Không.
Nó sẽ không thành công được như chiếc B-747 đâu.
Lỗi tại bạn đó!
Lý do là thế này.
Chiếc A-380 sẽ giữ hai danh hiệu:
1. Chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới.
2. Chiếc máy bay chở khách thất bại nhất thế giới.
Hình 1 là nó đấy. Cứ nhìn thử xem. Nó to vãi!
Nghe có vẻ là điều tốt nhỉ? Máy bay to thì chở được nhiều người. Mà nhiều người thì nhiều tiền, đúng không?
Ừ thì, trên giấy thì là như vậy. Một chiếc A-380 kín chỗ sẽ có mức lợi nhuận cao hơn một chiếc B-747 kín chỗ với cùng kiểu sắp xếp ghế. Nhưng đây chính là lý do nó thất bại.
Đơn giản là vì nó quá to.
Hình 2 là hình ảnh thường thấy của một tầng ở chiếc A-380. Mỗi tầng là 300 ghế, đồng nghĩa là nếu hãng muốn kiếm lợi nhuận, thì phải kiếm đủ 300 ông ngồi vào 300 cái ghế đó. Phần lớn các hãng hàng không đều hoạt động với mức lợi nhuận rất thấp, thấp tới mức giả dụ một sân bay là Atlanta phải đóng cửa trong vòng hơn hai ngày, thì toàn bộ lợi nhuận cơ hội cho cả năm bay hết. À mà 300 ghế này là một tầng, còn A-380 thì có hai tầng. Nên cứ tính đi, làm thế nào để nhét đủ 300 ông vào đây bây giờ? Ở dưới có đáp án, nhưng ở đây tạm thời tôi cứ nói là không có cách nào tối ưu hóa nhất nhé.
Giờ thì quay sang mấy ông hành khách. Tất cả đều cùng phải đến sân bay vào cùng lúc, cùng đến sân bay bằng các cách thức như nhau, cố gắng nhồi nhét vào cùng một chiếc máy bay, rồi sau khi đến rồi thì lại cùng phải thoát ra khỏi sân bay bằng cùng các phương tiện như nhau. Tôi thấy đến tội cho ai phải điều hành cái sân bay như vậy. Tất cả hành lý đều phải được xử lý, tất cả các bữa ăn đều phải mang lên máy bay, tất cả các cổng ra máy bay đều phải bị hạn chế do sải cánh máy bay quá lớn, tất cả các đường băng cũng bị hạn chế do trọng lượng của nó. Gần như bạn chả đi được đâu. Mà thực tế phần lớn sân bay trên thế giới đều khó mà tải nổi một chiếc A-380. Cho nên nơi nào nó đi thì nơi đấy sẽ gặp một cơn hỗn loạn về vấn đề logistic, khiến cho khả năng chọn điểm đến cho A-380 khá hạn chế.
Vậy thì, làm thế nào để kiếm xiền từ một chiếc A-380 đây? Đáp án là một mô hình mang tên trục bánh xe và nan hoa (hub and spoke).
Đây là cơ chế đây. À mà spoiler alert, đây là mô hình khiến bạn không thể bay thằng giữa hai điểm bất kỳ.
Ở hình 3 là một chiếc B-737 ở trước một chiếc A-380. Chiếc 737 đó là chìa khóa cho lợi nhuận từ chiếc A-380. Lý do đây. Con A-380 lớn quá, không thể hạ cánh xuống một sân bay vừa nhỏ nhưng lại đông kiểu như Lambert (KSTL) được. Mà cũng không thể chắc chắn rằng sẽ tìm đủ nhu cầu cho một chuyến bay dùng một con A-380 được.
Cho nên, theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ muốn mang mọi người từ nhiều điểm nhỏ tới một điểm lớn, để một chiếc A-380 kia có thể được lấp đầy. Một chiếc máy bay nhỏ hơn, như B-737 (hoặc A-320, cũng tương tự nhưng là Airbus) sẽ cất cánh từ Lambert và những sân bay đông mà nhỏ khác, đưa những người có nhu cầu (ví dụ muốn đi Pháp chẳng hạn) đến một sân bay lớn hơn như New York JFK. Rồi tất cả những người muốn đi Pháp chẳng hạn, lúc này đã ở cùng một chỗ rồi thì chỉ cần bước lên một chiếc A-380 rồi bay qua Pháp thôi.
Vậy thì, có gì sai à? Máy bay nhét kín chỗ mà? Cha-ching về mà?
Sai rồi!
Như vậy thì chả hiệu quả gì cả!
Những chiếc máy bay mới như B-777X hay B-787 cũng có thể bay xa được như vậy nhưng có lợi nhuận không chỉ bằng mà có khi cao hơn, vì chúng không cần nhiều động cơ như thế. Và vì nó nhỏ nên lúc nào cũng có thể nhét chật ních người. Kể cả với mô hình này, việc ghép được đủ người vào những chiếc A-380 để bay nhiều chuyến bay nối chuyến đủ để hoạt động được cả một phi đội A-380 là rất khó. Và đó là lỗi của chúng ta. Chả ai thích nối chuyến cả. Và cũng không ai nên bay nối chuyến.
Đây là lý do chiếc B-787 (hình 4) thành công hơn chiếc A-380 rất nhiều.
Nó kết hợp được nhiều yếu tố: sự thoải mái của hành khách, hiệu năng sử dụng cho hãng hàng không, và sự linh động để cho khách hàng một thứ: khả năng sử dụng mô hình Điểm-đến-điểm (point-to-point).
Nghe như nào thì nó là y như vậy. Muốn một chuyến từ Atlanta đến Chicago à? Giờ có rồi nhé. Muốn bay từ Atlanta đến Charles de Gaulle ư? Bay luôn! Giờ ai cần bay đến New York nữa khi bạn có thể nhét đầy một chiếc máy bay và bay thẳng đến nơi mà hành khách muốn đi?
Giờ thì, bài viết này không chỉ dành riêng cho A-380 đâu, mà cả cho B-747 nữa.
Cả hai chiếc B-777 và B-747 đều đang đạt tới giới hạn khả năng logistic của các sân bay, và cả mô hình hub-and-spoke nữa. Đúng vậy, mô hình hub-and-spoke sẽ luôn tồn tại với các chuyến bay siêu dài (super long haul flight). Đây là lý do chiếc B-747 dần biến mất đi, còn chiếc B-777X dần chiếm ưu thế, vì nó có hiệu suất tốt hơn mà vẫn đạt được yêu cầu như mong muốn.
Nhưng có một thứ khác mà chỉ riêng chiếc B-747 làm được, còn A-380 hay B-777 thì không (hình 5, 6).
Nó có khả năng chở hàng. Chở rất nhiều là đằng khác. Và có thể nhét mọi thứ vào trong rất dễ.
Liệu một chiếc B-777 mở được mũi không? Không.
Liệu một chiếc A-380 có thể sử dụng được toàn bộ không gian trống kia mà vẫn cất cánh được không? Không.
Kết luận lại nhé.
Chiếc B-747 là điểm tới hạn của máy bay chở khách bây giờ. Mà cái giới hạn đó càng ngày tiệm cận đến sự linh động và hiệu suất sử dụng. Nó cũng giới hạn khả năng của máy bay chở hàng nữa, nhưng có lẽ những giới hạn đó sau này sẽ được nới lỏng ra. Hàng hóa cần không gian để chứa, còn người thì không. Nhưng chất đầy hàng hóa lên một chiếc A-380 sẽ khiến cho nó quá nặng, không thể cất cánh được, nên chiếc B-747 phù hợp với vai trò này hơn một chút. Rốt cục thì, tất cả đều khiến cho B-747 được mệnh danh là Nữ hoàng của Bầu trời. Và đúng là bởi vì nó là chiếc máy bay lớn nhất thế giới vào thời điểm nó ra đời. Nhưng quan trọng hơn, là nó phù hợp với những gì các hãng hàng không cần lúc đó. Nó là một trong số ít các loại máy bay có thể bay các đường bay quốc tế. Nó có khả năng chở rất nhiều người vào cái lúc người ta đang cần sử dụng mô hình hub-and-spoke. Và nó có thể biến trở lại thành máy bay chở hàng, lại là một điểm hấp dẫn khác với nhiều công ty. (Fun fact: thiết kế của Boeing-747 ban đầu được đem đi dự thi một cuộc thi thiết kế máy bay chở hàng, tuy nhiên đã thua thiết kế của Lockheed, sau này trở thành C-5 Galaxy, cũng có thiết kế là cockpit của phi công đặt trên đầu để mũi mở ra đưa hàng vào trong). Trong khi đó, A-380 cũng có thể bay các đường bay quốc tế, nhưng lại ra đời vào thời điểm những chiếc máy bay nhỏ khác có thể bay tương tự nhưng tốn ít hơn. Nó cũng chở được khá nhiều người, nhưng lúc này các hãng hàng không đã quay về mô hình point-to-point. Và nó không thể chở được hàng.
Cả hai đều là những cỗ máy tuyệt vời, đều là kỳ quan của kỹ thuật. Nhưng chiếc B-747 ra đời vào đúng lúc hơn và tốt hơn A-380 hơn một chút.
Nữ hoàng thì linh hoạt.
Còn con cá voi thì không.
Nhưng dù tình có đẹp đến mấy thì câu chuyện nào cũng đến hồi kết.
Nữ hoàng rồi cũng phải nhường ngôi.