Thứ ba, ngày 20/05/2025 19:00 GMT+7
Nằm trong 11 tỉnh, thành không sáp nhập, Hà Tĩnh tự hào có 5 người con xuất chúng, nghìn đời sau vẫn ghi nhớ
Tào Nga Thứ ba, ngày 20/05/2025 19:00 GMT+7
Hà Tĩnh là 1 trong 11 tỉnh, thành không thuộc diện sáp nhập, đây là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, nhà yêu nước nổi tiếng tiêu biểu.
Hà Tĩnh sau khi sáp nhập
Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung bộ, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển Đông với bờ biển dài 137km.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, Hà Tĩnh cùng 10 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng.

Tỉnh Hà Tĩnh được thành lập lần đầu tiên năm 1831, đời vua Minh Mạng trên cơ sở chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía nam sông Lam).
Năm 1976, Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An, lấy tên là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Quốc hội Việt Nam khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh. Đặc biệt, Hà Tĩnh là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, nhà yêu nước nổi tiếng tiêu biểu như danh y Hải Thượng Lãn Ông, đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngô Ðức Kế, Huy Cận… Con người Hà Tĩnh nổi tiếng với truyền thống yêu nước, đóng góp nhiều vào công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Danh nhân ở Hà Tĩnh
Danh y Hải Thượng Lãn Ông
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra tại Hải Dương, tuy nhiên, ông sống nhiều năm (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời ở đây vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) thọ 71 tuổi.
Ông là một trong những đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam, được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.

Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm quan to dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Dụ Tôn tới bậc thượng thư.
Ông là con thứ bảy trong gia đình. Biệt hiệu Hải Thượng do hai chữ đầu tiên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng), nhưng cũng có thể do chữ Bầu Thượng là quê mẹ. Hải Thượng Lãn Ông nghĩa là ông lười. Lười ở đây là lười với công danh phú quý nhưng rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Đây là sự kiện lịch sử nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, không chỉ ghi nhận tài năng y học kiệt xuất, những đóng góp to lớn và lâu dài cho y học cổ truyền Việt Nam và thế giới mà còn đánh giá những di sản giá trị văn hóa, tư tưởng vượt thời gian mà ông để lại cho hậu thế.
Đại thi hào Nguyễn Du
Theo Gia phả họ Nguyễn – Tiên Điền, Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại kinh thành Thăng Long, Hà Nội. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775), quê ở xã Tiên Điền, nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từng làm quan đến chức Tể tướng dưới triều Lê.
Là con của gia đình quan lại, Nguyễn Du sớm phải từ bỏ cuộc sống giàu sang. Năm 10-13 tuổi, ông lần lượt mồ côi cha mẹ. Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, được tập ấm một chức quan võ của người cha nuôi họ Hà (Hà Mỗ) ở Thái Nguyên. Sau đó, Nguyễn Du lấy vợ là bà Đoàn Thị Huệ, người làng An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình) con gái của tiến sỹ Đoàn Nguyễn Thục.

Sau khi trở lại quê, dinh cơ của cha đã tan hoang, Nguyễn Du thốt lên “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (trở về Hồng Lĩnh, gia đình không còn, anh em lưu tán). Nguyễn Du được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ làm nhà để ở.
Với tài năng của mình, Nguyễn Du lần lượt được bổ nhiệm làm Tri huyện Phù Dung (phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam), được thăng Đông Các Đại học sĩ, tước Du Đức hầu (hàm ngũ phẩm), giữ chức giám khảo thi Hương ở Hải Dương; giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình, thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế cống Chánh sứ. Tháng 8 năm Canh Thìn (1820) vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (6/9/1820), Nguyễn Du bị cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế, hưởng thọ 55 tuổi.
Danh nhân Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39; người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ và làm quan qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân năm 24 tuổi, làm giáo thụ phủ Anh Sơn, Nghệ An, sau thăng làm tri huyện Quỳnh Côi, rồi tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình. Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan quản Nội thị Cảnh Nhạc bá.

Theo các nhà nghiên cứu, từ nhỏ ông nổi tiếng học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng nhưng lận đận nên đến năm 41 tuổi (1819) ông mới thi đậu giải nguyên (1820 – 1847) làm quan dưới triều Nguyễn.
Trong 28 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ bị giáng chức và cách chức 5 lần, nhưng ông luôn giữ được thái độ bình thản và cứng cỏi, sẵn sàng gánh vác trọng trách cũng như làm chu tất những việc tầm thường được giao. Nguyễn Công Trứ là người có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực. Ông có khoảng 150 tác phẩm, chủ yếu là thơ văn chữ Nôm, gồm có phú, hát nói, thơ đường luật. Ông là người mở hành lang mới vào thi ca quốc âm với thể thơ hát nói bình dân, nhiều bài đạt tới mức kinh điển, mẫu mực.
Triều Nguyễn, nhân dân đương thời ghi nhớ công ơn Nguyễn Công Trứ. Nhân dân các vùng khai hoang lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Ghi nhớ, tri ân, nhân dân đã gọi Nguyễn Công Trứ là Cố lớn Uy Viễn.
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng – Trần Phú
Nhà cách mạng Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 (năm Giáp Thìn) tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trần Phú là tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ năm 1918 – 1922, ông theo học tại Trường Quốc học Huế. Tháng 6/1922, đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Quốc học Huế, được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Đến năm 1925, ông tham gia Hội Phục Việt tại Vinh, sau đó Hội đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1926, ông sang Quảng Châu, Trung Quốc bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đến năm 1927, ông học ở trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva với bí danh là Licơvây.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930, ông được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm đó ông mới 26 tuổi.
Tổng Bí thư Trần Phú bị địch bắt vào tháng 4/1931 ở Sài Gòn (nay gọi là TP.HCM). Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dã man, xảo quyệt nhưng không khuất phục được Người chiến sĩ Cộng sản trung kiên Trần Phú. Sự tra tấn và đày ải của kẻ thù đã cướp đi Tổng Bí thư Trần Phú vào ngày 6/9/1931. Ông hy sinh ở tuổi 27.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, Đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”. Trong bài tưởng nhớ Đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương”.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Thân phụ đồng chí Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê.
Từ năm 1910-1919, ông học tiểu học ở Hà Tĩnh. Với thành tích thi đỗ thủ khoa, ông được đặc cách vào thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền học lên đại học, đồng chí xin đi dạy học và bổ nhiệm về dạy tại Trường Tiểu học Pháp – Việt, thị trấn Nha Trang. Từ năm 1929-1932, Hà Huy Tập học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Năm 1936, ông về nước hoạt động và triệu tập hội nghị cán bộ để bầu BCH Trung ương lâm thời. Tại hội nghị này, ông chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 1/5/1938, trong một chuyến đi công tác, do có nội phản chỉ điểm, Hà Huy Tập bị quân Pháp bắt tại Sài Gòn, sau đó bị quản thúc tại quê nhà. Ngày 30/4/1940, ông bị bắt lại và bị tuyên án 5 năm tù giam. Ngày 25/3/1941, tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đổi thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Ngày 28/8/1941, ông bị địch xử bắn tại ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn (Gia Định) cùng với Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu.