Vấn đề cơ bản của nguyên tắc chính là sự sắp xếp một cách bài bản và có trật tự những cơ sở để một hệ thống nào đó, có thể là về người, có thể là về cách thức hoạt động được đảm bảo vận hành thống nhất.
Nguyên tắc được sinh ra dưới những lợi ích hoặc bất cập của sự việc mà người đứng đầu hệ thống đó đã nhìn thấy, qua kinh nghiệm làm việc, qua thời gian tích lũy, hoặc qua khả năng làm việc cũng như trải nghiệm của những người khác.
Vậy thì nếu như những nguyên tắc đó không có sự thống nhất chung và liên kết với nhau thì điều gì sẽ xảy ra ?
Đó chính là lổ hổng của nguyên tắc, là sự xáo trộn đơn cử một trường hợp nào đó nằm ngoài khả năng xử lí của một hay nhiều nguyên tắc riêng biệt.
Và khi đó, cách nhìn nhận của người bị rơi vào trường hợp đó sẽ như thế nào ? Với vai trò cấp dưới, họ không thể không ấm ức, không thể không tức giận, và chắc chắn sẽ có suy nghĩ cực đoan về người đứng đầu hệ thống.
Và nếu người đứng đầu hệ thống thực sự mang chủ nghĩa cực đoan thì một là họ sẽ đưa ra nguyên tắc hoàn toàn mới để ngụy trang, chống lại sự xáo trộn ngoài ý muốn đó, ngay lúc đó. Còn hai, nếu người đứng đầu hệ thống là người có suy nghĩ thoáng hơn, họ sẽ thực sự xem xét đến khía cạnh mang tính xúc cảm thay cho lí trí, một cách tạm thời: “Vì sao lại có sự xáo trộn này, nhân viên mình sai, mình cũng sai, nhân viên mình không hoàn toàn sai, mình cũng chưa từng nhìn rõ về vấn đề đang hiện hữu.” Khi đó, sự cảm thông về trường hợp đó cần được sinh ra.
Ở đây, mình xin đề cập đến trường hợp thứ hai, sự bù đắp gọi là lòng người.
Mình đã từng rơi vào trường hợp đó, và không may rằng cấp trên của mình mang chủ nghĩa cực đoan, và cho dù mình có trình bày thế nào, mình vẫn sai, vì mình là cấp dưới, khi đó mọi điều mình giải thích trong mắt cấp trên đều bị áp đặt vào ô biện hộ, chống đối với lí do cá nhân.
Ở đây mình không bàn đến khả năng quản lí nhân sự và kinh nghiệm làm việc của cấp trên, mình chỉ đang nói đến khía cạnh mang tính cảm xúc, hiển nhiên không ai muốn mình phạm lỗi, cũng không ai muốn bản thân mình rơi vào tình huống sếp khó xử một mà mình khó xử mười, thay vì thể hiện sự trừng phạt, tại sao họ lại không dùng sự cảm thông để giải quyết trường hợp đó, họ sẽ được nhiều hơn mất chứ, đúng không, và nếu sau này họ rơi vào trường hợp đó, họ có cảm giác như ta đã từng không, đó cũng là một thắc mắc.
Sự việc với mình trải qua đã lâu, nhưng hôm nay bạn mình lại rơi vào trường hợp tương tự, tự dưng lúc đó mình cảm thấy mình cần phải lên tiếng để vỗ về cho sự ấm ức của bạn mình, và cả sự ấm ức đã ngủ quên của mình ngày trước. Dù không thay đổi được gì, nhưng có lẽ cũng sẽ giúp những trường hợp tương tự tìm thấy sự đồng thuận, và có lẽ đây cũng là tiếng nói của văn chương, qua con chữ, để phần nào hiểu hơn về cuộc sống muôn vẻ này.
Còn bạn cảm thấy thế nào?
Nếu bạn có gặp trường hợp như thế, một người sếp như thế, cho phép mình gửi đến lời hỏi thăm.
* Lưu ý: bài viết mình nêu lên suy nghĩ cá nhân, thiên về cảm xúc và không đặt nặng tính phức tạp của lí trí, mọi sự đóng góp với mình đều được trân trọng.
– Dương –
Nguồn ảnh: Pinterest