Hôm qua tôi rất vui khi đi bộ cùng em Thảo Vy, Trưởng Phòng Kinh Doanh của hãng bảo hiểm FWD khá có tiếng. Tới đây bạn chắc mường tượng trong đầu một phụ nữ tuổi chừng 30-35 trở lên, có bằng Cử nhân hoặc Thạc sĩ gì đó. Chắc bạn sẽ rất ngạc nhiên khi tôi xác định bạn Thảo Vy chỉ mới có 20-21 tuổi thôi. Thêm nữa em Vy chỉ có bằng THPT thôi và nhân viên cô ấy là những người có bằng Thạc sĩ! Hahahahahahahaha
Em Thảo Vy chia sẻ sau khi ra trường THPT Lê Hồng Phong thì lấy 1 năm gap year để làm những điều mình thích như đi làm thiện nguyện, học những thứ mình thích (loại khóa học ngắn hạn). Sau một năm em quyết định không đi du học và cũng không học đại học ở Việt Nam luôn! Em chia sẻ hơn sáu tháng trời em không nói chuyện được với Ba và Mẹ thì lo lắng khi em quyết định ra sống riêng tự lập! Trong một xã hội trọng bằng cấp thì đây có thể là ác mộng kinh hoàng cho nhiều phụ huynh ở Việt Nam. Đặc biệt là các gia đình trung lưu có khả năng cho con đi du học.
Thảo Vy chia sẻ để có thể trang trải cuộc sống Mẹ em đầu tư cho em học lấy bằng huấn luyện viên Yoga. Và một dịp may em được người đầu tư để mở một gym dạy Yoga. Điều hành một tổ chức kinh doanh khi chỉ mới 19 chưa có nhiều kinh nghiệm thì quả đúng là ‘điếc không sợ súng’ hay ‘điên không sợ lửa!’. Covid-19 như cái đinh đóng hòm cho phòng gym ấy. Thất bại nhưng em cũng không nản chí và duy trì cuộc sống tích cực. Cũng chính vào tinh thần sống tích cực đã giúp em có cơ hội được giới thiệu vào làm cho hãng bảo hiểm FWD và chỉ trong một thời gian ngắn em đã chứng minh được năng lực của mình và được lên làm Trưởng Phòng khi chỉ mới 20 tuổi.
Qua câu chuyện này tôi muốn đưa cho bạn hai tấm hình.
1. Một bạn trẻ 20 tuổi không có bằng ĐH làm Trưởng Phòng kinh doanh cho một công ty lớn.
2. Một bạn trẻ 22 tuổi có bằng ĐH không tìm được việc làm nên phải chạy Grab để trang trải cuộc sống.
Sự khác biệt chính giữa hai bạn trẻ này là gì?
KHÔNG SỢ THỬ THÁCH
Nói đến đây tôi lại nhớ đến nhóm sinh viên Chương trình Học bổng Tinh Hoa ở Đại học Hoa Sen. Hầu hết không mấy ai ở Hoa Sen hiểu cái CT đó là gì và sẽ đào tạo như thế nào. Có em mà nhiều thành viên trong Ban Giám Hiệu không hiểu tại sao tôi lại chọn. Bạn ấy có đầu hai màu tóc, ngón tay thì sơn nhiều màu khác nhau, học lực thì trung bình khá, tính khí hơi bất cần đời tí, hahahahaha.
Tôi là người gốc nhà nông nên tôi dùng ví dụ chọn giống cây cho dễ hiểu. Muốn có một cây ăn trái tốt thì bạn cần giống tốt. Nhưng giống tốt còn tùy thuộc vào tiêu chuẩn chọn giống của mỗi người. Cây có nhiều trái nhưng trái nhỏ hay cây ít trái nhưng trái to thì cách chọn giống khác nhau. Cách chọn giống ‘tài năng’ ở các trường đại học ở Việt Nam xưa nay dựa trên điểm số sẽ bỏ lọt các thành phần mà tôi cho là tinh hoa.
Em Thảo Vy xứng đáng đứng trong đội ngũ tinh hoa và là đệ tử của tôi. Tôi hy vọng thời gian ở Việt Nam tôi sẽ ươm tạo và phát triển các em như thế. Trước khi ra về tôi nói với Thảo Vy ‘Em còn đi xa lắm!’ Thảo Vy cười rất tươi và trả lời ‘Em còn trẻ mà thầy. Đường còn dài lắm nhưng trước mắt là lên Giám Đốc Kinh doanh cái đã’. Tôi cười to sảng khoái hahahahahaha. Thảo Vy chia sẻ giờ đây Mẹ rất tự hào về thành tựu của con nhưng không biết Ba Thảo Vy nghĩ thế nào.
Ah! Tôi không cổ súy cho việc không học đại học. Tôi chỉ cổ xúy cho việc cha mẹ hãy cho con quyết định con đường đi của riêng mình chứ không ép con đi theo con đường cha mẹ đã chọn vì cho rằng mình biết nhiều hơn đồng thời tạo không gian và cơ hội cho con phát triển theo ý muốn trong tình yêu thương của cha mẹ. Thế thôi!