Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào được sử sách và giai thoại nhắc đến chuyện vợ con với các thông tin thú vị, lạ kỳ như Lê Thần Tông.
Mặc dù các dữ liệu về vấn đề này không nhiều nhưng nó vẫn tạo sự ngạc nhiên, thích thú đặc biệt, nhất là về những người vợ nước ngoài và một người con nuôi “mắt xanh, tóc vàng” của vị hoàng đế này.
Đánh giá ngắn gọn về Lê Thần Tông, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết: “Vua tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Lê Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi, chôn ở lăng Quần Ngọc.
Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi. Song chốn cung vi không có chế độ, mê hoặc Phật giáo, đó là chỗ kém”.
Việc sử sách chê Lê Thần Tông “chốn cung vi không có chế độ” vừa là để nhắc tới chuyện lập Hoàng hậu một cách miễn cưỡng, cũng đồng thời ám chỉ về việc ông lấy những người vợ ngoại quốc mà trong con mắt đương thời, họ thuộc sắc tộc không cao quý.
Về người vợ chính của Lê Thần Tông, đây là người mà vua bị ép buộc chấp nhận trong tình cảnh không thể chối từ được, khi ấy vào tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), chúa Trịnh Tráng ép vua Lê Thần Tông phải lấy con gái của mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc để tấn phong làm hoàng hậu; năm ấy vua mới 23 tuổi còn bà Ngọc Trúc đã ở tuổi 36.
Tuổi tác chênh lệch đã đành nhưng điều trái khoáy là xét theo thứ bậc trong hoàng tộc đây lại là bác dâu của vua vì người chồng trước của bà là Cường quận công Lê Trụ lại là bác họ của Lê Thần Tông.
Sử chép rằng: “Mùa hạ, tháng 5, vua lấy con gái của vương là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước đây, Ngọc Trúc đã lấy bác họ vua là Cường quận công Lê Trụ sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục.
Vương đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung. Triều thần là bọn Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe và nói rằng: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy!”. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Biết là chuyện trái với luân thường đạo lý nhưng ở thời xã hội đảo điên, vua chỉ là bù nhìn mà thôi nên Lê Thần Tông phải cam chịu mà chung sống gượng ép với người vợ già hơn mình nhiều tuổi.
Để bù đắp cho cuộc sống không có tình cảm với Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông đã tuyển nhiều mỹ nữ khắp các vùng miền vào chốn hậu cung của mình; sử sách có nhắc đến các phi tần chính của vua như Nguyễn Thị Ngọc Bạch, Phạm Thị Ngọc Hậu, Lê Thị Ngọc Hoàn, Trịnh Thị Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Nhân, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Vỹ, Trần Thị Lãng…
Điều đặc biệt là ngoài số phi tần người Việt, để phục vụ mục đích chính trị và giao thương quốc tế, Lê Thần Tông còn lấy một số phụ nữ nước ngoài làm vợ mà theo dã sử và tài liệu phương Tây thì những người này có vị thế cao hơn các phi tần người Việt, họ chỉ xếp sau hoàng hậu mà thôi.
Trong số 6 người vợ có thứ bậc cao trong cung, ngoài Hoàng hậu Ngọc Trúc và bà phi người Mường thì những người còn lại là các phi tần người Xiêm (Thái Lan ngày nay), Hán (Hoa), Ai Lao (Lào ngày nay) và Hòa Lan (tức Hà Lan).
Còn theo nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp là Le Breton, trong cuốn sách viết vào thời kỳ Pháp thuộc có tên gọi “Những đình chùa và những nơi lịch sử trong tỉnh” cho biết tại ngôi chùa Đại Bi nằm dưới dân núi Kỳ Lân, còn gọi là núi Ngọc Nữ (nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) có đặt tượng vua Lê Thần Tông và 6 người vợ.
Theo Le Breton thì sáu bức tượng hậu phi gồm Hoàng hậu người Việt dân tộc Kinh, Hoàng phi Hà Lan, Hoàng phi người Việt dân tộc Mường, Hoàng phi Xiêm, Hoàng phi Trung Hoa, Hoàng phi người Ba Thục (Trung Hoa).
Chuyện Lê Thần Tông có nhiều người vợ ngoại quốc xuất phát từ những quan hệ chính trị, kinh tế thời bấy giờ.
Theo sử sách thì từ trước khi Lê Thần Tông lên ngôi, quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Đại Việt và các quốc gia lân bang cũng như những nước đến từ châu Âu xa xôi đã được hình thành, xác lập ở mức độ khác nhau nhưng giai đoạn ông ở ngôi thì quan hệ đó đã phát triển rất mạnh mẽ.
Ở phía Bắc, nhà Lê thực hiện chính sách đối ngoại khôn khéo nên quan hệ với triều Minh đang cai trị Trung Quốc khá thuận lợi; thậm chí có lúc còn thể hiện sức mạnh của quốc gia, như chuyện vào tháng 10 năm Canh Ngọ (1630) vua sai chúa Trịnh đón tiếp sứ thần nhà Minh bên sông Hồng rồi “nhân thể dàn bày nhiều thuyền ghe, voi, ngựa ở bờ sông để khoe binh uy, tỏ ra cường thịnh” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Bấy giờ triều Minh đã suy vong, phía Bắc bị quân Thanh tấn công dữ dội, phía Nam thì nổi loạn khắp nơi nên có những quan chức, tù trưởng khi gặp họa binh đao đã không cầu cứu triều đình trung ương mà lại xin được sự giúp đỡ nước Đại Việt để bảo toàn quyền lợi và sự bình yên cho địa phương mình cai quản như Triệu Hữu Khải, con cháu của thủ lĩnh đất Long Châu (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay).
Khi nhà Minh mất nước, triều Thanh thống trị cả Trung Hoa nhưng gặp nhiều chống đối nên buộc phải thực hiện quan hệ ngoại giao mềm mỏng với phương Nam.
Có lẽ đó là những nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của mỹ nhân người phương Bắc trong nội cung của Lê Thần Tông như “món quà” tình cảm dâng tiến để có được sự che chở, náu thân vì thế phi tần người Trung Quốc của vua có thể là con cháu di thần, quan lại triều Minh đi tị nạn đến nước ta khi đó.
Tại phía Tây và Tây Nam, các tiểu quốc nhỏ (sau này hợp nhất thành nước Lào) như Bồn Man, Lão Qua, Nam Chưởng, Ai Lao… có quan hệ thần phục Đại Việt, thường nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ trong các tranh chấp nội bộ hoặc chống lại sự chèn ép của Miến Điện và Xiêm La.
Với Xiêm La, mối quan hệ với Đại Việt chủ yếu là giao thương buôn bán, thỉnh thoảng nước này có gửi sứ thần đến dâng quốc thư và lễ vật; ngoài ra ít nhiều còn có sự tranh giành ảnh hưởng tại các tiểu quốc nhỏ nằm giữa hai bên.
Có ý kiến cho rằng, giống như trường hợp của bà phi người Trung Quốc, phi tần người Ai Lao do tiểu quốc này tuyển chọn dâng tiến cho hoàng đế Đại Việt như một cách bày tỏ tấm thân tình, kính trọng.
Còn phi tần người Xiêm La có lẽ do các thương nhân đến từ nước này dâng lên, bởi khi đó các lái buôn Xiêm La thường dùng thuyền theo đường biển sang trao đổi, mua bán và có khi còn trực tiếp cử phái đoàn đến Thăng Long để dâng sản vật quý.
Về phi tần người Hà Lan (người Việt thời trước thường gọi là Ô Lang, Hoa Lang hay Hòa Lan), dù thông tin không nhiều nhưng so với các phi tần ngoại quốc của Lê Thần Tông thì dữ kiện liên quan đến bà có nhiều hơn chút ít.
Dù có nhắc đến nhưng trong các tư liệu của một số giáo sĩ, thương nhân châu Âu không chép rõ người vợ phương Tây của Lê Thần Tông tên thật là gì, nhưng có tài liệu nói bà là người Hà Lan lai Triều Tiên tên là Onrona.
Trong cuốn “Histoire ancienne et moderne de l’Anam” (Lịch sử cổ và hiện đại của Trung Kỳ) của giáo sĩ Adrien Lurray thuộc Hội truyền giáo ngoại quốc của Pháp có đoạn viết: “Vua Lê Thần Tông khi ở ngôi lần thứ nhất đã lấy một người vợ Hà Lan lai Triều Tiên.
Nàng tên là Onrona, được xếp hàng cung tần, đứng thứ hai sau Hoàng hậu”. Trong một tác phẩm của mình, nhà nghiên cứu người Pháp G Dumoutier cho biết bà phi này tên OurouSan, là con gái của viên Toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan và “bà OurouSan là một cung phi được vua Lê Thần Tông sủng ái””.
Linh mục người Pháp là Alexandre de Rhodes trong cuốn sách “Historie du Royaume de Tunquin” (Tường trình về Đàng Ngoài hay còn có tên khác là Lịch sử vương quốc Đàng ngoài) ghi chép rất nhiều việc về nước ta thời Lê – Trịnh cũng có đoạn cho biết trong số những người vợ của Lê Thần Tông có một bà cung phi người Hà Lan.
Vua Lê Thần Tông có nhiều vợ, họ sinh cho ông tất cả 10 người con, trong đó 4 người con trai đều kế nhau ở ngôi hoàng đế là:
Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông) do bà Nguyễn Thị Ngọc Bạch sinh ra; Lê Duy Vũ (Lê Huyền Tông) do bà Phạm Thị Ngọc Hậu sinh ra; Lê Duy Cối (Lê Gia Tông) do bà Lê Thị Ngọc Hoàn sinh ra; Lê Duy Cáp (Lê Hy Tông) do bà Trịnh Thị Ngọc Tấn sinh ra.
6 nàng công chúa là: Lê Thị Ngọc Thỉnh (mẹ là Nguyễn Thị Nhân), Lê Thị Ngọc Hài (mẹ là Nguyễn Thị Sinh), Lê Thị Ngọc Điều (mẹ là Nguyễn Thị Vỹ), Lê Thị Ngọc Triện (mẹ họ Trịnh, không rõ tên), Lê Thị Ngọc An (mẹ là Trần Thị Lãng), Lê Thị Ngọc Ngọc (không rõ là con bà phi nào).
Xét theo các thông tin nói trên thì có thể thấy những phi tần người ngoại quốc không sinh cho Lê Thần Tông người con nào. Ngoài những người con đẻ, vị hoàng đế này còn có 4 người con nuôi (1 gái, 3 trai) là Lê Thị Ngọc Duyên (con riêng của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc), Lê Duy Tào (con một người trong họ nhưng có thuyết nói đó là con riêng của Hoàng hậu Ngọc Trúc, còn sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì viết:
“Duy Tào là con người khác việc này không khảo cứu được”. Người con trai nuôi thứ hai của Lê Thần Tông tên là Lê Duy Lương, không rõ là con ai, được trở thành con nuôi vua trong hoàn cảnh nào.
Còn người con nuôi thứ ba thì lại là một điều đặc biệt nữa khiến Lê Thần Tông được coi là vị vua đầu tiên và cũng là người Việt đầu tiên có con nuôi là người nước ngoài, điều thú vị người đó cũng là người phương Tây gốc Hà Lan tên là Charles Hartsinck (có sách chép là Carel Hartsinck, Carel Hartsink hoặc Karl Hartsink).
Đây là được coi là người Hà Lan đầu tiên được phép mở hiệu buôn ở nước ta, đặt nền móng cho việc xây dựng thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến, người này cư trú ở Đàng Ngoài khá lâu và thông thạo tiếng Việt, am hiểu tình xã hội, nội tình triều đình.
Nhà nghiên cứu người Pháp là G. Dumoutier trong cuốn “Revue de I,Histoire des religions, Paris, 1893” đã viết: “Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVI các thương nhân Bồ Đào Nha đã chú ý đến Phố Hiến nhưng mãi đến tháng 3 năm 1637 chiếc thuyền Groll của Hà Lan mới đến Đàng Ngoài.
Thuyền trưởng Hartsink không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống Phố Khách lập thương điếm cho hãng Đông Ấn Hà Lan và thương điếm nhanh chóng làm ăn thịnh vượng”.
Theo cuốn ‘Phố Hiến – lịch sử và văn hóa” cũng viết hoạt động buôn bán của thương nhân Hà Lan khi đó như sau: “Người Hà Lan buôn bán với ta chủ yếu trao đổi bạc lấy tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân để đưa sang Nhật Bản.
Thương điếm của họ xây dựng giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu phố dân cư. Họ có lực lượng lao công phục vụ, không dùng người địa phương”.
Để thuận lợi trong làm ăn buôn bán, Các Hắc Sinh (phiên âm của Carel Hartsink) đã mang nhiều vật phẩm quý từ châu Âu sang để tặng cho vua Lê chúa Trịnh, các phi tần và quan lại cao cấp trong triều đình để lấy lòng.
Chuyện kể rằng chính một viên giám đốc của công ty Đông Ấn Hà Lan đã gửi thư cho Hartsink khuyên ông ta nên tiếp cận với bà người Hà Lan của Lê Thần Tông, thông qua bà phi này mà Hartsink đã dâng tặng quà tặng cho những phi tần được vua yêu quý và được họ ủng hộ, tác động.
Nhờ sự giúp đỡ của các phi tần đó đã khiến Lê Thần Tông đồng ý cho Hartsink được ra vào hoàng cung và được vua nhận làm “nghĩa tử” (con nuôi) với lời nói rằng: “Trẫm vì muốn tỏ tình thân quý nên đã coi Hartsink như con và như một thành viên trong Hội đồng cố vấn”.
Trong sách của mình, tác giả G. Dumoutier cho biết: “Hartsink đã sử dụng biện pháp sở trường của người Hà Lan ở phương Đông là tìm mọi cách làm quen với nhà chức trách để gây thiện cảm và biếu họ những món quà rất hậu, đặc biệt Hartsink đã đủ khéo léo để được nhà vua nhận làm con nuôi”.
Ngoài ra Hartsink còn rất tích cực tiếp cận với chúa Trịnh, người nắm thực quyền lúc bấy giờ, và vì thế không ngạc nhiên gì khi ông cũng giành được những cảm tình của chúa.
Trong bức thư đề ngày 24/7/1641 của chúa Trịnh Tráng gửi cho viên toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan có đoạn viết: “Tôi thấy ông ta (tức Hartsink) tâm địa ngay thẳng, tôi coi trọng ông ta như bàn tay phải của tôi”.
Sự phồn thịnh của thương cảng Phố Hiến một thời có đóng góp rất nhiều của các thương nhân phương Tây đến từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… mà người đóng vai trò quan trọng là Hartsink với tư cách là người quản lý thương điếm cho Công ty Đông Ấn Hà Lan.
Đây là công ty hoạt động lâu nhất, có hiệu quả nhất ở Phố Hiến và là công ty cuối cùng rút đây khoảng năm 1700 khi thương cảng này dần lụi tàn.
Một điều thú vị khác cũng nên nhắc đến, đó là người kế nhiệm Carel Hartsink phụ trách thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến là Hendrik Baron cũng bằng tài ngoại giao khéo léo của mình đã tạo được sự ưu ái của triều đình Thăng Long và người con của ông là Semuelo Baron với một phụ nữ Việt đã được chúa Trịnh Căn nhận làm con nuôi, được phép ra vào phủ chúa.
Sau này khi trưởng thành, Semuelo Baron, người mang trong mình nửa dòng máu Việt đã viết sách, vẽ tranh mô tả, cung cấp nhưng chi tiết thú vị về hoàng cung vua Lê, vương phủ chúa Trịnh cũng như đời sống xã hội Bắc Hà trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Mô tả về vương quốc Đông Kinh) hoàn thành vào khoảng năm 1685-1686.
Qua những thông tin trên, có thể thấy câu chuyện về Lê Thần Tông, vị vua có nhiều vợ người ngoại quốc, và có con nuôi người Âu ngoài sự đặc biệt, khác lạ trên phương diện hôn nhân, gia đình thì nó còn là sự phản ánh một phần nào những mối quan hệ chính trị, kinh tế xã hội đương thời giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng cũng như sự giao lưu, tiếp xúc với phương Tây cách nay gần 400 năm trước.
Lê Thái Dũng
Ảnh : Bộ tượng vua Lê Thần Tông và các bà vợ sau khi được sơn lại. Ảnh tư liệu