24 tuổi, mình chuẩn bị cho một sự ra đi nhưng cuối cùng, mình lại yêu thế giới này một lần nữa.
Không biết vì sao dạo gần đây, Facebook mình hiện lên nhiều bài viết về chủ đề này. Mình đọc rất nhiều bình luận của mọi người, mà chủ yếu là các bạn trẻ hơn mình hoặc như mình. Mình hiểu rằng, thế hệ này có rất nhiều người đang tổn thương. Vậy nên mình muốn viết một điều gì đó, mong rằng sẽ giúp cho những ai đang chơi vơi có thể được níu giữ, dù chỉ là chút thôi. (Bài viết có thể dài vì mình sẽ nói về các biểu hiện, trải nghiệm khám tâm lý và những phương pháp mình đã áp dụng).
Mình hiểu những cảm giác ấy, thực sự kinh khủng lắm. Mình đã chịu đựng chúng gần 2 năm. Quá trình của mình diễn ra ngày một nặng dần, bắt đầu từ những điều rất nhỏ.
Giai đoạn đầu chỉ là những cơn chán: Mình bắt đầu không còn cảm hứng với những thứ đã từng yêu thích trước đây: không thể nghe nổi 1 bản nhạc, xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách. Mình mất hứng thú với tất cả mọi thứ, điều này diễn ra trong khoảng 1 năm. Rồi mình bắt đầu mất năng lượng, việc thức dậy đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Mình trở nên yếu đuối.
Bất cứ một điều tổn thương nhỏ nào cũng có thể khiến mình dằn vặt. Mình đã không còn đủ mạnh mẽ để đối mặt với những áp lực của cuộc sống. Mình bắt đầu mơ đến những điều đau khổ xảy ra trong quá khứ. Bắt đầu thức rất khuya nhưng không hề làm gì cả. Mình bị tắc cảm xúc đến nỗi không thể viết được điều gì. Giai đoạn này, mình vẫn đi làm, vẫn thể hiện là một con người tích cực và giàu năng lượng, nhưng mình cảm nhận bên trong mình đang vỡ vụn.
Rồi mình khóc mỗi đêm. Mình tỉnh dậy với những cơn ác mộng và khuôn mặt đẫm nước mắt. Mình không thể dậy sớm. Mình bắt đầu xin nghỉ làm, vài ngày, rồi 1 tuần, 2 tuần. Mình cảm thấy đau khổ. Mình muốn bắt lấy một điều gì đó nhưng không thể.
Mình đau khổ tới mức tất cả những gì mình có thể viết trong nhật kí chỉ là: Cứu với.
Mình hi vọng một điều gì đó có thể giúp mình nhưng đồng thời mình mất niềm tin với tất cả. Cuối cùng, mình mong muốn được giải thoát.
Vào hôm ấy, mình order 1 suất bún đậu nước mắm nhưng bên nhà hàng lại gửi nhầm thành mắm tôm. Mình đã bật khóc.
Nhưng đồng thời, mình nghĩ rằng mình sẽ thử nó một lần trong đời, dĩ nhiên là hôm đó mình chỉ ăn được 2 miếng rồi bỏ dở. Tuy vậy, điều ấy đã mở ra một suy nghĩ mới: Trước khi nói lời tạm biệt, mình sẽ thử làm những điều chưa từng làm.
Đúng đó, vậy nên, bước đầu tiên trong việc chữa lành của mình chính là:
1. Làm những điều mình chưa bao giờ trải qua, cho dù đó là điều mình ghét. Bởi vì ít nhất, nó cũng mang đến cảm xúc gì đó cho mình ngoài sự trống rỗng và nỗi đau vô tận.
Vậy là liền mấy ngày sau đó, mình đều xuống dưới quán bún đậu gần nhà để tập ăn, mỗi ngày ăn thêm được 1 chút, đến khoảng 1 tuần, mình đã ăn được trọn vẹn. Cảm giác vui mừng khi mình làm được điều gì đó tiếp thêm sức mạnh để mình thử những thứ khác: đi xem pháo hoa trên Hồ Gươm, tìm một người bạn nước ngoài để học tiếng Anh,… Cũng chính ngày đầu tiên của năm mới này, mình gặp được bạn trai mình bây giờ, người đã giúp mình rất nhiều trong chặng đường chiến đấu với căn bệnh này.
2. Chia sẻ và lắng nghe
Mình quyết định chia sẻ vấn đề với bạn trai mình khi vào một ngày, mình phát hiện những viên uống mà anh nói với mình là vitamin thực ra lại là một dạng thuốc chống trầm cảm. Hóa ra, chúng mình giống nhau. Anh đã vượt qua được và đang duy trì điều trị. Mình đã lắng nghe và lần đầu tiên chia sẻ mọi thứ với anh. Cũng trong thời gian này, anh là người động viên mình rất nhiều mỗi khi mình cảm thấy bản thân rơi xuống vực, như thế này:
- Không phải em không làm được, chỉ là hôm nay em cần nghỉ ngơi thôi.
- Em rất thông minh và xinh đẹp
- Em xứng đáng với những gì tốt nhất
- ….
Ngoài anh ấy, mình cũng có tâm sự với bạn thân và một người bạn quen trên mạng, cũng đang gặp vấn đề về tâm lý. Chúng mình động viên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện nhỏ bé đáng iu, cùng nhau tốt lên mỗi ngày.
3. Tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia
Mình luôn có một sự o bế nhất định về nội tâm và luôn né tránh những nỗi đau trong quá khứ, nên mình cũng né tránh việc gặp bác sĩ vì không muốn mở lại nỗi đau lần nữa. Nhưng chính từ sự động viên của những người bạn mà mình đã quyết định đến gặp bác sĩ. Mình có làm bài test online của Viện sức khỏe tâm thần Bạch Mai và nhận được kết quả là trầm cảm nặng. Mình biết mình cần sự trợ giúp.
Tuy nhiên, buổi gặp bác sĩ lại là một trải nghiệm tồi tệ với mình bởi thay vì lắng nghe, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc, đùa cợt về chuyện tình dục và thậm chí bodyshaming vòng 1 của mình. Mình gặp bác sĩ trong căn phòng với rất nhiều bệnh nhân khác đang chờ đợi – không hề có một sự riêng tư. Lúc đó, mình cảm thấy tuyệt vọng cực kì. Nhưng bạn trai mình đã an ủi rằng chúng mình sẽ không từ bỏ và tiếp tục tìm kiếm bác sĩ phù hợp hơn. Khi ấy mình cũng hiểu bác sĩ tâm thần và bác sĩ tâm lý hoàn toàn khác nhau. Nhờ vào người quen, mình có tìm đến một bác sĩ tâm lý và trò chuyện với anh ấy, để bắt đầu giai đoạn quan trọng nhất.
4. Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
Mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ bên trong và có thể cậu ấy đang tổn thương. Việc chúng mình cần làm là tìm ra nguyên nhân, trò chuyện và chữa lành với cậu ấy. Một lần mình uống say, bạn trai kể rằng mình đã khóc và nói rằng mình nhìn thấy một cô bé, cô ấy rất đau khổ và cô độc, rằng không ai yêu thương và mình đã khóc rất nhiều. Hãy nhìn vào bên trong bạn để thấy đứa trẻ của chúng ta đang như thế nào, trò chuyện với bạn ấy mỗi ngày, để những điều nhỏ bé tích cực chữa lành bạn ấy từng ngày.
Mình đã trò chuyện với đứa trẻ bên trong mỗi ngày, mặc dù quá trình cũng không hề dễ dàng, mình mất ngủ rất nhiều, khóc và có đôi khi tuyệt vọng. Nhưng hiện tại mình đã đủ dũng cảm để nhìn vào những nỗi đau của quá khứ và không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chúng. Mình tin rằng một ngày nào đó, mình sẽ hoàn toàn vượt qua được.
Nếu bạn thấy khó khăn, hãy đến gặp các chuyên gia về tâm lý, đừng bỏ cuộc, nhé.
5. Dịu dàng với cuộc sống và yêu bản thân mình
Mình phát hiện bản thân trở nên dịu dàng hơn rất nhiều bởi mình đã có sự đồng cảm hơn. Mình đặt mình vào vị trí những người xung quanh và lý giải những nỗi đau của họ, từ đó chữa lành cho chính mình.
Mình biết vui khi hôm ấy là một ngày đẹp trời và cảm thấy nhận được những năng lượng tích cực từ những điều nhỏ bé. Mình bắt đầu liên lạc lại với bạn bè, cải thiện mối quan hệ với gia đình. Mình chuyển chỗ ở, đi học thêm, đổi công việc mới. Mình học cách viết trở lại, mang những năng lượng tích cực nho nhỏ tới người xung quanh. Đó là lý do vì sao mình lập 1 blog nhỏ có tên Chuyện của Uy, chỉ viết những câu chuyện “cơm tró” nho nhỏ tích cực, và những sự yêu thương hay những tin nhắn bày tỏ họ cảm thấy vui hơn của các thành viên page lại càng tiếp thêm năng lượng cho mình. Mình chỉ hi vọng những câu chuyện của mình có thể là một chút gì đó, dù rất rất nhỏ bé thôi, làm các bạn ấy có thêm chút năng lượng tích cực, để tin rằng thế giới vẫn còn rất nhiều điều đẹp đẽ và đáng yêu.
Vậy nên, nếu bạn có những người thân, người bạn đang chiến đấu với căn bệnh này, hãy lắng nghe họ, kiên nhẫn với họ, động viên họ. Và nếu bạn đang chiến đấu một mình, bạn không hề yếu đuối đâu. Chúng mình mạnh mẽ hơn ai hết vì chúng mình phải sử dụng năng lượng gấp đôi người bình thường, chúng mình đang chiến đấu với một con quái vật đáng sợ nhưng tớ biết rằng, chúng mình sẽ chiến thắng.
Bạn thật sự, thật sự rất tuyệt vời đấy!