Tuy không phải người phát minh ra sơn dầu, nhưng Van Eyck là người tiên phong trong việc quảng bá vẻ đẹp của sơn dầu. Qua bàn tay ông, kỹ thuật sơn dầu mang một sức sống mới, rực rỡ, tinh xảo hơn hẳn giai đoạn trước đó. tầm ảnh hưởng của van Eyck là vô cùng, vô cùng lớn. Có thể nói, từ sau Van Eyck, lịch sử hội họa được chuyển hẳn sang một trang mới.

Van Eyck chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ trong tranh. để ý những hình khối kiến trúc, những viên đá quý, từng sợi tóc, chất liệu vải được trau chuốt cực kỳ kỹ lưỡng, còn khuôn mặt Đức Mary lại giống thật đến khó tin.

Tài nghệ sơn dầu của ông cùng cách chọn các gam màu mạnh mẽ làm cho từng chi tiết nhỏ trong không gian đều như bật sáng rực rỡ và rung rinh sống động. tuy nhiên, ánh sáng trên khuôn mặt Đức Mary lại lan tỏa rất nhẹ nhàng.
Hình ảnh hai mẹ con ở đây gợi nhớ đến hình tượng Đức nữ đồng trinh dịu dàng (Eleusa) trong các họa phẩm truyền thống từ thời Byzantine tk 13, như trong 2 tranh bên phải.
(so sánh mức độ “tự nhiên như thật” với tranh thời trước ở góc trên, và tranh thời sau ở góc dưới)

Để ý hình ảnh Đức Mary trong hội họa thường khoác áo choàng xanh dương.
Ngày xưa, vì bột màu xanh dương hiếm có trong tự nhiên nên màu này thường được liên tưởng với sự huyền bí và quý giá.
Bột màu xanh dương tinh khiết nhất là ultramarine, có thời đắt hơn cả vàng, nên chỉ dùng để tô điểm cho những gì linh thiêng nhất. từ tk 5, màu này được dành riêng cho hình tượng Đức Mary, để tượng trưng cho sự thanh sạch của bà.
Nghệ thuật Ki-tô giáo cũng thường sử dụng màu đỏ gắn liền với Chúa Jesus, để tượng trưng cho sự khổ hạnh (đổ máu) của Chúa, và tình thương vô bờ (Chúa đổ máu cứu chuộc loài người).
Đôi khi màu đỏ cũng xuất hiện trên người Đức Mary, mang thêm những ẩn dụ như sự sinh nở, thiên chức làm mẹ, tình mẫu tử, và lòng mộ đạo.

Để ý hướng ánh sáng trong tranh.
Trên thực tế, khi thiết kế nhà thờ, người ta thường hướng vị trí của ca đoàn về hướng đông (để đón ánh nắng mặt trời). vậy nên thật ra ánh sáng trong tranh đang rọi vào từ hướng bắc – một điều bất khả. hàm ý đây không phải ánh sáng thực, mà là ánh sáng tâm linh vĩnh cữu, chiếu rọi từ thiên đàng.
Nghĩa là khung cảnh chúng ta tưởng là tả thực, thật ra không tồn tại trong thế giới thực.
Cũng để ý, Đức Mary trông quá cao so với tỷ lệ thân người bình thường. khiến dung mạo của bà toát ra vẻ uy nghiêm, siêu thực

Khi để ý các chi tiết hậu cảnh, lằn ranh hư-thực / thiên đàng-hạ giới còn mờ nhòa thêm nữa.
Phía sau mẹ bồng con (người thật) là một cặp mẹ bồng con khác bằng tượng, như thường thấy trong các nhà thờ. ca đoàn mà chúng ta tưởng là người thật, khi nhìn kỹ thật ra lại có cánh, nghĩa là họ là các thiên thần.
Bên trên ca đoàn có thêm Chúa Jesus bằng tượng, đang dang tay trên thánh giá, nhưng phía trên tượng là các bông hoa xanh dương và đỏ (màu của tôn giáo) sáng rực rỡ trên cửa kính nhà thờ, như thể các bông hoa thật đang bung nở từ thập tự giá.
Hàm ý sự sống tái sinh từ máu của Chúa Jesus.

Bố trí của tranh cũng tạo cảm giác như thể Chúa Jesus em bé đang nhìn lên tượng Chúa Jesus người lớn trên thánh giá. pho tượng bỗng trở thành một khải tượng: Chúa Jesus nhìn thấy cái chết của chính mình từ khi còn nhỏ.
Hàm ý Chúa Jesus từ khi ra đời đã biết và chấp nhận số phận và nỗi khổ hạnh của đời mình.
Tầm nhìn của Chúa là phi thời gian: Chúa biết tất cả những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra trên cõi đời này.

Bức tranh trông giống như thế giới thực, song lại như hé lộ một viễn cảnh xa xôi huyền ảo.
Erwin Panofsky, học giả hình tượng học nổi tiếng, từng bảo bức tranh này khiến người ta cảm giác như thể vừa nhìn vào kính hiển vi và kính viễn vọng cùng một lúc.

Người ta thường quen thuộc hơn với bức Arnolfini Portrait của van Eyck. Arnolfini là một trong những bức tranh phức tạp nhất trong hội họa, vì có bố trí hình học vô cùng tỉ mỉ và giàu tính biểu tượng.
Với cả, ông này chắc là người duy nhất có thể sử dụng màu xanh lá đẹp đến vậy (thật không hổ danh bậc thầy). ngày xưa màu xanh lá cực kỳ khó giữ ổn định, nên họa sĩ ít dám dùng đến. thử nhìn lại lịch sử hội họa mà xem, rất-rất hiếm khi có ai mặc cả bộ váy màu xanh lá như này.