LOẠN DANH XƯNG SHOWBIZ VIỆT BỊ LÊN ÁN TRÊN SÓNG VTV

Chương trình Thời sự 23h trên VTV1 đêm 7/7 đã đề cập đến câu chuyện: Loạn danh xưng – trách nhiệm của truyền thông.
Thời gian vừa qua, người dân và cộng đồng mạng đã lên tiếng trước hiện tượng một số người được cho hoặc tự xưng là nghệ sĩ đã livestream quảng cáo sai sự thật hoặc bôi nhọ xúc phạm người khác ảnh hưởng lòng tin của công chúng vào hai chữ nghệ sĩ.
Showbiz Việt có quá nhiều ông hoàng, bà chúa, nữ hoàng, công chúa. Loạn danh xưng như: Ông hoàng nhạc việt; Công chúa nhạc pop; Nữ hoàng catwalk; Nữ hoàng đồ lót. Nhiều danh xưng là do ai đó tự phong nhưng nhiều người cho rằng, phần nhiều là do truyền thông.
“Ở Việt Nam cứ cầm mic lên là thành ca sĩ” – cách đây ít lâu một ca sĩ trẻ phát biểu như vậy khi bắt đầu con đường ca hát. Tuyên bố có vẻ ngông cuồng ấy hóa ra có cơ sở. Không cần hát hay, không cần được đào tạo kỹ thuật thanh nhạc, chỉ cần chịu khó đầu tư hình ảnh bắt mắt, thu hút một lượng người xem nhất định, thế là cô được gọi “ca sĩ”.
NSƯT Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long bày tỏ: “Cả một thế hệ, rất là nguy hiểm, không cẩn thận là các con, các cháu lớn lên họ nghĩ rằng, âm nhạc nước nhà đây và chúng ta chỉ có thế này thôi à thì điều đấy vô cùng tệ hại”.
Ca sĩ H – người được gọi bằng danh xưng ”Ông hoàng nhạc Việt” cũng được nhắc đến trong phóng sự. Bên cạnh các ca khúc được yêu thích, tên tuổi anh lại gắn liền với những vụ lùm xùm nhưng lại hùng hồn tuyên bố mình là… “vùng đất cấm” không ai được động đến.
Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương cho rằng: “Ông hoàng, bà chúa của nhạc Việt ấy bỗng chốc tưởng mình là ông hoàng, bà chúa thật. Nhiều lúc họ tự cho mình cao hơn pháp luật, xảy đến những câu chuyện nặng nề như vụ lùm xùm từ thiện”.
Rất nhiều ca sĩ, diễn viên lên ngôi ông hoàng, bà hoàng. Có một nghiên cứu trên 3 trang báo điện tử lớn nhất Việt Nam từ năm 2014-2016. 25% tin, bài giải trí do nhà báo khai thác thông tin, còn lại trên mạng xã hội hoặc do nghệ sĩ cung cấp.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: ”Phương tiện truyền thông chính thống dù hạn chế hơn nhưng cũng tạo điều kiện để những danh hiệu đó, tạo ra làn sóng háo danh trở nên phổ biến hơn trong xã hội. Nếu phát triển văn hóa sai từ đầu sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại trong tương lai”.
Thanh lọc từ chính ngòi bút nhà báo để những nghệ sĩ đích thực không bị tổn thương. Đó không chỉ là nhiệm xã hội mà còn là con đường báo chí không đánh mất mình trong dòng chảy hỗn loạn của thế giới thông tin.
Có thể bạn không biết, có những Idol hoạt động cả chục năm nhưng cũng không dám nhận là Nghệ sĩ ở nền giải trí khắc nghiệt hàng đầu Châu Á- Hàn Quốc. Hay sức mạnh tẩy chay, đay nghiến, đòi hỏi tiêu chuẩn cao ở Netizen Hàn. Cùng nhìn sang người hàng xóm Trung Quốc- đất nước tỷ dân, nghệ sĩ hoạt động trong Showbiz như lá mùa thu nhưng họ có sự quản lý Nghệ sĩ một cách chặt chẽ , nghiêm khắc khiến những ai vi phạm dù có thể đang ở đỉnh cao danh vọng, tiền tài cũng có thể điêu đứng.
Qua đó, ta thấy được trách nhiệm của chính người Nghệ sĩ, bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của công ty quản lý, của truyền thông và từ chính khán giả, để từ đây hướng đến một nền giải trí chuyên nghiệp, nơi những giá trị nghệ thuật có chỗ đứng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *