Có thể bạn đang thắc mắc làm sao để phân biệt được hai vấn đề trên? Đặc biệt là khi bạn cũng cảm thấy bạn cũng đang lo âu quá nhiều.
Đầu tiên, bạn phải hiểu rằng sự lo âu hay cảm giác lo lắng không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Đôi khi nó có thể giúp chúng ta chuẩn bị mọi thứ cẩn thận hơn hoặc giữ cảnh giác trong những tình huống nguy hiểm. Lo âu cũng là một phản ứng bình thường đối với các căng thẳng đang diễn ra xung quanh bạn. Nhưng rối loạn lo âu không phải là một phản ứng thường thấy khi căng thẳng xảy ra.
Có 2 điều giúp bạn có thể phân biệt giữa rối loạn lo âu, trái ngược với việc chỉ cảm thấy lo lắng:
- Phản ứng lo lắng diễn ra nghiêm trọng hoặc thái quá hơn so với hoàn cảnh và không phù hợp với lứa tuổi.
- Làm suy yếu khả năng hoạt động bình thường trong cuộc sống.
Một phát hiện phổ biến khác về chứng rối loạn lo âu còn là phản ứng bất thường và quá mức dự đoán khi phải đối mặt với một điều không chắc chắn.
Cuộc sống đâu biết được chữ “ngờ” vì nếu biết trước thì ai cũng giàu to. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những điều chưa biết trong cuộc sống của mình. Nhưng với những người mắc chứng rối loạn lo âu, họ sẽ thường dự đoán trước các kết quả tiềm ẩn và những dự đoán ấy lại có phần “không tương xứng” với sự kiện thực tế. Lo lắng “bất thường” này được định nghĩa bởi những mối lo âu quá mức và diễn ra dai dẳng, ngay cả khi không có gì phải căng thẳng hoặc lo lắng. Người mắc chứng rối loạn lo âu thường cố gắng né tránh thay vì chọn đối mặt giải quyết và có thể gây ra những điều khiến triệu chứng của họ thêm trầm trọng.
Một ví dụ cụ thể để bạn dễ tưởng tượng:
- Ví dụ như bạn thức dậy vào buổi sáng và biết rằng mình sẽ phải làm bài kiểm tra toán trong vài tiếng nữa thì việc bạn cảm thấy lo lắng hay hồi hộp là hết sức bình thường. Tim của bạn có thể đập nhanh hơn và dạ dày nôn nao trong lúc bạn suy nghĩ về những kết quả sau buổi kiểm tra. Nhưng khi bài kiểm tra kết thúc, bạn cảm thấy thoải mái hơn và thể chất trở lại bình thường.
- Nhưng nếu bạn thức dậy vào buổi sáng mà không có bất cứ lí do hay dấu hiệu gì (như phải làm một bài test) để bạn tin rằng có điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra với bạn hay bất kì ai, và nó khiến bạn phải suy nghĩ cả một ngày dài và có thể tiếp tục suy diễn thêm vào ngày hôm sau nữa thì đó có thể là một dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu. Các dấu hiệu thể chất có thể xảy ra như đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, khó ngủ hay gặp các vấn đề về tiêu hóa.
(Nguồn: Healthline)
(Nguồn ảnh: resetyoureveryday)
