Ngay từ năm đầu tiên có BHXH tự nguyện (năm 2008), ông Nguyễn Văn Thang (ở thôn An Phú, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), lúc bấy giờ mới ngoài 30 tuổi, đã hiểu được ý nghĩa, tính ưu việt, lợi ích thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện.
Đến giờ, ông đã tham gia BHXH tự nguyện được 15 năm. Ông không chỉ mua BHXH tự nguyện cho bản thân mà còn tặng vợ món quả “để đời” bằng cách đăng ký cho vợ tham gia BHXH tự nguyện và nỗ lực “kéo cày” hàng tháng để có tiền đóng BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng.
Ông Thang chia sẻ, 15 năm trước, vùng quê ông vẫn nghèo khó, kinh tế cũng chưa phát triển. Gia đình ông “thuần nông”, chủ yếu kiếm sống nhờ vào mấy sào ruộng, đàn gà, quanh năm “chân lấm tay bùn” với ruộng vườn đồng áng.
Tuy nhiên, khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, ông đã nhận thức được đây là một chính sách ưu việt, có thể giúp người nông dân như vợ chồng ông có lương hưu, là việc mà đời cha ông của ông không có được.
Vì vậy, mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, ông vẫn tính toán, tiết kiệm để có tiền tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng, suốt từ năm 2008 đến nay.
Với món quà hết sức đặc biệt này, ông Thang không chỉ yêu thương, quan tâm vợ ở hiện tại mà còn lo cho tương lai lâu dài của của người bạn đời.
Ông mong, khi hết tuổi lao động, hai vợ chồng ông cùng “dắt tay nhau” nhận lương hưu, an hưởng tuổi già, thảnh thơi bên gia đình, không còn phải lo lắng nhiều. “Lời yêu” của ông nông dân này dành cho vợ thực sự rất đặc biệt và ý nghĩa.
Chia sẻ về “con đường” đến với BHXH tự nguyện của mình, ông Thang cho biết: “Ngay từ năm 2008, khi có chính sách BHXH tự nguyện, một người bạn làm ở cơ quan BHXH tự nguyện đã tư vấn cho tôi những lợi ích của chính sách này.
BHXH tự nguyện cho phép người lao động “không làm nhà nước” cũng có cơ hội có lương hưu, điều mà những nông dân, những người làm nghề tự do như tôi chưa từng mơ đến.
Vì thế, tôi đã nhận ra ngay được ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện. Dù thời điểm đó, hai vợ chồng còn trẻ, kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm tham gia cho cả hai vợ chồng.
Lúc đó, tôi nghĩ, người nông dân như chúng tôi, suốt ngày chân lấm tay bùn, bán sức kiếm cơm nhưng khi về già, sức yếu khó lòng “bán mặt cho đất” như trước nữa. Không trồng trọt, không có thu nhập, tuổi già lại hay đau yếu chắc chắn cuộc sống sẽ khó khăn.
Nếu như có lương hưu để đỡ đần gánh nặng sẽ rất tốt. Hơn nữa, người về hưu còn được nhận thẻ BHYT miễn phí, đau ốm cũng chỉ đồng chi trả viện phía 5%, lợi ích như thế tại sao lại không tham gia.
Khi còn khỏe còn lao động được, kiếm tiền được thì nên nỗ lực để tích cóp cho tuổi già bằng cách tham gia BHXH tự nguyện.
Hơn nữa, nghĩ đến lúc về già, tôi cũng được cầm sổ đi lĩnh lương hưu như cán bộ nhà nước cũng thấy “oai” lắm”, ông Thang cười vui.
Ông Thang cũng nói thêm: “Người ta nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, bản thân tôi thì không muốn phụ thuộc vào con cái, nên tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện này rất hữu ích. Mỗi ngày mình bỏ ra một chút như “bỏ lợn tiết kiệm”.
Chính vì vậy mà tôi quyết định hai vợ chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện, với mong muốn sau này hai vợ chồng được hưởng lương hưu có đồng ra đồng vào đảm bảo cuộc sống.
Tôi mong ngày càng có nhiều người dân cùng tham gia BHXH tự nguyện như vợ chồng tôi để tất cả chúng ta đều được hưởng lương hưu, có cuộc sống an nhàn và thảnh thơi khi về già”.