Mẹ đưa loại rau đi 200km đến trồng, con gái nhổ bỏ
Cây sâm đất còn có tên gọi khác là sâm rừng, sâm nam, sâm quy bầu, sâm mồng tơi, sâm thổ Cao Ly, Đông dương sâm, sâm thảo, giả nhân sâm là loại rau ít người biết.
Đây là loại cây thân thảo, mọc tỏa ra sát mặt đất, lá màu xanh, hoa màu hồng, phần rễ phát triển thành củ có màu vàng.
Theo y học cổ truyền, sâm đất là cây mọc hoang ở rất nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực trung du miền núi. Điểm đặc biệt của loại cây này là dễ nảy mầm, dễ mọc, không cần chăm sóc nhưng cây vẫn phát triển xanh tốt.
Bà Thuần (60 tuổi, ở Bình Thuận) thường dùng thân và lá cây sâm đất để luộc và nấu canh với tôm, thịt băm, xương hoặc chả cá ăn.
Bà cho biết, loại rau này có vị giống như rau mồng tơi, ăn mát nên vợ chồng bà thích ăn.
Nghe tin con gái ở TP Thủ Đức (TP.HCM) khai hoang được mảnh đất nhỏ trồng rau sạch, bà Thuần đưa cây sâm đất vào trồng cho con gái. Tuy nhiên, con gái bà Thuần lại không thích ăn loại rau này vì chị thấy có vị nhạt, nhớt nhiều, khi nấu xong phải ăn ngay, để lâu rau sẽ chuyển sang màu vàng, có vị chua giống như đã bị hư.
Điều khiến con gái bà Thuần không ưa nổi sâm đất là cây tạp sống. “Mẹ tôi trồng có một cây mà nó lan ra rất nhiều. Tôi nhổ bỏ để nhường đất trồng cây khác, được thời gian lại thấy cây con mọc lên, không cần tưới nước, bỏ phân nó vẫn tốt, không bị sâu, ốc sên phá”, con gái bà Thuần chia sẻ.
Không chỉ con gái bà Thuần, trên một nhóm trồng rau sạch tại nhà, rất nhiều người cũng nghĩ rằng, sâm đất là cây dại nên nhổ bỏ. Có người chia sẻ, vì không thích ăn và không biết cây có tác dụng gì nên nhổ để nhường đất trồng những loại rau khác.
Sâm đất là loại rau vừa ăn được, vừa làm thuốc và làm cây cảnh
Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, Phó chủ tịch Hội đông y – Hội châm cứu tỉnh Cà Mau, toàn bộ cây sâm đất đều dùng được. Trong đó cây được hái quanh năm để nấu canh, luộc… ăn hàng ngày.
Củ của cây được người dân phơi khô, bảo quản dùng dần để làm thuốc bổ, điều trị ho. Ngoài ra, loại cây này còn được nhiều người dùng làm cảnh, vì hoa của cây đẹp, thân và lá mọng nước.
Trong cây sâm đất có hoạt chất pectin tương đối dồi dào. Riêng phần rễ cây có chứa một loại alkaloid có hoạt tính là punarnavine 0,01%. Ngoài ra, phần rễ còn chứa các chất khác như nitrat kalium, tinh bột…
Nhờ những thành phần này, sâm đất có công dụng thanh nhiệt giải độc, mát gan, bổ gan thận, cải thiện huyết áp tim mạch, mạnh gân xương, điều trị các bệnh về xương khớp, bồi bổ cơ thể, giảm mệt mỏi, chữa ho, kiểm soát tiểu đường, nhuận tràng, điều trị táo bón, trĩ. Cụ thể như sau:
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, củ sâm đất có tác dụng chống tăng đường huyết. Trong củ chứa thành phần fructooligosaccharides giúp cơ thể không hấp thụ đường đơn, giảm hàm lượng glucose trong gan, tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể.
Vì thế, sâm đất là một thực phẩm rất cần thiết cho những người đã mắc bệnh tiểu đường hoặc những người được bác sĩ chẩn đoán có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Giúp điều hòa huyết áp
Trong sâm đất chứa một lượng kali lớn giúp điều hòa nhịp tim, thư giãn các mạch máu và giúp hệ tim mạch làm việc tốt hơn, từ đó hạn chế được nguy cơ xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ, đau tim. Ngoài ra, kali trong sâm đất còn giúp cân bằng chất lỏng ở các mô và cân bằng natri ở các tế bào trong cơ thể.
Giúp kiểm soát lượng cholesterol
Sâm đất có chứa các thành phần giúp kiểm soát lượng cholesterol. Sử dụng sâm đất không những làm giảm lượng chất béo trung tính mà còn hạ lipoprotein trong cơ thể xuống mức thấp. Ngoài ra, fructooligosaccharides có trong sâm đất còn làm giảm hàm lượng lipid trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ tích tụ cholesterol xấu, từ đó hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh về tim, đặc biệt là bệnh tim mạch vành.
Hỗ trợ giảm cân
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, sâm đất có tác dụng thúc đẩy việc giảm cân. Ăn sâm đất sẽ khiến bạn có cảm giác no lâu hơn, giúp cơ thể tiêu thụ ít hơn các thức ăn khác. Ngoài ra, sâm đất không chứa tinh bột và cung cấp một lượng calo thấp cho cơ thể.
Hỗ trợ tiêu hóa
Sâm đất có chứa prebiotic giúp kích thích sự phát triển của hệ vi sinh trong cơ thể, tăng khả năng hấp thụ tối đa các khoáng chất và vitamin cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, củ của loại cây này còn có tác dụng làm giảm các chứng bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như: đầy hơi, táo bón, ung thư ruột kết và viêm loét dạ dày.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng chiết xuất của cây sâm đất có các thành phần như: Fructooligosaccharides chuyển hóa thành carbohydrate dự trữ, polyphenol. Các thành phần này giúp giảm lượng natri trong máu, giảm chứng hạ đường huyết, chống oxy hóa trong cơ thể. Nhờ đó sức khỏe tim mạch được củng cố, hệ điều hành tim mạch làm việc tốt hơn cũng như ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim.
Giúp xương chắc khỏe
Trong sâm đất có thành phần fructooligosaccharides làm tăng khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể, cung cấp các khoáng chất thiết yếu như magie, canxi, photpho giúp xương chắc khỏe. Vì vậy, sâm đất có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương.
Hỗ trợ tăng cường testosterone
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng sâm đất có các thành phần giúp tăng hàm lượng testosterone trong cơ thể một cách tự nhiên, hỗ trợ điều trị bệnh vô sinh và chứng suy sinh dục phát triển muộn ở nam giới.
Tuy nhiên, lương y Nguyễn Kỳ Nam cho rằng, lá sâm đất hơi độc vì vậy không nên dùng quá nhiều. Hoặc khi ăn lá cây này nếu xuất hiện các triệu chứng như nôn ói hay ra nhiều mồ hôi nên ngưng dùng. Bên cạnh đó, trẻ em và phụ nữ mang thai cần tránh dùng sâm đất để chữa bệnh hay bồi bổ sức khỏe.
Ngoài ra, dù sâm đất được đánh giá là có giá trị dược lý cao nhưng bạn cũng cần thận trọng khi sử dụng. Tốt nhất cần tham khảo ý kiến những người có chuyên môn trước khi áp dụng những bài thuốc có chứa dược liệu này.