Mâu thuẫn từ cái đồng hồ báo thức làm đi tong cả một sự nghiệp

Nhờ một câu chuyện trả thù vặt mà tôi đọc được gần đây làm tôi nhớ tới trải nghiệm của chính mình, hồi tôi còn là thiếu niên, cơ mà chuyện này chắc chắn đã nâng cấp lên thành màn trả thù đỉnh cao. Thắt dây an toàn vào, ngồi cho vững, chuyến đi này sẽ dài đấy. TL;DR ở cuối.

Vào thời điểm ngay trước khi tôi lên năm cuối THPT, tôi mua cái xe ô tô mới cho mình bằng số tiền tích góp được từ nhiều năm làm trông trẻ. Tôi muốn mua nó sớm hơn, nhưng mẹ tôi nhất quyết từ chối. Nên như là hành động siêu nổi loạn thời trẩu tre, khi vừa đạt mốc 18 tuổi tôi đã đi đưa nó về với đội của mình.

Vài tháng sau, bà dì Đê Tiện của tôi đột ngột bỏ công việc mà bả đang làm cách đó vài bang và chuyển vào sống cùng với chúng tôi. Dì không có phương tiện đi lại, vì chi phí vận chuyển xe của dì tới đây sẽ rẻ hơn nếu đợi 6 tháng, cho tới tận mùa xuân.

Kiểu như là người sống từ vùng lạnh hay đi di trú xuống vùng ấm áp hơn. Bà dì tôi cũng là người bủn xỉn, lợi dụng và đúng nghĩa đê tiện thấy rõ.

Do đó kết quả là tôi đã phải chia sẻ dùng chung cái xe mới cóng của mình với dì Đê Tiện, cho tới khi xe của dì được chuyển tới. Chuyện đó dĩ nhiên trông thật bất công, nhưng dù thế chúng tôi đã có thỏa thuận là dì chỉ được phép dùng xe để đi tới các cuộc hẹn và buổi phỏng vấn xin việc, vì tôi đi học bằng xe bus trường cũng được. Nhưng tôi phải luôn được báo trước khi nào xe sẽ được dùng, bởi trạm xe bus đến trường ở tận tuyến đường thứ 2, nên tôi sẽ phải thức dậy sớm hơn rất nhiều để bắt kịp chuyến xe đó (so với việc tôi tự lái xe). Và vì tôi cũng thích ngủ.

Các bạn có thể giờ đang thắc mắc là mấy chuyện trên thì liên quan gì tới cái đồng hồ báo thức? Dì Đê Tiện là một trong những người thích làm người khác nổi cáu, rồi giở giọng chế giễu lại người đó lúc bị bật lại. Dì lúc nào cũng phàn nàn vì cái gì đó, dùng từ ngữ cộc cằn, tỏ ra thù địch với người khác vì chuyện này chuyện kia. Từ ngày chuyển về sống chung, sự phàn nàn của dì là cái đồng hồ báo thức của tôi. Phòng của tôi cách phòng dì một bức tường, nên khi nó reo mỗi sáng thì nó cũng làm cái mông ăn bám, thất nghiệp, nghèo túng của dì tỉnh giấc theo, và nó làm bà dì tôi điên tiết. Chẳng lẽ tôi nên đi ngủ sớm hơn để không cần đồng hồ báo thức sao?

Dù sao thì lịch trình mỗi buổi sáng trong nhà tôi đại khái sẽ diễn ra thế này:

5:30 AM – Người mẹ chăm chỉ làm việc của tôi rời khỏi nhà đến văn phòng.

5:45 AM – Đồng hồ báo thức của tôi reo lên, nếu tôi phải đi xe bus tới trường.

6:15 AM – Đồng hồ báo thức của tôi reo lên, nếu tôi lái xe tới trường.

6:15 AM – Tôi rời nhà đi học nếu phải đi xe bus

6:45 AM – Tôi rời nhà đi học nếu lái xe mình

Vô định giờ kém: Cái mông thất nghiệp của dì Đê Tiện cần phải ở bất cứ nơi nào đó.

Rồi dì Đê Tiện tiếp cận mẹ tôi để kể về sự phiền toái kinh khủng đến từ cách tôi sử dụng cái đồng hồ báo thức. Giải pháp dì đề xuất là mẹ tôi giờ mỗi ngày nên gọi tôi dậy vào lúc 5:30 trước khi đi làm. Mẹ tôi đáp lại là dì nên dùng thử bông bịt tai, hay tự đi giải quyết chuyện đó với tôi. Bà mẹ chăm làm việc của tôi là người thích dĩ hòa vi quý, và không muốn liên quan dính dáng gì tới vấn đề của dì Đê Tiện.

Thế nên dì Đê Tiện bắt đầu lẻn vào phòng tôi để rút dây cắm cái đồng hồ báo thức sau khi tôi đã ngủ. Tôi cũng là người ngủ say, nên bà ta thực hiện trót lọt vài lần. Hậu quả là tôi đã bị trễ giờ đi học khá nhiều lần, và tôi cứ đinh ninh đổ tại lỗi là tại con mèo của tôi, trước khi tôi nhận ra thủ phạm thực sự. Một hôm, tôi đột ngột tỉnh giấc và trông thấy bà dì đang đứng ngay cạnh giường tôi. GHÊ RỢN! Tôi la hét như ma nữ Banshee làm cả nhà thức giấc. Bà ta chống chế là mình bị mộng du, và mẹ tôi cứ vậy mà tin cái lý do nhảm loz đó.

Tôi đã nỗ lực tự mình xử lý chuyện này bằng chút keo siêu dính, nó không phải nước đi sáng dạ nhất của tôi. Cái nhà của tôi hồi đó được bán đi kèm theo cái đồng hồ báo thức điện tử màu xanh kia, và dì Đê Tiện đã mò ra cách để tắt chế độ báo thức đi, thay vì rút dây điện. Nên tôi bắt đầu ngủ với cái đồng hồ để ở dưới gối, giờ không đời nào dì Đê Tiện sẽ giở được trò gì mà không làm tôi thức giấc.

Bà dì tôi NỔI ĐIÊN vì chuyện không theo ý mình, và quyết không chịu bỏ qua chuyện này.

Nước đi tiếp theo của dì Đê Tiện là thức dậy ngay sau khi đồng hồ báo thức reo lên và lao thẳng tới cái phòng vệ sinh duy nhất có buồng tắm trước tôi. Phòng dì gần phòng đó hơn nên bả luôn thắng tôi trong cuộc đua tới đó. Bà ta sẽ trữ cả đống tạp chí trong đó để thong thả ngồi đọc cho đến tận 6:20, đấy là thời điểm mà xe bus trường đã đi mất, nhưng vẫn còn thời gian trước khi tôi phải lái xe tới. Vào những lần tôi phải tắm thật nhanh để kịp giờ, dì sẽ lấy mất chìa khóa xe tôi và lái đi… loanh quanh tới mọi cái nơi khỉ gió nào mà bà cô thất nghiệp đó muốn lái tới. Khi tôi đối chất, bả chỉ chống chế là tại tôi không để ý kỹ tới những lần mà bả nói cần sử dụng xe. Bả chẳng bao giờ nói. Khi mẹ tôi không ở quanh, dì sẽ cạnh khóe tôi kiểu nếu dì bị đánh thức bởi tiếng báo thức, dì cũng có quyền được dùng phòng vệ sinh y như tôi, và tôi sẽ giải quyết được chuyện này nếu dì không còn bị đánh thức. Chưa hết, dì sẽ lấy xe của tôi đi lúc tối và các ngày cuối tuần, luôn đúng ngay trước khi tôi phải đi làm việc trông trẻ, và nó lúc nào cũng bị trả về với bình xăng chỉ còn vài giọt. Dì đã phải gọi cứu hộ giữa đường hai lần do xe hết sạch xăng, bởi bả phán đoán sai quãng đường xe đi được với số xăng còn lại.

Khỏi nói cũng biết tôi vô cùng bực mình. Vừa cực kỳ bất tiện mà lại càng nghèo đi. Tôi đã phải van xin các bạn của mình vào phút cuối đi tạt qua đón mình, hoặc phải bắt taxi tới trường. Dì tôi vẫn đổ thừa tại tôi, và mẹ tôi không muốn can dự gì vào. Chúng tôi như có trò chơi mèo vờn chuột trong nhà, với cái chìa khóa xe giờ tôi phải giữ bên mình mọi lúc – kể cả lúc tôi đi tắm (đây là thời có xe cũ dùng chìa khóa thường; không có chìa khóa điện tử như bây giờ đâu). Cái chìa khóa theo tôi vào luôn lúc tắm, bởi để lại ngoài bồn rửa là không đủ để ngăn bà dì tôi gỡ khóa phòng vệ sinh (dạng cửa trượt; kiểu tầm thường) để lẻn vào lấy.

Một lần nữa, GHÊ RỢN!

Chuyện đó cuối cùng dẫn tới một hôm dì hỏi mượn trước xe tôi để đến một “buổi phỏng vấn xin việc” mà tôi đoán là không tồn tại. Bà ta đã tới thẳng tiệm khóa để đánh một chìa khóa xe mới y như của tôi.

Ngày hôm sau, chìa khóa xe an toàn trở lại tay tôi, dì tôi lại giở trò lẻn vào phòng tắm lần nữa, dì cứ làm thế hoài kể cả khi dì không lấy xe tôi đi (T/N: làm OP mất cảnh giác). Bà Dì Đê Tiện đúng là khốn nạn *éo chịu được. Tôi sửa soạn xong ra chỗ để xe với chìa khóa trên tay, và xe tôi không còn ở đó nữa. Tôi thực sự đã nghĩ là bả đã đấu dây nóng (hot-wire) cái xe đó để đi, cho tới lúc sau tôi về nhà để kiểm tra và thấy cái xe không có dấu hiệu gì là bị chọc phá cả. Tôi không phải là tuýp người muốn chọc giận thú dữ, nhưng đó là lúc mà tôi phải đấu tranh cho mình. Dì Đê Tiện còn khá tự mãn thừa nhận là đã sao chép chìa khóa xe tôi, mắng tôi là đứa ích kỷ không biết chia sẻ là gì, và mấy chuyện đáng tiếc khác mà tôi không nhớ chính xác. Bà ta sẽ không chịu trả lại, tôi phải làm gì bây giờ?

Tôi cảnh báo dì Đê Tiện rằng cái xe đó là của tôi, và bà ta không có quyền để sử dụng nó nữa. Chuyện này đã đi quá xa rồi, nếu cứ tiếp tục thì ắt sẽ có hậu quả. Bà ta chỉ cười vào mặt tôi.

Sáng hôm sau xe của tôi vẫn tiếp tục biến mất, tôi đã đoán trước được chuyện này. Bạn thân nhất của tôi có cha là cảnh sát. Tôi đã thân thiết như thể một thành viên trong gia đình bác ấy hơn 10 năm qua, và bác ấy cũng là hình mẫu giống người cha nhất mà tôi có, bởi cha ruột tôi là một kẻ chết dẫm. Nên tôi đã gọi ngay cho bác ấy, tỏ ra vô cùng hoảng hốt vì cái xe mà tôi đã khổ sở chắt chiu mãi mới kiếm được đã bị trộm mất ngay ngoài đường lái xe. Bác ấy rất thông cảm. Tôi đã đề cập đến là xe tôi có LoJack chưa? (T/N: hệ thống phục hồi xe bị đánh cắp). Nó là một cái xe rất xịn… vào cái thời mà công nghệ như thế còn mới. Chúng tôi cùng lên trình báo và làm mọi thủ tục để cảnh sát có thể dùng LoJack truy tìm nó.

Tới tầm xế chiều thì cảnh sát đã tìm ra nó đang đỗ ở bãi đỗ xe của một khu mua sắm outlet. Tôi không biết chi tiết cuộc “chạm trán” hôm đó ra sao, suốt những năm qua tôi được nghe nhiều phiên bản khác nhau của câu chuyện. Đại khái là dì Đê Tiện dường như đã nổi cơn làm loạn lên khi bị vu là kẻ trộm rồi xô xát với một sĩ quan. Và kết cục là bả bị buộc tội trộm cắp xe, chống người thi hành công vụ, hành hung sĩ quan cảnh sát và tội gì đó liên quan tới giấy phép bởi vì bả không bao giờ chuyển nó sang bang mới mà mình hiện đang sống. Đừng giở trò với cảnh sát, họ không thích nó lắm đâu.

Mọi chuyện mất kha khá thời gian, dì không bị buộc tội cùng ngày hôm đó. Vì bà dì vừa thất nghiệp và lại nghèo rớt nên tài khoản dì Đê Tiện chẳng có bao nhiêu tiền, nên bả không tự trả phí bão lãnh được. Tôi ở nhà xóa hết mấy tin nhắn thoại mà dì gọi tới ở máy trả lời tự động (answering machine), khóc lóc cầu xin mẹ tôi mau tới bảo lãnh cho em gái mình, người mẹ chăm chỉ làm việc của tôi còn chẳng nhận ra em gái mình đã biến mất suốt cả tuần. Tới lúc mẹ tôi nhận ra, tôi giải thích là xe tôi bị mất trộm và tôi đã gọi cảnh sát rồi, tôi chỉ đang tự xử lý tình cảnh như mẹ luôn bảo. Vẻ mặt biến sắc của bà ấy khi nghe xong thật tuyệt vời, nhưng rồi mẹ tôi cũng bỏ chuyện đó qua bên rồi tiếp tục tránh mọi lùm xùm. Dì Đê Tiện phải ngồi trong trại giam của quận suốt 2 tuần cho tới khi dì chịu nhận thỏa thuận khoan hồng. Tôi đoán là bên cảnh sát đã kéo dài thủ tục giấy tờ của bả một chút.

Những chuyện xảy ra tiếp theo là một màn trả thủ đầy huy hoàng. Toàn bộ số tiền tiết kiệm còn lại của dì Đê Tiện bị tiêu hết để trả các khoản phạt và chi phí hầu tòa, sau cùng thì cái xe của dì cũng được chuyển tới và dì có thể bắt đầu đi kiếm việc làm. Nhưng có một vấn đề, dì tôi là giáo viên, cơ mà bả lại vẫn chưa có chứng nhận (việc làm) ở bang mới. Giờ tại bả có tiền án tiền sự trong hồ sơ nữa nên không thể nào qua nổi phần kiểm tra lý lịch. Whoops! Bắt đầu sự nghiệp mới là làm tiếp thị qua phone (telemarketer) thôi.

Dì Đê Tiện sau đó không còn làm phiền tôi nhiều nữa. Mấy năm sau tôi mới biết được là bà ta chỉ tỏ ra ngược đãi kinh dị vậy với trẻ con, và tôi đã chứng tỏ đủ cho một người lớn như dì tôi thấy gieo gió ắt sẽ gặp bão, nghiệp quật không chừa một ai. Chúng tôi tránh mặt nhau suốt nhiều tháng tiếp theo cho tới khi tôi lên đại học.

Và đó là cách mà một mâu thuẫn từ cái đồng hồ báo thức reo lên vào buổi sáng làm đi tong cả sự nghiệp giáo viên của dì Đê Tiện.

TL:DR: Bà dì bản tính đê tiện chuyển vào sống cùng tôi và không chịu nổi chuông báo thức réo lên mỗi sáng. Căng thẳng leo thang tới mức xe tôi liên tục bị tự tiện lấy đi khiến tôi bị muộn học. Tôi gọi một bác cảnh sát bạn tôi để báo xe mất tích, xe đó có LoJack. Bà dì ngu tới mức đánh nhau với cảnh sát lúc bị bắt. Bả ngồi tù một thời gian, không qua được phần kiểm tra lý lịch và từ đó mất luôn sự nghiệp dạy học.

Edit lại để trả lời vài câu hỏi

  • Mẹ của bồ bị làm sao thế? Bệnh tâm lý. Bà ấy không phải là người xấu đâu. Mẹ tôi chỉ đơn giản là hầu như không thể đối mặt với căng thẳng rồi quay trở lại làm việc như là cơ chế đối phó đâu. Suốt thời gian ở cạnh bên và thấu hiểu bà ấy, tôi thông cảm cho những gì mà mẹ tôi đã làm trong chuyện này. Bà ấy giờ cũng đã mất rồi.
  • Sao bồ không gọi cảnh sát sớm hơn? Tôi chưa bao giờ phải đối mặt với một ai thiếu khái niệm về ranh giới như dì Đê Tiện trước đó. Tôi thực sự đã nghĩ là sẽ có một giới hạn, và tôi có thể xoay sở chuyện này cho tới khi lên tới điểm giới hạn đó, với hy vọng giữ được chút hòa khí trong gia đình. Nó cũng ban đầu chỉ là tạm thời, khi đó tôi sắp đi học đại học và bà dì đáng lẽ cũng sẽ đi kiếm việc và căn hộ mới, nên khoảng thời gian khá là gấp rút. Lựa chọn gọi cảnh sát tới bắt một thành viên gia đình như là trái bom hạt nhân ấy, đối với một đứa trẻ 18 tuổi khi đó thì chỉ nghỉ tới tôi cũng rất đáng sợ. Tôi cũng không chắc là gọi cảnh sát sẽ được, bởi bà dì có thể bao biện là tôi chỉ đang làm quá lên về quyền sử dụng xe, và cơ hội mẹ tôi đứng về phía tôi gần như là bằng 0.

Khoảnh khắc mà chìa khóa xe vẫn đang trên tay tôi và xe tôi không còn ở chỗ đỗ nữa, đó chính là giọt nước tràn ly.

  • Bồ update cho chúng tôi thêm kết cục được không? Chẳng có gì mấy để nói hết ấy. Tôi mất liên lạc với dì Đê Tiện sau khi tôi lên đại học. Giữa thời điểm bả mãn hạn tù và lúc tôi đi khỏi, bả phớt lờ tôi và tôi cũng đáp lễ lại thôi. Sau đó tôi mới biết được là bà ta chỉ chuyên đi ăn hiếp trẻ con. Tôi đã chứng tỏ bản thân cho một người lớn rằng là ác giả ác báo.

Giờ tôi dành những ngày lễ bên phía gia đình yêu thương của chồng tôi, và những thành viên bình thường trong gia đình tôi những khi khác. Bằng cách nào đó tôi luôn phải bận đi gội đầu mỗi dịp sum họp. Whoops. Ơn trời là bà ta không bao giờ quay lại làm giáo viên nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *