Mạng xã hội và người “Nổi tiếng” trong thời trang.

Mình may mắn là người được sinh ra chứng kiến sự đổi mới trong cách thức “Để trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết”. Được lớn lên, trưởng thành trong giai đoạn mở cửa – đổi mới xã hội với sự xuất hiện của Internet rồi máy tính, điện thoại và tablet thông minh. Cùng với đó là các ứng dụng mạng xã hội kết nối con người dễ dàng hơn, từ forum đến Yahoo! Messenger, Yahoo 360 Blog rồi Facebook, Snapchat, Instagram và giờ là Tiktok.

Ngay cả bản thân mình cũng là một người trượt trên dòng chảy đó để có được chút tiếng nói như ngày nay nhờ mạng xã hội. Có lẽ nếu không có nó thì mình đã sang một con đường khác – chỉnh chu và trong môi trường “From 8 to 5” bàn giấy như bao người khác. Nhờ mạng xã hội mà những bài viết về thời trang của mình tiếp cận được nhiều người và xây dựng được một chút tiếng tăm. Nhưng chưa bao giờ mình nhận thức được rằng mình là người “nổi tiếng”, là người của công chúng – vì đơn giản tài năng của mình thực ra chẳng bằng ai.

Xét trong môi trường trước – khi mà các công cụ để “nổi tiếng” hiện tại chưa xuất hiện. Mọi thứ đều phải xuất phát từ sự nỗ lực và đầu tư gần như là “Off-line” đến toàn bộ. Không thể phủ nhận bất kì mảng nào cũng đều cần có tiền tài, quan hệ. Nhưng để “nổi tiếng” và công chúng (Lúc đó rất khó tính) công nhận thì bắt buộc phải có tài năng. Chứ nếu không “Tài năng” thì chắc chắn sẽ “Chóng nở, chóng tàn”.

Chả thế mà, ngày xưa các diễn viên – ca sĩ – người mẫu đều tốn một khoảng thời gian rất lâu để họ nổi tiếng. Cái thời gian để nổi tiếng đó là họ luyện tập, trau dồi kĩ năng trong các ngôi trường nghệ thuật, các ngôi trường đại học/cao đẳng/học viện để vừa đảm bảo được nền tảng, vừa xây dựng mối quan hệ (mặt – mặt). Sau đó, cũng phải chật vật một thời gian rất dài làm thực tập sinh, đóng thử, diễn thử, hát thử, hát bè – nói chung là đủ cả để có một cơ hội nào đó được lên sàn diễn lớn, sân khấu lớn. Thế nên, câu nói lúc đó Nổi tiếng là 99% cần cù, 1% tài năng hẳn cũng không sai. Nhận ra rằng, lứa các cô chú diễn viên/ca sĩ/người mẫu ngày xưa đều rất rất yêu nghề và vô cùng tài năng vì nền tảng của họ cực kì vững chắc. Diễn cái gì là khán giả nhớ cái đó, hát câu nào là nghe đi nghe lại 10 lần cũng được. Họ diễn vai phản diện hợp đến nỗi, ra ngoài đường khán giả còn ghét họ. Những tác phẩm về nghệ thuật, âm nhạc, thời trang đều có giá trị xem đi xem lại nhiều lần và có độ sâu nhất định.

Bây giờ, giới trẻ chúng mình có quá nhiều công cụ để trở nên nổi tiếng. Nổi tiếng cũng có nổi tiếng this và nổi tiếng that. Cộng thêm cái sự dễ tính đến mức suồng sã của thị trường đã là đòn bẩy cho những người “Nổi tiếng’ dưới mác danh KOL, KOC “vô nghĩa” tại Việt Nam mang những sản phẩm nội dung “Chán đến nhạt toẹt” ra thị trường mà vẫn được đón nhận. Không nền tảng, không kiến thức, không có một ý nghĩa sâu – nó khiến cho những sự cố gắng của thế hệ trước như là tờ giấy lá trước những người “Nổi tiếng 4.0”. Những bộ phim ngắn, những webdrama trên Youtube, những nội dung clip trên Tiktok “vô thưởng vô phạt” hài hước cũng không mà ý nghĩa thì lại chẳng có xuất hiện nhan nhản. Đáng sợ nữa là thế hệ “Nổi tiếng 4.0” này lại xâm nhập sâu hơn vào showbiz, càng là minh chứng hùng hồn cho cái sự “Nhạt” và “Thiếu tài năng” vào trong các tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức. Mà những người này là những người đang ảnh hưởng rất nhiều đến công chúng, tác động khoogn hề nhỏ tới định hướng của những người trẻ. Mình không đánh đồng vì có nhiều anh chị đang làm rất tốt – nhưng xót xa thay, cái số kia lại là số đông.

“Cuộc chiến văn hóa là một cuộc chiến trường kì”. Văn hóa của chúng ta càng nông thì nhận thức và mindset càng tệ, nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác nhau. Chí ít là trong thời trang khi mà những thương hiệu hay fashion designer “Tự xưng” làm mưa làm gió và khiến người ta có cái nhìn xấu về thời trang. Sửa lại rất khó.

Nhưng mình vẫn nuôi 1 niềm tin rất lớn rằng, “Cây có rễ lớn, rễ cắm sâu thì sẽ trường tồn”. Nền tảng là một thứ vững chắc và xây dựng mọi thứ. Những thứ phù phiếm, xa hoa rồi sẽ đạt Ngưỡng và héo mòn vì không thể nào tìm cách mà phát triển được nếu nó không tự bản thân cố gắng và biết mình ở đâu. Còn ai đã có giá trị bền bỉ thì chắc chắn sẽ tiếp tục bền bỉ và được công nhận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *