LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (2)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (2)

Tôn giáo vùng Lưỡng Hà (tiếp theo)
Con người trước những vị thần
Người Sumer có ít nhất bốn cách giải thích về nguồn gốc loài người: (1) Những người đầu tiên mọc lên từ đất như cây cỏ. (2) Con người được một số nghệ nhân trong giới thần thánh nặn từ đất sét, và thần Nammu thêm vào trái tim, thần En-ki thổi hồn sự sống. (3) Nữ thần Aruru đã tạo ra loài người. (4) Con người được hình thành từ máu của hai vị thần Lagma.
Hai trong số những cách giải thích ở trên cho thấy con người chia sẻ cùng bản chất với các vị thần theo một cách nào đó: hơi thở của En-ki hay máu của Lagma. Điều này có nghĩa khoảng cách giữa người và thần cũng không quá xa. Con người được tạo ra để phục vụ các vị thần khi mà họ cũng có những nhu cầu cơ bản như ăn và mặc. Con người là tôi tớ của các vị thần, nhưng không phải là nô lệ. Không có khái niệm về tội lỗi, chuộc tội hay vật thế thân trong các văn bản. Điều này nghĩa là con người không chỉ là hầu cận của các vị thần, mà còn là kẻ bắt chước và cộng tác viên của họ. Các vị thần chịu trách nhiệm cho trật tự của vũ trụ, và mỗi dịp năm mới họ lại cố định lại vận mệnh của 12 tháng.
Trật tự của vũ trụ luôn bị khuấy động bởi một con Mãng Xà, đe dọa làm náo loạn thế giới, và những tội lỗi của loài người phải được thanh lọc bằng nhiều nghi thức khác nhau. Nhưng thế giới luôn được định kỳ thanh tẩy, tái tạo bằng lễ hội đầu năm a-ki-til (tiếng Sumer nghĩa là “sức mạnh làm thế giới sống lại lần nữa”).
Quan trọng hơn cả lễ hội đầu năm là việc xây dựng đền, vì đền là nơi ở của các vị thần. Theo truyền thống của người Sumer thì sau khi tạo ra loài người, một trong số các vị thần đã tạo ra năm thành phố, coi chúng như những trung tâm thờ phụng. Từ đó các vị thần truyền đạt những kế hoạch của họ trực tiếp đến những vị vua. Trong một giấc mơ, vua Gudea đã được một vị thần chỉ dẫn kế hoạch xây đền. Những hình mẫu của đền đài và thành phố là “siêu thế” vì chúng đã tồn tại từ trước trên thiên giới. Những thành phố của Babylon có nguyên mẫu là những chòm sao.
Huyền thoại đầu tiên về đại hồng thủy
Đại hồng thủy tương đương với sự kết thúc của thế giới, do đó hoàng tộc phải được mang lại nhân gian từ trời cao. Trái đất được cho là nổi lên từ mặt nước, và sau mỗi cơn đại hồng thủy lại nổi lên một trái đất mới. Phần lớn những huyền thoại về đại hồng thủy dường như liên quan đến nhịp điệu của vũ trụ: thế giới cũ, nơi con người đổ đốn, bị nhấn chìm trong nước và một thời gian sau, một thế giới mới trồi lên. Đối với nhiều biến thể khác, đại hồng thủy là kết quả của tội lỗi: đôi khi xảy ra chỉ vì một vị thần muốn kết thúc loài người. En-lil giận giữ vì sự ồn ào không thể chịu nổi của con người.
Thật khó mà xác định nguyên nhân của đại hồng thủy theo truyền thống vùng Lưỡng Hà, nhưng nếu xem xét những huyền thoại từ những nền văn hóa khác, thì có thể thấy nguyên nhân chính là tội lỗi của con người và sự già cỗi của thế giới. Vũ trụ dần dần suy tàn và rồi kết thúc, đó là lý do nó phải được tái tạo. Ý nghĩa biểu tượng của lễ hội đầu năm là sự kết thúc của thế giới cũng như tội lỗi của nhân loại để tạo điều kiện cho thế giới mới hình thành.
Hỗn tạp Sumer-Akkad
Phần lớn những thành phố-đền (thành phố nhưng cũng là đền) của Sumer được thống nhất bởi Lugalzaggisi, vua của Umma, khoảng năm 2375 trước công nguyên. Đây là biểu hiện đầu tiên của ý tưởng đế quốc. Một thế hệ sau vua Sargon của Akkad đã thực hiện một nỗ lực tương tự với thành công rực rỡ. Đế chế của Sargon sụp đổ sau 1 thế kỷ, thời kỳ sau đó là những binh biến liên tiếp lặp đi lặp lại, thổ phỉ xâm chiếm từ bên ngoài và rồi lại bị lật đổ từ bên trong. Hơn hai thế kỷ vùng Lưỡng Hà bị chia cắt thành vài bang. Chỉ đến khoảng năm 1700 trước công nguyên, vua Hammurabi của Babylon mới lập lại sự thống nhất. Mặc dù Hammurabi thiết lập một đế chế hùng mạnh nhưng chỉ chưa đầy một thế kỷ sau, người Kassite từ phương bắc bắt đầu quấy rối và cuối cùng giành chiến thắng vào năm 1525 trước công nguyên, trở thành những ông chủ của vùng Lưỡng Hà trong suốt bốn thế kỷ.
Việc chuyển đổi từ thành phố-đền sang thành bang và rồi đế chế là sự kiện quan trọng trong lịch sử vùng cận Đông. Ngôn ngữ Sumer dù không còn được nói nhưng vẫn được dùng trong các nghi lễ. ba vị thần vĩ đại vẫn như cũ nhưng ba vị thần thiên thể thì lấy tên theo tiếng Semit: mặt trăng Sin, mặt trời Shamash, sao Kim Ishtar. Địa ngục được cai quản bởi Ereshkigal và chống, Nergal. Một vài thay đổi nhỏ theo yê cầu của thể chế, ví dụ như chuyển tòa giám mục đến Babylon và thay En-lil bằng Marduk.
Những vị thần vĩ đại dần dần mất đi vị thế và thay vào đó, các tín đồ thờ phụng Marduk hoặc những vị thần thiên thể như Ishtar và đặc biệt là Shamash, sau này trờ thành vị thần bậc nhất.
Một sáng tạo khác của tín ngưỡng Akkad đó là thuật bói toán ra đời.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài): https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *