LÀM THẾ NÀO ĐỂ KỂ MỘT CÂU CHUYỆN HAY?

Làm thế nào để viết hay? Nói hay? Làm thế nào để có một-câu-chuyện-được-ghi-nhớ-suốt-đời? Làm thế nào để khi bạn kể người ta biết đó là câu chuyện của bạn, do bạn kể, được kể với thật nhiều chân tình và thương mến bên trong?

Hồi đi làm mình hay quan sát phòng Marketing và Human Resources. Có thể vì các chị váy ngắn mông cong, nhưng lí do chính là cách họ nói chuyện và thuyết phục người khác. Kiểu kiểu thế này:

– Chị ơi tiền dự án bao giờ về?

– Sắp rồi em.

– Nhưng em…

– Sao vầy em, thiếu tiền đi chơi với bạn ha? Hồi chị mới đi làm cũng thiếu trước thiếu sau suốt, đến nỗi đi chơi toàn để bạn trả nè. Bọn nó nhìn mặt chị thấy tội nghiệp quá nên quyết định bao luôn.

– …

– Hồi đó xìu xịu đến nỗi ny chị quyết định cưa để “bao” chị luôn cho tiện. Vừa có việc vừa có người yêu luôn đó. Em làm đây cũng lâu rồi mà quên hỏi em có người yêu chưa?

Thế đấy. Câu chuyện bắt đầu từ việc tiền nong (thật ra là đòi tiền thưởng – một việc tế nhị), một cách vô tình và duyên đáng đã chuyển sang một chủ đề tinh tế và đầy chất thơ: tình yêu. Thay vì bảo công ty đang dồn dự án nên các em cứ chịu “khó” mà chờ, họ kể một câu chuyện mà trong đó chúng ta thấy sự gần gũi và vinh quang trong cái “khó” đó. Họ chia sẻ và không áp đặt, quan trọng hơn, câu chuyện của họ có sức nặng đủ để tạo cảm giác, biến cái “tôi” và “bạn” thành “chúng ta”. Chị phòng nhân sự sau đó ngồi kể rằng đi làm nhiều năm cũng gắn bó với công ty, thấy mọi người sốt ruột chị cũng lo và mong lắm. Nhìn chị cũng lo lắng và nghĩ cho mọi người như vậy, nào ai dám đòi! Đến một mức độ trải nghiệm nào đó thì mỗi câu chuyện là một tài sản cá nhân – một thứ tài sản đặc biệt! 

Vậy một câu chuyện hấp dẫn cần những gì?

Thứ gì là thứ có sức sống nhất Trái Đất này? Thứ có thể hồi sinh từ một mảnh vụn nhỏ và phát triển với tốc độ thần kỳ? Có thể thay đổi và điều khiển vật thể theo những cách phi thường nhất? Cũng có thể tước đoạt và phá hủy vật thể theo những cách toàn diện nhất? Thứ gì bám giữ chúng ta lâu nhất?

 Đó là ý tưởng.

Chúng ta luôn bị thôi thúc bởi ý tưởng về một cái gì đó mới lạ. Khi gặp một ý niệm mới, não bộ chúng ta phải phân tích kĩ càng và vì thế ý niệm đó được ghi nhớ trong đầu. Những ý tưởng và suy tư đầu tiên sẽ hình thành ý thức của chúng ta về một sự vật, sự việc nào đó.

Phân tích trường hợp của mình. Lúc đó mình mới ra trường, chưa biết nhiều về cuộc sống một người trẻ đi làm. Cách chị nhân sự kể về cuộc sống của chị làm mình tò mò và ngạc nhiên. Cuộc sống một người trẻ đi làm là một ý tưởng mới khiến mình bị thu hút. Giả sử mình đã đi làm được 5 năm thì rõ ràng ý niệm này không còn hấp dẫn được mình. Mình sẽ thẳng toẹt “Đậu xanh tiền dự án của em đâu, em còn mẹ già em nhỏ ở nhà”. Có phải đến một lúc nào đó thì chúng ta luôn huỵch toẹt thẳng thắn với nhau?

 Thứ hai là sự đồng cảm.

Ở đây có ai đọc một bài báo 5000 chữ mà nhớ được ý của cả 5000 chữ đấy? Hay các bạn chỉ nhớ được một vài ý chính, chi tiết có liên quan đến bản thân. Chính xác hơn là các bạn tìm thấy bản thân trong 5000 chữ đó? 

Kể chuyện hay thuyết phục cũng vậy. Bạn phải làm người nghe thấy bản thân trong câu chuyện bạn kể. Chúng ta sẽ không đọc một bài báo 5000 chữ đoạt giải Pulitzer nếu thấy nó không liên quan, nhưng lại sẵn lòng nghe một lời thủ thỉ “Hồi chị mới đi làm cũng thiếu trước thiếu sau suốt, đến nỗi đi chơi toàn để bạn trả nè”.

 Thứ ba là một chút kịch tính.

“Hồi đó xìu xịu đến nỗi người yêu chị quyết định cưa để “bao” chị luôn cho tiện. Vừa có việc vừa có người yêu luôn đó”.

Đủ kịch tính để mình ngạc nhiên rồi trợn mắt mà lắng nghe. Kịch tính là cách để xóa đi những nghi ngờ/ chống cự trong suy nghĩ người nghe. Một cách để “reset” đầu óc người nghe và làm họ “hồn nhiên”.  Hãy xem xét một ví dụ từ It’s Happened to be Vietnam:

“Hồi đó tụi mình mới gặp mặt nhau được chắc một lần hay sao đó, chỉ nói chuyện nhiều trên Facebook chứ còn chưa đi chơi với nhau nữa. Có một bữa đang ngồi làm việc trên văn phòng thì thấy ảnh nhắn tin hỏi “Em, ăn súp cua nhà thờ Đức Bà không, anh đem qua cho”. Thấy cũng là lạ tại không có thân tới mức đó nhưng ảnh gọi đi xuống dưới nhận thì cũng vui vui. Ý mình là làm sao có thể nói không với súp cua đúng không, haha. Ảnh đưa ly súp xong nói “của em có trứng bách thảo là 20 ngàn nè”. Mình đưa tiền, ảnh lấy thiệt, rồi lên xe tỉnh bơ đi mất. Một mình đứng ở Nguyễn Huệ, tay cầm ly súp mà bối rối nhiều… 12 tháng sau ảnh cầu hôn ở Chiang Mai và thử đoán gì đi.

– Sao?

– Nhẫn đeo không vừa”

Một số người cho rằng kịch tính là cần thiết cho một câu chuyện hay. Điều này phụ thuộc vào thông điệp cũng như cách dẫn dắt câu chuyện. Ví dụ chúng ta có thể kể một câu chuyện đời thường theo một góc nhìn hoặc cách tiếp cận độc đáo, hoặc kể một câu chuyện đáng ngạc nhiên theo lối dẫn nhập đơn giản nhẹ nhàng. Chúng ta có thể sử dụng văn phong hài hước, “hài hước” là cách hay nhất để kể về những thứ “sâu sắc”. Hãy tưởng tượng một câu chuyện như một bức tranh gồm đường nét chính và nhiều khối màu. Hãy gia giảm màu sắc (phương pháp kể) để truyền đạt đúng tinh thần câu chuyện (đường nét khối hình bức tranh).

Chúng ta cũng có thể sử dụng văn phong ngắn gọn để truyền đạt hay kể về những sư việc mang tính chất tiếp nối/ hồi tưởng. Cách kể hay văn phong sử dụng đều cần những khả năng nhất định. Hài hước hay ngắn gọn rõ ràng đều là biểu hiện của trí thông minh xã hội. Chúng ta không sinh ra đã tự nhiên vậy, chúng ta học cách hài hước và rõ ràng để đương đầu với nghịch cảnh.

Tuy nhiên đây là những yếu tố mang tính cá nhân. Vì thế nên việc đánh giá cũng là cảm nhận cá nhân. Có thể bạn sẽ ký được hợp đồng bán hàng ngay buổi đầu tiên. Có thể bạn sẽ cưa được crush ngay buổi đầu tiên. Cũng có thể ngay từ buổi đầu bạn đã bị đóng nhãn “vô duyên” lên trán. Một bước lên trời hoặc một đời dưới vực. Thành công luôn đi kèm rủi ro, và vì thế thành công mới có giá trị. Dũng cảm lên thôi!

 Cuối cùng là hãy kể một câu chuyện thật. 

Những điều trên để tạo ra ấn tượng. Chúng ta cần ý tưởng, sự đồng cảm, phong cách. Còn thiện cảm thì sao?

Nó dẫn đến điều cuối cùng và quan trọng nhất, hãy kể một câu chuyện thật. Nếu không biết nói gì hãy nói thật. Rằng bạn không biết nói gì nên sẽ vui lòng lắng nghe. Rằng bạn đã chuẩn bị nhiều lời hay ho, nhiều chủ đề hấp dẫn nhưng quên mất rồi. Rằng nếu buổi nói chuyện này thất bại thì bạn có thể có cơ hội thứ hai không? Rằng bạn đã vô ý không chuẩn bị cho buổi họp nên có thể gửi những thông tin còn thiếu vào buổi tối? 

Rằng giờ đầu bạn chỉ có câu chuyện tuổi thơ về cây thông ngốc nghếch lớn lên cạnh một dòng sông. Rằng bạn từng ước ao bạn là một cây thông đứng cạnh một dòng sông. Rằng bạn đã khóc khi hiểu ra rằng cây thông không thể lớn lên cạnh một dòng sông. Rằng tất cả điều đó mới ngu ngốc làm sao so với câu chuyện tuyệt vời mà bạn vừa được nghe về những người vĩ đại ngoài kia, những người đang dời non lấp bể và có thể trồng một triệu cây thông, nếu họ muốn. 

Một câu chuyện hay sẽ được ghi nhớ. Một câu chuyện thật sẽ tiếp tục sống. Đôi khi ta không biết nói gì, làm gì và mọi thứ cứ ngốc nghếch diễn ra? Có bao giờ bạn nghĩ rằng chính những cái không biết đó mới là cái thật của bạn, và vì thế, bạn vẫn đang sống và sống rất hiên ngang?

Và câu chuyện của bạn, vẫn đang viết, đang được kể, được tò mò lắng nghe, và luôn sống.

Theo Jenny

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *