mien-vien-phi:-chinh-sach-nhan-van,-y-nghia-cung-voi-tin-mien-hoc-phi

Miễn viện phí: Chính sách nhân văn, ý nghĩa cùng với tin miễn học phí

Thứ sáu, ngày 11/04/2025 19:00 GMT+7

Miễn viện phí: “Các gia đình sẽ có điều kiện chăm sóc, giáo dục con tốt hơn”

Tào Nga Thứ sáu, ngày 11/04/2025 19:00 GMT+7

Các thầy cô giáo cho rằng, miễn viện phí cho tất cả người dân là một chủ trương rất nhân văn, có ý nghĩa, đặc biệt trong hoàn cảnh nhiều người còn khó khăn, không có điều kiện kinh tế.

Miễn viện phí: Kỳ vọng lớn từ người dân

Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiều 8/4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách đối với người có công; thực hiện chính sách miễn học phí đối với mọi cấp học phổ thông.

Cùng với đó, Tổng Bí thư định hướng tới chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả mọi người dân, để mỗi người dân Việt Nam thật sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Thông tin miễn viện phí trên nhận được nhiều hưởng ứng từ người dân, đặc biệt là trong trường học, khi vừa đón tin vui miễn học phí cho học sinh từ năm học 2025-2026.

Nhân viên y tế và học sinh trong buổi tập huấn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Tào Nga

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, Quỳnh Mai, Nghệ An cũng khẳng định: “Giáo dục và y tế đều là lĩnh vực an sinh xã hội, được người dân quan tâm và có tác động đến tất cả mọi người.

Chúng ta chưa bàn đến chuyện có thực hiện được hay không hoặc thực hiện khi nào nhưng rõ ràng đã tạo cho người dân sự kỳ vọng rất lớn về một chính sách an sinh xã hội. Bởi vì hiện nay ai cũng biết rằng ngành y tế có nhiều bất cập. Ai từng đến các bệnh viện lớn để chăm sóc người nhà hoặc phải nằm viện sẽ thấy rõ điều đó. Viện phí luôn là một gánh nặng rất lớn, thậm chí là một trong những nguyên nhân đẩy nhiều gia đình vào hộ nghèo hoặc tái nghèo.

Nếu miễn viện phí thì giáo viên, học sinh được hưởng lợi. Trên cơ sở đó, các gia đình sẽ có điều kiện hơn, sẽ chăm sóc, giáo dục con tốt hơn”.

Bên cạnh đó, thầy Tuấn Anh cũng trăn trở việc học sinh mua bảo hiểm y tế tại trường học. Theo thầy Tuấn Anh, hãy để bảo hiểm y tế trả về cho ngành bảo hiểm. Cha mẹ học sinh khi mua bảo hiểm theo hộ gia đình sẽ có giá thành rẻ hơn. Nếu bắt buộc học sinh phải mua bảo hiểm y tế tại trường học thì Nhà nước cần có nguồn tài trợ cho học sinh đến hết cấp phổ thông hoặc Nhà nước trả 30-70%. Tốt hơn nữa là học sinh được miễn đóng bảo hiểm y tế như đang áp dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Cô Nguyễn Thu Hà, một giáo viên THCS ở Hà Nội bày tỏ vui mừng khi nghe thông tin sắp tới được miễn viện phí. Cô Hà có 20 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng hiện nay mức lương vẫn ở hạng 3 nên khá ít ỏi.

Cô chia sẻ, không phải giáo viên nào cũng có cuộc sống “trơn tru”. Như trường hợp của cô, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vất vả. Chồng cô công tác ở vùng biên giới xa nhà. Mình cô xoay xở với 2 con bị bệnh tan máu bẩm sinh. Tuần nào cô cũng phải 2 lần đưa con tới Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị. Sáng chở con đi học, mẹ đi dạy, trưa tranh thủ đưa con xuống viện tiêm. Chiều cô quay về trường cách 20km để dạy rồi quay lại viện đón con. Tối cô lại lo cơm nước, soạn bài.

Để nuôi 2 con và chữa bệnh cho con, cô Hường làm tất cả mọi việc để cóp nhặt từng đồng. Từ việc đi làm cỏ, bóc tỏi… cứ việc gì có tiền là cô làm, dù mỗi ngày làm công như thế cô chỉ thêm được 120.000-150.000 đồng. Những ngày bận, cô phải thuê người đưa con đi viện.

Chủ trương nhân văn

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP.HCM bày tỏ: “Ý tưởng về miễn viện phí cho tất cả người dân là một chủ trương rất nhân văn, có ý nghĩa, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân có không có điều kiện kinh tế”.

Tuy nhiên, thạc sĩ Sơn trăn trở, để chính sách này có hiệu quả và khả thi thì cần có những biện pháp như xây dựng một hệ thống quản lý minh bạch, ứng dụng công nghệ để theo dõi lượng bệnh nhân và phải phân bổ nguồn lực sao cho hợp lý, hạn chế tình trạng nhân viên y tế “trục lợi”.

Thứ hai là các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến dưới, được trang bị hiện đại hơn để xử lý các ca bệnh thông thường, giảm tải cho các bệnh viện lớn, tránh tình trạng “dân đi bệnh viện nhiều” một cách không cần thiết.

Thứ ba là chính sách miễn phí cần được hỗ trợ bởi nguồn lực ổn định để tránh gây áp lực quá lớn lên ngân sách nhà nước.

Và cuối cùng là công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng dịch vụ miễn phí không có nghĩa là sử dụng bừa bãi mà cần có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

“Chính sách này có được “100% dân chúng ủng hộ tuyệt đối” hay không điều đó còn phụ thuộc vào cách triển khai thực tế. Nếu thực hiện tốt, lợi ích sẽ rõ ràng và người dân chắc chắn sẽ hoan nghênh. Và nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì tình trạng quá tải bệnh viện hay tham nhũng sẽ làm giảm sự tin tưởng của người dân đó”, thạc sĩ Sơn cho hay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *