Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong năm 2025 là bao nhiêu?
Sau một thời gian dài nghiên cứu phân tích, Nghị quyết 28-NQ/TW đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ, điều này được thể chế hóa tại Bộ Luật Lao động năm 2019 và Luật BHXH năm 2024.
Theo Bộ Luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường năm 2025 đối với lao động nam là 61 tuổi 3 tháng, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường sẽ là 56 tuổi 8 tháng.
Liệu có thể hạ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ?
Mới đây, qua tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Ngãi; Thanh Hóa, có cử tri đã kiến nghị hạ tuổi nghỉ hưu cho nữ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước xuống còn 55 tuổi. Việc giảm tuổi nghỉ hưu sẽ phù hợp với tình hình sức khỏe và đảm bảo cho lao động nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho các sinh viên mới ra trường có việc làm.
Trả lời nội dung này, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết theo quy định của pháp luật về BHXH, để được hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH. Lý do là nhằm đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của người lao động, từ đó đảm bảo sự cân đối và bền vững lâu dài của quỹ BHXH.
Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ Luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghi hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt liên quan. Vì vậy, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, mà được điều chỉnh theo lộ trình. Theo đó, mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Ngoài ra, lao động nữ cũng được về hưu sớm 2 tuổi so với lao động nam, lần lượt là 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Chưa kể, đối với một số ngành nghề lao động làm việc trong điều kiện độc hại, lao động được phép nghỉ hưu sớm trước tuổi.
Bộ LĐTBXH khẳng định, việc tăng tuổi nghi hưu cũng đã xem xét đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động. Đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Cụ thể, có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi, tùy trường hợp.
Luật BHXH năm 2024 vừa có hiệu lực cũng quy định, lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm BHXH có thể nhận lương hưu. Trong điều kiện nếu chưa đủ tuổi về hưu, lao động có quyền được bảo lưu sổ BHXH đợi tới tuổi nghỉ hưu nhận lương hưu.