LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (25)
“Khi Israel còn là một đứa trẻ…” (phần cuối)
Tôn giáo dưới quyền các thủ lãnh: giai đoạn đầu của sự đồng bộ hóa
Thời kỳ nằm giữa năm 1200 trước công nguyên (khi nhóm của Moses được Joseph dẫn dắt vào Canaan) và năm 1020 trước công nguyên (khi Saul tuyên bố là vua) được thống nhất chung gọi là Thời đại của các Thủ lãnh. Thủ lãnh là những nhà lãnh đạo quân sự, ủy viên và thẩm phán. Cũng trong thời kỳ này mà nhiều bộ lạc khác chấp nhận Yahweh giáo, đặc biệt là sau một số chiến thắng vẻ vang vì có Yahweh can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến. Ngài đảm bảo với Joseph “”Đừng sợ chúng, vì Ta đã nộp chúng vào tay ngươi” và Yahweh làm “cho rơi những hòn đá lớn xuống” từ trên trời và giết hàng ngàn quân địch. Sau khi chiến thắng vua Canaan là Jabin, Deborah và Barak hát thánh ca: “Thân lạy ĐỨC CHÚA, khi Ngài ra khỏi Xê-ia, khi Ngài từ ruộng đồng Ê-đôm xuất phát, thì trái đất chuyển rung, các tầng trời tan chảy, mây cũng tan chảy thành mưa.” Ngắn gọn thì Yahweh đâ chứng minh rằng mình mạnh hơn các thần Canaan. Cuộc chiến dưới danh nghĩa của ngài là một cuộc thánh chiến: người tham chiến được thánh hóa (qiddes) và phải giữ gìn sự thuần khiết lễ nghi. Chiến lợi phẩm bị “cấm,” nghĩa là phải thiêu hủy hoàn toàn cho Yahweh.
Để thích nghi với một kiểu tồn tại mới, Yahweh giáo tiến hóa và thay đổi. Trước tiên là sự chống đối lại những giá trị được trân trọng nhất bởi mọi cộng đồng của những người chăn nuôi. Luật về sự hiếu khách, luật bất khả xâm phạm giữa những người du mục đã bị Jael phản bội: bà mời tướng Canaan là Sisera vào lều khi ông đang chạy trốn và giết ông trong lúc ngủ. Thánh đường di dộng của Moses cũng không còn được dùng. Sự thờ phụng giờ diễn ra tại những thánh đường cố định.
Nhưng trên hết, chính sự giáp mặt với tôn giáo Canaan là điều sẽ ghi dấu những hệ quả, và còn tiếp diễn đến tận thế kỷ thứ 7 trước công nguyên. Hệ quả của sự liên hợp Yahweh-El là những thánh đường thuộc về El từ thời tiền Yahweh giáo và kha khá những thánh đường Canaan khác giờ đây được dành cho Yahweh. Điều ngạc nhiên hơn là có một sự nhầm lẫn giữa Yahweh và Baal trong suốt Thời đại của các Thủ lãnh. Những cái tên có yếu tố baal thậm chí được tìm thấy trong những gia đình theo đức tin Yahweh giáo. Gideon nổi tiếng cũng được gọi là Jerubbaal, nghĩa là “Baal chiến đấu.” Điều này tiền giả định rằng baal, nghĩa là “Chúa tể,” được hiểu như một hình dung từ của Yahweh hoặc giả Baal cũng được tôn sùng bên cạnh Yahweh. Hẳn là ban đầu Baal phải được coi là “thần của vùng đất,” là chuyên gia tối hậu về sinh trưởng. Chỉ về sau giáo phái của ông mới bị ghê tởm và trở thành tấm gương về sự bỏ đạo.
Một phần lớn hệ thống tế lễ của Canaan được thâu nhặt. Dạng đơn giản nhất là dâng cúng những món đồ lễ khác nhau tại một thánh địa hoặc rẩy dầu hay nước. Đồ cúng tế được xem như thức ăn cho thánh thần. Cũng trong thời gian này người Israel đã thực hành lễ toàn thiêu (olah) mà họ diễn giải như một sự hiến dâng cho Yahweh. Thêm vào đó, họ cũng tiếp nhận kha khá những thực hành của người Canaan liên quan đến nông nghiệp và thậm trí là cả một số nghi thức trác táng. Quá trình đồng hóa được tăng cường sau này dưới chế độ quân chủ khi có sự đề cập đến điếm thiêng ở cả hai giới.
Các thánh đường được xây theo mô hình Canaan gồm có ban thờ, massebahs(đá dựng đứng), asherahs (những cột trụ tượng trưng cho nữ thần của Canaan là Asherah), và các bình lọ để rẩy nước. Giữa những đồ hành lễ này chúng ta đề cập thứ quan trọng nhất: teraphim (ảnh tượng hay mặt nạ) và ephods (vải phủ lên ảnh tượng). Nhân viên của giáo hội được bố trí quanh thánh đường như những người canh gác. Trọng yếu nhất là các linh mục và người Levi: họ hiến vật tế và tìm hiểu ý muốn của Yahweh qua việc rút thăm và ephod. Bện cạnh linh mục và người Levi là thầy bói hay nhà tiên tri (roeh) nhưng chúng ta có quá ít thông tin về phận sự của họ. Nhà tiên tri không bị gắn chặt với thánh đường như ngôn sứ (nabiim). Ví dụ nổi tiếng là Balaam: ông thấy Yahweh lúc mơ hay tỉnh; ông phải nhìn thấy người Israel để có thể nguyền rủa họ. Kiểu ngây ngất này cũng được thấy trong các cộng đồng du mục khác (ví dụ như kahin giữa những người Ả-Rập).
Quan trọng hơn nhiều là chức năng của “ngôn sứ” (rabi) mà chúng ta sẽ nói sau. Còn giờ chúng ta chỉ thêm vào một chút là những lời tiên tri trong lúc ngây ngất của người Israel có gốc rễ sâu xa từ tôn giáo Canaan. Và thực tế là sự thờ phụng Baal có bao gồm nabiim, nhưng những kiểu trải nghiệm ngây ngất này thì tương đối phổ biến ở vùng Cận Đông cổ, trừ Ai Cập. Người Sumer đã biết “kẻ lên thiên đường,” một cách nói chỉ ra hành trình trong trạng thái ngây ngất, có thể so sánh được với điều tương tự ở các pháp sư. Tại Mari, những văn bản của thế kỷ 18 nói về apilum (“kẻ phản hồi”) hay muhhum và muhhutum, người nam hoặc nữ nhận được những lời sấm của các vị thần từ trong giấc mơ hay hình ảnh. Những apilum hay muhhum này giống với nabiim. Cũng giống như ngôn sứ của Israel, họ dùng những cụm sấm ngữ ngắn và truyền đến những vị vua, thậm chí cả khi những lời này là tin xấu hay chỉ trích một số hành vi của kẻ cầm quyền.
Thậm chí ngay từ thế kỷ đầu sau khi chinh phục và thuộc địa hóa đã có thể chú ý thấy ảnh hưởng sâu sắc và đa dạng của Canaan. Hệ thống nghi lễ, thánh địa và thánh đường đều lấy từ Canaan; tầng lớp linh mục được tổ chức theo mô hình Canaan; ngay cả ngôn sứ cũng là sản phẩm của sự ảnh hưởng từ Canaan, chính những người mà sau này lại sẽ sớm phản đối quyền tối thượng của các linh mục và sự đồng bộ hóa với những giáo phái sinh trưởng. Những ngôn sứ nhận về họ Yahweh giáo thuần túy nhất. Về một góc độ nào đó thì họ đúng; nhưng Yahweh giáo mà họ tuyên bố lại là tôn giáo đã đồng hóa những yếu tố sáng tạo nhất của văn hóa và tôn giáo Canaan, những thứ họ cực kỳ ghê tởm.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/