Hội thề Đông Quan là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu chiến thắng vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong công cuộc đánh đuổi quân Minh xâm lược khỏi bờ cõi. Nước Đại Việt trên thực tế đã được khôi phục đầy đủ nền độc lập sau khi Vương Thông dẫn đám bại binh về nước. Tình cảnh của quân Minh được miêu tả trong Bình Ngô Đại Cáo càng làm nổi bật lên tính nhân nghĩa của Lê Lợi và quân tướng Lam Sơn:
“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”
Công cuộc đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho dân tộc Việt đã thành công. Thế nhưng phong trào Lam Sơn vẫn chưa hoàn thành đầy đủ sứ mạng của mình. Nước Minh thời kỳ này vẫn đang trong giai đoạn sung sức nhất, vẫn có thể mở thêm những cuộc xâm lược mới để báo thù. Muốn có được một nền hòa bình lâu dài để chuyên tâm xây dựng lại đất nước, phía ta không còn cách nào tốt hơn là nối lại bang giao với nước Minh, tránh khỏi sự thù địch lâu dài với một đế chế hùng mạnh và đông dân, lãnh thổ rộng lớn hơn nước ta gấp mấy chục lần.
Ý thức được điều đó, ngay lúc chiến sự vẫn chưa kết thúc thì Bình Định vương Lê Lợi đã giao cho Hành khiển Nguyễn Trãi trọng trách ngoại giao với Minh triều. Bình Định vương Lê Lợi dù đánh thắng giặc nhiều trận nhưng vẫn tìm cách giảng hòa với Vương Thông, thả nhiều quân dân người Minh về nước. Việc giảng hòa với tướng giặc là một bước trong tiến trình tìm kiếm hòa bình.
Đồng thời với việc hòa nghị với bọn Vương Thông, Nguyễn Trãi đã theo lệnh Lê Lợi, lấy danh nghĩa của Trần Cảo soạn biểu gởi sang vua Minh theo cả hai ngả đường Vân Nam và Quảng Tây. Mộc Thạnh ở Vân Nam nhận được biểu, tức tốc cho người chạy trạm chuyển lên cho vua Minh Tuyên Tông. Biểu viết như sau:
“Thái tổ Cao hoàng đế [ tức Chu Nguyên Chương ] khi mới lên ngôi, tổ tiên của thần là Nhật Khuê [chỉ vua Trần Nghệ Tông] trước tiên dâng lễ triều cống, được ơn đặc biệt khen thưởng và ban cho tước vương. Từ đó, đời đời giữ gìn bờ cõi, không hề thiếu sót lễ nghi triều cống. Mới đây, nhân họ Hồ soán nghịch, Thái tông Văn hoàng đế [chỉ vua Chu Đệ nước Minh] dấy quân hỏi tội. Sau khi dẹp yên, nhà vua hạ chiếu tìm kiếm con cháu họ Trần để cho giữ việc thờ cúng. Bấy giờ tổng binh quan Trương Phụ chưa kịp tìm kiếm rộng khắp, đã vội xin đặt nước tôi làm quận huyện.
Thần, trước đây, vì nước rối loạn, phải chạy trốn sang Lão Qua, chỉ muốn cho chút hơi tàn được tạm kéo dài ra thôi. Dè đâu người nước quen thói tục man di, xa nghĩ đến ơn trạch của tổ tiên nhà thần, ép thần phải về nước. Bất đắc dĩ thần phải gượng theo. Dẫu rằng việc làm hấp tấp này là do người nước ép buộc, nhưng cũng là cái tội bởi thần không biết đắn đo suy lường.
Vừa đây, đã đến cửa quân tạ tội, nhưng không được đâu để ý lắng nghe. Người nước bấy giờ sợ bị giết chết, mới phải đem nhau đi giữ những nơi quan ải để làm cái chước tự vệ lấy mình; nào ngờ quan quân từ xa đến, thấy voi, hoảng sợ, tự cùng nhau lánh chạy, tan vỡ. Việc đã đến thế, tuy là do sự bất đắc dĩ của người nước, mà cũng là tội lỗi của thần. Nhưng, số quan quân và ngựa bị bắt đều đã thu lượm nuôi dưỡng, không dám tơ hào xâm phạm.
Nép mong hoàng thượng dựa theo lời chiếu của Thái Tông Văn hoàng đế cho tìm kiếm con cháu họ Trần, nghĩ đến lòng thành thực của ông cha nhà thần đã dâng lễ triều cống trước tiên, tha cho thần cái tội to như đống gò, miễn cho thần khỏi bị giết chết bằng rìu búa, khiến thần được nối dõi ở cõi Nam, triều cống cửa trời.
Ngoài sự riêng sai bồi thần thân tín đem dâng tạ biểu và đưa đến kinh đô nộp trả ấn tín và người ngựa, nay xin đem danh sách và số mục kính cẩn tâu lên để nhà vua soi xét” (theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)
Bài biểu này cho thấy rằng dù chiến thắng lừng lẫy trong cuộc chiến, nước Đại Việt trong thời kỳ trung đại vẫn chưa bao giờ có được vị thế ngang hàng về mặt ngoại giao đối với các triều đại phương bắc, mà phải chấp nhận một mối quan hệ giữa nước nhỏ và nước lớn đặc trưng của thời kỳ này. Đi cùng với biểu cầu phong là các đồ cống phẩm, tượng người vàng, bạc cho đến ấn tín, hổ phù đã bắt được của tướng giặc và các tù binh đã bắt được trong cuộc chiến.
Về phía vua Minh, mặc dù thừa biết rằng những lời lẽ trong tờ biểu là không thật lòng, nhưng lại xét rằng một là quân tướng Lam Sơn đã biết giữ thể diện cho Minh triều, hai là nước Minh vừa chịu hao binh tổn tướng khá nhiều, nên vẫn phải xem xét kỹ lưỡng.
Lúc bấy giờ tại triều đình nước Minh lại diễn ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa. Trương Phụ là người tiêu biểu cho phe chủ chiến.Viên tướng này trước sau nhất quán theo đuổi chính sách thẳng tay đàn áp, đuổi cùng giết tận những quân dân Việt dám chống lại ách đô hộ nước Minh. Trương Phụ đã tâu với vua Minh rằng: “Quân sĩ khó nhọc đến vài năm mới lấy được đất ấy, sao lại nghe lời xin xảo quyệt của Lê Lợi, xin cứ cho quân đi đánh”
Bọn đình thần nước Minh là Kiển Nghĩa, Hà Nguyên Cát cũng theo đó nói: “Không có danh nghĩa gì mà bỏ đất, chỉ để thiên hạ thấy sự suy yếu của mình”
Chỉ có Dương Sĩ Kỳ là danh sĩ nổi tiếng nước Minh thời bấy giờ bàn rằng: “Từ năm Vĩnh Lạc đến nay, quân mỏi mệt, dân cùng khốn, không gì bằng theo y lời xin của địch, có thể chuyện họa ra phúc được, vả lại vua Thành Tổ sơ tâm là lập con cháu họ Trần, đó là việc thịnh đức, sao lại bảo là vô danh? Đời Hán bỏ Châu Nhai, tiền sử cho là vinh, sao lại bảo là thị nhược ?”(theo Việt Sử Tiêu Án)
Lúc mà đình thần nước Minh thảo luận việc đánh hay hòa thì tin tức Liễu Thăng, Mộc Thạnh bại trận vẫn chưa về tới. Vua Minh Tuyên Tông vốn đã muốn hòa, nhưng vẫn trông đợi vào thắng lợi của quân tiếp viện. Có thể thấy rằng dù trong trường hợp nào, quân dân ta vẫn phải giành được thắng lợi trên thực địa trước khi nói đến chuyện ngoại giao với kẻ xâm lược. Đến khi tin Liễu Thăng bại trận, vong mạng về đến Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc) ngay sau biểu cầu phong đến, thì vua tôi nước Minh mới phải chấp nhận rằng họ đã thua trong cuộc chiến này. Dù rằng tiềm lực của nước Minh vẫn còn nhiều, nhưng một khi thế quân Lam Sơn đã lên cao thì thiên binh vạn mã của nước Minh tiến sang cũng chỉ gây lầm than cho muôn dân, chứ hy vọng chiến thắng cho quân Minh vẫn là rất nhỏ. Vua Minh bèn theo đó sai người đem chiếu thư sang phong cho Trần Cảo làm “An Nam Quốc Vương”, chính thức khôi phục lại chủ quyền của người Việt. Vua Minh yêu cầu việc triều cống của nước ta phải theo lệ thời vua Chu Nguyên Chương, nhưng kèm theo việc cống người vàng, lấy cớ là “đền mạng’ cho Liễu Thăng (!?)
Việc ngoại giao đã xong cũng là lúc vấn đề nội bộ cần giải quyết. Từ lúc nghĩa quân Lam Sơn phất cờ đánh đuổi quân Minh cho đến lúc thiên hạ đại định thì Bình Định vương Lê Lợi là người chỉ huy tối cao. Nhưng trên danh nghĩa, Trần Cảo vẫn là vua để tiện việc bang giao với phương bắc. Khi mọi sự đã yên ổn, quần thần đều không phục Trần Cảo, lòng chỉ hướng về Lê Lợi. Cảo lấy làm sợ nên bỏ trốn. Lê Lợi cho người đuổi bắt, rồi giết đi.
Sau đó, ngày 29.4.1428, Lê Lợi theo sự suy tôn của các quan văn võ, chính thức lên ngồi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, kiến lập triều Lê, sử gọi là nhà Hậu Lê. Tên nước Đại Việt chính thức được khôi phục, thành Đông Quan được khôi phục lại tên cũ là thành Đông Đô, được chọn làm kinh đô nước Đại Việt mới. Lê Lợi, tức vua Lê Thái Tổ trong sách sử cho ban hành Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi thay mặt ngài soạn thảo để bố cáo cho muôn dân sứ mạng đánh đuổi giặc đã hoàn thành, đất nước đã được tái sinh. Từ đây, một nền thái bình thịnh trị được mở ra.
Quốc Huy