LÝ THUYẾT “TẢNG ĐÁ LỚN” VÀ CÁCH ĐỂ QUẢN LÝ THỜI GIAN HIỆU QUẢ VÀ SỐNG TRỌN VẸN HƠN

“Nếu không cho những tảng đá lớn vào trước thì về sau chúng ta sẽ không đủ chỗ cho chúng nữa.” – Stephen Covey

Lý thuyết về “những tảng đá lớn” là một câu chuyện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra ưu tiên trong cuộc sống của bạn. Khái niệm này được biết đến phổ biến qua cuốn sách “Bảy thói quen hiệu quả” của tác giả Stephen Covey. Đại ý của câu chuyện như sau:

Một giáo sư bước vào lớp và đặt một chiếc lọ miệng rộng trên bàn. Ông đổ đầy những tảng đá to bằng nắm tay đầy vào lọ và hỏi các sinh viên ở dưới xem chiếc lọ đã đầy chưa. Mọi người trong lớp đều đồng ý rằng cái lọ đã đầy. Sau đó, ông lấy ra một xô sỏi đổ vào lọ và lắc cho đến khi những viên sỏi lấp đầy khoảng trống giữa các tảng đá lớn. Khi không còn chỗ cho sỏi nữa, ông lại cho thêm cát vào lọ. Khi không còn chỗ cho cát nữa, ông đổ nước vào để lấp hết chỗ trống còn lại. Chỉ khi đó, chiếc lọ kia mới thực sự đầy.

Sau đó, ông hỏi cả lớp ví dụ minh họa vừa rồi có ý nghĩa gì? Một sinh viên háo hức giơ tay và nói rằng điểm mấu chốt của câu chuyện là cho dù lịch trình của ta tưởng như có kín đến đến mức nào đi nữa, nếu ta thực sự cố gắng, thì luôn có thể hoàn thành thêm một số thứ khác nữa.”

Tuy nhiên, đó không phải điều vị giáo sư muốn nhắn nhủ, ông giải thích rằng điều mà câu chuyện vừa rồi thực sự dạy chúng ta là “nếu bạn không đặt những tảng đá lớn vào trước thì bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để đặt hết chúng vào trong chiếc lọ được.”

Cái lọ chính là tượng trưng cho cuộc sống, thời gian của ta và đá, sỏi, cát và nước là những thứ lấp đầy nó mỗi ngày.

1. Những tảng đá lớn đại diện cho những ưu tiên quan trọng hoặc những mục tiêu dài hạn như dành thời gian cho gia đình, hoặc duy trì sức khỏe. Đây là những điều mang lại ý nghĩa và mục đích sống cho ta.

2. Những viên sỏi nhỏ tượng trưng cho những trách nhiệm hàng ngày và những mục tiêu ngắn hạn hơn. Ví dụ, những viên sỏi đó có thể là tình bạn, sở thích – những thứ quan trọng nhưng có thể không lâu dài hoặc không quá cần thiết đối với bức tranh cuộc sống tổng thể của chúng ta.

3. Cát và nước đại diện cho những mong muốn trước mắt và các hoạt động hoặc nhiệm vụ nhỏ không thực sự quan trọng. Chúng có thể là những tác nhân khiến ta không thể hoàn thành công việc, chẳng hạn như lướt Mạng xã hội. Đây là những điều không những không đóng góp nhiều vào cuộc sống mà còn có khả năng làm lãng phí thời gian của ta. Nếu chúng ta dành toàn bộ thời gian cho những việc nhỏ nhặt và không đáng kể ấy, ta sẽ hết chỗ cho những việc thực sự quan trọng.

CÁCH SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP “TẢNG ĐÁ LỚN” (“BIG ROCKS”) ĐỂ QUẢN LÝ THỜI GIAN MỘT CÁCH HIỆU QUẢ

1. Những người có hoàn cảnh, mục đích và nhu cầu khác nhau có định nghĩa về những tảng đá lớn, những viên sỏi khác nhau. Vì lý do đó, thay vì so sánh các ưu tiên của mình với người khác, ta nên tập trung dành công sức và sức lực vào danh sách những “tảng đá lớn” của riêng mình.

2. Ngoại trừ những ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống, những thứ ở mức độ ngắn hạn và mức độ ưu tiên thấp hơn có thể thay đổi theo thời gian. Ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, ta hoàn toàn có thể thay đổi nhận thức về điều gì là quan trọng nhất, điều gì không.

Ví dụ: ở độ tuổi 20, mục tiêu hàng đầu của ta có thể là lấy bằng cử nhân tại một trường cao đẳng hoặc đại học. Nhưng khi bước vào giữa tuổi 30, mục tiêu của ta có thể thay đổi thành dành dụm nhiều tiền hơn để đầu tư vào việc học của con.

Trước một tương lai luôn thay đổi, chúng ta nên thường xuyên đánh giá lại các mục tiêu và xác định đúng ưu tiên hiện tại của mình.

3. Mặc dù chiến lược “Đặt những tảng đá lớn vào trước” (“Big Rocks First”) giúp ta quản lý thời gian tốt hơn và nâng cao năng suất, một vài người có thể hiểu sai về ý nghĩa của câu chuyện. Họ cho rằng chỉ cần họ sắp xếp lại thời gian biểu khác đi thì họ sẽ có thời gian thực hiện tất cả mọi thứ.

Tận dụng tối đa thời gian là điều nên làm, nhưng ta không thể đạt được năng suất lâu dài nếu không thêm khoảng trống vào bình của mình – những khoảng cách giữa các tảng đá để ta được nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng. Thói quen nhồi nhét quá nhiều công việc cùng lúc này sẽ phản tác dụng và dẫn đến việc tiêu hao năng lượng, cũng như làm giảm chất lượng công việc bởi chìa khóa của năng suất không phải ở hoàn thành nhiều công việc hơn mỗi ngày mà là hoàn thành đúng công việc cần. Do đó, đừng cố gắng chất đầy lọ của mình với quá nhiều “tảng đá lớn” và cũng đừng nhầm những “viên đá cuội” với những “tảng đá lớn” thực sự.

Tối nay, hãy dành thời gian tự hỏi bản thân rằng: “Đâu là‘ tảng đá lớn ’trong cuộc đời tôi?” và dựa vào đó để lập một danh sách ngắn gọn các công việc quan trọng nhất mà bạn cần hoàn thành vào ngày hôm sau. Bạn có thể mất 30 phút tối nay nhưng chắc chắn sẽ tiết kiệm hàng giờ cho ngày mai đấy!

Cảm ơn bạn đã đọc!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *