Mùa hè năm nay chứng kiến sự trở lại sôi động của ngành du lịch, nhưng cũng là mùa du lịch khiến nhiều nước “đau đầu” vì các hành vi lệch chuẩn của du khách. Các điểm đến nổi tiếng đã phải đối mặt với tình trạng này. Liên tục xuất hiện thông tin về hành vi tiêu cực như phá hoại Đấu trường La Mã ở Rome khiến nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân đằng sau những hành động này.
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một yếu tố quan trọng đứng sau sự thay đổi này là mạng xã hội. Instagram và TikTok đã tạo điều kiện thuận lợi để người dùng dễ dàng khám phá những địa điểm “ngọc thô” và thêm vào danh sách du lịch của họ. Tuy nhiên, việc phổ biến hóa du lịch này đã mang theo một loạt hậu quả không mong muốn.
Mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực tới du lịch ra sao?
Ngày nay, mọi người liên tục kết nối với mạng xã hội trong mọi khía cạnh cuộc sống, từ công việc cho đến việc du lịch đến những địa điểm xa lạ, họ có xu hướng mang cách cư xử ở nhà tại các điểm đến du lịch.
Theo CNN, con người thông thường sẽ điều chỉnh hành vi của mình, dựa trên hành vi của người khác trong cùng một sự việc. Khi đi du lịch, đa phần du khách có xu hướng tự làm “thoả mãn” mình. Chính vì thế, khi đăng những hành vi lệch chuẩn lên mạng xã hội, vô tình nó sẽ tạo ra hiệu ứng “domino” khiến hành vi đó được nhân rộng và trở nên vượt qua ngưỡng kiểm soát cho phép. Mạng xã hội không chỉ thúc đẩy việc áp dụng các hành vi lệch chuẩn này mà còn giúp người ta tìm kiếm sự “đồng loã” từ cách hành xử của người khác.
Ngoài ra, “hiệu ứng Instagram” cũng ảnh hưởng tới du lịch đại chúng. Khi mọi người du lịch đến những địa điểm đẹp, họ thường chia sẻ ảnh và video trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn, khi người ta bắt chước nhau, du lịch trở thành “cuộc đua” chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội hơn là khám phá và tôn trọng văn hóa địa phương.
Nhận thấy những thách thức mà du lịch dựa trên mạng xã hội đang đối diện, một số điểm đến nổi tiếng như Bali (Indonesia) đã phải đưa ra các hướng dẫn mới. Các biện pháp này bao gồm quy tắc cư xử, yêu cầu du khách tôn trọng trong các ngôi đền linh thiêng, yêu cầu giấy phép cho thuê xe máy đối với du khách nước ngoài, hạn chế vào các ngọn núi và núi lửa, và thành lập của lực lượng đặc nhiệm du lịch để giám sát thực thi các quy định này. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của mạng xã hội trong việc giám sát và thay đổi hành vi du lịch.
Ngoài Bali, nhiều điểm đến khác như Iceland, Hawaii, Palau, New Zealand, Costa Rica cũng yêu cầu du khách cam kết tuân thủ luật pháp và tôn trọng phong tục địa phương. Các chiến dịch như “No Drama” của Thụy Sĩ, “See Vienna – không phải #Vienna” của Áo, và “Be more like a Finn” của Phần Lan đều nhằm mục đích thu hút những khách du lịch có thái độ tốt.
Tuy nhiên, khi những nỗ lực như vậy hiện chưa đạt được kết quả mong muốn, địa điểm du lịch như Vịnh Maya nổi tiếng của Thái Lan đã phải đóng cửa hoàn toàn để bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương.