LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (24)
“Khi Israel còn là một đứa trẻ…” (tiếp theo)
“Ta là Đấng Hiện Hữu” (I Am Who I Am)
Trong khi đang chăn cừu cho bố vợ Jethro, một tư tế của Midian, Moses đi ngang qua sa mạc và đến Horeb, “núi của Chúa.” Ở đó ông thấy “đám lửa từ giữa bụi cây” và nghe thấy tên mình được gọi. Một lát sau có tiếng Chúa gọi ông và nói, “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Tuy nhiên, Moses cảm thấy sự hiện diện của một khía cạnh thần thánh chưa từng được biết đến, hay thậm chí là một chúa mới. Ông chấp nhận mệnh lệnh đến nói với con cái Israel rằng: “Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” “Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu (ehyeh aser ehyeh).” Và ngài bảo ông cách nói với con cái Israel: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em (I Am has sent me to you).”
Cái tên này đã làm dấy lên vô số tranh luận. Câu trả lời của Chúa khá bí ẩn: ngài đề cập đến trạng thái tồn tại của ngài nhưng không hé lộ về con người của ngài. Tất cả những gì có thể nói về cái tên thần thánh là, theo cách nói hiện đại, sự toàn thể của trạng thái tồn tại. Tuy thế, Yahweh tuyên bố ngài là chúa của Abraham và các tổ phục khác, và danh tính của ngài vẫn được chấp nhận đến ngày nay bởi tất cả những ai nhận mình là người được thừa hưởng từ di sản của Abraham. Và thực tế là có thể phát hiện ra sự tiếp nối từ chúa của cha đến vị chúa hiển lộ với Moses. Như đã nói “có một thực tế là Yahweh giáo sinh ra từ môi trường của những người chăn nuôi và được phát triển trong sa mạc. Sự trở lại với Yahweh giáo thuần khiết sẽ được trình bày như sự trở lại với địa thế sa mạc: điều này sẽ là “lý tưởng du mục” của những ngôn sứ.” Hoàn toàn giống với chúa của cha. Yahweh không gắn với một nơi cụ thể; thêm vào đó, ngài có một mối liên hệ đặc biệt với Moses với tư cách là lãnh đạo của một nhóm người.
Nhưng những sự khác biệt cũng đáng kể. Trong khi chúa của cha ẩn danh, thì Yahweh là một cái tên riêng chỉ ra sự bí ẩn và siêu việt của ngài. Mối liên hệ giữa thần thánh và những tín đồ đã thay đổi: thay vì cái cũ “chúa của cha” giờ đây chúng ta nghe thấy “người của Yahweh.” Ý tưởng của sự lựa chọn thần thánh hiện diện trong những lời hứa với Abraham trở nên rõ ràng hơn: Yaweh gọi những hậu duệ của các tổ phụ là “người của ta”; họ là “tài sản riêng” của ngài.” Cũng như sự đồng hoá chúa của cha với thần El, Yahweh cũng được xác định là El. Ngài đã dùng kết cấu vũ trụ của El cũng như vương hiệu của ông. “Từ tôn giáo của El, Yahweh giáo cũng lấy ý tưởng của triều đình thần thánh được hình thành bởi những người con của chúa.” Mặt khác, tính cách hiếu chiến của Yahweh tiếp nối vai trò chúa của cha, cực kỳ bảo vệ những tông đồ của ngài.
Bản chất của sự mặc khải tập trung vào Mười điều răn. Ở dạng hiện tại những văn bản này không thể có từ thời Moses, nhưng những điều răn quan trọng nhất chắc chắn phản ánh tinh thần của Yahweh giáo nguyên thuỷ. Điều răn đầu tiên là “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta,” cho thấy đây không phải là độc thần nói theo nghĩa chính xác. Sự tồn tại của các thần khác không bị chối bỏ. Trong bài hát chiến thắng xướng lên sau khi vượt qua Biển Đỏ, Moses thốt lên: “Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy CHÚA?” Tuy vậy, phải có lòng trung thành tuyệt đối vì Yahweh là một “vị Chúa ghen tuông.” Ngay lập tức có một cuộc đấu tranh chống lại các nguỵ thần xảy ra tại Baal-peor sau thi thoát khỏi sa mạc. Chính tại đó mà những người con gái của Moabit mời người Israel đến lễ hiến tế cho những vị thần của họ. “Và mọi người ăn và cúi đầu trước những vị thần của họ,” điều này làm khơi dậy cơn giận của Yahweh. Đối với Israel, sự tranh đấu khởi nguồn từ Baal-peor này vẫn còn tiếp diễn.
Ý nghĩa của điều răn thứ hai “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình …“ khó nhận ra. Nó không phải là lệnh cấm thờ ngẫu tượng. Hình ảnh, thứ quen thuộc với những việc thờ cúng ngoại giáo được biết đến một cách rộng rãi chỉ là vỏ ngoài của thánh thần. Có lẽ ý tưởng nền tảng của điều răn này ám chỉ việc cấm coi Yahweh như một đối tượng thờ cúng. Cũng như việc ngài không có tên, ngài cũng không nên có hình ảnh. Chúa cho phép một số người có đặc quyền thấy ngài mặt đối mặt; đối với phần còn lại của nhân loại ngài chỉ biểu hiện qua hành động. Không giống những vị thần khác của vùng Cận Đông hoá hiện một cách vô tư dưới dạng con người, động vật hay thể dạng vũ trụ, Yahweh chỉ được nhận ra duy nhất ở dạng hình người. Nhưng ngài cũng viện đến những biểu hiện vũ trụ, vì cả thế giới do ngài tạo ra.
Thuyết nhân hoá của Yahweh có tính hai mặt. Một mặt, Yahweh biểu thị những phẩm chất và lầm lỗi chỉ có ở con người: lòng trắc ẩn và ghen ghét, hân hoan và đau khổ, tha thứ và trả thù. (Tuy nhiên, ngài không để lộ điểm yếu và lỗi lầm như những vị thần Homer, và ngài cũng không khoan dung nếu bị chế giễu như những vị thần Olympus.) Mặt khác, không giống phần lớn các vị thần, Yahweh không phản ánh hoàn cảnh của con người; ngài có một thiên triều nhưng không có gia đình: Yahweh chỉ có một mình. Liệu có phải chúng ta thấy một tính cách nhân hoá khác từ việc yêu cầu sự trung thành tuyệt đối của các tông đồ, cũng giống như những bạo chúa phương đông? Điều này dường như giống hơn với một ham muốn phi nhân tính cho sự hoàn hảo và thuần khiết tuyệt đối. Sự bất dung và cuồng tín đặc trưng của những ngôn sứ và người truyền giáo thuộc ba tôn giáo độc thần tìm thấy hình mẫu và sự biện hộ trong ví dụ của Yahweh.
Vậy nên sự dữ tợn của Yahweh cũng vượt ra ngoài giới hạn của thuyết nhân hóa. “Cơn giận” của ngài đôi khi bất hợp lý đến nỗi có thể quy cho “quỷ dữ.” Có một điều chắc chắn là những nét tính cách tiêu cực này sẽ bị lùi về hậu trường sau khi chiếm được Canaan, dù rằng chúng thuộc về cấu trúc ban đầu của Yahweh. Thứ thực tế liên quan đến và cũng ấn tượng nhất đó là vị chúa cho thấy một biểu hiện mới của mình hoàn toàn khác biệt với con người, một “đấng khác hoàn toàn.” Việc hai thuộc tính đối lập cùng tồn tại thể hiện qua những hành động phi lý tách biệt Yahweh khỏi tiêu chuẩn về sự hoàn hảo của con người. Từ góc nhìn này Yahweh giống với một số vị thần Hindu như Siva hay Kali-Durga. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: những vị thần Ấn Độ đứng ngoài luân lý đạo đức; và vì trạng thái của họ tạo thành một hình mẫu nên những tín đồ không ngần ngại bắt chước họ. Yahweh thì ngược lại, tán thành với quan điểm cho rằng những nguyên tắc luân lý và thực hành đạo đức là quan trọng nhất: ít nhất năm trong số Mười điều răn đề cập đến vấn đề này.
Theo lời kể Kinh Thánh, sự hiển linh xảy ra sau ba tháng rời khỏi Ai Cập tại sa mạc Sinai. “Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm.” Và rồi Yahweh xuất hiện trước người Israel khi đó ở dưới chân núi và lập giao ước với họ, Bộ Luật Giao Ước bắt đầu với Mười điều răn và bao gồm kha khá những quy tắc thờ phụng. Sau đó, Moses có cuộc nói trò truyện khác với Chúa và nhận được “hai tấm bia Chứng Ước, hai tấm bia đá do chính tay Thiên Chúa viết.” Mendenhall thấy rằng văn phong của Bộ Luật Giao Ước làm liên tưởng đến những hiệp ước của các vua Hittite với các nước chư hầu ở vùng Cận Đông vào thiên niên kỷ thứ hai. Tuy vậy những điểm tương đồng này dù có thật nhưng không mang tính quyết định.
Không có điều gì được biết một cách chắc chắn về việc thờ cúng của người Israel trong suốt 40 năm lang thang trong sa mạc. Chương 26 và 38:8-38 của Xuất Hành đưa ra những mô tả chi tiết về thánh đường sa mạc; nó bao gồm Lều Hội Ngộ, bên trong có Hòm Bia Chứng Ước, theo truyền thuyết là một cái rương gỗ đựng những tấm bia Chứng Ước. Rất có khả năng truyền thuyết này phản ánh một tình huống thực tế. Những cái lều hay kiệu thờ mang theo ngẫu tượng bằng đá được chứng thực tồn tại giữa những người Ả-Rập tiền Hồi Giáo.Những văn bản không đề cập đến việc lều và hòm ở cùng nhau, nhưng rất có khả năng là người Ả-Rập để hòm trong lều. Cũng như chúa của cha trước đây, Yahweh dẫn dắt người của ngài. Cái hòm tượng trưng cho sự hiện diện vô hình của ngài, nhưng không thể biết được bên trong nó chứa thứ gì.
Theo truyền thuyết Moses chết ở Đồng bằng Moab đối diện núi Jericho. Yahweh chỉ cho ông vùng đất Canaan: “Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó.” Cái chết này cũng tương xứng với con người hình tượng huyền thoại của Moses. Tất cả mọi điều có thể nói về người mang cái tên này là ông nổi tiếng với việc liên tiếp gặp Yahweh. Sự mặc khải mà Moses là trung gian khiến ông cùng lúc là một nhà tiên tri và cũng là một ‘pháp sư” – là hình mẫu của những linh mục Levi và là nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn, người đã thành công trong việc biến một nhóm các gia tộc trở thành hạt nhân của một quốc gia, những người dân Israel.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/