Thống kê cho thấy trong năm nay có 28 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn tăng thêm lên tới hơn 163.000 tỷ đồng.
Trong năm nay có 28 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn tăng thêm lên tới hơn 163.000 tỷ đồng.
Ngay trong đầu tháng 6 này, LPBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn từ 17.291 tỷ đồng lên 28.676 tỷ đồng. OCB cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu…
Trước đó, MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên 54.363 tỷ đồng. HDBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 25.303 tỷ đồng lên xấp xỉ 29.300 tỷ đồng. VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng. NCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.602 tỷ đồng lên gần 11.802 tỷ đồng…
Đáng lưu ý, trong năm nay, NHNN đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho nhóm “Big 4” gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank.
Cụ thể, Agribank đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2023. Đồng thời, NHNN cũng đã trình Thủ tướng về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt.
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Không chỉ trông chờ từ nguồn lực nội, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hút vốn ngoại để tăng vốn. Trong quý II/2023, hàng loạt ngân hàng đã nhận về khoản tiền lớn nhờ các hợp đồng bán vốn ngoại đã ký trước đó.
Dự kiến vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới, sau khi hoàn tất thủ tục, VPBank cũng sẽ nhận thêm 32.310 tỷ đồng nữa từ thương vụ bán 15% vốn cho SMBC. Trước đó, giữa tháng 4/2023, ngân hàng này đã nhận khoản đặt cọc 3.590 tỷ đồng…
Một số ngân hàng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD. Trong đó, đáng lưu ý nhất là trường hợp của Vietcombank và BIDV. Cụ thể, Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu, thực hiện trong năm 2023-2024.
Với giả định giá phát hành ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu (mức giá đóng cửa phiên ngày 8/6/2023), thương vụ này sẽ mang về cho Vietcombank hơn 30.700 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, thương vụ này đang ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 – 2024.
Trong khi đó, BIDV có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu) ngay trong năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết, một số nhà đầu tư tiềm năng đã làm việc với ngân hàng. BIDV sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023.
Một số ngân hàng TMCP như SHB, LPBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB đã xoay chuyển chiến lược từ tìm kiếm nhà đầu tư dài hạn, lâu dài sang nhà đầu tư tài chính trung hạn (3 – 5 năm) do xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có những “chàng rể” trung hạn.
Trong năm 2022, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn, tuy nhiên không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch (chỉ có 15 trong 27 ngân hàng tăng vốn điều lệ). Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%.
Trong năm nay, phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến trên thị trường chứng khoán, trong khi thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Do đó, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.
vnbusiness.vn
Nguồn Tạp chí Tài chính