Chỉ trong tháng 12 này, không dưới 3 người bạn tìm đến mình tâm sự về việc đi làm gặp phải tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” và hỏi mình cách giải quyết, mặc dù mình thấy tính cách và năng lực mấy đứa ấy không hề tệ. Nhân tiện đây, mình cũng xin phép chia sẻ kinh nghiệm và nhìn nhận của bản thân về vấn đề này, hi vọng là nó sẽ có ích cho ai đó!
BẮT ĐẦU LUÔN NHÉ!
Thực ra, có khá nhiều lí do dẫn tới việc những người cũ ở công ty có xu hướng bắt nạt, chèn ép người mới. Những lí do phổ biến nhất sẽ kiểu như:
- Thấy người ta ĐẸP, hòa đồng, được nhiều người quý mến, “eo ôi điệu đà, giả tạo, thấy mà ghét!!!”
- Thấy người ta GIỎI hơn, làm việc hiệu quả hơn, hiểu biết hơn, nên là “sớm muộn gì cũng leo lên đầu mình ngồi, phải dằn mặt cho biết vị trí đang ở đâu!”.
- Muốn người khác phải sợ mình, thấy quyền lực của mình, “phải biết ở đây ai là người chỉ đạo!”…
- Hoặc đơn giản: nhìn thấy ghét, “mặt cứ câng câng lên chẳng hiểu sao mấy đứa HR tuyển đứa này vào, chắc con ông cháu cha”…
[…]Thông thường, bên ngoài những lời khuyên về chuyên môn Marketing, mình thường ưu tiên tư vấn cho mọi người về hướng giải quyết trong trường hợp này, vì nếu nói đây là những vấn đề lớn thì không hẳn nếu biết cách giải quyết, nhưng nếu coi nhẹ nó là vấn đề đơn giản thì là sai rồi, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và tới chất lượng cuộc sống!Khi không giải quyết được mâu thuẫn này, buổi sáng thức dậy đi làm, điều đầu tiên bạn nghĩ đến sẽ là: Lát nữa “mụ đó”, “cha đó” sẽ làm gì mình? Hôm nay mình phải đối mặt thế nào với mấy người đó?… Nếu cả ngày chỉ mang những tâm tư như vậy, đi làm đâu còn gì vui vẻ, cuộc sống sẽ thực sự mệt mỏi!Từ đoạn này, Toàn xin phép gọi những người thích chơi trò “ma cũ bắt nạt ma mới” là kẻ xấu tính cho gọn.Có một sự thật là đa số những kẻ xấu tính đều có năng lực khá là… thấp, hoặc làm việc không quá hiệu quả, cũng không phải những người thông minh đâu. Thế nên đối phó với họ không khó, lời khuyên đưa ra là:
- Hãy làm thật tốt công việc của mình. Đây là điều kiện tiên quyết để bạn tồn tại và phát triển, trong mọi trường hợp!
- Quan sát kĩ để xác định rõ các nhóm đối tượng: người ghét bạn (những người bạn sẽ phải “xử lí” trong thời gian tới), người tử tế với bạn (những người tốt luôn giúp đỡ bạn) và người trung lập. Khoan đã nha, nhiều khi bạn sẽ bị nhầm giữa người ghét bạn và người tử tế đấy nhé, thi thoảng người ghét bạn sẽ đóng vai làm người tử tế, nhưng sẽ đưa cho bạn những lời khuyên chết người hoặc giở chiêu “bô kích” để cho bạn cảm thấy ghét một ai đó. Những kẻ xấu tính này thường đáng sợ hơn cả. Đừng dính bẫy!!!
- Hãy làm thân với những người tử tế trong công ty, kể cả sếp của bạn. Cái này chỉ có thể thực hiện khi bạn đã xác định được rõ ràng người đó thực sự tốt hay chỉ là giả tạo. Nếu bạn không phải là người quan sát tốt, có thể thử xin Facebook để kết bạn, những người hướng ngoại thường thể hiện rất rõ tâm tư của bản thân trên mạng xã hội, từ đây bạn cũng có thể đoán được một phần đấy.
- Luôn cẩn thận với từng dòng tin nhắn với các đồng nghiệp, kể cả tin nhắn riêng tư! Chỉ cần sơ suất một chút, nói chuyện bực tức, thiếu chừng mực một chút, tin nhắn đó có thể bị chụp lại và thế là vào một ngày đẹp trời: bạn bỗng biến thành kẻ xấu trong mắt mọi người!
- Luôn cố gắng nhắn tin trên nhóm chung, có mặt đầy đủ các thành viên, bao gồm cả kẻ xấu tính, những người tử tế và người trung lập. Nếu công ty không có quy định làm việc nhóm, đừng ngại đề xuất với sếp của bạn, đây không phải là một góp ý tồi nếu muốn đẩy nhanh tiến độ làm việc, tránh lan man, mọi người dễ dàng nắm bắt được công việc của nhau và sếp của bạn cũng sẽ an tâm hơn vì kiểm soát mọi thứ tốt hơn.
- Luôn tử tế, ngay cả với người ghét mình. Tử tế không bao giờ thừa, kể cả trong trường hợp này. Nhưng tử tế không có nghĩa là không đề phòng bạn nhé! Thậm chí hãy cẩn thận với những lời ngọt ngào và tâng bốc, bạn đủ tỉnh táo mà phải không?
ỦA VẬY KHÔNG TẤN CÔNG LẠI SAO???
- Tất cả những hành động trên của bạn đều là sự tấn công mạnh mẽ nhất đối với kẻ xấu tính. Tin mình đi, chỉ cần bạn luôn làm tốt, luôn được số đông ủng hộ, kẻ xấu tính sẽ tự đào thải chính mình! Còn trong trường hợp bạn nhận định sai về kẻ xấu tính, thì việc bạn tốt cũng sẽ củng cố được mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp đó.
NÓI THÌ DỄ LẮM, TRONG TRƯỜNG HỢP CHÍNH SẾP LÀ KẺ XẤU TÍNH THÌ SAO???
- Như mình đã nói, những kẻ xấu tính trong công ty thường khó có đủ năng lực và phẩm chất để lên được chức vụ cao, nhưng không phải là không có. Trường hợp này, nếu sự cố gắng của bạn không đạt được kết quả tốt, mạnh dạn chuyển tới chỗ làm có môi trường tốt hơn. Bạn xứng đáng với một môi trường năng động, vui vẻ và có thể phát triển mỗi ngày, mọi phấn đấu trong cuộc sống này suy cho cùng cũng chỉ là để mỗi ngày đều được vui, đúng không?
Bản thân mình đã chinh chiến trong môi trường công sở đã 4 năm nay từ khi còn là một sinh viên chưa ra trường, cũng gặp vô số… màu sắc khác nhau, nhưng chưa một ngày mình gặp vấn đề gì liên quan tới đồng nghiệp, phần vì có thể mình may mắn luôn gặp được các đồng nghiệp tốt, phần vì công việc của mình đòi hỏi những sự tinh tế và khéo léo, nên các vấn đề với đồng nghiệp đều được giải quyết nhẹ nhàng. Hi vọng rằng những chia sẻ của mình hữu ích với một ai đó.