lam-giau-nho-gay-dung-lai-thuong-hieu-ca-nuong-rom-dai-huu

Làm giàu nhờ gây dựng lại thương hiệu cá nướng rơm Đại Hữu

Xây dựng thương hiệu cho cá nướng rơm Đại Hữu (Ninh Bình). VD: N.T

Hy vọng tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng quê chiêm trũng xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, từ khi còn nhỏ, chị Đào Thị Tuyết đã quen với những hương vị đồng nội, trong đó có món cá nướng rơm. Trong kí ức tuổi thơ của chị Tuyết, món cá nướng rơm chỉ được làm vào mỗi dịp nhà có giỗ chạp, hay Tết đến xuân về.

 Chị Đào Thị Tuyết trải lòng: “Mỗi khi làm món cá nướng rơm, kí ức tuổi thơ trong mình lại ùa về. Chỉ mỗi dịp nhà có việc, hoặc Tết đến, bố mẹ mới làm cho mình ăn. Đó là thứ hương vị tình thân, rất ấm cúng. Mùi khói khiến mình cay mắt, mình nhớ những kỉ niệm với gia đình, tuổi thơ chỉ như vừa mới hôm qua”.

làm giàu

Món cá được làm từ những con cá trắm ốc, to nặng từ 5-8 kg. Ảnh: N.T

Món cá nướng rơm được làm rất cầu kỳ. Loại cá dùng để nướng phải là cá trắm ốc – loại cá được nuôi phổ biến ở vùng chiêm trũng Gia Viễn, thức ăn của chúng là các loài ốc tự nhiên đánh bắt được trong vùng. Bởi vậy, cá trắm ốc có thớ thịt dày, rắn chắc hơn so với các loại cá khác. Để có thể chế biến món cá nướng rơm thơm ngon cần tới hàng chục loại gia vị, rồi ủ trấu trong suốt 7 tiếng đồng hồ. Chính sự cầu kỳ của món ăn này đã khiến nhiều người dân không còn mặn mà. Món ăn “vang bóng một thời” dần bị lãng quên. Từ ký ức ấy, năm 2015 chị nảy sinh ý định nuôi trồng thủy hải sản gắn với phát triển sinh kế bản địa.

Ông Tạ Xuân Lãnh – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cho biết từ năm 2015 trở lại đây, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn đã chú trọng tập trung phát triển chăn nuôi thủy sản để tạo việc làm bền vững cho người dân địa phương. Hiện địa bàn có 496 ha đất nông nghiệp, trong đó 70ha phục vụ nuôi trồng thủy sản từ năm 2015 trở lại đây. Những năm qua, địa phương đã chú trọng nuôi trồng thuỷ sản để phục vụ cho hoạt động du lịch tại tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sản phẩm thuỷ sản chủ yếu xuất bán cho thương lái, do đó, xã Gia Phương cũng chưa có sản phẩm chế biến từ thuỷ sản.

cá nướng rơm

Chị Đào Thị Tuyết đang từng bước xây dựng thương hiệu cá nướng rơm Đại Hữu. Ảnh: N.T

Nhận thấy nguồn lợi thủy sản dồi dào, trong khi đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, chị Đào Thị Tuyết đã quyết tâm khôi phục món cá nướng rơm Đại Hữu, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Chị Tuyết thông tin thêm: “Hiện nay gia đình nhà tôi có 3 ao nuôi cá với 6.000 con cá các loại như cá trắm ốc, chép, trôi, mè…Cá nuôi để làm cá nướng phải là con cá trắm ốc, vì nó chắc thịt, rai ngon. Một con cá trắm ốc đạt đủ độ nướng phải nuôi tầm 3 – 4 năm, trọng lượng từ  5- 9kg. Tuy nhiên, thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm để thành chuỗi liên kết tiêu thụ, giúp bà con nuôi trồng thủy sản không phải lo đầu ra”.

Từng bước xây dựng thương hiệu cho món “cá nướng rơm Đại Hữu”

Để nâng tầm sản phẩm địa phương, đầu năm 2023, chị Đào Thị Tuyết quyết định đưa sản phẩm cá nướng rơm Đại Hữu đi xa hơn để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Chị đã đăng ký nhãn hiệu cho món cá nướng rơm Đại Hữu, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đồng thời tìm kiếm những loại bao bì thân thiện môi trường để tạo ấn tượng đặc biệt món cá nướng rơm.

Làm giàu nhờ gây dựng lại thương hiệu cá nướng rơm Đại Hữu - Ảnh 4.

Món cá nướng rơm Đại Hữu được chế biến công phu, nướng 6-7 tiếng chia làm nhiều lần. Ảnh: N.T

Sản phẩm cá nướng rơm sẽ được bọc giấy bạc sau đó đưa vào những chiếc hộp đựng bằng mo cau, được buộc bằng lạt rơm rồi hút chân không gửi tới các khách hàng gần xa trên cả nước. Mỗi kg cá thành phẩm có giá 300 nghìn đồng, bảo quản lạnh trong vòng 10 ngày và được ăn nguội không cần qua chế biến.

Hiện tại cơ sở của chị đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình 5 – 6 triệu đồng/ tháng. Ước tính mỗi tháng, doanh thu từ cá nướng rơm đạt được khoảng 2 – 2,5 tạ cá thành phẩm. Doanh thu mỗi tháng từ 60-70 triệu đồng.

Đến nay, món cá nướng rơm Đại Hữu đã trở thành sản phẩm quà biếu của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đồng thời những sản phẩm cá nướng rơm đã dần tiếp cận khách hàng ở các tỉnh lân cận Ninh Bình và vươn tới Thủ đô Hà Nội.

cá nướng rơm Đại Hữu

Sản phẩm được đựng trong chiếc hộp mo cau, sau đó hút chân không. Ảnh: NN

Trong thời gian tới, chị Đào Thị Tuyết cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tham gia dự thi chương trình OCOP để nâng tầm thương hiệu của món ăn dân dã vùng trũng Gia Viễn.

Không đơn thuần chỉ là một món ăn, chị Tuyết mong muốn trải nghiệm cá nướng rơm sẽ trở thành một phần trong tour du lịch về làng khám phá những giá trị văn hóa lịch sử trên quê hương chị, đồng thời gợi nhớ về miền ký ức tuổi thơ của mỗi người.

Từ món ăn dân dã nơi đồng nội, chị Đào Thị Tuyết đã nỗ lực đưa cá nướng rơm trở thành sản phẩm chủ lực gắn với phát triển du lịch văn hóa lịch sử tại địa phương. Đồng thời cũng là kênh tạo việc làm bền vững cho lao động tại địa phương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *