MẶN…KHÁT

Cụ Bảnh quy tiên ở tuổi 85. Người làng đi đưa tang cụ không được đông lắm và trong tâm trạng khác nhau, mặc dù cụ thuộc dạng người “xưa nay hiếm”. Một thời, cụ là cán bộ cốt cán của xã. Những năm 70 của thế kỷ trước, cụ nổi tiếng là một lãnh đạo hăng hái và nhiệt huyết. Chính cụ đã ra lệnh cho dân quân san phẳng hai ngôi chùa, một ngôi đình. Nơi nào có miếu, cụ cũng “xuống chiếu” cho dân quân phá tuốt. Với cụ, tất cả là mê tín dị đoan. Hồi đó, mấy cụ cao niên lắc đầu “làm thế phải tội chết”. Lại có người bảo “kiểu gì, lão Bảnh cũng bị trả giá”. Nói vậy nhưng cụ chả hề hấn gì, vẫn sống đến bây giờ. Trong đoàn đưa tang, mấy người thì thào “cứ đợi đấy, đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Chớ có đùa”.

Lo ma chay cho bố xong, mụ Chọe, con gái độc nhất của cụ Bảnh vưỡn bán thịt lợn, xem ra phát tài phết. Người làng bảo, mụ mang toàn gien trội của cha, cũng ngang ngạnh và bất chấp. Chồng mụ là ông Quynh, người cùng làng. Ông hiền như đất, còn mụ thì rõ là Trương Phi. Lấy mụ Chọe, ông Quynh sang ở rể nhà cụ Bảnh. Vợ chồng sinh được ba anh con  giai. Anh nào cũng to đô. Học hành không giỏi giang nhưng khi trưởng thành, hai anh nhớn có ngành nghề trên thành phố. Chỉ còn nhõn anh út ở nhà. Vợ chồng mụ quyết không cho anh đi đâu mà giữ ở nhà để còn trông nom bố mẹ khi già yếu. Thoán không điển giai nhưng lại khá thuần tính, chịu khó làm lụng. Vậy mà chả hiểu sao tuổi đã chạm ngưỡng “băm nhăm băm nhở” rồi mà chửa lấy được vợ. Có người bảo, có lẽ tại mẹ anh, cái mụ Chọe ý. Mụ sống bất cần đời. Họ thường bảo “tất cả các bộ phận cấu thành nên cơ thể mụ rặt là sành với đá…”. Khi nói, giọng mụ oang oang, mắt trợn ngược, tay vung lên chém gió như đàn ông. Đã vậy, mụ còn làm nghề giết mổ lợn nên hầu như người làng hễ thấy mụ đâu là nem nép như rắn mùng năm… sợ bỏ bu. Thành thử anh Thoán to, khỏe, hiền lành là thế mà…vưỡn ế. 

Nghe người làng nói ra nói vào chuyện anh Thoán khó lấy vợ, điên tiết mụ tuyên bố “khi nào làng này chết hết con gái, con tao mới ế nhá nhá nhá…”. Là nói cứng thế, chứ mụ đi hỏi mấy đám, chả ai dám để con gái về làm dâu nhà mụ. Mụ điên nổ mắt và quyết hỏi bằng được gái làng cho Thoán. Mụ bảo, không được thế, người làng cười cho ủng óc, thối mũi . 

Một buổi tối, mụ phóng con xe máy 82 đến nhà ông Khanh ở giữa làng, hỏi cô Hạnh cho Thoán. Thấy mụ đến, vợ chồng ông Khanh biết ý, nói năng rất tiết chế, khéo léo, cẩn trọng và dè dặt. Sau chầu nước, chả cần ý tứ gì hết, mụ huỵch toẹt “tôi đến hỏi cô Hạnh nhà ông bà cho thằng Thoán nhà tôi”. Manh nha biết chuyện này từ mấy hôm trước nên ông bà Khanh tìm cách từ chối khéo “dạ thưa …cháu Hạnh nhà tôi còn đi học, chưa nghĩ tới chuyện chồng con đâu ạ”. Bị từ chối, lại điên máu, mụ Chọe chỉ tay vào mặt ông bà Khanh “Nói cho mà biết, các người không thích làm thông gia với tôi… thì tôi sẽ làm thông gia với mẹ các người, nhá!”. Nói xong, mụ đứng phắt dậy, phủi đít, ngoay ngoảy ra xe phóng về nhà. Ông bà Khanh nhìn nhau, lắc đầu. Như thế này thì… con gái mình về sống sao nổi. 

Tưởng chỉ nói cho qua chuyện, nào ngờ, tối hôm sau, mụ Chọe sang nhà cụ Hương – mẹ đẻ ông Khanh, hỏi cô Chít, em gái ông Khanh cho anh Thoán. Của đáng tội, cô Chít nhan sắc cũng không đến nỗi xinh. Hơn nữa, tuổi cũng đã ngoài băm nên khi mụ Chọe vừa ngỏ lời, cụ Hương và cô Chít làm ra vẻ do dự đôi chút rồi gật đầu liền. Thôi thì tròn méo gì, có tấm chồng vẫn hơn. Phụ nữ không chồng, chông chênh như nón không quai trước gió, khổ một đời.

Biết tin, vợ chồng ông Khanh tức tốc sang khuyên can mẹ và em gái…nhưng đã muộn nên cầm lòng vậy. Hơn tháng sau, đám cưới của Thoán – Chít diễn ra. Cụ Hương nghiễm nhiên là thông gia với mụ Chọe. Còn vợ chồng ông Khanh đàng hoàng ở chiếu dưới, gọi mụ Chọe là bà xưng con. Ha ha ha… gớm tay thật.

Cưới vợ cho con xong, đi đâu mụ cũng khoe chiến tích của mình. Câu cửa miệng của mụ là “đây không muốn thì thôi, đã muốn là phải được. Ngang hàng không muốn lại thích làm cấp dưới. Hức, đúng là ngu… gia truyền”. Vợ chồng ông Khanh giận tím mặt nhưng chả biết phải làm gì. Của đáng tội, bây giờ em gái mình đã là dâu con của mụ rồi, nói gì cũng dở. Chấp với mụ, em mình lại khổ, thành thử…thôi, cho qua.

  Bước sang tuổi 55 nhưng mụ Chọe vưỡn to con lắm. Mụ cao độ hơn mét rưỡi nhưng nặng tới trên 60 ký. Hai cái đùi mụ to như hai cây chuối hột. Hai quả mông thay nảy ra như có  hai cái thúng úp vào. Tay mụ như tay lực sỹ thể hình. Còn bộ ngực thì thôi rồi…cứ gọi là ngồn ngộn và nung núc những thịt. Đã thế, mụ chuyên mặc áo bó sát người nên trông “hai quả liệu hồn” cứ trương phình lên. Mấy chiếc cúc áo quá tải lúc nào cũng muốn đứt tung ra. Đám thanh niên rỉ tai nhau “nếu hàng cúc ấy đứt tung, hai quả liệu hồn của mụ xổ ra…vô phúc cho ai đi qua…chấn thương sọ não là cái chắc”. Nhưng thôi, chả nói kỹ chuyện hình thể của mụ làm gì. Vì ở đời, nhân vô thập toàn mà, có ai hoàn mỹ bao giờ. Thì đấy, có người ăn uống như thụi, nhưng suốt đời vẫn gầy giơ xương, mơ có tý da tý thịt cũng khó. Điều đáng nói là cách bán hàng của mụ cơ. Quái đản lắm.

Quầy thịt của mụ ở ngay thị tứ. Người mua thường rất đông, mặc dù mụ vừa bán vừa la hét, quát mắng. Người quen thấy bình thường, nhưng lạ thì hết chịu nổi. Ví như có người hỏi “thịt bao nhiêu một ký bác ơi?”. Mụ lừ mắt “mù và điếc à? Người ta mua từ nãy tới giờ 150 ngàn một ký, thế mà còn hỏi”. Ai ngó nghiêng tìm miếng thịt ưng ý, mụ cầm dao nhọn chỉ thẳng vào mặt “thịt lợn chứ có phải thịt người đâu mà ngó. Mua thì mua đi, không thì biến mẹ nó đi cho nhanh. Ngứa mắt”. Đấy, đại loại thế, ai mà chịu được. Hồi còn sống, ông Quynh chồng mụ góp ý, mụ cũng trừng mắt, làm cho ông thụt cả vòi. Chồng chết, mụ mặc sức. Đứa nào mua thì mua, không mua thì thôi, tao không cần nịnh ai cả. Không mua, lên phố mà mua. Hức, mất công sức, lại mất cả tiền xăng …vô phúc còn bị tai nạn giao thông, mà chắc gì đã giảm được đồng nào – mụ lập luận thế…Nhưng quầy vẫn đông khách, thế mới lạ. Người ta đồ rằng, có lẽ mụ biết chọn những con lợn ngon thịt chăng.

Nhưng năng đi đêm cũng có ngày gặp ma. Đời vẫn thế. 

Một chiều, mụ Chọe đang bán thì có một cô gái phóng xe đến dựng trước quầy, bước vào:

– Cô ơi, chỉ còn mỡ lá, hết mỡ khổ rồi ạ?

– Mù à? Còn hay hết thì nó tơ hơ trên bàn, sao phải hỏi.

– Ơ…cái nhà cô này. Cháu hỏi tử tế, sao cô trả lời buồn cười thế.

– Buồn cười cái gì? Mua thì mua, không thì biến đi cho tao còn bán nhá. Ở đâu tới ? Thích gây chuyện hả?

Cô gái vẫn nhã nhặn:

– Cô nói năng cẩn thận. Cháu đang hỏi cô tử tế thì cô chửi mắng , đuổi khách…lại còn vu gây chuyện là sao?

– Cãi hả? Thích không? Cả cái làng này không đứa nào dám cãi tao. Muốn tao xỉa con dao vào mặt mày không? – Vừa nói, mụ vừa chĩa thẳng con dao nhọn vào người cô gái. Đã định rút, tránh voi chả xấu mặt nào, nhưng nghĩ mình chả làm gì mà lại bị bắt nạt nên cô gái nhìn mụ thách thức:

– Bà định làm gì tôi? 

Những tưởng mụ Chọe xuống nước, ai dè mụ cầm dao nhọn xông ra. Chẳng nói chẳng rằng, mụ dí con dao vào cổ cô gái:

– Mày thách bà hả? – vừa nói, mụ vừa nhấn con dao vào cổ cô gái, một vệt máu rỉ ra. Nhanh như cắt, cô gái ngả đầu về phía sau, tung chân đá văng con dao trên tay mụ, rồi quyét phát nữa, mụ ngã sấp mặt xuống đất. Tiện tay, cô túm tóc sau gáy, đẩy mụ đến nhấn vào xô nước mụ dùng để rửa dao thớt. Bị sặc nước, hai tay mụ chới với… Để cho mụ xơi mấy ngụm nước bẩn xong, cô gái mới kéo đầu mụ giật về phía sau. Mụ Chọe lảo đảo, mắt trợn trừng, miệng phun nước phì phì, lắp bắp:

– Mày… mày là con cái nhà nào… mà dám…

– Sao? Bà định làm gì tôi ? Đừng dở thói du côn ra đây. Cả làng này không thèm dây với hủi, nhưng tôi thì không. Bà có thể chửi bất cứ người nào, nhưng với tôi thì chừa ra, nghe chưa?  Đồ khốn !

Nói rồi, cô đẩy mụ ra. Mụ Chọe lảo đảo lao vào ôm chầm lấy chiếc bàn trên toàn thịt lợn. Cô gái lên xe, nổ máy, phóng về phía phố huyện trước bao con mắt thán phục của những người đang có mặt ở chợ chiều.

Sau này, người làng kháo nhau: hôm đó, không may mụ Chọe lại chạm trán với cô gái trong đội tuyển Zudo của tỉnh. Lúc ấy, mụ mới thấy hú hồn.

Chả hiểu sao, sau cái đận ấy, người làng không thấy mụ Chọe bán thịt nữa. Hình như mụ đã rửa tay gác kiếm?!

Vài tháng sau, người ta thấy mụ gầy sọp, mặt mũi hốc hác, quần áo xộc xệch, tha thẩn bên đường, nhặt những thứ vớ vẩn đưa lên miệng. Một nụ cười ngây ngô lúc nào cũng thường trực trên môi. Đôi khi mụ gom những thứ nhặt được trên đường, ra một góc chợ ngồi, vừa nhấm nháp vừa nói một mình “ăn mặn thì khát nước thôi”. Mọi người nhìn nhau, nhìn mụ nghi hoặc.                                                                     

Ngày trước, hầu như ai cũng sợ và ghét mụ. Còn bây giờ, ai cũng thấy thương thương.

Phạm Xuân Đào

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *