Ở trường người ta gọi tôi là lẳng lơ. Hôm nay tôi sẽ kể ra câu chuyện của mình.
“Thế cậu đã làm nó rồi?” người bạn hỏi tôi từ hàng ghế đối diện trên xe buýt trường học. Tốp học sinh cấp ba sắp xuống xe, sau đó chúng tôi sẽ được đưa đến trường cấp hai.
Tôi gật đầu, vô tư.
“Nhiều hơn một lần?”
“Ừ, ” tôi đáp, trở nên hoài nghi. Không phải mọi người đều vậy sao?
“Thế là mấy lần?” cô ta trố mắt hỏi.
Khi xe dừng ở trường cấp ba, xung quanh trở nên ồn ào với những lời nói ái ngại mà tôi còn không biết nó có gì tệ đến vậy. Sau tất cả, tôi là một thiếu nữ; đã tròn mười ba tuổi vài tháng trước đó. Có gì đáng ngại chứ?
Một đàn chị đứng dậy khi xe dừng – Mel, chị một người bạn của tôi. Cô ta lẩm bẩm gì đó với bạn cổ mà liếc nhìn thẳng vào tôi.
“Gì, cậu chưa làm bao giờ à?” bạn chị ta hét lên.
“Không phải tận sáu lần với ba thằng khác nhau” Mel vừa cảm thán vừa khinh miệt. Mặc dù vậy một cảm xúc mới len lỏi vào trong tôi. Sau bức mành năm tháng, nó như…một chút thương hại.
Ngày ấy là lần đầu tiên tôi cảm thấy có gì đó rất sai trái ở cuộc đời mình. Lần đầu tiên tôi cảm thấy rằng tôi nên biết xấu hổ về hành vi tình dục của bản thân. Nhưng nhiêu đó không đủ làm tôi buông bỏ.
Cái nhãn ấy
Người ta bắt đầu đàm tiếu, sau một thời gian, tôi thấy rằng mình có chút tiếng tăm.
Tôi đã là một học sinh Toàn-điểm-A, được giáo dục ở một trong những nơi có tầm cỡ ở khu vực.
Tôi yêu âm nhạc. Tôi muốn là ca sĩ. Tôi chơi được dương cầm và thuộc từng câu chữ bài We Didn’t Start the Fire hay Basket Case.
Tôi viết thơ và cả truyện viễn tưởng. Tôi tự học một ngôn ngữ lập trình máy tính.
Nhưng người ta không để tâm, đa số những người bạn đồng trang lứa không có ấn tượng nào về chúng.
Bởi vì, trên tất cả – trước nhất– tôi là một con điếm.
Nó định nghĩa bạn là ai
Tôi không nhớ khi nào mà khái niệmấy được thẩm thấu vào tâm trí mình. Một người nữ làm tình với nhiều nam giới, thì cô ta là con điếm. Thật dễ hiểu, rạch ròi trắng đen. Để cho “minh bạch” hơn, người ta gạt bỏ luôn cả hoàn cảnh, rồi ngay cả ý nguyện của cô cũng bị đặt ra xa bàn cân. Cô là con điếm nếu cô quan hệ với nhiều người, chỉ có thế.
Mấy gã trai không được gọi bằng thuật ngữ nào tương tự vậy. Hồi những năm 90, tôi còn chưa nghe đến cụm từ “trăng hoa” (player) bao giờ. Là thứ gần nghĩa với từ kia nhất, nhưng chúng ta cũng biết rằng nó không giống chút nào. Thay vì mang nghĩa tội lỗi và hổ thẹn, “trăng hoa” dường như cho người ta cảm giác tự hào và toại nguyện.
Cũng không giống như đàn ông, phụ nữ được đánh giá trước và trên hết bởi hành vi tình dục của họ. Khi những từ như “điếm” được đặt trước một cô gái, thì người ta không cần biết cô là vận động viên hay người có học thức nữa hay “mớ” lý lịch của cô nữa, cô là nó. Nhưng cách người ta dán nhãn đàn ông thì ngược lại, anh ta sẽ là một gã “hấp dẫn”, “mọt sách” hay “lập dị”, không kể đến hành vi tình dục, cho dù anh ta có hay không lên giường với rất nhiều cô gái . (T/N: đoạn này mình thấy hơi phiến diện, nhưng thôi nó không phải ý chính của toàn bài)
Vì vậy, từ “điếm” trở thành một trong những điều tôi tự nhắc bản thân khi cảm thấy tội lỗi và xấu hổ khi biết rằng gã tôi ngủ cùng tuần trước sẽ không bao giờ gọi tôi nữa. Nó đã trở thành thứ có thể đoán trước, một sự đoan chắc rằng tôi sẽ còn đi trên con đường tự hủy hoại bản thân, lặp lại chu kỳ hết lần này tới lần khác.
Mình đã là con điếm rồi, còn nghĩa lý gì nữa? Tôi tự nhủ.
Rồi tôi ngựa quen đường cũ, lại bắt đầu đi tìm tình yêu ở nơi cô liêu trống vắng dù tỏ tường rằng sẽ chẳng thấy đâu.
Những gì có vẻ đơn giản trên lớp vỏ, là kết quả của những vết thương dai dẳng
Thoạt nhìn đơn giản ngoài lớp vỏ bọc. Đối với bọn trẻ ở tuổi tôi, và có lẽ kể cả với cha mẹ chúng, tôi chỉ đơn thuần là phô bày bản thân quá mức xã hội này chấp nhận, một tồn tại lệch chuẩn. Với các giáo viên, tôi là một đứa thông minh đưa ra những lựa chọn tồi tệ.
Nhưng những khúc mắc chỉ có thể nhìn thấy từ bên trong.
Tôi bị người ta lạm dụng kể từ trước khi lên mười tuổi. Trải qua những thứ ấy trong vài năm khiến tôi tin rằng tôi đã mời gọi – và cả tận hưởng – những lần động chạm với kẻ lạm dụng tôi. Nó đã chạm đến một mức độ khi mà bản thân tôi tin rằng mình thật vinh dự khi được “chọn” vì mục đích này.
Tôi có rất ít bạn ở trường. Những người mà tôi nghĩ là bạn thích làm tôi phải chịu đựng những dày vò tâm lý, họ nói “thích” tôi hôm này rồi lại “ghét” tôi ngày khác. Họ ngăn cản cả những mối quan hệ khác của tôi, nói xấu tôi trước mặt những người tôi cho rằng có thể đã là bạn. Một cô bé trêu tôi thiếu kinh nghiệm ân ái. Cô bé đó 12, còn tôi mới 10 tuổi.
Cha mẹ tôi không thể đáp ứng thứ gọi là nhu cầu tình cảm của một đứa trẻ mặc dù họ có vẻ thương yêu, quan tâm chăm sóc tôi dưới ánh nhìn của người ngoài. Là con một, tôi cảm thấy tha thiết khao khát sự chú ý cũng như tình cảm của cha mẹ trong một khoảng thời gian dài thiếu vắng chúng.
Vì vậy tôi thấy chán nản, cảm thấy mình vô giá trị, và cảm thấy cô đơn. Bằng một cách nào đó những cảm xúc đan xen lại với nhau, và tôi ham muốn đàn ông trong vô thức – đặc biệt là những người lớn tuổi hơn – khi đó làm tình với tôi như một “đơn vị” cho thước đo giá trị bản thân.
Nhắc lại cho bạn đọc nhớ rằng tôi chỉ mới ở giai đoạn đầu tuổi teen khi tâm trí tôi vạch ra những suy tưởng quái đản này.
Tôi chưa bao giờ tìm ra thứ mình muốn, vì thế tôi càng lún sâu xuống đáy biển
Vòng lẩn quẩn bắt đầu khi tôi khoảng 12 hay 13 tuổi. Là tôi tự tìm lấy một gã, hoặc được bạn giới thiệu cho. Tôi nói chuyện với người đó trên điện thoại một lát, chúng tôi thường hẹn gặp nhau sau khi bố mẹ tôi đi ngủ, rồi thì đoạn kết là màn làm tình. Sau đó chúng tôi không liên lạc với nhau nữa.
Tôi không biết gì về con người của họ. Tôi bị “thu hút” chỉ bởi vì họ lớn tuổi hơn tôi – đôi khi là gấp đôi. Khi muốn cố tìm hiểu họ một chút, tôi hỏi những câu ngây thơ, tên lót, màu sắc yêu thích, hay liệu họ có con cháu gì không. Nhưng đáng buồn thay họ dĩ nhiên chẳng màng đến chuyện lựa lời hỏi han tôi. Hầu hết thời gian mối quan tâm họ dành cho khi nào và bằng cách nào chúng tôi có thể gặp để làm chuyện đó.
Sau những vúc va chạm như thế, thường tôi sẽ thấy mặc cảm tội lỗi. Mình đang nghĩ gì thế này? Ông ta thậm chí còn không màng đến mình. Lẽ ra mình nên biết điều đó. Mình đúng là một con điếm.
Nhưng sớm muộn tôi lại sa vào lưới, đặt bản thân vào tình cảnh đôi khi nguy hiểm chỉ để “cảm thấy được đón nhận”. Và vì tôi lấy những người đàn ông đó làm thước đo giá trị của chính mình, tôi nhanh chóng trở lại cảm giác trống rỗng khi “mối quan hệ” chấm dứt mà không thể ngăn cản.
Tôi cần sự giúp đỡ, những lời dè bỉu ấy thực sự đau đớn
Cái danh “điếm” cứ đính dai dẳng lấy tôi.
Cách gọi ấy nói với tôi rằng tình cảnh của tôi là do tôi. (Sau vài thập kỷ, khi ngồi lại viết bài này, tâm trí tôi vẫn tự dày vò, “Chẳng phải đúng như vậy sao?”). Giá như tôi khi đó là một phiên bản ít hỏng hóc hơn, tôi nghĩ – nếu nhìn tôi có vẻ tự trọng hơn – có chăng một trong những người tôi ngủ cùng sẽ ở lại và tôi sẽ không cần phải tiếp tục tìm kiếm nữa.
Với những người khác, cái danh đó làm cho việc phủ nhận tôi dễ hơn. Tôi đối với họ là một đứa trẻ hư, một tấm gương xấu, một người mà cha mẹ chúng không muốn con mình dây dưa. Những đứa trẻ có thể trút “nỗi bực dọc thiếu thời” (teenage angst) của chúng lên tôi, còn cha mẹ chúng có thể cảm thấy thoáng nhẹ lòng vì “ít nhất con mình không giống nó”, rồi những giáo viên thì họ tự cho phép mình chỉ nhìn vào thực lực của tôi ở trường và giả vờ lờ đi hành vi của tôi ngoài xã hội.
Cái danh ấy làm tôi tự cô lập bản thân nhiều và nhiều hơn, ngày qua ngày khỏi những người đã có thể chú ý đến tôi, cứu giúp tôi.
Những bạn đồng trang lứa không biết phải phản ứng thế nào trước những hoàn cảnh như của tôi. Đánh giá của họ bị điều khiển phần nhiều bởi nếp giáo dục trong gia đình. Những học sinh trong trường biết tôi nếu như không thẳng thắn chỉ trích thì cũng dửng dưng và xa cách. Không một ai biểu lộ sự quan tâm với tôi. Cuối cùng thì, cần đến một cô gái lớn hơn tôi năm tuổi, đã ngắt mạch cảm giác phấn khích của tôi để cho tôi thấy được sự đáng thất vọng trong hành vi của mình.
Tôi luôn mong ước giá như có những người bạn đã nói với tôi rằng, “Mình lo cho cậu”.
Nhưng kể cả nếu họ không nói trực tiếp với tôi, một vài đứa trẻ thực sự đã nói với bố mẹ chúng về tôi. Với tư cách là một phụ huynh, tôi không thể không cảm thấy sợ hãi khi tưởng tượng ra bậc cha mẹ sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng hỏi những vấn đề nhạy cảm như thế. Nhưng những vị phụ huynh này đơn giản là nói lũ trẻ ấy tránh xa tôi ra.
Họ đã có thể nói với chúng rằng những hành vi người lớn quá sớm của tôi là dấu hiệu của việc bị lạm dụng. Họ đã có thể chỉ ra rằng một đứa bé ở tuổi tôi chưa được cho phép bản thân làm việc đó. Họ đã có thể dạy con mình rằng hãy tỏ ra đồng cảm với người khác, hơn là ném cho họ một cái nhãn và tẩy chay họ. Họ đã có thể nói với cố vấn tâm lý của trường. Điện thoại của cha mẹ tôi có trong danh bạ, họ đã có thể gọi cho cha mẹ tôi.
Không ai làm cả, nhưng giá như họ đã nói ra.
Những giáo viên và cố vấn tâm lý cũng biết chuyện. Họ đã có thể động viên tôi làm thân với những bạn khác ôn hòa hơn. Tham gia vào những hoạt động để tôi có giảm giác gắn kết với mọi người. Liên lạc với bố mẹ tôi.
Nếu họ làm vậy, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Nhìn sâu hơn xuống gốc rễ – hành động dựa trên những gì bạn chứng kiến – có thể cứu giúp một ai đó
Mặc dù đã rất khó khăn để ngăn nội tâm của tôi khỏi cảm thấy hối tiếc mà tự vấn rằng lẽ ra tôi nên chững chạc hơn – và cảm giác ấm ức làm cho nó còn khó hơn nữa khi không hét vào mặt những người đã có khả năng giúp đỡ tôi – nhưng dù sao đi nữa, tôi sẽ không đổ lỗi hoàn cảnh của tôi lúc đó cho ai khác. Việc làm ấy thực sự vô nghĩa.
Tất cả tôi có thể làm bây giờ là trở thành mẫu người mà có thể cứu giúp chính mình trong quá khứ, vì tương lai những đứa con của tôi, và cho cả bạn bè của chúng.
Điều quan trọng trước nhất, tôi dạy lũ trẻ cách để biết cảm thông. Có những đứa trẻ khác tôi không muốn chúng tiếp xúc, tôi cũng giống như bao bậc cha mẹ thôi. Nhưng thay vì chỉ trích, gán cho những danh từ tiêu cực, tôi sẽ nói chuyện với chúng, giải tích cách nghĩ của tôi, hỏi han xem bọn trẻ cảm thấy thế nào, và luôn khuyến khích những mặt tốt đẹp tự nhiên của trẻ con, thứ không bị chi phối bởi cách chúng được nuôi dưỡng và những quyết định sai lầm. Tôi cũng đề cao vai trò của người lớn vì họ có thể giúp phát triển thông điệp ấy.
Bọn trẻ vẫn còn nhỏ, và tôi hi vọng rằng trong lòng chúng luôn luôn có tôi là bạn, cởi mở với nhau ngay cả khi lớn lên và bước vào trường phổ thông. Nếu lũ trẻ hay bạn của chúng đang gặp phải khó khăn, tôi hi vọng những ngôn ngữ cởi mở ấy nhắc nhở rằng chúng có thể đến bên tôi và tin tưởng rằng tôi có thể lắng nghe chúng mà không phán xét, cũng như sẵn lòng giúp đỡ, bất kể những tiền đề đã đưa chúng đến đấy.
Đó là những điều tôi đã từng rất khao khát khi còn nhỏ, và mong rằng tôi – cùng với các bậc cha mẹ khác – có thể đáp ứng những điều đó, cho những đứa trẻ đang tha thiết cần chúng.
(Lược phần cuối tác giả nói về những “hội chứng vô hình” (Invisible illnesses) và khó khăn trong việc nhận biết và thấu hiểu nó)
T/N: Bài khá dài, cám ơn các bạn đã đọc hết. Lần đầu mình dịch không thể tránh khỏi sai sót, có thể có những chỗ còn hơi cứng. Mình rất vui lòng nhận được góp ý từ các bạn. 😄