Nhà mình là người Hoa gốc (cả bên họ ba lẫn họ mẹ) nên vào những dịp lễ tết, cúng kiếng thì hầu như tất cả món ăn, bàn cúng, mâm lễ đều theo phong tục người Hoa cả. Trong ký ức của mình từ những ngày còn nhỏ, canh kỷ tử táo đỏ luôn là món canh thường trực trên mâm cơm gia đình khi có lễ tết.
Trước đây mình thường nghe bà nội bảo uống canh kỷ tử, ăn kỷ tử sẽ giúp mắt sáng. Nói thật thì lúc nhỏ mình không tin đâu, uống nhiều canh kỷ tử chỉ vì nó ngon thôi.
Nhưng sau này lớn rồi, tìm hiểu rồi mới biết “ông bà ta nói thì cấm có sai”, kỷ tử thật sự có thể giúp chúng ta sáng mắt ra đấy mọi người ạ.
Đối với một số bạn thì kỷ tử là món thảo dược có phần hơi lạ lẫm nên mình xin phép trích một số định nghĩa khoa học cho mọi người cùng tham khảo nhé.
KỶ TỬ LÀ GÌ?
Kỷ tử có tên khoa học Fructus Lycii, thuộc loại quả mọng họ Cà (Solanaceae). Được gọi bằng một số cái tên khác như: câu kỷ tử, địa tiên, thiên tinh, khởi tử, khước lão …
Quả căng mọng, hình trứng dài, bề mặt nhẵn, khi chín có màu đỏ sẫm rất đẹp. Bên trong là các hạt thân dẹt.
Kỷ tử xuất hiện nhiều ở các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản,… Nước ta thường phải nhập khẩu từ Trung Quốc về để đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người. Và thời gian gần đây, nhân dân vùng núi phía Bắc đã trồng được và bắt đầu lấy quả làm thuốc.
THU HOẠCH KỶ TỬ VÀ CÁCH DÙNG
Sau 3 năm gieo hạt, kỷ tử sẽ bắt đầu thu hoạch được và thường được thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, lúc đó quả đã chín chuyển sang màu đỏ. Sau khi hái về, đem đi rửa sạch sau đó phơi khô trong bóng râm đến khi vỏ bắt đầu nhăn lại thì mới đem ra ngoài nắng phơi tiếp. Hạt kỷ tử sấy khô có nhiều hình thức và cách thức sử dụng khác nhau tùy vào mục đích sử dụng của mỗi người. Người ta thường dùng quả tươi để ngâm rượu, dùng quả khô để nấu canh hoặc tán bột làm thuốc,…
TÁC DỤNG CỦA KỶ TỬ
Kỷ tử chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất bao gồm: vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm, chất xơ, chất chống oxy hóa,… Ngoài ra còn có 8 axit amin thiết yếu cùng với hàm lượng protein cao.
Tới đây thì mình đã hiểu vì sao ngày xưa bà nội bảo là phải chăm ăn kỷ tử rồi. Vì chất oxy hóa Zeaxanthin có hàm lượng cũng khá cao trong kỷ tử, nó giúp bảo vệ mắt khỏi các tia cực tím và các gốc tự do. Ngoài ra đây là biện pháp điều trị cho những người lớn tuổi bị thoái hóa điểm vàng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Cacbohydrate trong loại quả này làm cho khả năng điều chỉnh đường huyết hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi.
Trà kỷ tử long nhãn cũng là một biện pháp hữu hiệu nếu như bạn muốn thải độc gan hay làm mát gan. Không những vậy nó còn giúp hỗ trợ hồi phục sức khoẻ nữa.
Kỷ tử có mặt ở nhiều món ăn của người Hoa, đặc biệt là các món ăn tốt cho sức khoẻ như canh kỷ tử táo đỏ, cháo kỷ tử, chè dưỡng nhan, rượu kỷ tử, trà kỷ tử kết hợp với long nhãn hoặc hoa cúc,…
LỜI NHẮN NHỦ YÊU THƯƠNG GỬI ĐẾN MỌI NGƯỜI
Kỷ tử đóng vai trò là món ăn tuổi thơ của mình, không những ngon mà lại còn bảo vệ tốt cho sức khoẻ nữa. Ngại gì mà không nấu thử một nồi canh gà hầm kỷ tử táo đỏ, nó ngon gì đâu luôn.
Công thức nấu thì mọi người search trên mạng nhé chứ mình chỉ biết ăn chứ không biết nấu đâu
Nguồn: Group Sức khoẻ – Hành trang cuộc sống