ giải quyết triệt để được loại mâu thuẫn đầu tiên, là có hiểu lầm, nói rõ để không còn hiểu lầm. Nhưng nếu đôi bên đã có xung đột thực chất về giá trị quan và lợi ích thì nói suông không giải quyết được vấn đề đâu.
Ví dụ như xung đột về giá trị quan đi. Tôi nghĩ A tốt, bạn nghĩ B tốt. Không có ai đúng ai sai cả, chỉ là đúc kết trong kinh nghiệm sống của mỗi người không giống nhau, dẫn đến sự khác biệt về cách đánh giá, quan điểm thẩm mỹ và một số yếu tố khác.
Thế mới bảo, chỉ vài lời nói suông sao có thể thay đổi được kinh nghiệm sống mấy chục năm trên đời của một con người?
Vì vậy, muốn giải quyết hai loại mâu thuẫn này, nhất định phải có sự nhường nhịn, bao dung hoặc là trao đổi lợi ích, nhu cầu.
Ví dụ như bạn thấy A tốt, tôi lại nghĩ B tốt.
Sau cùng, tôi chọn A giống với bạn không có nghĩa là tôi cảm thấy A tốt hơn B, mà là để duy trì mối quan hệ của tôi và bạn, tôi không muốn cãi nhau với bạn, nên tôi đồng ý chọn giống bạn. Chứ trong lòng tôi vẫn cảm thấy B dùng tốt hơn.
Bạn nên nhớ, chuyện này không phải là vì tôi và bạn nói chuyện với nhau, bạn thay đổi được ý nghĩ của tôi, mà là tôi lựa chọn nhường nhịn để không xảy ra tranh chấp về sau ví như bạn đòi chia tay, hoặc là đôi bên giận dỗi không nói chuyện với nhau.
Xung đột lợi ích cũng giống vậy. Ví dụ như bạn muốn về nhà mình ăn tết, nhưng chồng bạn cũng muốn về nhà mình ăn tết.
Sau khi thảo luận, kết quả là vợ chồng bạn về nhà ngoại ở đến giao thừa, qua năm thì về nhà nội. Như vậy, giao tiếp ở đây là cầu nối để đôi bên thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của đối phương, còn mấu chốt để giải quyết mâu thuẫn là đôi bên cùng nhau nhượng bộ để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của mỗi cá nhân.
Về khía cạnh nào đó thì xung đột lợi ích dễ giải quyết hơn xung đột về giá trị quan.
Bởi vì xung đột lợi ích thì chỉ cần cân bằng lợi ích đôi bên là được. Nhưng về giá trị quan thì đó là linh hồn, là cốt lõi của một con người, muốn dung hòa hay nhượng bộ cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Theo tôi nghĩ, bạn trai không muốn nói chuyện với bạn, chỉ có một lý do, bởi vì cậu ta cảm thấy nói ra cũng không có tác dụng.
Nếu bạn chỉ đang đơn giản là nói cho anh ta biết suy nghĩ trong lòng mình, nhưng không cho anh ta có cơ hội thương lượng. Thì đây không thể gọi là giao tiếp hay chia sẻ, đây chỉ là một loại thông báo được lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh nội dung cho đối phương biết.
Nếu cậu ta phản đối thông báo của bạn thì sao? Thì bạn sẽ cảm thấy không vui, sẽ nhấn mạnh gay gắt và mạnh mẽ hơn, đến cuối cùng thì bắt đầu đe dọa thế này thế kia…
Có lúc nào bạn từng nhường nhịn cậu ta chưa? Nếu đến cuối cùng, cậu ta vẫn phải nhường nhịn bạn, thì cần phải nói chuyện nữa sao? Biết chắc kết cục của mình rồi, bạn có thấy tên t ử t ù nào còn giãy giụa trong vô ích nữa không?
Tôi cảm thấy, bạn trai của bạn dần im lặng sau những lần cãi vã là vì cậu ta cảm thấy không thể thay đổi ý kiến của bạn, hoặc dù có nói đôi bên cũng không tìm ra được tiếng nói chung.
Chuyện này rất nguy hiểm, bởi vì một khi cậu ta nhận định như vậy thì hai bạn sẽ không thể đi đường dài với nhau được.
Tuy giao tiếp không phải là cách giải quyết cuối cùng, nhưng đó là cầu nổi, là thuốc dẫn quan trọng để chữa lành mọi mối quan hệ. Hãy vận dụng nó thật tốt!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *