Khi chỉ còn lại tên tôi trên sổ hộ khẩu…
Vào một ngày bình thường năm 2016, sau khi hoàn thành ca trực và trở về phòng, tôi lấy điện thoại ra thì thấy 14 cuộc gọi nhỡ và một tin nhắn chưa đọc từ số lạ với nội dung: “Bác là bác trai của cháu, ở nhà xảy ra chút chuyện, nhận được tin nhắn thì gọi lại ngay cho bác!”
Lúc đó, tay chân tôi mềm nhũn cả ra, tôi biết chuyện này chắc chắn có liên quan đến bố tôi.
Hồi đó mẹ tôi dịu dàng nết na, bố tôi tài giỏi chăm làm, tôi thì học giỏi và cũng ngoan ngoãn, ngoài ra còn có một cô em gái đáng yêu. Gia đình bốn người chúng tôi sống rất hạnh phúc.
Năm đó tôi thi đỗ vào trường nội trú tốt nhất huyện. Kỳ thi giữa kỳ cuối cùng cũng kết thúc, tôi háo hức mong chờ đến thứ Sáu để về nhà. Hôm đó trời mưa to, tôi bước xuống taxi và chạy một mạch về nhà, toàn thân ướt sũng. Vào trong nhà chỉ thấy bố tôi đang hút thuốc trên sofa, căn nhà vui vẻ ngày nào giờ im ắng đến lạ, ngay cả chiếc TV cũng không được bật.
“Bố ơi, mẹ đâu ạ?”
“Thu dọn đồ đạc đi, bố đưa con đến chỗ mẹ con.”
“Bố nó gì thế? Mẹ con đi đâu rồi?”
“Hỏi nhiều làm gì, mau thu dọn đồ đạc đi!”
Đúng vậy, bố mẹ tôi đã ly hôn, một tờ giấy trắng với những nét mực màu đen đã chia cắt gia đình bốn người chúng tôi thành hai nửa, tôi theo bố, em gái theo mẹ. Do còn phải đi học ở đây nên tôi tạm thời ở cùng với mẹ, cuộc sống này cứ thế kéo dài đến khi tôi học năm 3 đại học.
Mấy năm nay, bố tôi ở ngoài chịu nhiều khổ cực, có lúc ăn nên làm ra, cũng có lúc thất bại cùng đường, mãi vẫn chưa có một mái ấm gia đình trọn vẹn. Câu ông hay nói là: “Con muốn gì thì nói với bố, bố mua cho.” Nhưng tôi cũng chẳng bao giờ đòi hỏi gì, ông vẫn đều đặn chuyển tiền sinh hoạt mỗi tháng cho tôi. Bố biết tôi thích mua một chiếc máy chơi game, thích một chiếc máy ảnh, một chiếc tai nghe ưng ý… Ông ấy biết con trai mình thích gì.
Suốt thời gian học cấp hai, mẹ lo cho tôi mọi thứ, tôi muốn gì bà đều đáp ứng. Bố vẫn đều đặn chuyển tiền trợ cấp cho chúng tôi. Lên đại học, càng chẳng có gì cần chi tiêu nhiều, nhưng bố lại cho tôi nhiều tiền hơn, gọi là một khoản “kinh phí yêu đương”, bố cho rằng tôi đã trưởng thành, rồi cũng phải yêu đương. Mỗi lần nhận được tin nhắn thông báo từ ngân hàng, tôi đều cảm nhận được tình yêu thương đầy ắp của bố dành cho mình. Tình yêu đó là tất cả những gì ông có thể làm.
Tôi bấm gọi lại cho bác, sau một hồi chuông reo, giọng nói địa phương đặc sệt vang lên trong tai tôi.
“Bố cháu đang làm trên công trường thì xảy ra tai nạn, giờ đang cấp cứu, cháu thu xếp đến bệnh viện Trịnh Châu một chuyến.”
“Cháu cần giấy tờ chứng minh để xin nghỉ, bác làm xong thì gửi cho cháu, cháu sẽ cầm nó để xin nghỉ phép.”
“………”
“Là giấy chứng tử đó bác, bác không cần giấu cháu đâu, cháu biết bố cháu đã không còn nữa rồi.”
“Cháu trai, bác sợ cháu nghĩ không chịu nổi cú đả kích này.”
“Cháu đang thu dọn đồ đạc, bác giúp cháu lấy mấy giấy tờ liên quan để chứng minh nhé.”
Chắc chắn sẽ có người hỏi tôi tại sao tôi không tin rằng bố tôi đang cấp cứu mà đã qua đời.
Có thể là trực giác mách bảo.
Cũng có thể là nghĩ kỹ một chút, rồi bị hiện thực vả cho một cái.
Vì sự việc cấp bách và quan trọng, thủ tục xin nghỉ phép được giải quyết rất nhanh, ngồi vài tiếng tàu cao tốc đã đến nơi. Người trong công ty bố đến đón tôi, ai nấy đều im lặng, đêm đó thực sự rất dài.
Sáng sớm hôm sau, tôi mua trái cây bố thích ăn, bia bố thường uống và thuốc lá bố thường hút, đến nhà tang lễ để gặp bố, khi đến nhà tang lễ thăm bố, cảm giác ớn lạnh toát ra từ chiếc quan tài khiến tôi ngơ ngẩn, đây có chắc là bố tôi không? Một người đàn ông to lớn rắn rỏi như vậy tại sao nói mất là mất chứ? Tôi vén tấm vải che trên người bố, sờ vào tai bố, từ nhỏ bố đã thích sờ tai tôi, hay nói tai tôi to, sờ vào rất mềm. Nhưng sao tai bố lại không hề mềm mại, lại còn lạnh toát, đôi lông mi dài cùng chiếc lông mày rậm giờ đây chỉ còn thấy như những mảnh băng vụn vỡ.
Tôi không thể chịu được nữa, người tôi mềm nhũn cả ra, nước mắt như con đập xả lũ, tràn ra không ngăn lại được. Không biết ai đã đỡ lấy vai tôi, định dìu tôi, tôi không để họ dìu, tự mình đứng dậy, lấy tay lau khô nước mắt. Tôi biết rằng, chắc hẳn giờ đây bố đang chờ tôi có thể tiễn ông ấy đi nốt đoạn đường cuối cùng.
Sau một tuần thương lượng và đàm phán về vấn đề bồi thường, công ty cử đến 4 người phụ trách, tôi đã quen với việc đùn đẩy trách nhiệm nhằm cắt xén tiền bồi thường, ngày thứ 5 tôi phải chuẩn bị thủ tục pháp lý, mãi đến ngày thứ 7 tôi mới nhận ra rằng, đã một tuần trôi qua nhưng tôi vẫn chưa thể đưa được bố về nhà, làm lễ an táng đàng hoàng cho ông ấy. Lúc đó tôi mới hiểu ra rằng, bao nhiêu tiền cũng không còn quan trọng nữa rồi, cũng chẳng biết những thủ tục pháp lý kia còn phải đợi thêm bao lâu nữa, lẽ nào tôi cứ phải để bố mình nằm cô quạnh trong chiếc quan tài lạnh lẽo giữa nhà tang lễ mãi hay sao?
Cuối cùng, đến ngày thứ 8, tôi đã ký xong thỏa thuận, sau khi đi công chứng thì tôi ngay lập tức trở về nhà với tro cốt của bố.
Tôi nhờ chú bác dọn dẹp sân nhà để tổ chức tang lễ tại đây. Trong ba ngày diễn ra tang lễ, tôi đã chứng kiến sự xấu xa và bản chất cấu xé, ăn thịt đồng loại của con người. Có những lúc, suy cho cùng huyết thống chẳng có giá trị gì cả. Bố tôi đã qua đời, chỉ còn một đứa sinh viên non nớt như tôi, thiếu kinh nghiệm xã hội. Nhìn cảnh họ phung phí tiền bạc cho các nghi lễ, đồ cúng, tiệc tùng, tôi rất tức giận nhưng cũng không muốn tranh cãi làm gì.
Thậm chí, khi đang túc trực bên linh cữu của bố, họ còn hỏi tôi về khoản tiền bố tôi đã vay. Tôi lạnh lùng lấy ra cuốn sổ của bố, bên trong ghi chép những khoản nợ được ghi chồng chéo, tôi nói: “Năm 2011, con trai bác lấy vợ, bố cháu cho bác vay 30 triệu, sau đó bác mở siêu thị bố cháu cho bác mượn thêm 15 triệu, tổng là 45 triệu, đến giờ vẫn chưa trả hết”. Nói xong thì tôi vứt cuốn sổ vào trong lò đốt giấy rồi bảo: “Sau này coi như chẳng ai nợ ai, cảm ơn bác đã lo chuyện hậu sự cho bố cháu.” Ông ta chẳng nói thêm lời nào, quay người bỏ đi, có ai tin được rằng người đàn ông ấy chính là bác cả của tôi không?
Chiều hôm sau, khi ăn xong bữa cơm thì tôi tới quỳ trước linh cữu bố để đốt vàng mã, lúc đó lại có thêm một ông bác tới châm điếu thuốc rồi ngồi cạnh tôi, nói rằng vì chuyện này mà ông ấy phải bay từ Tân Cương về, tiền vé máy bay bao giờ thì trả lại cho ông ấy. Tôi ném điếu thuốc mà ổng châm cho bố tôi, tôi nói tiền bạc thì cứ trừ hết vào những khoản nợ ông ta đã nợ bố tôi, ông ta phản pháo lại, bảo không có nợ nần gì bố tôi cả. Tôi cũng chẳng còn sức lực mà lấy thêm một cuốn sổ nào khác ra nữa, tôi chỉ nói rằng: “Bác là bác ruột của cháu, lúc sinh thời bố cháu và bác rất thân với nhau, nếu bác không thấy áy náy với lương tâm vì việc làm hôm nay thì cháu sẽ trả tiền vé máy bay cho bác.”
Ngoài ra, còn có không ít người lợi dụng tang lễ để đòi tiền tôi. Khi viết lại những dòng này, tôi vẫn cảm thấy như đang trong nằm trong cơn ác mộng. Tôi không thể tin được họ là người thân của mình, không thể tin rằng có chuyện con người tự cắn xé lẫn nhau. Giọng nói và biểu hiện của họ như in sâu vào tâm trí tôi, có lẽ sẽ ám ảnh tôi suốt đời.
Nhưng họ đã đánh giá thấp tôi rồi, mẹ luôn bảo tôi như tạc tượng từ bố mà ra, đi ra đường luôn tạo ra gió, h.út t.huốc luôn ngẩng cao đầu. Đúng vậy, những điều này tôi đều học được từ bố, ít nhất là khi đứng trước linh cữu của bố, tôi sẽ không làm ông ấy mất mặt, càng không thể làm mất đi sự khảng khái kiên cường của bản thân.
Đã 13 ngày kể từ khi khi chôn cất xong, tôi ở bên bố theo cách riêng của mình, tôi đưa ông ấy về nhà và cũng tiễn ông ra đi. Ngoại trừ lần ở nhà tang lễ và sau khi nghe tin bố mẹ ly hôn, còn lại những lần khác tôi đều không khóc. Lúc bấy giờ trên gương mặt tôi chỉ còn lại sự lạnh lùng vô cảm, tôi đã lo xong mọi chuyện đâu vào đấy.
13 ngày này, tôi sụt mất 7 kg.
Ngồi trên máy bay trở về trường, tiếp viên hỏi mắt tôi có phải đang khó chịu hay không, tôi mới nói là vì ngủ gật, sau đó tôi cuộn tròn trên ghế và bắt đầu bật khóc, nỗi tủi thân oan ức bấy giờ của một chàng thanh niên đã trào dâng lên một cách mạnh mẽ. Trên tay tôi nắm chặt cuốn sổ hộ khẩu, ở trong đó ngay lúc này chỉ còn mỗi tên của tôi. Nếu tôi chuyển đến một nơi khác, liệu có phải căn nhà này sẽ biến mất mãi mãi hay không?
Trước dịp Tết Trung thu, căn-tin của trường sẽ luôn chuẩn bị cho mỗi học sinh một chiếc bánh, ngoài ra cũng sẽ có một bữa tiệc gặp mặt, tôi ăn xong thì rời đi ngay, bạn học hỏi tôi không lấy bánh trung thu hả, tôi liền bảo mình không thích bánh trung thu. Chỉ có ông trời mới biết được rằng cả đời này tôi sẽ không bao giờ đụng vào một miếng bánh trung thu nào nữa. Bây giờ tôi vẫn còn đi học, vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, rảnh rỗi thì chơi game, đọc sách, ngày qua ngày đã rèn thành khuôn khổ cho bản thân. Chỉ là cảm thấy, hình như tương lai vẫn đang thiếu một thứ gì đó.
Tôi chợt nhớ đến một lời bài hát: “Em nói rằng nửa đời trước đành chỉ như thế thôi, nhưng ngày mai vẫn còn đó kia mà.”
Không có gì gọi là lạc quan hay bi thương, cũng chẳng có gì gọi là chiến đấu và cố gắng, tôi không biết mình muốn gì, không biết con đường kế tiếp phải đi làm sao, tôi càng không muốn tiêu tốn thời gian của mình để nghĩ về những điều như thế.
Cuối cùng, hi vọng mọi người có thể thường xuyên về thăm gia đình, ở bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.