Hãy cho mình xin 3 phút kiên nhẫn của bạn, tiếp theo đây, dưới góc độ khoa học, mình sẽ hướng dẫn cho các bạn làm thế nào để phát huy năng lực của bạn hơn cả bình thường.
Lúc mình học lớp 12 thì lớp bên có một bạn gái, kỳ thi tháng nào cũng vững vàng đứng nhất. Đây là lần thứ 3 cô ấy ôn thi đại học. Hai lần trước cũng đều là người luôn có thành tích tốt nhất lớp, và đều trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
Chúng ta có thể sẽ lắc đầu, sau đó nhẹ nhàng mà nói ra câu “Tâm lý không vững vàng.”
Thực tế khi ngồi trong phòng thi, mỗi chúng ta đều có thể sinh ra tâm lý lo được lo mất, từ đó mà sinh ra tâm lý sợ sẽ thất bại, rồi ảnh hưởng đến kết quả làm bài, nhưng chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi.
1. Không chỉ là ở trong phòng thi mà thôi, bình thường chúng ta làm việc gì, hễ cần tập trung vào một mục tiêu, cần phải tiến hành kiểm tra mọi việc mà mình làm, thì chúng ta sẽ mất đi trạng thái thoải mái, tự tin, cả người đều trở nên căng thẳng.
Nếu khi bạn đọc sách, không vì mục đích nào cả, mà chỉ đơn thuần là tận hưởng quá trình đọc, thì mọi thứ tự nhiên sẽ trở nên tốt đẹp. Bạn sẽ đọc hết một quyển sách dày một cách trơn tru, dễ dàng.
Bỗng một ngày, bạn nghĩ xem mình đã rút ra được điều gì, lưu lại được gì trong đầu từ cuốn sách đó; bạn nghĩ cách để ghi chép lại, nghĩ cách để cải thiện tốc độ đọc. Khi đó, trong khi đọc, bạn sẽ dành một phần sự chú ý của mình để suy nghĩ và tự đặt câu hỏi liệu phương pháp làm của bạn có đang đúng hay không. Nó làm việc đọc sách trở nên khó khăn hơn, làm cho mọi thứ diễn ra không còn suôn sẻ nữa, bạn đã bước vào ván cờ với chính bản thân mình, và khi tự độc thoại và đối đầu, bạn sẽ không thể tập trung được vào vấn đề.
Hễ bạn nghĩ đến việc lo được lo mất và sợ bản thân bạn làm không tốt, thì chính việc lo lắng sẽ lãng phí thời gian và đem đến thất bại cho bạn.
2. “Những học sinh sợ rằng họ sẽ mắc lỗi trong kỳ thi có thể sẽ bị điểm kém hơn nữa, nguyên nhân chính ở việc họ lo lắng. Vì sao lại vậy? Điều này có thể là do họ đã lãng phí một phần lớn dung lượng trí nhớ vào việc theo dõi hoạt động của chính mình( Mình có đang làm tốt không? Mình mắc lỗi gì sao?) trong khi dung lượng trí nhớ được phân bổ để trả lời các câu hỏi trong bài kiểm tra thì ít hơn.”
– Theo Peter Brown – “Bản chất của nhận thức”
Ở đây mình cần giải thích một chút về trí nhớ ngắn hạn, nó để chỉ một hệ thống trí nhớ dùng để lưu trữ tạm thời thông tin và xử lý thông tin trong quá trình giải quyết vấn đề.
Trí nhớ ngắn hạn giống như một trạm trung gian, và dung lượng của nó có hạn. Chúng ta trích xuất thông tin cần thiết từ trí nhớ dài hạn, lưu trữ và xử lý nó ở trí nhớ ngắn hạn, sau khi xử lý xong, chúng ta sẽ có được câu trả lời cho câu hỏi hiện tại.Sau khi giải quyết một vấn đề, chúng ta có thể tiến hành xử lý làn sóng thông tin tiếp theo.
Ví dụ, để hoàn thành phép tính nhẩm 2x4x5x6, trước tiên bạn phải nhớ rằng 2×4 bằng 8, sau đó nhớ rằng 8×5 bằng 40 để thực hiện phép tính tiếp theo một cách suôn sẻ. Khi đó, 8 và 40 được lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn.
– Theo Bành Đam Linh – “Tâm lý học đại cương”
Dung lượng thông tin mà trí nhớ ngắn hạn có thể lưu trữ và xử lý càng nhiều, có nghĩa là khả năng giải quyết cấn đề của bạn càng mạnh, hoặc chỉ số IQ của bạn càng cao. Cách để tăng dung lượng của trí nhớ ngắn hạn là khoá nó lại.
3. Bây giờ thì dễ hiểu hơn rồi, vì dung lượng của trí nhớ ngắn hạn có hạn, nên khi bạn phân bổ một phần dung lượng cho việc tự giám sát bản thân, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn.
Cuốn “Bản chất của nhận thức” đã nhắc đến một thí nghiệm: Các nhà nghiên cứu đã tuyển một nhóm học sinh lớp 6 người Pháp để thực hiện một bài kiểm tra. Kết quả là, những đứa trẻ được dạy rằng mắc lỗi là một việc bình thường trong quá trình học tập có khả năng sử dụng trí nhớ ngắn hạn tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ khác. Bởi chúng đã không lãng phí dung lượng trí nhớ của mình vào cái gọi là mức độ khó của nhiệm vụ.
Về điểm này, mình có một chút kinh nghiệm cá nhân, tuy chỉ là một ví dụ nhưng nó khá giá trị. Mình muốn nhắc đến trải nghiệm của mình vào kỳ thi tháng thứ 3 trong năm lớp 12, những lần trước đó tổng điểm của mình là 550 điểm. Trước kỳ thi tháng đó, mình đã dành rất nhiều thời gian chỉ để lo sợ, bối rồi. Mình đã cực kỳ lo lắng và cảm thấy mình sẽ thi không tốt, sẽ bị cô giáo chủ nhiệm mắng.
Với tất cả những suy nghĩ tuyệt vọng đó, mình đã không còn đặt ra bất kỳ kỳ vọng nào cho bản thân. Khi làm bài thi, mình làm từng câu một, mặc dù câu nào mình cũng cảm thấy bản thân làm sai rồi, nhưng với suy nghĩ “thế nào cũng được”, mình làm hết câu này rồi đến câu khác; khi làm câu tiếp theo thì mình đã hoàn toàn quên câu trước đó.
Mình không còn quan tâm đến việc liệu tôi đã làm sai hay liệu kết quả có tệ ra sao. Sau đó, khi có kết quả, mình được hơn 650 điểm. Đó là bước ngoặt của cuộc sống cấp ba của mình, từ đó, mình trở thành học sinh đứng đầu. Đương nhiên, với tiền đề là mình phải có nền tảng nhất định. Trước khi lên cấp ba, về cơ bản, mình luôn đứng nhất trường. Nhưng với nền tảng như vậy, học lực cũng không đến nỗi, vậy mà khi vào cấp 3, mình đứng thứ 30 trong lớp trọng điểm. Mình luôn lo sợ, tự ti cho đến kỳ kiểm tra hàng tháng thứ 3 của năm lớp 12 ấy.
Có nền tảng là quan trọng, nhưng không phải đặc biệt quan trọng, dù sao thì sự thật là điểm của mình trước đó ở mức trung bình.
Nói cũng thật buồn cười, trước kỳ thi đó, lần nào vào phòng thi mình cũng vô cùng hoảng sợ. Thấy bạn bên cạnh lật sang trang, mình chưa đọc xong cũng vội lật sang trang. Nên khi đi thi ngồi cạnh bạn mình không quen, điều đầu tiên mình nghĩ trong đầu chính là: Thôi chết rồi, lại không thể tập trung làm bài.
Bây giờ, với lý thuyết về sự phân bổ của trí nhớ ngắn hạn, có thể giải thích cho sự may mắn khó giải thích được của lần đó.
Để các bạn hiểu rõ hơn, mình sẽ chia thành 2 mục sau:
– Khi viết văn, mỗi khi viết được câu nào, đều cảm thấy bản thân viết rất tệ, viết được một này, lại muốn sửa lại đoạn trước. Không viết nổi, không nghĩ ra nổi để viết.Đừng nên nghĩ về việc bạn viết có hay không, chỉ cần làm theo mạch suy nghĩ của bạn và viết câu tiếp theo.Khi mọi thứ đã hoàn thành, bạn có thể kiểm tra lại để xem mình đã làm chưa tốt chỗ nào.
– Nếu bạn luôn suy nghĩ về việc bạn cư xử đã đủ tốt khi giao tiếp với mọi người hay chưa, hay những gì bạn nói có phù hợp hay không, thì bạn coi như xong rồi. Cả người bạn không còn được tự nhiên nữa, và điều đó làm cho bạn không thể diễn đạt những gì mình muốn nói một cách thoải mái. Điều này có thể được giải thích bằng cách phân đổ trí nhớ ngắn hạn.
4. Mình và bạn đều biết rằng: bình thường khi chúng ta đọc sách, làm bài tập, học hành, làm việc hay làm bất cứ việc gì, thường do dự: Phương pháp này có đúng hay không? Điều này có ổn hay không? Việc này có phải phí công vô ích hay không? Vừa nãy làm tệ quá đi…
Thời gian thực sự làm việc đó cũng không nhiều bằng thời gian bạn giám sát bản thân.
Cứ làm đi, đừng luôn cứ quay lại xem mình vừa làm gì. Khi bạn bận tâm quá nhiều vào việc đánh giá và sửa chữa bản thân, bạn không thể phát huy một cách bình thường, và thậm chí bạn cũng không đạt đến trình độ mà mình đang có.
Khi làm mọi việc, đừng nghĩ nhiều; khi làm xong hết, hẵng nghĩ lại. hãy trân trọng trí nhớ ngắn hạn của bạn.
Khi làm bài thi, hãy hoàn thành câu hỏi này trước khi làm câu hỏi tiếp theo; khi làm câu tiếp theo, hay quên đi câu trước đó. Đừng nghĩ đến việc bạn có thể thi được bao nhiêu điểm, đừng đánh giá xem bạn làm bài đó có tốt hay không. Nếu bạn có thể làm được điều này, bạn thực sự có thể phát huy hơn cả mức bình thường nữa.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Chúc bạn có một kết quả thật tốt trong kỳ thi sắp tới.