LOẠN BÁT VƯƠNG CUỐI THỜI NHÀ TẤN – P3

Dịch từ: Serious Trivia

PHẦN 3: HOÀNG HẬU GIẢ NAM PHONG

Trong phần trước, chúng ta đã nói về việc tại sao Tư Mã Trung (司馬衷) được chọn làm Thái tử, và những nhân tố đã giúp ông giữ chức vị này. Nhưng chúng ta dừng lại khi nhắc tới vợ Tư Mã Trung là Giả Nam Phong (賈南風), lần này, chúng ta sẽ dành trọn 1 phần để nói về vị Hoàng hậu tương lai của nhà Tấn này.

Vậy nhân vật này là ai? Giả Nam Phong là con thứ 3 của tướng quân Giả Sung (賈充) và vợ kế Quánh Hoè (郭槐). Chúng ta không thể nói về Giả Nam Phong mà không nhắc tới cha mẹ của bà được. Cha bà, Giả Sung là một trong những tướng quân thân cận nhất của Tư Mã Chiêu (司馬昭), ông nổi tiếng vì là người đã giết Tào Mao (曹髦), Tào Mao là Hoàng đế bù nhìn thời nhà Nguỵ, biết được họ Tư Mã một ngày nào đó sẽ cướp ngôi, Tào Mao bèn đem quân đội đến dinh thự Tư Mã Chiêu để giết ông, nhưng trên đường đến đó ông lại bị quân của Giả Sung ngăn cản và Tào Mao bị giết trong trận đánh sau đó. Có thể thấy, Giả Sung là một trong những tướng quân được Tư Mã Chiêu tin tưởng.

Mẹ Giả Nam Phong tức Quách Hoè, là con gái của Thái thú Quách Phối (郭配) và là vợ thứ hai của Giả Sung, do vợ đầu của ông là Lý Uyển (李婉) có cha là Lý Phong (李豐) dính líu tới cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tư Mã Sư (司馬師) nên Lý Quyển bị lưu đày, hai câu truyện trên giúp chúng ta thấy rõ việc Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu mở đường cho Tư Mã Viêm (司馬炎) lật đổ nhà Nguỵ không phải dễ dàng gì, và có rất nhiều đối thủ phải bị tiêu diệt nên cần có những đồng minh như Giả Sung mới đạt được kết quả. Quay lại với vấn đề chính, sau khi Lý Uyển bị lưu đày, Giả Sung tái hôn với Quách Hoè, người nổi tiếng là rất hay ghen, ông chỉ có 4 người con gái, 2 con đầu, Giả Bao (賈褒) và Giả Dụ (賈裕), là của ông với Lý Uyển, 2 con sau, Giả Nam Phong và Giả Ngọ (賈午), là con ông với Quách Hoè. Quách Hoè sau này cũng sinh cho ông 2 người con trai, nhưng do bà nghi ngờ Giả Sung ngoại tình với nhũ mẫu của 2 đứa trẻ, bà đã giết cả hai khiến 2 đứa trẻ quá đau buồn và mất khi còn nhỏ tuổi.

Bà đồng thời cũng rất ghen tuông với vợ cả Lý Uyển, người sau này được miễn tội của cha nhưng Quách Hoè vẫn không cho về lại nhà chồng mặc cho mẹ Giả Sung và hai con lớn hết lời cầu xin cho mẹ con họ đoàn tụ với nhau. Một điều khá thú vị là con cả Giả Bao sau này sẽ cưới Tư Mã Du (司馬攸), người được Tư Mã Sư nhận nuôi và được Tư Mã Chiêu hứa sẽ nhường ngôi nhưng chức Tấn Vương lại được truyền cho Tư Mã Viêm. Tư Mã Du và Giả Bao sinh ra một người người con là Tề Vương (齊王) Tư Mã Quýnh (司馬冏), một trong số Bát Vương. Câu truyện của Tư Mã Quýnh sẽ được để dành cho các phần sau, hiện tại mọi người chỉ cần biết vị Tề Vương Tư Mã Quýnh này sinh ra trong một gia đình mà cha mình bị lừa khỏi ngai vàng, và mẹ mình không được đoàn tụ gia đình do Quách Hoè, Giả Nam Phong và Giả Ngọ ghen ghét. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến Tư Mã Quýnh, đặc biệt là lúc ông đem quân tham gia cuộc Loạn Bát Vương, sau này sẽ được nói tới.

Quay trở lại với Giả Nam Phong và làm thế nào bà được làm vợ của Tư Mã Trung. Như phần trước đã nói, vào năm 267, Tư Mã Trung lúc đó 9 tuổi được phong lên làm Thái tử, và lúc ông vào khoảng 13 tuổi, Hoàng đế Tư Mã Viêm và Hoàng hậu Dương Diễm (楊艷) đã cố kén dâu cho Thái tử. Rất nhiều quý tộc thi nhau đưa con gái của mình vào mắt xanh của Hoàng đế, nhưng lúc đó có 2 quý tộc nổi bật nhất là Giả Sung, người chúng ta vừa nói tới, và Vệ Quán (卫瓘). Vệ Quán cũng như Giả Sung, là một tướng quân trung thành và thân cận của họ Tư Mã, từng được đảm nhiệm trọng trách trấn thủ các vùng biên cương phía bắc khỏi các ngoại tộc Vu Hoàn, Lực Vi,…, ngoài những chiến công hiển hách, Vệ Quán còn nổi tiếng là một nhà nho, thầy đồ và rất giỏi thư pháp. Ông được Tư Mã Viêm phong làm Thái phó để dạy dỗ Tư Mã Trung, hy vọng sẽ giúp được đứa con thiểu năng của mình. Vì vậy khi Hoàng đế muốn tìm vợ cho Tư Mã Trung, con gái của Vệ Quán đã được Tư Mã Viêm chọn sẵn.

Nhưng Giả Sung lại có một ý khác, khi tin tức về việc Thái tử tìm vợ đến tai ông, Giả Sung lúc đó đang mâu thuẫn với Nhiệm Khải (任愷) và Dữu Thuần (庾純), hai viên quan này mượn cuộc nổi dậy của Thốc Phát Thụ Nông Cơ (禿髮樹機能) để làm cớ tiến cử Giả Sung thống lĩnh quân đội dẹp loạn với Vũ Đế, nhằm mục đích đẩy ông ra khỏi Lạc Dương. Giả Sung vốn đang hưởng thụ cuộc sống xa hoa ở kinh thành nên không muốn chuyển gia đình mình đến sống ở vùng xa mạc phía tây, nên ông tìm cách gả 1 trong số những người con gái của mình cho Thái tử, nhằm mục làm thông gia của Tư Mã Viêm, sau này tiện từ chối hơn.

Để làm được điều này, Giả Sung mang phần lớn báu vật quý trong nhà mình để hối lộ cho Hoàng hậu Dương Diễm, để Hoàng hậu xin Tư Mã Viêm giúp ông. Trong phần trước, chúng ta đã nói về Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nghe lời Hoàng hậu như thế nào, nhưng khi bà đòi gả Tư Mã Trung cho con gái Giả Sung, Tư Mã Viêm lại phản đối, và theo Tấn Thư (晋書) hay sách lịch sử thời nhà Tấn, thì Tư Mã Viêm miêu tả con gái của Giả Sung là “种妒而少子,丑而短黑,” tạm dịch là “người hay ghen tị, cằn cỗi, xấu xí, lùn, và da đen,” trái ngược với con gái của Vệ Quán, người mà ông miêu tả là “nhân hậu, xinh đẹp, cao và da trắng.” Tuy nhiên, như bao cuộc cãi vã khác với vợ là Dương Diễm, vị Hoàng đế này nắm chắc phần thua.

Tệ hơn nữa là chính Vệ Quán cũng không mặn mà lắm với cuộc hôn nhân này, bởi ông là người dạy học Tư Mã Trung nên biết rõ mức độ thiểu năng của Thái tử và nhiều lần đề nghị Tư Mã Viêm đổi Thái tử, chuyện kể một lần ông giả vờ say rượu, rồi vỗ lên ngai vàng của Tư Mã Viêm, nói đây là một chỗ ngồi của Thiên Tử, thật tiếc nếu có ai đó không phù hợp ngồi lên, ẩn ý rằng nếu Tư Mã Trung lên làm Hoàng đế thì đất nước sẽ rơi vào đại loạn. Vì không quan tâm lắm đến cuộc hôn nhân, Vệ Quán không làm gì giúp con gái mình được Hoàng đế thích hơn cả. Mặt khác thì Dương Diễm ngày nào, đêm nào cũng cằn nhằn với Hoàng đế đòi đổi ý, nói rằng một người gian trá như con của Giả Sung sẽ thích hợp làm con dâu và giúp được cho Tư Mã Trung thông minh và sẵn sàng làm Hoàng đế hơn.

Vì vậy Hoàng đế đã quyết định vào năm 272, tiến cử con của Giả Sung làm vợ cho Tư Mã Trung. Nếu mọi người để ý một chút, sẽ thấy trong bài dùng từ “con gái của Giả Sung” thay vì “Giả Nam Phong,” lý do là bởi vì ban đầu Giả Sung định gả con út của mình là Giả Ngọ cho Thái tử, người gần bằng tuổi với Tư Mã Trung và xinh đẹp hơn một chút để làm Hoàng hậu tương lai. Nhưng vào ngày cưới hôm đó, khi các thái giám đến dinh thự rước Giả Ngọ đến lễ đường, họ nhận ra một điều là cô con gái Giả Ngọ 12 tuổi này quá lùn để mặc vừa váy cưới, nên Giả Sung lúc đó mang Giả Nam Phong, lúc đó đã 15 tuổi, ra thay thế. Như vậy trời đã quyết định Giả Nam Phong sẽ phải là người được gả vào Hoàng tộc và làm Hoàng hậu tương lai cho nhà Tấn.

Như mẹ của mình, Giả Nam Phong là người cực kỳ tàn bạo và hay ghen tị, khiến cho Thái tử Tư Mã Trung bị thiểu năng rất khiếp hãi. Nhưng bà biết tương lai của dòng họ mình phụ thuộc vào Tư Mã Trung nên luôn tìm mọi cách để giúp Tư Mã Trung giữ chức Thái tử.

Khi Tư Mã Trung ngày càng lớn lên, việc ông bị thiểu năng ngày càng khó giấu, và có rất nhiều đại thần trong triều thắc mắc liệu Tư Mã Trung có thích hợp làm Hoàng đế tương lai. Nhưng Tư Mã Viêm muốn giữ chức Thái tử cho Tư Mã Trung, lý do thì đã nói trong phần trước, nên Hoàng đế quyết định phối hợp với Giả Nam Phong lừa triều đình, một ngày nọ, ông mở một yến tiệc chiêu đãi các bá quan văn võ trong triều, trong lúc dự tiệc, ông yêu cầu các quan đưa ra một số câu hỏi cho Tư Mã Trung để thử thách trí tuệ của Thái tử, các câu hỏi sau đó được đưa đến dinh thự của Tư Mã Trung và một giờ sau, Thái tử đã trả lời hết. Hoàng đế sau đó đưa các câu trả lời cho các đại thần xem, nói rằng con mình đang cải thiện và học hỏi từ từ, sẽ dần đủ thông minh để quản lý đất nước. Tất nhiên, Tư Mã Trung không có trả lời bất kỳ câu hỏi nào cả, tất cả đều được Giả Nam Phong dựng lên, bà cho gọi các nho sĩ đến đợi sẵn ở dinh thự Tư Mã Trung, đưa câu hỏi cho họ trả lời và yêu cầu chồng mình sao chép lại để không ai nghi ngờ về chữ viết.

Một trong những viên quan có mặt ở đó là Vệ Quán, người dạy học cho Tư Mã Trung, khi vừa nhìn vào câu trả lời, ông biết ngay đó không phải là của Thái tử. Và mặc dù lúc đó Vệ Quán không lật tẩy ra, biểu hiện trên mặt ông đã tự nói lên tất cả. Tin tức này nhanh chóng đến tai Giả Nam Phong, khiến bà căm ghét Vệ Quán hơn nữa, vốn là người trước đây khiến Giả Nam Phong suýt không được chọn cưới Thái tử.

Giả Nam Phong không chỉ gian xảo và tàn bạo, bà còn rất hay ghen, bà với Tư Mã Trung có 4 người con, nhưng không ai trong số đó là con trai cả. Khiến cho mỗi lần một phi tần nào đó của Tư Mã Trung mang thai, thì bà lại nổi cơn ghen. Một lần, khi cơn khen lên quá giới hạn, bà đã lấy một cây thương đánh chết một phi tần đang mang thai của Tư Mã Trung. Giả Nam Phong đồng thời rất ghét Tư Mã Duật (司马遹) và mẹ là Tạ Cửu (谢玖), nhưng do Tạ Cửu là phi tần của Tư Mã Viêm nên bà không thể đụng vào, mặc dù vậy, bà không bao giờ chịu nổi sự thật là Tạ Cửu có con trai còn bà thì không nên luôn nuôi ý định giết Tư Mã Duật.

Giờ chúng ta đã biết rõ hơn về Giả Nam Phong, hãy quay trở lại và đến với những sự kiện mở đầu cho Loạn Bát Vương. Để bắt đầu, chúng ta phải nói tới Dương Tuấn (杨骏), nếu mọi người còn nhớ trong phần trước thì Dương Tuấn là trưởng tộc dòng họ Dương, cha của Hoàng hậu Dương Chỉ (楊芷) và ông ngoại của Tư Mã Trung. Dương Tuấn muốn trở thành nhiếp chính cho Hoàng đế thiểu năng tương lai: Tư Mã Trung, từ đó trở thành người đứng sau điều khiển triều chính. Cơ hội của ông xuất hiện vào năm 290, khi Tư Mã Viêm bị bệnh nặng và bất tỉnh một thời gian dài. Trong thời gian đó, Dương Tuấn và Dương Chỉ đã thay thế các chức quan trong triều bằng những người trung thành với họ Dương, và chuẩn bị kế hoạch cho cái chết của Tư Mã Viêm.

Nhưng Tư Mã Viêm bất ngờ hồi phục và tỉnh dậy, đủ lâu để thấy sự thay đổi trong triều và biết rằng không thể tin tưởng Dương Tuấn, Tư Mã Viêm bí mật viết di chúc yêu cầu chú mình là Nhữ Nam Vương (汝南王) Tư Mã Lượng (司馬亮) cùng đảm nhiệm chức nhiếp chính với Dương Tuấn. Tư Mã Lượng là một trong số Bát Vương và cai trị khu vực Nhữ Nam. Ông là con trai thứ 3 của Tư Mã Ý (司馬懿), tức em trai của Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu, ông-chú của Tư Mã Trung. Tại thời điểm lúc Tư Mã Viêm lâm bệnh, Tư Mã Lượng là người lớn tuổi nhất còn sống trong dòng tộc Tư Mã, đây có lẽ là lý do vì sao Hoàng đế chọn ông làm nhiếp chính để bảo vệ Tư Mã Trung.

Nhưng tuy nhiên vào thời bấy giờ, Tư Mã Lượng cũng như nhiều vị Vương khác, không ở kinh thành mà sống và làm việc ở những vùng đất họ quản lý, nên không có mặt khi Tư Mã Viêm lâm bệnh. Buồn thay, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm hồi phục chưa được bao lâu thì bệnh tái phát và qua đời ở tuổi 55, tệ hơn nữa, bức di chúc bí mật bị rơi vào tay Dương Tuấn và bị thủ tiêu trước khi đến được với Tư Mã Lượng.

Dương Tuấn sau đó trở thành nhiếp chính cùng với sự giúp đỡ của Thái hậu Dương Chỉ, và nhanh chóng kiểm soát triều đình. Bởi ông đã đọc bức di chúc bí mật của Tư Mã Viêm nên lo sợ Tư Mã Lượng đã biết chuyện này, nên đã triệu Tư Mã Lượng vào kinh thành dự lễ tang nhằm ám sát ông. Tuy nhiên, Tư Mã Lượng không ngu và lấy cớ tuổi cao và bệnh tình khiến ông đi được. Điều này càng làm Dương Tuấn nghi ngờ hơn và lên kế hoạch đưa quân bao vây và tấn công Nhữ Nam Quận của Tư Mã Lượng. Biết được tin, Tư Mã Lượng buộc phải chạy về Nghiệp Thành và nương nhờ Tào Hoán (曹奐), Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguỵ sau khi bị Tư Mã Viêm lật đổ và giáng chức xuống Trần Lưu Vương (陳留王).

Nhưng chiến dịch quân sự này không bao giờ được thực hiện, bởi vì Dương Tuấn nghĩ mối nguy hại nhất đối với mình chính là Tư Mã Lượng, nhưng thực chất không phải vậy. Một mối nguy khác lại xuất hiện ngay tại kinh thành và chấm dứt giấc mộng làm nhiếp chính của Dương Tuấn và mở đầu Loạn Bát Vương, để biết mối nguy đó là gì và vòng đầu tiên của Loạn Bát Vương diễn ra như thế nào, trở lại với phần sau nhé.

Phần 2: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1152258321792136?sfns=mo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *