Ngày nay, việc trở thành một “khoa học gia như Faraday” thường được coi là bất khả thi vì nhiều lý do. Đa phần các lí do ấy xuất phát từ sự thực rằng khoa học đã thay đổi rất nhiều so với hồi đầu thế kỷ 19.
Người ta thường lấy Faraday làm ví dụ cho một khoa học gia ‘thuần vật lý’, song cũng là một người chưa bao giờ được đào tạo bài bản, và còn chẳng bao giờ dùng tới toán học trong các nghiên cứu của mình. Điều này trông thế mà lại đúng cơ đấy, họ đồn rằng ông còn chẳng biết đến hàm lượng giác!
Tôi hay gặp nhiều người muốn trở thành vật lý gia mà không học bài bản, họ có những lý thuyết vật lý riêng của mình (thường chẳng hề có một tính toán cụ thể nào hết!) và khi tôi nói về tầm quan trọng của việc học toán và vật lý trước khi bạn có thể đóng góp được cho vật lý thì, họ sẽ lôi Faraday ra làm phản ví dụ ngay — sau cùng thì, ông đã làm được rất nhiều điều mà không hề được dạy về vật lý, tôi là ai mà dám nói rằng những người đó không phải là Faraday thứ hai cơ chứ?
Song như tôi đã trình bày, vấn đề là, bây giờ không còn là năm 1825 nữa rồi.
Hồi đấy, vật lý và hóa học vẫn còn rất sơ khai nhé. Không phải là không thể, song vẫn cực kỳ khó khăn cho ai đó muốn học hết phần kiến thức lý hóa hiện có lúc bấy giờ — và thực tế đã ghi nhận khá nhiều người ‘biết tuốt’ cho đến tận những năm 1830. Vào thời điểm đó thì, việc bắt kịp với những tiến bộ của khoa học chỉ đơn giản là phải sát sao với vài chục người danh tiếng mà thôi.
Nếu ngay lúc này, bạn nói với một vật lý gia rằng mình muốn học được hết mọi thứ về vật lý, có lẽ họ sẽ cười vào mặt bạn đấy. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, giờ đây vật lý đã phát triển với khối lượng khổng lồ. Thậm chí ta còn chẳng thể bắt kịp với những tiến bộ mới nhất của một ngành con bởi số lượng lớn các bài báo được công bố chứ đừng nói tới chuyện hiểu biết được thêm nhiều ngành con khác!
Newton từng nói thì khoa học cần ‘đứng trên vai của người khổng lồ’ — mọi khám phá mới xuất phát từ những gì có sẵn trước đó, ngay cả khi nó mâu thuẫn, thậm chí phủ nhận công trình đó. Để hiểu được động lực cũng như ý nghĩa đằng sau các ý tưởng mới, trước hết ta cần trực nhận được động lực của các ý tưởng cũ. Bạn không thể nhảy tuột tới kết luận sau cùng mà không cần tìm hiểu rằng tại sao một ngành lại phát triển theo con đường này được.
Những ngày đẹp trời trong đó bạn chỉ cần vài quyển sách giáo trình, vài bài giảng là có thể hiểu được vật lý hiện đại đã trôi đi rất xa rồi.
Ví dụ, nếu muốn có đủ kiến thức vật lý để nghiên cứu về các sao neutron, đầu tiên bạn cần tìm hiểu các định luật về quỹ đạo do Kepler phát hiện ra vào các năm 1610, các định luật hấp dẫn và cơ học do Newton phát hiện vào năm 1690, phần điện từ do Faraday, Maxwell,… phát hiện trong giai đoạn 1810 – 1880, thuyết tương đối của Einstein vào giai đoạn 1905 – 1915, vật lý lượng tử hồi 1899 – 1930, cơ học thống kê do Einstein, Bose, Fermi, và Dirac xây dựng dựa trên vật lý lượng tử hồi 1924 – 1926 và vật lý hạ nguyên tử được phát triển từ sau năm 1930.
Tới lúc ấy bạn mới hiểu được kiến thức ẩn sau một ngôi sao neutron — và thậm chí bạn còn chưa tìm hiểu đủ phần kiến thức thiên văn để có thể trình bày hiểu biết về sao neutron theo cách thuyết phục!
Vậy, nếu một người chưa từng được đào tạo bài bản tới gặp tôi và nói rằng họ có một lý thuyết mới liên quan tới sao neutron thì sẽ thế nào à? Bạn có thể hiểu tại sao các vật lý gia lại tỏ ra khá ngờ vực lúc được giới thiệu về các lý thuyết mới này, đặc biệt khi chúng được những người cho rằng phần toán học chỉ bao gồm một vài phép cộng nho nhỏ ở cuối mà thôi.
Dù không muốn, song cũng cần thừa nhận rằng khi khoa học dần phát triển, các khoa học gia buộc phải trở nên chuyên biệt hơn. Và khi vật lý ngày đi sâu, ta sẽ cần phải làm nhiều việc hơn nữa để có thể thực sự đạt được bất kỳ kết quả nào, từ đó họ có thời gian để khám phá các ý tưởng mới mẻ ngoài những gì mình thích.
Như hệ quả tất yếu, người ta cho rằng thời đại của các khoa học gia ‘đơn thương độc mã’ đã qua rồi.
Hãy cứ nghĩ về những cái tên nổi tiếng mà bạn biết đi — Einstein, Newton, Faraday, Dirac, vv — họ đều làm việc một mình hoặc trong các nhóm nhỏ liên quan, để phá vỡ các giới hạn của kiến thức, thay đổi được hiện trạng.
Nhưng ai có thể là Einsteins ngày nay được đây? Người nào có thể một mình thay đổi cả thế giới được chứ? Tại sao lại chẳng thể có một Einstein khác?
Để trả lời được điều này, tôi muốn giới thiệu một trong những bài báo khoa học xuất sắc nhất trong những năm gần đây công bố về việc phát hiện Sóng Hấp Dẫn GW170817: Observation of Gravitational Waves from a Binary Neutron Star Inspiral, đặc biệt là phần tác giả nhé.
Danh sách kéo dài tới 141 dòng đấy. Mỗi dòng khoảng 8 người, vị chi là hơn 1000 người được ghi nhận có đóng góp để tạo nên được 1 bài báo này — chưa kể đến hàng ngàn công nhân và kỹ sư góp sức tạo nên nhiều thiết bị cần thiết để thực hiện việc quan sát!
Nếu bạn so sánh phát hiện này với hình ảnh Faraday đi lại trong phòng lab của mình để làm các thí nghiệm thì, khác biệt là khá rõ ràng đấy.
Còn cả LHC (Large Hadron Collider – máy gia tốc hạt lớn) nữa nhé. Ảnh này là một phần của nhóm LHC (tổng cộng có khoảng 1270 người) — một trong bảy nhóm liên quan tới LHC.
Những thí nghiệm này thuộc top đầu trong khoa học hiện đại và thuộc vào nhóm xuất sắc nhất.
Khác quá xa so với thời Faraday cặm cụi trong phòng lab, chỉ cần một người (và cả người hầu của ông ấy nữa) có thể phá vỡ giới hạn kiến thức chỉ bằng một vài thỏi nam châm cùng mấy cuộn dây.
Vật lý ngày nay đã phát triển tới mức nhiều dự án quan trọng bậc nhất chỉ có thể được thực hiện bởi hàng ngàn người làm việc đồng lòng vì một mục tiêu chung.
Nói vậy không có nghĩa rằng nhiều cá nhân không có vai trò gì trong việc thúc đẩy sự phát triển. Song cái ngày mà một khoa học gia có thể tự mình phân tích mọi thứ mà nhân loại biết đến trong gara nhà mình vốn qua lâu rồi.
Faraday đã được sinh ra vào một khoảng thời gian tuyệt vời dành cho khoa học đấy.
Còn quá nhiều điều để khám phá, và một thiên tài không được đào tạo gì có thể bắt tay vào tìm hiểu mọi điều và không phạm phải sai lầm nào hết. Faraday thực sự là một thiên tài đấy, tôi không hề đánh giá thấp sự chăm chỉ và khéo léo của ông.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng Faraday và các công trình của ông là sản phẩm thuộc thời đại của ông – cái thời đã đến và cũng đã qua rồi ấy.
Vật lý (và tất nhiên, mọi ngành khoa học khác), đã có những bước nhảy vọt từ thời Faraday. Lượng kiến thức chúng ta có được về vũ trụ đã vượt quá tầm của Faraday và các đồng nghiệp ông.
Mặt trái của việc này là, trong quá trình ấy, những ‘trái dễ hái’ trên cái cây tri thức kia đều đã được vặt hết rồi. Cũng tại nơi mà một người từng có thể hái lượm được ấy, giờ đây các khoa học gia hiện đại phải làm việc đoàn kết cùng nhau để với được những tầm cao hơn.
Tôi không hề phủ nhận thành tựu của Faraday hay các khoa học gia hiện đại nhé. Song ta cần nhớ rằng tầm vóc của tri thức đã thay đổi, vì thế vai trò của mỗi người cũng vậy.
Cách duy nhất để trở thành một khoa học gia kiểu Faraday là đi ngược thời gian về thời kỳ đó. Bởi lẽ, dù gì đi chăng nữa, thời ấy cũng đã qua rồi.