LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (5)Những ý tưởng tôn giáo và khủng hoảng chính trị củ…

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (5)

Những ý tưởng tôn giáo và khủng hoảng chính trị của Ai Cập cổ đại (tiếp theo)
Trách nhiệm của một vị “thần trần mắt thịt”
Trong khi trật tự xã hội đại diện cho trật tự của vũ trụ thì hoàng tộc được tin rằng đã tồn tại từ khi hình thành thế giới. Kẻ sáng thế là vị vua đầu tiên, truyền ngôi lại cho con trai, vị pharaoh đầu tiên. Sự ủy thác này nói lên rằng hoàng tộc là một tổ chức thần thánh. Thực tế, những cử chỉ và hành động của pharaoh được mô tả bởi cùng những thuật ngữ dùng trong việc mô tả hành động của thần Re.
Pharaoh chính là hiện diện của ma’at, nghĩa thông thường là “trật tự hoàn mỹ” và do đó cũng có nghĩa là “đúng đắn,” “công lý.” Công việc của pharaoh đảm bảo sự ổn định của vũ trụ và đất nước do đó mà sự sống được tiếp diễn. Thực tế thì sự khởi nguồn của vũ trụ được lặp lại mỗi buổi sáng, khi mà thần mặt trời đẩy lùi mãng xà Apophis, dù vậy không thể tiêu diệt được nó bởi vì hỗn loạn (bóng tối nguyên thủy) là hư ảo và do đó không thể bị hủy diệt. Hoạt động chính trị của pharaoh lặp lại chiến công của Re, khi quân thù tiến đến biên giới, chúng được đồng hóa với Apophis, và chiến thắng của pharaoh tái hiện vinh quang của Re. Chắc chắn rằng pharaoh là nhân vật chính duy nhất trong những chiến dịch quân sự và những chiến thắng. Khi Ramses III xây mộ, ông lặp lại y nguyên tên những thành phố đã chinh phục từ mộ Ramses II. Những người Lybi, nạn nhân của Pepi II, phải chịu gọi chung tên riêng với những người có tên xuất hiện trong đền Sahure tận hai thế kỷ sau.
Sự “thăng thiên” của pharaoh
Niềm tin sớm nhất của người Ai Cập về sự tồn tại sau khi chết giống với bằng chứng có được về hai truyền thống trên toàn thế giới: nơi ở của người chết hoặc là dưới lòng đất, hoặc là ở trên trời hay chính xác hơn là giữa các vì sao. Sau khi chết, linh hồn tìm đường đến những vì sao và chia sẻ sự vĩnh hằng. Bầu trời được tưởng tượng là Mẫu Thần và cái chết tương đương với một sự tái sinh ở thiên thể giới. Tình mẹ từ bầu trời ám chỉ rằng người chết phải được sinh ra lần thứ hai; sau sự tái sinh trên trời này anh ta sẽ được uống sữa của Mẫu Thần (đại diện trong hình dạng con bò cái).
Thế giới khác được bản địa hóa thành thế giới ngầm dưới lòng đất là niềm tin chủ yếu ở thời kỳ đồ đá mới. Sớm nhất từ khi bắt đầu thiên niên kỷ thứ tư đã có những biểu hiện nghi lễ phức hợp Osiris từ những truyền thống tôn giáo nhất định gắn liền với nông nghiệp. Osiris là vị thần Ai Cập duy nhất phải chịu đựng một cái chết dữ dội.
Những văn bản kim tự tháp gần như là mô tả duy nhất về số phận sau khi chết của nhà vua. Mặc cho những nỗ lực của những nhà thần học, các học thuyết không hề tuân theo một hệ thống hoàn hảo. Một vài ý trái chiều tồn tại giữa những điều giống nhau, và đôi khi có cả những khái niệm đối nghịch nhau. Phần lớn nhấn mạnh rằng pharaoh, con trai của Atum (tức Re), sinh ra bởi Vị thần vĩ đại trước khi tạo ra thế giới, không thể chết; nhưng những văn bản khác lại khẳng định với nhà vua rằng thân thể của ông không thể bị thối rữa. Rõ ràng ở đây có hai hệ tư tưởng chưa thể thống nhất. Tuy nhiên, phần lớn cũng đề cập đến chuyến hành trình lên thiên giới của nhà vua. Ngài bay đi trong hình dạng một con chim. Thỉnh thoảng ngài lại lên trời bằng một cái thang. Trong quá trình leo thang nhà vua đã là một vị thần có bản chất khác biệt hoàn toàn với loài người.
Dù thế nào thì trước khi trước khi đến thiên xứ ở phía Tây, gọi là “Cánh đồng lễ vật,” vị pharaoh phải trải qua vài trở ngại nhất định. Lối vào được bảo vệ bởi một cái hồ có bờ hồ rất quanh co, và người lái đò có quyền phán xét. Để được lên thuyền, vị pharaoh phải hoàn thành tất cả các nghi lễ thanh tẩy và trên hết là phải trả lời những câu hỏi chất vấn mào đầu, nghĩa là phải trả lời theo khuôn mẫu như kiểu những mật mã. Đôi khi nhà vua trông cậy vào lời biện hộ, hay ma thuật hoặc thậm chí đe dọa. Ngài cầu khẩn những vị thần (đặc biệt là Re, Thoth và Horus) hoặc van xin hai cây sung mà mặt trời mọc lên giữa chúng hàng ngày, xin để cho ngài được đi qua đến “Cánh đồng lau sậy.”
Đến được thiên đường, vị pharaoh được đón nhận trong chiến thắng bởi thần mặt trời, và sứ giả được gửi đi bốn phương thế giới để tuyên bố chiến thắng của ngài. Tại đó, vị vua tiếp nối cuộc sống dưới trái đất: ngồi trên ngai vàng, tiếp nhận sự sùng kính, phán quyết và ra lệnh. Dù ngài hưởng sự bất tử một mình nhưng xung quanh ngài vẫn có những công dân, chủ yếu là những thành phần trong gia đình và quan chức cấp cao (là những người được chôn gần mộ ngài). Những người này được nhận định như là những vì sao và được gọi là “những người được tôn vinh.”
Như đã nói, những văn bản kim tự tháp không phải luôn thống nhất. Bằng việc nhận định ngài với Re, thái dương thần hệ nhấn mạnh đặc quyền của pharaoh: ngài không chịu sự phán xét của Osiris, kẻ cai quản người chết. “Re-Atum không giao người cho Osiris, kẻ không phán sét trái tim người và không có quyền gì với trái tim người…. Osiris, ngài sẽ không giữ được ngài ấy, con trai người (Horus) sẽ không giữ được ngài ấy.” Những văn bản khác còn khẳng định Osiris là vị thần đã chết vì ông đã bị sát hại và quẳng xuống nước. Một vài đoạn nhất định thì lại bóng gió rằng pharaoh cũng chính là Osiris: “Ngay cả khi Osiris sống, vị vua Unis này sống; ngay cả khi Osiris không chết, vị vua Unis này không chết.”
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *