1/ Vào năm 1949 một tác phẩm (người viết) cho là kinh điển của sử học nước ta, ấy là tác phẩm Lí Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lí của học giả Hoàng Xuân Hãn được xuất bản. Tại Phần I – Chương VII – Mục 1 có đoạn viết:
Có người Tống tên Từ Bá-Tường, quê châu Bạch thuộc Quảng-tây, đã cho người thầm thông với vua Lý. Bá-Tường nguyên đậu tiến sĩ, nhưng không được bổ làm quan. Y viết thư cho vua Lý (1073) nói rằng: “Tiên-thế Đại-vương vốn người đất Mân (1). Tôi nghe nói công khanh ở Giao-chỉ cũng nhiều người đất Mân. Bá-Tường này, tài lược không kém người, nhưng không được trọng dụng ở Trung-quốc. Vậy xin giúp Đại-vương. Bá-Tường nghe rằng hiện nay Trung-quốc muốn cử binh đi diệt Giao-chỉ”.
Chỗ chú thích (1) có viết thêm rằng: “Theo sử ta, Lý Công-Uẩn là con vô thừa nhận. Bố nuôi là Lý Tự-Khanh, cho nên lấy họ là Lý. Toàn thư còn chép chuyện hoang đường mẹ có mang với thần nhân (…) Sách Việt sử lược chép: khi lên ngôi, Lý Công Uẩn phong bố làm Hiển-khánh-vương, anh làm Vũ-uy-vương, em làm Dực-thánh-vương. Xem vậy, Công-Uẩn biết cha là ai và có đủ họ hàng, chứ không phải là một đứa con vô thừa nhận. Tuy ta có thể nghĩ rằng bố đây là bố nuôi, nhưng Việt sử lược chép rõ những chữ: phụ, huynh, đệ. Vì thế, thuyết nói Công-Uẩn gốc người Mân có thể là thật (…) Có lẽ bố Lý Công-Uẩn người Mân, có chức vị quan trọng ở đó. Khi Tống lấy nước Mân (971) họ Lý chạy sang ta ẩn tích. Sau Công-Uẩn làm vua nước ta, không muốn nói mình là người Bắc; lại nhân muốn tăng lòng dân tin cậy, nên mới bịa ra thuyết con thần. Không biết giả thuyết này đúng hay không. Một điều chắc chắn là đời Tống, người Tống đều nhận Lý gốc ở Mân; không những Từ Bá-Tường nói mà thôi, mà sách Mộng khê bút đàm cũng nói thế”.
2/ Tuy là một đoạn viết ngắn, nhưng chúng ta có thể bàn được rất nhiều thứ về nó:
– Một là tác giả dựa vào bức thư của người Tống tên là Từ Bá Tường gửi cho Lí Nhân Tông (năm 1073) để từ đó Đặt Giả Thuyết rằng: Công Uẩn người gốc Mân. Lưu í rằng, bản thân tác giả viết rõ là: “không biết giả thuyết này đúng hay không”.
– Tác giả Nguyễn Phúc Anh đã có bài viết rất kĩ tên là Về vấn đề nguyên quán của Lí Công Uẩn: Từ góc nhìn sử liệu (khoảng năm 2012) để (có lẽ là) hoàn thiện Giả Thuyết trên.
–> Ghi chú 1: Người viết thấy rằng, tuy tác giả dẫn rất nhiều tài liệu của người phương bắc, khẳng định Công Uẩn người gốc Mân, nhưng Bức thư của Từ Bá Tường vẫn là tài liệu sớm nhất (Về lai lịch của bức thư như sau: khi Tống – Việt giằng co tại sông Như Nguyệt, người Lí chủ động xin hòa, trong lần đàm phán, người Lí có cho người Tống xem bức thư của Từ Bá Tường, sau này Nguyên soái của người Tống là Quách Quì kể lại với Tư Mã Quang và được Quang chép lại trong Tốc thủy kí văn). Tuy nhiên, cứ theo như lời trong bức thư thì bản thân Từ Bá Tường (có lẽ) cũng chỉ là Nghe Đồn rằng tổ tiên họ Lí người gốc Mân (*)
– Tác giả Nguyễn Hải Kế có bài viết Về gốc/nguồn Lí Công Uẩn (quan danh hiệu Hiển Khánh vương và gốc người Mân) năm 2009. Trong bài đó: Trước nhất tác giả dẫn lại các tài liệu sử của phương nam, đều chép thống nhất rằng: Công Uẩn người Giao Châu (**). Kế đến tác giả dẫn An Nam chí lược để cho thấy là: Lê Tắc có nghe được Tin Đồn rằng Công Uẩn người gốc Mân và ngài ấy đã khẳng định rằng: Tin Đồn ấy là Không Đúng. Sau cùng tác giả khẳng định “từ các nguồn tài liệu” hiện có “chỉ mới là cho phép gợi í gián tiếp, chứ không trực tiếp chứng minh nguồn gốc Mân” của Lí Công Uẩn.
–> Ghi chú 2: Có vẻ như tác giả cho là trong trường hợp không thể chứng minh chắc chắn rằng Công Uẩn người gốc Mân thì phải theo sách sử nước ta (chúng ta có thể hiểu tương tự như là trống đồng Ngọc Lũ được tìm thấy tại Hà Nam, thuộc địa bàn sinh sống của người Việt nên nó hiển nhiên thuộc sở hữu và là sản phẩm của tổ tiên người Việt, bạn cho nó là sản phẩm của người Tai, ok được thôi, nhưng công việc chứng minh thuộc về bạn, tôi không phải làm gì hết) do đó mà tác giả đặt ra Giả Thuyết Khác có liên quan tới tước hiệu Hiển Khánh vương và Địa danh Hiển Khánh (xã Hiển Khánh thuộc tổng Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) (***)
3/ Bàn thêm
– Người viết (tức là tôi) có phát triển cái (**) của tác giả Nguyễn Hải Kế, thực vậy Việt sử lược chép rất chân thật về thân thế của Công Uẩn, nhưng từ Toàn thư trở đi thì đã bắt đâu thêm những yếu tố Hoang Đường như mẹ ngài có bầu với Thần Nhân. Cứ theo ghi chép của Việt sử lược, Toàn thư, Thiền uyển tập anh (truyện thiền sư Vạn Hạnh) thì Công Uẩn có cả một đại gia đình, gồm: một người bác, một người chú, một người anh, một người em – tất cả đều được phong vương, nên người cha nuôi Lí Khánh Văn chỉ là 1 kiến tạo để Công Uẩn được mang họ Lí. Người cha nuôi này có lẽ là lấy nguyên mẫu từ Viên ngoại lang Đào Khánh Văn được cử đi sứ sang Tống năm 1011. Đến Cương mục còn chua thêm rằng: Lí Khánh Văn là một nhà sư và như chúng ta đã từng nghe ở đâu đó rằng: Khánh Văn có thể là Vạn Hạnh ?
–> Rõ ràng là chúng ta đã thấy có 1 sự gia thêm không hề nhẹ theo thời gian: Vốn không nói đến cha (Việt sử lược) rồi thành con của thần nhân và có ng cha nuôi Lí Khánh Văn (Toàn thư) rồi Lí Khánh Văn là nhà sư (Cương mục) và được đồng nhất với (hoặc là em của) Vạn Hạnh (kiếm trên web). Tuy nhiên, có một điểm người viết thấy đúng là kì lạ, đó là vào năm 1018, Công Uẩn truy phong cho Bà Nội và đặt Tên Thụy, nhưng lại không hề thấy chép Truy Phong cho Ông Nội, vì sao, là vì sử chép thiếu hay vì tác giả của Toàn thư lượm thông tin ở đâu đó để chép vào hoặc có ẩn tình gì (cái này là chủ đề lớn, xin bàn sau).
– Về (*) xin xem bài viết Tin đồn về Đại Việt trên đất Tống qua các nguồn sử liệu của tác giả Phạm Lê Huy, đại khái là để trả lời câu hỏi: vì sao khi Thăng Long nhận được bức thư của Từ Bá Tường nói tổ tiên họ Lí người gốc Mân mà triều đình lại Im Lặng, phải chăng Lí Nhân Tông cũng đồng í với nhận định ấy và tôi hứa là nó sẽ rất thú vị, nó cho thấy Thăng Long rất thông minh, họ đã viết Phạt Tống lộ bố văn để lên án tội ác của triều đình – tức là Tìm Cái Chính Danh để Đem Quân Tiên Chế Phát Nhân, vậy có nên Im Lặng để Toàn Bộ Người tại Lĩnh Nam nghĩ rằng họ là Người Mân và việc họ Đánh Tống chẳng qua là Khôi Phục nước cũ, sự ủng hộ sẽ tăng lên bao nhiêu (đại khái là vậy, chi tiết xin bàn sau)
– Về (***) người viết xin bàn trong bài về họ Trần, vì nó liên quan tới câu nói của Thượng hoàng Trần Nhân Tông được chép trong Toàn thư tại mục 1299 là “nhà ta vốn là người hạ lưu, thủy tổ người Hiển Khánh”.
– Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một quả chuông đúc năm 944 (- cũng là năm Ngô vương Quyền mất) tại Từ Liêm (Hà Nội) trên chuông có khắc rất nhiều người họ Lí, lưu í rằng Từ Liêm và Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng không phải quá xa. Chi tiết về bài minh trên quả chuông mọi ng có thể kiếm trên mạng và (nếu được) thì đọc thêm phần Vạn Xuân Lí Thị (trong Việt sử tạp luận) để thấy rằng Họ Lí đã xuất hiện tại bắc bộ từ thời Nhà Hán, có thể kể tên vài nhân vật như: Cửu Chân thái thú Lí Tốn (380) Giao Châu thứ sử Lí Miêu (?) Giao Châu thứ sử Lí Thúc Hiến (479) Giao Châu thứ sử Lí Khải (505) Tất nhiên Lí Bôn (544) Giao Châu thứ sử Lí Cảnh Thịnh (551) Giao Châu thứ sử Lí Ấu Vinh (581) Giao Châu thổ hào Lí Tự Tiên (687) và Giao Châu bộ tướng Lí Nguyên Độ (791) – đó là những vị Họ Lí tiêu biểu tại Giao Châu có Chung Tư Tưởng là Chống Lại Chính Quyền Phương Bắc Đặt tại nước ta, đan xem giữa những vị này thì còn nhiều, chi tiết các bạn biết kiếm ở đâu rồi đấy
–> Từ đó mà người viết đồng thuận với tác giả Nguyễn Hải Kế.
4/ Tài liệu tham khảo
Người viết đã nêu rõ tên bài viết và tên tác phầm, tất cả đều có thể tìm kiếm bằng google.