Lời nguyền Chukchi – Câu chuyện về một dân tộc đánh bại Đế quốc Nga

1 trong những thuyết nổi tiếng nhất giải thích cho việc Nga phải bán Alaska cho Mỹ, đó là: vùng đất nối Siberia với Alaska là bán đảo Chukchi – một nơi người Nga đã không chinh phục được hoàn toàn, và do đó Nga sợ rằng sẽ không thể triển khai quân tới Alaska thuận lợi nếu chiến tranh với Bắc Mỹ nổ ra. Đế quốc Nga, thực sự chính họ thừa nhận, đã thất bại trong việc khuất phục tộc người Chukchi ở đây. Hôm nay page sẽ giới thiệu về 2 trận đánh, mà sự trùng hợp khó ngờ của nó đã dẫn đến việc người Nga thời đó truyền miệng nhau về ”lời nguyền Chukchi”.

*Trận Yegach (1730)

Cho đến năm 1727, đế quốc Nga đã chinh phục gần như toàn bộ các dân tộc Siberia, nhiều dân tộc thậm chí bị xóa sổ. Chỉ còn duy nhất đối thủ cuối cùng: người Chukchi ở cực Đông Bắc. Để loại bỏ kẻ thù này, năm 1729 Nga cử một đội quân Cossack do tướng tướng Afanasy Shestakov chỉ huy, hành quân về bán đảo Chukchi để tiêu diệt người Chukchi.

Quá trình hành quân của Nga mất hơn 1 năm. Trên đường đi, dù bị hao hụt binh lính do lạnh giá và bệnh tật, thì quân Cossack cũng bổ sung bằng cách bắt các dân tộc bản địa phục tùng mình đi lính. Đến năm 1730, đoàn quân đến biên giới Chukchi – trên sông Yegach. Ngày 13/3/1770, tướng (sách ghi là hàm Thiếu tá) Afanasy Shestakov quyết định vượt sông băng tấn công vào Chukchi. Họ chia làm 3 cánh quân rõ ràng: cánh phía Bắc của dân tộc Koryak, phía Nam của dân tộc Even còn quân Nga đi ở giữa, ở sau có thêm người Yakut bọc hậu. Quân số tuyên bố khoảng 144 đến 200 người, nhưng không chắc chắn vì số quân các dân tộc thiểu số thường không được kiểm kê chính xác.

Nhưng đêm hôm đó, quân Chukchi đã bất ngờ đột kích cánh quân của người Koryak và thảm sát họ. Đến rạng sáng, họ ”chào đón” lính Cossack bằng một trận mưa tên. Họ bắn rát đến nỗi quân Nga không kịp nạp đạn. Kết quả là quân lính người Koryak và Even bỏ chạy mặc kệ lính Nga, với quân số chỉ còn chừng 30 người.

Thiếu tá Afanasy Shestakov thấy vậy nhảy ra khỏi công sự, rút gươm cùng quân Nga đánh dữ dội với quân Chukchi. Nhưng giữa trận chiến thì bất ngờ Afanasy Shestakov bị trúng một mũi tên bằng xương vào cổ họng. Ông chạy đến một chiếc xe kéo định chạy trốn thì bất ngờ con tuần lộc kéo xe chạy loạn, đưa thiếu tá vào giữa đội hình quân Chukchi. Hậu quả là viên thiếu tá chết thảm, hứng một trận mưa tên và lao phóng từ người Chukchi.

Toàn bộ lính Nga sau đó bị giết, chỉ còn lại viên thông dịch được thả về để thông báo cho quân Nga còn ở phía sau. Sau khi biết thủ lĩnh đã chết, quân Nga rút về. Tổng kết thiệt hại, quân Nga thấy có 31 người chết, số còn lại (chủ yếu là dân thiểu số bản địa) hầu hết bỏ chạy. Quân Chukchi thu được nhiều thuốc nổ, da thú, súng trường và áo giáp của Nga. Và có nhiều lời đồn đại, các phù thủy người Chukchi sau trận chiến đã phù phép thi thể các lính Nga tử trận, khiến linh hồn họ trở nên căm thù.

Trận Yegach năm 1730 là trận thua nặng nhất đến lúc đó của quân Nga trước một dân tộc bản địa Siberia. Trận đánh cũng truyền cảm hứng để các dân tộc bản địa khác là Koryak và Itelmen nổi dậy chống Nga. Nhưng quân Nga đã cử viên tướng khác là Dmitry Pavlutsky tới dẹp loạn thành công, đồng thời lên kế hoạch trả thù người Chukchi.

Trận Orlova (1747)

Như đã nói ở trên, sau trận Yegach năm 1730, quân Nga cử tướng Dmitry Pavlutsky tới dẹp các cuộc nổi loạn của dân bản địa và sẵn sàng trả thù người Chukchi. Từ năm 1731, quân của Dmitry Pavlutsky đã liên tục tấn công, gây thiệt hại nặng nề cho người Chukchi. Lính Cossack Nga được miêu tả là đặc biệt tàn ác, trong nhiều năm đã gần như diệt chủng nhiều dân tộc bản địa. Đối với người Chukchi, thậm chí điều này còn được hợp thức hóa bằng sắc lệnh năm 1742 của Nữ hoàng Elizabeth: Xóa sổ bọn Chukchi! Thế là các phương pháp tàn bạo: đốt phá làng mạc, giết gia súc (nguồn lương thực chính của Chukchi), giế.t đàn ông, bắt phụ nữ và tr.ẻ e.m, cưỡ.ng hi.ếp,… được quân Nga sử dụng tràn lan, khiến dân số bản địa ở Siberia giảm mạnh trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, càng tàn bạo thì chỉ càng làm người Chukchi thêm dữ dội. Đến năm 1747, họ phản công mạnh mẽ, thậm chí trả thù tàn bạo các dân tộc cộng tác với người Nga. Tháng 3 năm 1747, người Koryak bị tấn công dữ dội bởi Chukchi, cầu xin quân Nga của Dmitry Pavlutsky giúp đỡ.

Thế là ngày 12/3/1747, Dmitry Pavlutsky mang hơn 200 quân Cossack và chư hầu tới bờ sông Orlova, nơi họ nhìn thấy khoảng 500 quân Chukchi đang chờ. Các tướng lĩnh hối thúc Dmitry Pavlutsky tấn công ngay, nhưng ông lại trì hoãn chờ quân tiếp viện và xây dựng công sự vững chắc.

2 ngày sau, trận chiến nổ ra, và Dmitry Pavlutsky có lẽ đã quên rằng đúng ngày này 17 năm trước, Thiếu tá Afanasy Shestakov đã chết thảm chính tại vùng đất này, và được cho rằng đã bị nguyền rủa.

Diễn biến diễn ra tương tự 17 năm trước. Quân Chukchi bắn tên bằng xương như mưa khiến quân Nga tổn thất nặng. Dmitry Pavlutsky, một tay cầm súng một tay cầm gươm chiến đấu dũng cảm nhưng cuối cùng bị nhiều người Chukchi quây lại đè xuống. Họ bóp cổ và đâm anh ta bằng giáo gỗ, nhưng không xuyên qua được giáp. Sau đó họ cởi giáp của anh ta và đâm chết bằng giáo và kiếm.

Quân Nga tiếp tục rút lui cho đến khi một toán kỵ binh khác đến cứu viện. Hai bên quyết định cùng rút lui.

Số phận của thi thể tướng Dmitry Pavlutsky được truyền tai nhau nhuốm màu huyền bí. Theo đó, ông bị người Chukchi chặt đầu giữ lại, phù phép và coi như bảo vật. Đến thế kỷ 19 cư dân bản địa vẫn truyền tai nhau đầu của Pavlutsky được giữ ở Nizhnekolymsk, trong khi thân được chôn ở Yakutsk. Nhưng việc 2 viên tướng Nga chết cùng 1 ngày 14 tháng 3 đã khiến cho những lời đồn về sự nguyền rủa của phù thủy Chukchi trở nên phổ biến, làm cho nỗi lo sợ lan truyền khắp những binh đoàn quân Nga mỗi khi qua đây.

Đến năm 1870, ”Lời nguyền Chukchi” lại trở lại, nhưng lần này nó được phá bỏ. Đó là khi một thủ lĩnh Chukchi địa phương, đã giao nộp lại đầu của Pavlutsky cho cảnh sát trưởng người Nga ở Kolyma. Lúc này, người Chukchi đã có được hòa bình. Còn lý do họ có được hòa bình là do sau trận Orlova năm 1747, quân Nga thấy rằng không thắng được người Chukchi, nên đã xin chung sống hòa bình. Hàng năm, họ tổ chức hội chợ chung ở Kolyma, buôn bán giữa người Nga với các dân thiểu số. Dần dần qua nhiều thế kỷ, người Chukchi chấp nhận hòa nhập vào nước Nga và cuối cùng trở thành một Khu tự trị dưới thời Xô Viết.

Tuy vậy, đến ngày nay, người Chukchi vẫn được thừa nhận là dân tộc duy nhất chặn được cuộc xâm lược của người Nga. Số phận may mắn hơn rất nhiều các sắc dân Turk, Mông Cổ, Siberia, Trung Á khác bị xóa sổ hoàn toàn.

Nguồn tham khảo: Aleksandr Nefëdkin – Quân sự người Chukchi, Trung tâm “Nghiên cứu Phương Đông Petersburg”, 2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *