Có thể.
Tôi là mẹ kế của con trai chồng.
Lúc kết hôn với chồng, anh ấy 30, tôi 25.
Anh ấy tái hôn mang theo đứa bé 6 tuổi, còn tôi thì chưa từng kết hôn, cũng chưa từng sinh con.
Anh ấy ly hôn với vợ cũ là vì chị ta ngoại tình và có xu hướng bạo lực gia đình. Những lúc không thể kiểm soát được cảm xúc của mình chị ta sẽ vừa mắng vừa chửi những người trong gia đình. Chị ta đã từng đi khám rất nhiều lần và cũng đã từng uống rất nhiều thuốc. Cuối cùng, bản thân chị ta lại ngoại tình với bác sỹ tâm lý của chính mình.
Trông chị ta rất giống Chu Nhân, lúc cười lên trông lại càng giống hơn. Chị ta là một người có khiếu thẩm mỹ rất tốt, thân hình vừa gầy vừa cao mà lại biết ăn diện nữa nên từ xưa bản thân đã là tình nhân trong mộng của biết bao nhiêu người xung quanh rồi. Nhìn người phụ nữ xinh đẹp khí chất như vậy bạn tuyệt đối sẽ không ngờ được lúc ở nhà chị ta lại là một người thích ném đồ đạc một cách vô tội vạ và thậm chí còn hay tự tay đánh con trai ruột của mình.
Thằng bé chưa bao giờ dám khóc một tiếng nào trước mặt mẹ mình, bởi vì như vậy sẽ chỉ khiến chị ta càng kích động hơn và ra tay càng mất kiểm soát hơn thôi.
Lúc hai người ly hôn thì chị ta cảm thấy có lỗi với con trai và chồng nên không hề đòi hỏi tài sản hay tranh chấp quyền nuôi con gì cả.
Sau này chị ta kết hôn với vị bác sỹ tâm lý đó, tình cảm hai người rất tốt, bệnh tình của chị ta cũng dần đỡ hơn hồi trước rất nhiều. Năm ngoái hai người đó vừa mới ra nước ngoài định cư xong. Lúc mới đầu thì chị ta còn thường xuyên gọi video với con trai nhưng kể từ sinh thêm một đứa con nữa cộng thêm việc chênh lệch múi giờ thì số lần gọi điện cứ vơi dần.
Lần đầu tiên gặp con trai chồng thì anh ấy nói với thằng bé là, “Đây là mẹ mới của con đó, con có thích mẹ không?”
Thằng bé đáng thương nhìn tôi rồi hỏi, “Mẹ mới có đánh con không?”
Ruột gan của tôi đều mềm thành một vũng nước ấm rồi, tôi nói với thằng bé, “Không đâu, sao mẹ lại nỡ đánh con được chứ.”
Thằng bé lại nói, “Con lại có mẹ rồi hả? Người khác đều nói con là đứa trẻ không có mẹ.”
Thằng bé được kế thừa sự xinh đẹp từ người mẹ ruột của mình, lớn lên rất đáng yêu. Đã vậy, đứa bé ấy còn hay dùng đôi mắt to để lặng lẽ nhìn người lớn chứ không dám nói nhiều, hiểu chuyện đến mức khiến người ta phải đau lòng.
Mà chồng của tôi lại là một người tao nhã lịch sự, anh ấy là giáo sư đại học, còn tôi chỉ là một cử nhân đại học bình thường. Nếu nói đúng thì là tôi đang trèo cao người ta rồi.
Từ nhỏ tôi đã cực thích những người thông minh. Bởi vì bản thân không đủ thông minh nên chỉ có thể siêng năng cần cù hơn để bù lại. Nhưng mà hai bố con bọn họ về mặt học tập lại đúng với câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”
Lúc đó tôi vẫn còn đang do dự không biết có nên gả cho anh ấy hay không, bởi vì mọi người đều bảo những người đàn ông hơn 30 tuổi đã ly hôn mà phải một thân một mình nuôi đứa con thơ thì nhất định là có vấn đề, cho dù thoạt nhìn không có vấn đề gì thì nhất định cũng sẽ có nhiều chuyện mà bạn không thể ngờ tới được.
Nhưng mà ở chung với hai người được nửa năm thì tôi cảm thấy không có gì là không thể chấp nhận được hết, cho dù ban đầu vẫn sẽ có một vài vấn đề nhưng mọi chuyện sẽ dần tốt lên thôi.
Suy nghĩ xong thì tôi quyết định dẫn anh ấy đi gặp bố mẹ. Lúc về bố mẹ tôi còn dặn lần sau nhớ dắt thằng bé theo để ông bà gặp mặt.
Tôi biết bố mẹ nghĩ gì, bố mẹ tôi muốn xem tính tình đứa bé đó như thế nào. Bố mẹ sợ tôi còn trẻ chưa sinh con, chưa có kinh nghiệm chăm sóc con, mà cũng sợ đứa bé đó còn nhỏ không hiểu chuyện thì một người mẹ kế như tôi lại không thể đánh cũng không thể mắng quá mức, nếu không, cả đời tôi sẽ phải gánh cái danh mẹ kế ác độc.
Sau đó bố mẹ tôi gặp được thằng bé rồi thì cảm thấy đứa trẻ này rất hiểu chuyện nên mới yên tâm để tôi kết hôn. Nhưng kèm theo đó là chồng tôi phải viết giấy bảo đảm, bảo đảm là trong trường hợp hành vi giáo dục con cái của tôi không đi quá giới hạn và không có vấn đề gì thì anh ấy không được phép can thiệp cũng như là trách móc tôi đối xử tệ bạc này nọ, để tránh cho sau này nếu có chuyện gì thì mọi người lại nói tôi không biết dạy con.
Trước khi làm lễ kết hôn thì bố mẹ tôi lấy ngày tháng năm sinh của 3 người chúng tôi đi coi một lượt. Người ta nói tôi và anh ấy có duyên phận làm vợ chồng với nhau, mà tôi và con trai của chồng cũng có duyên phận làm mẹ con với nhau. Ngày tháng năm sinh của một nhà ba người rất tốt, rất hòa hợp với nhau, bảo đảm ngày tháng sau này sẽ chỉ có ngày càng tốt hơn thôi.
Kết hôn xong chúng tôi không ở với bố mẹ mà ra ở riêng, tôi cũng đi làm bình thường. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau anh ấy luôn là người bình tĩnh trước rồi quay qua dỗ dành tôi. Khi thấy tôi nguôi giận rồi anh ấy sẽ chỉ ra điểm sai của tôi và hỏi ngược lại tôi xem anh ấy đã sai ở chỗ nào.
Năm đầu tiên sau khi kết hôn chúng tôi vẫn chưa có ý định sinh con. Tôi chỉ là một nhân viên văn phòng nhỏ thôi, tuy tiền lương không cao nhưng được cái là công việc nhẹ nhàng thoải mái. Mà công việc của anh ấy cũng không quá mệt, phòng ở của chúng tôi là nhà ở phúc lợi, không cần phải trả góp mỗi tháng, tiền lương của hai đứa cũng đủ xài rồi.
Nhưng một đứa trẻ cho dù có hiểu chuyện đến đâu thì cũng là một đứa trẻ thôi, đặc biệt là những đứa trẻ thông minh thì chúng lại càng biết cách thăm dò điểm mấu chốt của người lớn nằm ở đâu. Hồi đầu thì thằng bé lúc nào cũng tỏ ra dè dặt cẩn thận trước mặt tôi, sợ mình làm chuyện gì khiến tôi tức giận rồi bỏ đi thì mình lại trở thành một đứa trẻ không có mẹ. Nhưng sống chung với nhau 1 năm nay thì thằng bé không còn biết sợ tôi là gì.
Con nít mà, thằng bé cũng sẽ lén ăn, lén làm chuyện gì đó để thu hút sự chú ý của chúng tôi. Rồi lúc cả nhà 3 người ra ngoài chơi thì thằng bé cũng sẽ mang đôi ủng chống thấm rồi đi nghịch nước. Rồi những lúc mà chúng tôi nhất quyết không chịu mua quà bánh đồ chơi cho thằng bé thì bé con này cũng sẽ làm nũng ngọt ngào hỏi, “Bố mẹ, bố mẹ có thương con không?”….
Trẻ nhỏ rất hay quên, nên là một đoạn thời gian sau thì thằng bé cũng không còn nhớ mặt mũi của mẹ ruột mình ra sao nữa. Nhưng tôi vẫn giữ lại một tấm hình của chị ấy để sau này khi thằng bé có hỏi đến thì tôi sẽ lấy ra để cho thằng bé nhìn.
Bởi vì môi trường sống nên ngay cả hàng xóm nhà kế bên cũng không biết tôi là mẹ kế, cho nên là cũng chưa từng có ai nói lời khó nghe với thằng bé. Đến Tết lúc nhà tôi đi thăm họ hàng thì cũng không có ai lén tôi nói với thằng bé cái gì mà mẹ kế thì chắc cũng có bạc đãi con chồng này nọ chứ gì….
Sau này khi tôi mang thai rồi thì thằng bé sẽ nhõng nhẽo đòi áp tai vào bụng nghe tiếng em trai em gái ngọ nguậy trong đó. Nhưng sau đó có một đoạn thời gian thằng bé rất ngoan, cả ngày cứ sợ tôi tức giận lên rồi làm gì đó, khoảnh khoắc đó tôi cứ ngỡ như chúng tôi lại quay trở về lần đầu tiên gặp mặt. Thấy vậy nên tôi bảo chồng đi nói chuyện với thằng bé xem có chuyện gì xảy ra không. Hỏi ra mới biết, có một người giáo viên nào đó đã nói với thằng bé là, đợi sau khi tôi sinh em trai em gái xong thì sẽ không còn ai quan tâm tới thằng bé nữa.
Lúc nghe được chuyện này tôi đã tức giận đến mức chạy tới trường tiểu học của thằng bé rồi nói chuyện trực tiếp với hiệu trưởng trường để làm cho ra nhẽ.
Là một người giáo viên, sao họ có thể đem suy nghĩ xấu xa của mình nhồi nhét vào đầu một đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu chuyện đời như thế được chứ?
Lúc đó tôi không những tức giận với người khác mà còn cảm thấy tức giận với chính mình. Đứa trẻ 7 tuổi đã có suy nghĩ riêng của chính mình rồi, đáng lẽ ra tôi nên hỏi ý kiến thằng bé có muốn thêm em trai em gái hay không.
Buổi tối hôm đó tôi thật lòng nói xin lỗi với thằng bé.
Thằng bé là con tôi.
Nếu con ở trường chịu uất ức, mẹ sẽ ra mặt giải quyết cho con.
Nếu thành tích học tập con không tốt, mẹ sẽ quan tâm hỏi han con.
Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ đánh con như những người mẹ khác.
Nhưng mỗi khi tối muộn mẹ sẽ ôm con vào lòng rồi kể chuyện xưa cho con nghe, dạy con phân rõ thiện ác trên đời này để sau này con có thể sống sót và sống tốt khi rời xa vòng tay của bố mẹ.
Mẹ chưa từng nuôi con, chưa có kinh nghiệm nên có thể sẽ có sai sót. Nhưng, khi con bị bệnh, mẹ chỉ mong người chịu đau là mẹ. Khi con vui vẻ, mẹ cũng sẽ vui vẻ. Khi con ra ngoài, mẹ ở nhà cũng sẽ lo lắng khi nào con về.
Dù là làm người hay làm mẹ kế, cả đời tôi chỉ có một nguyên tắc duy nhất thôi, đó là:
Không cầu cảm động trời đất, chỉ mong lương tâm không thẹn.
