KIM SÍ ĐIỂU BÁ NHƯ NÀO?

Hẳn mấy bác đã xem Tây Du Ký cũng biết đến con đại bàng đen mà Ngộ Không cũng phải nhờ cả Phật Tổ trợ giúp, vậy nguồn gốc con đại bàng đó trong truyền thuyết là như nào?

Garuda còn gọi là Kim Sí Điểu hay Ca-lâu-la là một loài chim thần trong văn hóa Hindu và cả Phật giáo. Garuda được miêu tả là có phần thân trên của một người đàn ông, sau lưng là đôi cánh, phần đầu, mỏ và móng vuốt giống như loài Đại Bàng hoặc Kền Kền. Ông là một vị thần, chúa tể của các loài chim và là vật cưỡi của Vishnu – vị thần của Sự Bảo Tồn (Preservation).

Truyền thuyết kể rằng Kasyapa là một nhà hiền triết quyền uy, có nhiều vợ, nhưng chỉ hai người vợ được ông yêu chuộng nhất là hai chị em Vinata và Kadru. Kadru đã sinh cho Kasyapa 1.000 quả trứng. Còn Vinata thì chỉ sinh cho ông 2 quả. 1000 quả trứng của Kadra nở ra 1.000 con rắn thần Naga. Những con rắn Naga này đã chọn cuộc sống ở thế giới bên dưới sâu trong đại dương.

Còn Vinata, dù bà đã chờ đợi rất lâu nhưng 2 quả trứng vẫn không có động tĩnh gì. Mất hết kiên nhẫn, bà đã đập vỡ một trong hai quả trứng để xem cái gì đang diễn ra bên trong. Trong quả trứng là một đứa trẻ đã phát triển phần thân trên nhưng không có 2 chi dưới. Khi biết mẹ là người đã gây nên sự dị dạng của bản thân, người con vô cùng giận dữ. Ông đã thốt ra lời nguyền rủa rằng: Mẹ ông sẽ trở thành nô bộc cho người chị em Kadru trong suốt 500 năm, rồi bay đi. Sau này, ông được biết đến với cái tên Aruna – người đánh xe ngựa cho thần Mặt trời Surya.

Một ngày nọ, Vinata và Kadru cùng đi dạo, họ bắt gặp một con ngựa bảy đầu. Một sinh vật xinh đẹp của thần mặt trời, cao lớn, toàn thân được phủ bộ lông trắng như tuyết. Vinata chắc chắn rằng toàn bộ cơ thể con ngựa là màu trắng, nhưng Kadru thì không bảo thế nên liền rủ Vinata cùng đánh cược – người nào sai sẽ làm nô lệ cho người thắng suốt đời.

Vinata rất tin tưởng vào những gì bà nhìn thấy, bà lập tức đồng ý đánh cược với Kadru. Cả hai người cùng tiến lại gần con ngựa để kiểm chứng, mà Vinata không hề biết rằng Kadru đã lén lệnh cho bầy con Naga của bà ta quấn chặt lấy đuôi con ngựa, làm cho khi tiến lại gần Vinata tưởng rằng đuôi của con ngựa có màu đen. Thế là Vinata nhận thua và phải chịu làm nô bộc hầu hạ Kadru.

500 năm sau, quả trứng còn lại của Vinata cuối cùng cũng đã nở, bên trong là một sinh vật nửa người nửa đại bàng mà chúng ta biết với cái tên – Garuda. Garuda ngay từ khi mới sinh toàn thân đã mọc đầy lông và có đôi cánh vàng tỏa hào quang chói lọi. Nó to lớn đến nỗi mỗi lần xòe cánh là có thể che lấp cả mặt trời, mỗi lần vỗ cánh thì khiến giông tố nổi lên, mặt đất nghiêng ngả. Các vị thần đã nhầm lẫn ánh hào quang từ đôi cánh của Garuda là ánh sáng của mặt trời. Vì thế, họ phải cầu xin Garuda thu nhỏ kích thước cơ thể để không che lấp mặt trời cũng như làm cả thế gian chao đảo mỗi lần bay lượn.

Khi Garuda nhìn thấy cảnh bà Vinata, mẹ mình phải làm nô lệ cho Kadru và bầy con, thần rất muốn giải thoát cho mẹ, nhưng giao ước đã lập ra thì đến cả các vị thần cũng không thể phá bỏ. Garuda đã thỏa thuận với những con rắn Naga là sẽ mang về cho chúng thuốc trường sinh để đổi lấy sự tự do cho mẹ.

Nóng lòng cứu mẹ, Garuda không quản ngại khó khăn, bay lên thiên giới để đánh cắp thuốc trường sinh. Bị các vị thần phát hiện, hai bên đã có màn combat hết sức nảy lửa. Và dù thiên binh vạn mã trên thiên đình đều hợp lực lao ra cùng lúc, nhưng tất cả đều bị Garuda đánh bại, bị hất văng và ngã nhào. Thậm chí, đến cả thần sấm sét Indra cũng đánh không lại, cuối cùng phía thiên giới phải chọn cách giải hòa và làm bạn với Garuda.

Ngay lúc đó, thần Vishnu xuất hiện. Ông là một trong ba vị thần tối cao đã sáng tạo ra vũ trụ và vạn vật trên thế gian. Vishnu hỏi chuyện và biết được tấm lòng hiếu thảo của Garuda nên đồng ý cho Garuda mang nước trường sinh bất tử đi. Biết ơn sự nhân từ của thần Vishnu, Garuda xin nguyện làm vật cưỡi cho ông.

Garuda sau đó đem nước trường sinh về cho bầy rắn, và cho chúng tin rằng để thuốc có tác dụng thì phải tắm rửa sạch sẽ, thế là bầy Naga rủ nhau xuống sông tắm và lọ nước trường sinh bất tử để trên bờ thì bị thần Indra lén mang về thiên giới.

Tuy giải thoát được cho mẹ, nhưng mối thù giữa Garuda và loài Naga vẫn chưa hề dứt, Kim Sí Điểu ôm hân, sẽ mãi săn đuổi bầy rắn thần để ăn thịt.

Trong sử thi Mahabharata viết rằng Garuda nổi tiếng chuyên ăn thịt rắn. Truyện được kể rằng ông định giết hoàng tử rắn Sumukha, may có Indra can thiệp. Sau đó, Garuda kiêu ngạo đã khoe khoang về chiến công của mình và so sánh mình ngang hàng với Indra. Thế nên, Vishnu đã dạy Garuda một bài học và làm cho ông bớt đi sự kiêu căng về sức mạnh của bản thân.

Cre: SAMURICE

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *