Lúc 8 tuổi, em trai tôi làm hỏng máy tính. Bố rất tức giận, bắt chúng tôi phải nhận lỗi. Em trai nói là do tôi làm. Tôi tức giận, nói không phải do tôi làm. Bố đánh tôi và nói rằng đã làm sai thì phải nhận.
Lúc 9 tuổi, trên sàn nhà phía sau lưng tôi có vụn bánh mì. Mẹ hỏi tôi tại sao không vứt vào thùng rác.
Tôi nói không phải tôi vứt.
Mẹ nói không phải tôi vứt thì tôi không thể tiện tay vứt vào thùng rác được à? Mất dạy!
Mà trước khi mẹ hỏi tôi, tôi không hề biết có bánh mì sau lưng.
Vẫn là lúc 9 tuổi: Anh trai đặt chai nước lên cuốn sổ tay có in hình yêu thích của tôi, không may làm ướt nó. Tôi cãi nhau với anh trai. Mẹ nói rằng cuốn sổ tay thì có làm sao! Đồ đạc không lo cất cẩn thận, hư cũng đúng thôi!
Thực ra lúc đó tôi đang làm bài tập, mẹ bảo tôi mau đến giúp mẹ nhặt rau.
Có thể có người hỏi tôi tại sao không giải thích? Tôi đã giải thích rồi, tôi nói với họ rằng tôi không làm, nói với họ rằng tôi không biết, nhưng tôi còn chưa nói hết câu, bố mẹ tôi đã nói rằng: Đừng có cãi!/Còn dám cãi à?
Lúc 12 tuổi: Có một cô gái rất thân với tôi bị bắt nạt, tôi đã giúp cô ấy tìm gặp giáo viên chủ nhiệm, đồng thời cũng là bạn thân của mẹ tôi, mọi chuyện được giải quyết. Không lâu sau, cả thế giới đều nghĩ tôi là con ông cháu cha, không chơi với tôi nữa.
Mà thực tế, trừ chuyện này ra, giáo viên chủ nhiệm chưa bao giờ quan tâm đến tôi.
Lúc 15 tuổi: Bạn tôi thất tình, khóc đến đỏ cả mắt, tức giận mắng chửi tên đó, để an ủi cô ấy, tôi nói với cô ấy rằng hãy vui lên, rồi cùng cô ấy mắng tên đó là đồ tr.a nam. Hai tuần sau cô ấy làm lành với bạn trai, tôi trở thành kẻ xấu chia rẽ bọn họ. Rồi họ chia tay, lại quay sang kêu ca với tôi, tôi lại ở cạnh nhìn cô ấy khóc.
Lúc 16 tuổi: Mẹ dặn tôi phải kể nhiều chuyện ở trường hơn, nếu không nói bà ấy sẽ rất lo. Tôi bắt đầu kể về thầy cô, bạn bè, câu lạc bộ và việc học.
Ban đầu mẹ rất chăm chú lắng nghe. Sau đó, mẹ khuyên tôi không nên chơi với những bạn bè xấu, tham gia câu lạc bộ chẳng ích gì, và chỉ nên tập trung vào việc học.
Tôi vẫn cố gắng học tập chăm chỉ và hòa đồng với mọi người, học cách ứng xử, nhưng mẹ lại cho rằng tôi chỉ đang “chơi”.
Khi mẹ hỏi về tình hình gần đây, tôi trả lời rằng tôi chỉ đi học thôi, thế mà mẹ lại trách móc tôi không chia sẻ gì với mẹ.
Lúc 18 tuổi: Tôi thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Lớp trưởng dặn dò phải mang theo nhiều ảnh thẻ cỡ 3×4 và 4×6, tôi nói với mẹ và đưa cho mẹ tấm ảnh chụp khi học lớp 12.
Mẹ chê tấm ảnh đó không được đẹp và bắt tôi đi chụp lại. Tôi muốn đợi vài ngày nữa vì những ngày gần đây tôi thức khuya nên da dẻ không được tốt. Mẹ tức giận, bảo là không lẽ cả nhà phải chiều theo ý của tôi, phải chiều theo thời gian của tôi.
Tôi mới nói, hay là mai được không ạ, ngày kia cũng được, hôm nào bố mẹ rảnh thì đi, không thì con tự đi nhé?
Bố quát mắng tôi: “Mày tự đi ấy hả? Mày thì biết gì? Mày chẳng biết gì cả, còn bày đặt muốn tự đi chụp?!!”
Tôi phản ứng lại: “Chỉ là chụp ảnh thôi mà, có gì khó đâu? Hôm nay con thực sự không muốn đi.”
Bố nói: “Người ta nói, học thức càng cao thì càng phản động, tao thấy mày đúng là kiểu đấy! Thi đỗ vào trường đại học danh tiếng thì sao? Tao là bố mày! Mày phải làm theo ý tao! Cút đi chụp ảnh ngay!”
Sau khi chủ đề này được đề cập, tôi mới nhận ra rằng bản thân đã trải qua rất nhiều chuyện. Tôi tưởng rằng mình đã quên hết, nhưng thực ra những điều đó vẫn in sâu trong tâm trí tôi, như thể mới xảy ra vào vài ngày trước vậy.
Tại sao lại im lặng á? Theo tôi, mỗi lần im lặng đều là một sự thất vọng.
Chúng ta tin rằng ngôn ngữ có thể mang lại cho chúng ta sức mạnh, vì vậy chúng ta quyết định lên tiếng. Nhưng khi nhận ra rằng ngôn ngữ không những không thể mang lại sức mạnh mà còn khiến chúng ta tổn thương nhiều lần, chúng ta chọn cách im lặng.