Người ta nói “Trái đất tròn” để ám chỉ những cuộc gặp gỡ bất ngờ sau nhiều năm xa cách. Thật thế, tôi không ngờ là sau gần 50 năm, được gặp lại vợ người bạn thân từ nhỏ, mà không phải gặp mặt trực tiếp, chỉ nhìn qua hình gửi theo Messenger của Facebook, và nói chuyện qua điện thoại. Cũng không ngờ là người phụ nữ tương đối xinh đẹp và nhanh nhẹn năm xưa, bây giờ thì vô cùng tiều tụy, tóc bạc trắng phau, da mặt nhăn nhúm như cái bánh tráng nhúng nước, ngồi khòm lưng trên ghế, hai tay buông thả trên đùi, tưởng như nếu không có chỗ đỡ thì cả hai tay sẽ lìa vai và rơi thẳng xuống đất.
Tôi hỏi, “Sao? Bấy lâu, sống làm sao? Buôn bán gì không?”
Lan uể oải trả lời, “Buôn cái gì? Bán cái gì, già rồi! Sống qua ngày, chờ chết thôi.”
Lan, vợ của bạn tôi, là hiện thân của một số phận long đong, vất vả từ nhỏ và chắc chắn là sẽ chấm dứt trong sự cực khổ, không thể nào khá hơn. Từ năm 17 tuổi, Lan đã phải bán thân để nuôi mẹ và em, khi bố của Lan, một ông nghiện rượu, cờ bạc đã tiêu hết tiền bạc dành dụm từ việc buôn thúng bán bưng của mẹ Lan vào các chiếu bạc. Nợ nần chồng chất, suốt ngày bị chủ nợ đến réo chửi tơi bời, bố Lan đã bỏ trốn khỏi nhà để lại một bà vợ đau khổ, bệnh hoạn vì lo nghĩ và hai đứa con gái đang tuổi lớn, phải bỏ học để phụ mẹ bán rau cải, trái cây ngoài chợ. Thấy không thể sống trong hoàn cảnh phập phồng, lo toan từng đồng bạc mỗi ngày như thế, Lan bỏ quê lên Saigon, tìm việc làm, chẳng may lại sa vào chốn bán phấn buôn hương. Thôi, đành nhắm mắt đưa chân, miễn là có tiền gửi về cho mẹ và em sinh sống. Vào những năm 1964-1967, lính Mỹ tràn vào Việt Nam là cơ hội cho những cô gái bán thân bám vào để sống. Lan nhờ vào chút nhan sắc của mình cùng số vốn tiếng Anh lèo tèo học lỏm được từ các “Má Mì,” các mẹ chủ chứa:
“Hón Nì! Du oăn tu gô uýt me tu nai?” (Honey! You want to go with me tonight?)
Thế mà Lan đã kiếm được nhiều tiền qua các lần thay đổi các ông chồng hờ, người Mỹ đen, Đại Hàn, Phi Luật Tân, mỗi chàng ở lại với nàng chừng vài tháng lại chia tay vì phải đi theo đơn vị đến nơi khác. Duyên số đưa đẩy Lan đến thuê nhà của Khiêm, bạn tôi, ở Quận 3, Saigon.
Khiêm là bạn học của tôi từ năm Đệ Thất đến Đệ Nhị, rồi sau đó là cả quãng đời kế tiếp, hai thằng như hai cánh của một con chim, đi đâu cũng có nhau, cùng đạp xe đến trường học, cùng tán gái, cùng đánh bạc, đánh lộn, uống rượu, chơi bời.
Khi còn học lớp Đệ Nhị, có những lần đi học về, gặp mưa, hai thằng đạp xe lên cầu Trương Minh Giảng, vất xe xuống đất, tụt quần, thi nhau bắn súng nước về khắp bốn phương trời rồi cười vang đường phố. Ngày cuối tuần, không đi học, thì hai thằng đạp xe đi về ngoại ô, tìm những nơi đồng cỏ vắng vẻ, nằm lăn trên cỏ, nói chuyện về mấy cô nữ sinh học chung lớp.
Chúng tôi chia nhau từng đồng bạc, từng que kem, có nghĩa là coi nhau như linh hồn của nhau, ngày nào không gặp thì nhớ, chịu không được, lại phải mò đến nhà nhau. Do đó mà chuyện gia đình của nhau, hai thằng rõ như bàn tay của mình.
Nhà của Khiêm có gì quan trọng như giỗ, đám cưới cần người phụ là gọi tôi phóng đến ngay. Sau này, khi tôi khấm khá, chị Hai của Khiêm cần người đánh chắn, là gọi tôi, đôi khi đánh bạc thâu đêm suốt sáng, mệt quá thì lăn ra ngủ. Thức dậy, chơi bạc tiếp. Chị Hai vui vẻ, nấu cháo cho chúng tôi ăn. Đang chơi, mà đi tiểu, thì chị lại nói, “Coi chừng, làm cái cho người đi đái!”
Điều vui là nếu tôi thắng, thì tôi ẵm hết tiền rồi rủ Khiêm đi nhậu, nhưng nếu thua, thì Chị Hai của Khiêm lại cho lại dưới danh nghĩa là “tao cho mày mượn, nhớ trả nghe!” mà tôi nào có nhớ đến việc mượn tiền ai bao giờ! Những ngày vui đó là sau khi tôi đã có việc làm ngon lành, tiền lương xài một mình không hết, nhưng trước đó vài năm, thì không phải như vậy.
Sau khi thi đậu xong Tú Tài, tôi phải đi làm vì nhà tôi cũng không khá. mẹ tôi tần tảo dành dụm được một số tiền và vàng, nhưng lại bị kẻ xấu dụ dỗ đến vay và hứa là sẽ trả lãi cao. Nghe lời nịnh nọt ngon ngọt, mẹ tôi dốc túi ra cho vay hết, và không những thế, bà còn bảo lãnh đi vay giùm, gọi là “vay nợ đậy.” Đến khi kẻ lừa gạt kia trốn thì mẹ tôi phải gánh mấy món nợ của thiên hạ, nên bà phải bán căn nhà đang ở rộng rãi ở đường Trương Minh Giảng để “trả nợ đậy,” còn dư ít tiền, bà mua một căn nhà nhỏ hơn ở Xóm Mới, để nuôi heo, chăn vịt. Tôi đi kiếm việc không ra, phải đi bỏ báo sáng, rồi đi phụ bán thịt bò ở chợ Tân Định, từ sáng đến chiều, đứng nghe người gọi:
“Cậu ơi! Cho tôi cái vú kia! Cái nào đừng nhão nhé,” “Chặt cho tôi cái mông, ít lông,” hoặc “Lấy cho tôi cái cặc bò dài dài”…
Suốt ngày chỉ thấy “vú, mông, lông,…” tôi chán ngấy, liền bỏ đi lang thang. Biết tôi rách nhưng lại giỏi Anh Văn, nên ông anh họ làm Hiệu Trưởng ở một tỉnh nhỏ, gọi tôi cho đi dạy mấy lớp từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Cuộc đời tưởng như lên hương, ai ngờ những biến cố sau cuộc đảo chánh 1963 -1965, làm các trường học lao đao, vì học sinh bỏ học liên miên, các trường tư thiếu tiền, không trả lương các thầy, nên các thầy đói.
Tôi lại phải bỏ về Saigon. Tại Thủ Đô cũng không khá vì đảo chánh, giới nghiêm, thay đổi chính phủ liên miên, công ty đóng cửa, học trò thích biểu tình, xuống đường hơn là đi học, nên tôi kiếm việc nhưng không ra, đói liên miên. Có khi ba ngày không có gì bỏ bụng, tôi xỉu ngoài đường hoài.
Tính tôi tự ái, không muốn về nhà mẹ, không về anh, chị, nên tối ngủ ngoài hè, hoặc chui vào gầm xe đò, nằm thẳng cẳng. Có hôm suýt chết, vì xe đò nổ máy lùi ra mà tôi mệt quá, chẳng biết gì, nếu tài xế mà quẹo tay lái, là tôi dập ngực. Nghĩ lại thấy ớn, tôi đi lang thang tìm mấy cái xích lô đậu ngoài đường, lén leo lên ngủ ngồi.
Sau một thời gian, nhớ đến bạn, tôi mò về nhà Khiêm, nhưng không vào nhà, vì ngại mẹ Khiêm càu nhàu, tôi leo qua cổng nhỏ, bước nhẹ vào bên hông nhà, có một cái xích đu làm bằng những thanh gỗ ngang, treo bằng hai sợi dây xích sắt, tôi từ từ đút chân vào một khe hở của thanh sắt chắn bên hông, rồi từ từ chui đầu qua lỗ bên kia, nằm vắt ngang cái xích đu, chân thòng xuống đất, mà nhắm mắt, dỗ cơn ngủ.
Làm thế nhiều lần, bất ngờ một hôm tôi mê hoảng, giật mình dậy, gây tiếng động, Khiêm nghe thấy, mở cửa ra thấy tôi, mắng, “Mẹ kiếp! Sao mày không gọi tao?”
Rồi lôi tôi vào, đẩy tôi lên giường ngủ. Sáng dậy, Khiêm đưa tôi ra đường, mua cho tôi một ổ bánh mì thịt có “may-don-ne.” Tôi đớp ổ bánh mì còn nhanh hơn chó đớp thịt. Vèo một cái là xong. Thấy tôi mặc áo rách, Khiêm nhường cho tôi cái áo đẹp.
Nhìn đôi giầy rách của tôi, Khiêm bảo, “Mày vất mẹ nó đôi giầy đi. Lấy giầy tao mà đi!” Rồi Khiêm bảo tôi, mỗi tối cứ về nhà Khiêm mà ngủ, không được ngủ ngoài đường, có ngày thằng nào say rượu lái xe đụng chết!
Tình bạn chúng tôi mạnh như thế, nên khi tôi có việc làm tốt, là tôi chia xẻ với Khiêm tất cả. Đến khi Khiêm cũng thất nghiệp, tôi lội đi tìm việc cho Khiêm, bất kể khó khăn. Tính Khiêm ngang tàng, nên làm sở Saigon một thời gian là bị đuổi. Tôi phóng ra Vũng Tầu, tìm người quen, xin việc cho Khiêm rồi đẩy Khiêm ra đó làm. Từ đó, đời Khiêm lên hương. Nhưng cũng vì tính ngang, một hôm, vào sở, Khiêm để trong bụng ổ bánh mì, gặp an ninh hỏi “cái gì trong đó,” Khiêm cười nói, “Lựu đạn!” thế là Khiêm bị lôi vào phòng an ninh, rồi bị đuổi.
Khiêm về Saigon, tôi lại mò mẫm kiếm việc mới cho Khiêm, và dặn, “Mày liệu mà giữ cái mồm!” Khiêm cười không nói gì.
Từ đó, đời Khiêm vào ngõ quặt. Nhà Khiêm rộng, mẹ Khiêm cho Lan thuê căn phòng trước, với tiền thuê khá cao. Khiêm ngủ phòng trong. Lan dùng phòng ở của mình mà tiếp khách, lúc da trắng, lúc da đen… Khi tôi đến chơi, thì Lan đang độ ế, liền bạo miệng, rủ Khiêm và Lan đi chơi. Lan nhận lời, nhưng vì đi lẻ như thế thì không vui, Lan kêu cô hàng xóm ở nhà bên cạnh cùng đi. Thế là hai cặp dung dăng dung dẻ đi khắp Saigon, vào tiệm kem, nhà hàng, ăn bánh cuốn, cười nói ầm ĩ. Đi chơi cả ngày như thế, rồi chia tay, tôi về nhà, chẳng nhớ gì cả, nhưng không ngờ, hôm đó là ngày Khiêm mê Lan luôn.
Vài tuần sau, tôi đến nhà Khiêm chơi. Vừa thấy tôi bước vào, Lan bước ra, khều tôi vào trong phòng, ấn tôi ngồi xuống sa lông, rồi nói, “Ông nói giùm Khiêm cho tôi. Ông biết là tôi làm nghề này thì phải tiếp khách mới sống được. Mà không biết tự bao giờ, ông Khiêm ông ấy ghen! Mỗi khi có khách đến, ông ấy mang cái mặt chằm bằm ra, ngồi ngáng cửa, hút thuốc, làm khách hoảng sợ bỏ đi luôn! Hôm kia, lúc tôi đang có khách, ông ấy đi mua một lô bong bóng, rồi ngồi ngay cửa, hút thuốc lá rồi châm cho bóng nổ bùm bụp… Khách của tôi lại bỏ đi… chán quá! Điệu này, tôi đói đến nơi!”
Nghe Lan nói, tôi hoảng. Chết mẹ! Điệu này thằng này mê con Lan thật rồi! Nó mê điếm là mẹ nó giết chết! Chị nó sẽ từ nó luôn! Lấy ai không lấy, lại đi lấy đĩ! Thà lấy con nào một mắt, một tay, một chân, mà con nhà lành! Đằng này lấy đĩ mà là đĩ Mỹ nữa thì thôi, tan nát đời hoa. Tôi vội bước vào trong, gọi Khiêm ra, đi uống cà phê. Hai thằng lửng thửng ra quán cà phê trên đường ngồi. Gọi cà phê xong, tôi hất hàm, “Mày hồi này làm sao vậy? Có tỉnh táo không mà sao lại mê con điếm Mỹ thế?”
Lần đầu tiên trong đời, Khiêm chửi tôi liền, “Đ.M. chuyện của tao, tao lo. Mày đéo cần phải lên mặt dậy đời!”
Nghe Khiêm chửi, tôi lặng người đi. Thôi rồi! Đời bạn tôi tiêu tùng! Tôi ngồi im một lúc, tìm chữ mãi mới nói được, “Mày có biết điếm thì nay thằng này, mai thằng khác, mày mê nó, nó sẽ nắm tóc mày, quay mày như quay dế, rồi đá đít mày một phát là bay xa cả cây số! Biết không?”
Khiêm không thèm nói gì, chỉ rút điếu Salem ra hút, rồi nhả khói vào mặt tôi.
Một lúc sau, Khiêm hất hàm, “Còn gì để nói nữa không? Không có thì đi về!”
Thế là hết. Tôi biết là nói thêm thì sẽ mất bạn. Thôi, kệ mẹ nó. Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào! Người có số mệnh, tránh sao được.
Từ đó, không hiểu Khiêm làm cách nào mà dọn lên ở luôn với Lan, mà bà mẹ và các chị chịu phép, có lẽ họ biết tính ngang của thằng con. Một khi đã mê gái rồi thì khó gỡ. Khiêm ở chung với Lan như hai vợ chồng. Điều ngạc nhiên là sau khi Khiêm chính thức ở với Lan, thì cô điếm này lại ngoan như con thỏ, bỏ hết việc đi khách, và đi kiếm việc làm ở một cơ sở nào đó, hoàn toàn đổi mới. Tôi vẫn liên lạc với Khiêm, và đến nhà hai đứa, thì không còn trịch thượng với Lan nữa, vì cô nàng đã thành vợ của bạn tôi rồi, mà vợ bạn thì tương đương với chị mình, không được hỗn hào.
Cho đến sau 1975, tôi đi “học tập,” không như ngày xưa, Thanh Tịnh viết: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp..” mà chỉ là một mình lủi thủi gói hai bộ quần áo lót, khăn mặt, bàn chải đánh răng, vài viên thuốc cảm, đau bụng, và ho đến trình diện tại Trường Chu Văn An, nơi tôi đã học năm xưa, từng nhấc cánh cửa sổ, chui ra ngoài, trốn học, để nghe thấy tiếng mấy thằng bạn xóm nhà lá gào lên: “Thầy ơi! Thằng Tây chui cửa sổ” để ngày hôm sau, nhận cái dấu trừ to tướng trên bài làm của mình. Sau 6 năm “đi học,” về kiếm Khiêm ngay. Hai thằng trầm ngâm, nhìn nhau không nói. Cô “làm gái” ngày xưa vẫn chung thủy bên chồng, rót nước trà cho tôi uống như một người vợ hiền tiếp bạn chồng. Điều đáng phục là trong suốt bao nhiêu năm, Khiêm không có việc làm, Lan đã bán dần tư trang, vàng vòng, nhẫn xoàn để nuôi thằng chồng thất nghiệp.
Thời gian qua nhanh, bất ngờ, một hôm Khiêm đến nhà tôi, rủ tôi làm “cách mạng!” và đưa cho tôi xem một lô truyền đơn. Tôi ớn quá, trả lời Khiêm, “Tao mới ở tù ra, chưa biết sống thế nào, mày cho tao qua đi! Tao không muốn trở lại trại tù! Vợ con khổ lắm!”
Thế là Khiêm thôi, không rủ tôi nữa. Vài tháng sau, tôi nghe tin Khiêm bị bắt, bị án tù 8 năm! May cho tôi là nếu tôi nể bạn mà nhận lời thì tôi chết rũ trong tù, vì cải tạo về mà làm loạn thì tiêu đời. Trong 8 năm ấy, Lan vẫn cặm cụi đi nuôi chồng bằng những món ăn nghèo khổ, vì Lan cũng chỉ chạy đầu, chạy đuôi, kiếm ăn vớ vẩn.
Rồi tôi qua Mỹ. Bẵng đi một thời gian dài, không dám liên lạc gì với Khiêm, vì sợ gây lụy thêm cho Khiêm, tôi nghe tin Khiêm đã mất vì bệnh. Nghe tin Khiêm mất, tim tôi như thắt lại, hình như tim có ngừng đập một vài nhịp, hình như phổi tôi thiếu hơi trong vài nhịp. Nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống, nhớ lại những nụ cười sảng khoái của Khiêm, nhớ lại lúc hai thằng còn thi nhau tiểu xem thằng nào đái xa nhất, và biết bao kỷ niệm trùng trùng…
Để rồi bất ngờ, vài ngày trước đây, qua Facebook, gặp ngay cô hàng xóm gần nhà Khiêm, và qua cô hàng xóm, được nói chuyện với Lan qua điện thoại, được nhìn thấy một bà lão hom hem, và biết rằng từ khoảng 54 năm trước, một cô gái bán thân đã trở thành một người vợ hiền thục, một phụ nữ Việt Nam chân chính chỉ biết lo cho chồng bằng hết khả năng của mình, sau khi chồng chết, đã hỏa thiêu xác chồng và gửi trong nhà thờ. Cầu mong cho linh hồn bạn tôi, được an nghỉ vui vẻ khi biết rằng mình đã chọn đúng người vợ đích thực xứng đáng, dám bỏ hết mọi dĩ vãng xa hoa phù phiếm để sống đời đạm bạc bên một người chồng chẳng mang lại cho vợ một chút hạnh phúc nào. Lan như một đóa hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Thật đáng phục.
Từ FB Dieu Le