Sinh trưởng ở đất sen hồng Đồng Tháp với tuổi thơ ấm áp trong vòng tay gia đình, Kỳ Anh sớm hình thành sự quan sát tinh tế với những gì gần gũi xung quanh, tìm cái hay cái đẹp từ đời thường.
Khơi dậy yêu thương qua ảnh
Kỳ Anh nói, từ lâu, anh có thể chạy xe máy khắp mọi con đường, góc phố để ngắm dòng người, cảnh vật, chiêm nghiệm sự vận hành của cuộc sống. Mặt khác, là một cựu sinh viên ĐH Kiến trúc TP HCM, nhờ các học phần về văn hóa, nghệ thuật… rất hữu ích mà Kỳ Anh tìm được cách thức phát triển ý tưởng thiết kế cũng như niềm cảm hứng thực hành nghệ thuật, từ bài tập hay đồ án trên giảng đường cho đến các tác phẩm nhiếp ảnh về sau.
Chất liệu sáng tác của chàng trai 9x do đó rất đa dạng. Mỗi bộ ảnh chất chứa tâm huyết, kỷ niệm và dấu ấn riêng. Trong đó, phải kể đến dự án “Sài Gòn Moments” tạo hiệu ứng sâu rộng. 28 nhân vật trong dự án là người bán vé số, chạy xe ôm, bán chè, nhặt ve chai, bán hàng rong… Có người vô gia cư, không người thân thích, có người tàn tật, tuổi cao sức yếu. Số phận mỗi người được khắc họa qua ống kính của Kỳ Anh không hề bi lụy. Khó khăn trăm bề song họ không bỏ cuộc, vẫn nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Dự án không chỉ giúp ích cho chính nhân vật mà còn khơi dậy sự quan tâm của mọi người dành cho các mảnh đời yếu thế.
Nhiều dự án tôn vinh tình cảm gia đình và vẻ đẹp quê hương xứ sở mà Kỳ Anh dày công thực hiện cũng nhận được sự đồng cảm sâu sắc. Kỳ Anh tâm sự: “Mỗi lần Tết đến, tôi đều ráng về quê sớm để có thể chụp cho bà ngoại một bộ ảnh. Nội tôi đã mất năm 2012, lúc ấy tôi như mất cả bầu trời, nên tôi cố gắng dành nhiều thời gian bên ngoại và ghi lại từng khoảnh khắc quý giá”. Những miền quê thanh bình, góc bếp của bà, món ăn dân dã, làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử… đi vào khung hình của Kỳ Anh tự nhiên, giản dị nhưng lại có sức lay động người xem, nhất là bạn trẻ càng biết yêu quý nguồn cội, tình thân, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Các bộ ảnh ký sự “Nghe nói Cà Mau xa lắm”, “Đi qua mùa hạ”… mang đến góc nhìn đa màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc thú vị.
Hết lòng phụng sự xã hội
Cẩn trọng, khiêm nhường và đầy trách nhiệm là tính cách dễ thấy của Kỳ Anh. Không chạy theo xu hướng, không sa đà vào các đề tài “câu view” để nổi tiếng nhanh chóng, Kỳ Anh cần mẫn làm việc với mong muốn được mọi người biết đến như là một người kể chuyện bằng hình ảnh, có các dự án cộng đồng thiết thực.
Nhiều hoạt động của anh giàu giá trị nhân văn, được ủng hộ nhiệt tình. Đặc biệt, học bổng “Giấc mơ trưa” do Kỳ Anh sáng lập đã trở thành điểm tựa nâng đỡ tinh thần lẫn vật chất cho học sinh nghèo hiếu học. Với anh, “Giấc mơ trưa” là nhịp cầu nối khẽ chạm đến những hoài bão, ước mơ còn ẩn giấu bên trong các cô cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm làn gió mát lành ban trưa, đưa nhịp bước hân hoan tới trường! Mới đây, “Giấc mơ trưa” đã đem đến món quà cho nữ sinh Võ Thị Trâm Anh (Trường THPT Lấp Vò, Đồng Tháp): Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cất nhà cho em. Sau 15 năm lênh đênh trên chiếc ghe cũ, cả nhà cô học trò nghèo ham học cũng có mái nhà che nắng mưa để em an tâm học hành.
Kỳ Anh cũng là đại sứ truyền thông của chiến dịch cộng đồng Tết chuyền tay 2024 do Nhóm từ thiện Fly To Sky (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai.
Qua các workshop, các chương trình giao lưu sôi nổi, Kỳ Anh chăm chỉ chia sẻ kinh nghiệm cho giới trẻ. Anh khuyến khích mọi người kết nối xã hội, đồng thời phải lắng nghe tiếng nói nội tâm, mạnh dạn lưu giữ lại những khoảnh khắc quan trọng bằng thiết bị có sẵn. Trừ phi đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, cần sự đầu tư cụ thể, còn lại thì bất kỳ ai đều có thể kể nên câu chuyện bằng những xúc cảm chân thành của riêng họ.
Dự kiến, tháng 7 năm nay, Nguyễn Kỳ Anh sẽ có triển lãm cá nhân tại khu vực trung tâm TP HCM, trưng bày các tác phẩm tâm đắc nhất trong chặng đường vừa qua. Anh đặt mục tiêu tiếp tục đặt chân đến nhiều nơi hơn, làm giàu hiểu biết, tích lũy nguồn lực vững vàng để đóng góp được nhiều giá trị thiết thực cho cuộc đời.
Theo Hạ Vy (Báo Người Lao Động)